2-Các Vua

SÁCH II CÁC VUA 1
BỐI CẢNH SÁCH II CÁC VUA
CÁC NƯỚC CÓ LIÊN QUAN.

*************************************





Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN.Cảm ơn Chúa cho chúng ta cùng tiếp tục học Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời.Chúa đã cho chúng ta học qua sách I Các Vua với những bài học quý báu từ những sự kiện, những nhân vật, để từ đó có thể rút ra những bài học cho đời sống của chúng ta ngày nay đối với Đức Chúa Trời và đối với mọi người.Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhờ ơn Chúa học sách II Các Vua.
Học sách II Các Vua chúng ta phải am tường những quốc gia làm bối cảnh cho sách lịch sử nầy.

  • Nước Sy-ri:

Lần đầu tiên xuất hiện tên nước Sy-ri trong II Samuên 8:5-6, “Dân Sy-ri ở Đa-mách đến tiếp trợ Ha-đa-đê-xe, vua Xô-ba; Đa-vít bèn giết chúng nó hai mươi hai ngàn người. Kế đó, người [hay vua Đa-vít] lập đồn trong Đa-mách xứ Sy-ri; dân Sy-ri phục dịch Đa-vít, và nộp thuế”.
Nhưng trong sách II Các Vua, sau khi nước Y-sơ-ra-ên bị suy yếu vì chia rẽ, thì nước Sy-ri có liên hệ nhiều.Sy-ri là một nước ở phía Bắc Y-sơ-ra-ên, thủ đô là Đa-mách, là một vùng đất cao.Tiếng Hi-bá-lai gọi Sy-ri là A-ram. Sau khi bị lưu đày tại Ba-by-lôn trở về, vì thời gian 70 năm bị lưu đày khá dài, người Y-sơ-ra-ên bị ảnh hưởng tiếng Sy-ri, nên đến đời Tân Ước khi Chúa Jêsus sống trên đất, tiếng A-ram được sử dụng trong giao dịch hằng ngày. Kinh Thánh ghi lại vài chỗ Chúa Jêsus đã nói tiếng A-ram hoặc tiếng theongôn ngữ Sy-ri, nhất là trong sách Mác, như:

  • Mác 5:41, Chúa Jêsus phán với con gái của Giai-ru là quan cai nhà hội, khi Chúa Jêsus chữa lành cho con gái nầy: “Ngài nắm tay nó mà phán rằng: Ta-li-tha Cu-mi; nghĩa là: Hỡi con gái nhỏ, ta truyền cho mầy, hãy chờ dậy”.
  • Mác 7:34, “Đoạn, Ngài ngửa mặt lên trời, thở ra mà phán cùng người rằng: Ép-ra-ta! nghĩa là: Hãy mở ra!
  • Mác 15:34, “Đến giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng rằng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta ni? Nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?

Riêng trong sách II Các Vua đoạn 5 ghi câu chuyện Quan Tổng binh của Sy-ri là Na-a-man đến nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc xin Tiên tri Ê-li-sê chữa lành bịnh phung, một câu chuyện rất hay như sau: “Na-a-man, quan tổng binh của vua Sy-ri, là một người có quyền trước mặt chủ mình, được tôn trọng lắm, bởi vì Đức Giê-hô-va dùng người giải cứu dân Sy-ri; người nầy vốn mạnh mẽ và bạo dạn, song bị bịnh phung.Vả, có một vài toán dân Sy-ri đi ra bắt một đứa gái nhỏ của xứ Y-sơ-ra-ên làm phu tù, để hầu hạ vợ Na-a-man. Một ngày kia, nó nói với bà chủ mình rằng: Ôi! Chớ chi chúa tôi đi đến cùng ông tiên tri ở Sa-ma-ri! Người sẽ giải cứu chúa tôi khỏi bịnh phung. Na-a-man đem các lời nầy thưa lại cho chúa mình, mà rằng: Đứa gái nhở ở xứ Y-sơ-ra-ên có nói thể nầy thể nầy. Vua Sy-ri đáp: Hãy đi, ta sẽ gởi thơ cho vua Y-sơ-ra-ên. Vậy, Na-a-man đi đem theo mình mười ta lâng bạc, sáu ngàn đồng vàng, và mười bộ áo. Người đem bức thơ dâng cho vua Y-sơ-ra-ên; thơ rằng: Khi thơ nầy đạt đến vua, kìa ta đã sai Na-a-man, đầy tớ ta đến cùng vua; vua tiếp được bức thơ nầy, ấy để vua giải cứu bịnh phung cho người. Khi vua Y-sơ-ra-ên đọc thơ rồi, liền xé quần áo mình, và nói rằng: Ông ấy sai người đến cùng ta để ta chữa khỏi bịnh phung cho họ, ta há phải là Đức Chúa Trời, có quyền làm sống làm chết sao? Khá nên biết và xem thấy rằng người tìm dịp để nghịch cùng ta”.
“Khi Ê-li-sê, người của Đức Chúa Trời, hay rằng vua Y-sơ-ra-ên có xé quần áo mình, thì sai nói với người rằng: Cớ sao vua xé quần áo mình? Na-a-man hãy đến tôi, ắt người sẽ biết rằng trong Y-sơ-ra-ên có tiên tri”.
“Vậy, Na-a-man đến với ngựa và xe, dừng tại cửa nhà Ê-li-sê. Ê-li-sê sai một sứ giả nói với người rằng: Hãy đi tắm mình bảy lần dưới sông Giô-đanh, thịt ngươi tất sẽ trở nên lành, và ngươi sẽ được sạch. Nhưng Na-a-man nổi giận, vừa đi vừa nói rằng: Ta nghĩ rằng chính mình người sẽ đi ra đón ta, đứng gần đó mà cầu khẩn danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người, lấy tay đưa qua đưa lại trên chỗ bịnh và chữa lành kẻ phung. A-ba-na và Bạt-ba, hai sông ở Đa-mách, há chẳng tốt hơn các nước trong Y-sơ-ra-ên sao? Ta há chẳng tắm đó cho được sạch hay sao? Vậy người trở đi và giận dữ”.
“Những tôi tớ đến gần người, mà thưa rằng: Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao? Phương chi rày người bảo cha rằng: Hãy tắm, thì được sạch. Người bèn xuống sông Giô-đanh, và tắm mình bảy lần, theo như lời truyền của người Đức Chúa Trời. Người liền được sạch, và thịt người trở nên như trước, giống như thịt của một đứa con nít nhỏ” (5:1-13). Thật tuyệt vời! Tuyệt vời quyền năng của Đức Chúa Trời; tuyệt vời cách thuật truyện của tác giả sách II Các Vua.
Tiếp đó, sách II Các Vua đoạn 6 và đoạn 7, Kinh thánh ghi thuật cuộc giải cứu thành Sa-ma-ri khỏi quân Sy-ri, cũng kỳ diệu không kém. Ngoài ra, sách II Các Vua cũng ghi lại nhiều lần vua nước Sy-ri đánh phá nước Y-sơ-ra-ên, như:

  • 8:7-15, sách đã thuật lại một cuộc giết vua cướp ngôi của người tên Ha-xa-ên sau khi nghe tiên tri Ê-li-sê cho biết người ấy sẽ làm vua Sy-ri. Kinh thánh ghi: “Ngày mai, Ha-xa-ên lấy cái mền nhúng nước, đắp trên mặt Bên-Ha-đát, thì người chết. Rồi Ha-xa-ên làm vua thế cho người”.
  • 12:17-18, chính Ha-xa-ên nầy đúng như lời tiên tri Ê-li-sê đã báo trước, đã xâm phạm đất Gát, dự định xâm phạm Giê-ru-sa-lem của Giu-đa,khiến vua Giu-đa là Giô-ách phải lấy những vật thánh được các tiên vương biệt ra thánh cho Chúa, luôn với các vật thánh của mình, và hết thảy vàng ở trong kho tàng của đền thở Đức Giê-hô-va và ở cung vua, gởi dâng cho Ha-xa-ên, vua Sy-ri; vì cớ ấy, Ha-xa-ên đi khỏi Giê-ru-sa-lem.
  • 13:3-5, trọn đời Giô-a-cha, cùng con trai là vua Giô-ách, vua Y-sơ-ra-ên, đánh giặc cùng vua nước Sy-ri, Chúa có thương xót ban cho vua Giô-a-cha thắng hơn Sy-ri. Rất tiếc vua Giô-a-cha và dân Y-sơ-ra-ên không ăn năn (22-25).
  • 16:5-18, tai hại là liên minh giữa vua Rô-xin của Sy-ri với vua Phê-ca của nước Y-sơ-ra-ên cùng tiến đánh Giê-ru-sa-lem của vua A-cha nước Giu-đa, thì vua A-cha lại lấy bạc và vàng có ở trong đền thờ Đức Giê-hô-va và ở trong đền vua, gởi làm của lễ cho vua A-si-ri, nhờ đó vua A-si-ri đánh diệt Đa-mách. Nhưng cũng chính việc nầy khiến vua A-cha đem tượng thần A-si-ri vào đền thờ thay Chúa.
  • Nước A-si-ri:

Đây là một Đế quốc rộng lớn từ thế kỷ thứ 7 TC., cũng có tên là A-su-rơ (Dân. 24), và A-su (Dân. 24:24). Ngày nay là nước Iraqvới thủ đô là Ni-ni-ve, ngày nay là Baghdad.
Sách Sáng-thế ký trong Kinh thánh, đoạn 10:8-12, cho chúng ta biết nguồn gốc Đế quốc A-si-ri là do Nim-rốt thành lập. Bản tánh Nim-rốt là người làm anh hùng trên đất, một tay thợ săn can đảm, nên di truyền dòng dõi dân A-si-ri sau nầy hung dữ, thường cướp phá nhiều nơi. Lịch sử thế giới cổ cho biết quân A-si-ri đếm chiến công bằng cách đếm đầu quân địch bỏ vào cái giỏ treo nơi đầu ngựa của họ. Chánh sách của A-si-ri là xóa bỏ ranh giới các nước bằng cách đày các dân mà họ chính phục tan lạc giữa các nước. Đó là lý do có tài liệu cho rằng người nước Anh là dòng dõi 10 chi phái Y-sơ-ra-ên bị đày đã tràn sang phía Tây hình thành.
Sách Các II Vua 16:7-9 ghi sự xuất hiện của vua A-si-ri để từ đó Đế quốc A-si-ri dòm ngó và chiếm nước Y-sơ-ra-ên. Đoạn 17:6 ghi lại sự kiện A-si-ri chiếm Sa-ma-ri thủ đô của Y-sơ-ra-ên (17:24), đem dân Y-sơ-ra-ên đày đi các xứ khác, và đem các dân khác đến Sa-ma-ri.Bởi đó, về sau, tạo ra một giống người Y-sơ-ra-ên lai, nên bị người Y-sơ-ra-ên thuần gốc khinh ghét được gọi là dân Sa-ma-ri (Giăng 4:9).
Sách II Các Vua 19:19, đế quốc A-si-ri tấn công Giê-ru-sa-lem. Đây là một trận quyết định, kết quả lời cầu nguyện của vua Ê-xê-chia được Chúa nhậm, đạo quân A-si-ri bị tiêu diệt trong một đêm (19:35).Kinh thánh ghi: “Trong đêm đó, có một thiên sứ của Đức Giê-hô-va đi đến trong dinh A-si-ri, và giết một trăm tám mươi lăm ngàn người tại đó. Sáng ngày mai, người ta thức dậy, bèn thấy quân ấy, kìa, chỉ là thây đó thôi.San-chê-ríp, vua A-si-ri, bèn trở về, ở tại Ni-ni-ve. Một ngày kia. Người thờ lạy trong chùa Nit-róc, thần của mình, thì A-tra-mê-léc và Sa-rết-se giết người bằng gươm; đoạn chúng nó trốn trong xứ A-ra-rát.Ê-sạt-ha-đôn, con trai người, kế vị người” (19:35-36).
Nước A-si-ri có liên hệ nhiều đến Kinh Thánh, các sách Tiên tri thường đề cập, đặc biệt là sách Giô-na, Na-hum, Sô-phô-ni.
Đế quốc A-si-ri sụp đổ bởi liên minh giữa Ba-by-lôn, Medes, và Scythes, bộ tộc phía nam biển Caspians vào năm 612 TC.

  • Nước Ba-by-lôn:

Có lẽ đây là dòng dõi của Cúc được ghi trong sách Sáng thế ký 10:6-10, chung một gốc với người Ai-si-ri. Khởi lập quốc vào năm 3.750 TC.
Ba-by-lôn có liên hệ rất nhiều với Kinh Thánh và lịch sử của Y-sơ-ra-ên.
Năm 538 TC.Đế quốc Ba-by-lôn bị liên minh Mê-đi và Ba-tư tiêu diệt.Nhưng trong tương lai trước ngày Chúa Jêsus Christ tái lâm, có một thế lực được dấy lên mà Kinh Thánh mô tả là nước Ba-by-lôn Lớn (Khải. 17 - 19).
Nhận xét:

  • Từ đoạn 14 đến cuối sách là đoạn 22 sách I Vua,, tức là từ lúc vương quốc Y-sơ-ra-ên phía Bắc được thành lập đến đời vua A-cha-xia, tất cả độ 86 năm.
  • Trong vòng 86 năm, vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm 10 chi phái phía Bắc có 8 vị vua, tất cả đều làm ác, tức là thờ lạy hình tượng, không kính sợ Chúa, không làm theo Lời Chúa dạy.
  • Nếu kể luôn đến sách II Các Vua đoạn 17, nghĩa là đến khi vương quốc Y-sơ-ra-ên phía Bắc bị Đế quốc A-si-ri tiêu diệt, bắt dân Y-sơ-ra-ên lưu đày tan lạc khắp Đế quốc, thì những vua cai trị Y-sơ-ra-ên là những người giết vua tiền nhiệm giành giựt ngai vị làm vua. Điển hình là sách I Các Vua ghi có những vua cai trị chỉ hai năm, thậm chí có vua cai trị chỉ có bảy ngày, không một vua nào vì Chúa, vì nước vì dân.

Chúa phán: “Những người ác chẳng hưởng sự bình an bao giờ, Đức Giê-hô-va phán vậy… Đức Chúa Trời ta đã phán: Những kẻ gian ác chẳng hưởng sự bình an” (Ê-sai 48:22; 57:21). Lời Chúa cũng phán với kẻ ác: “Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất nghĩa khá bỏ các ý tưởng; hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào” (Ê-sai 55:7), đó là lý do Đức Chúa Trời đã sai nhiều tiên tri đến rao giảng sự ăn năn cho dân Chúa cả hai miền Nam Bắc, rất tiếc, cả hai đều không hạ mình ăn năn, dẫn dến án phạt của Đức Chúa Trời trên dân Chúa phải thi hành, như Chúa phán: “Đức Giê-hô-va lại phán cùng ta rằng: Sự cuối cùng đã đến trên dân Y-sơ-ra-ên ta; ta sẽ không vượt qua nó nữa” (A-mốt 8:1-2).