Con Đường Thập Tự

DU HÀNH


Cầm lịnh trục xuất trong vòng bảy ngày, tôi không biết làm gì hơn là đến gặp vài vị lãnh đạo Giáo hội, xin được can thiệp, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời là không thể với vẻ mặt đầy sợ sệt. Cuối cùng tôi và Nhà tôi cầu nguyện với Chúa và đi đến gặp ông Ba Dân là Phó Ban Tôn Giáo Thành phố. Ông nầy dường như biết rõ trường hợp của tôi, nên ông vào đề ngay bằng cách yêu cầu tôi xuất trình giấy chứng minh tôi và gia đình có gốc ở Thành phố. Tôi đã nộp đầy đủ theo yêu cầu. Hai tuần sau, theo hẹn của ông Ba Dân, tôi trở lại Ban Tôn Giáo Thành phố, vừa bước vào, ông Ba Dân đã đứng lên bắt tay tôi và chúc mừng tôi, lý do Sở Công An đã chấp thuận, nhưng với điều kiện, ông nói: “Nó (ông ám chỉ bên Sở Công An) đã lỡ đuổi anh rồi, bây giờ anh phải nhượng bộ 50%, nghĩa là ‘nó’ bằng lòng cho anh ở Thành phố, nhưng phải ra khỏi 30 Hồ Hảo Hớn”.
Nói thì dễ, nhưng gia đình tôi ở đâu? Suốt bao nhiêu năm hầu việc Chúa, bao nhiêu tiền bạc Chúa cho chúng tôi có qua tiền Truất Hữu Ruộng Ðất theo luật Người Cày Có Ruộng năm 1972, mà bà gia tôi đã cho, thì đã cùng với bà dâng hết vào việc xây dựng nhà thờ tại Túc Trưng rồi. Những gì chúng tôi còn được thì đã tiêu tan trong những năm tháng tôi bị tù. Từ ngày tôi ở tù về (năm 1980), bị bịnh gần chết, rồi bị bắt lần thứ hai, đến nay (1987), chúng tôi sống mỗi ngày phải cầu nguyện xin Chúa tiếp trợ. Tôi có cảm tưởng nếu ngày nào chúng tôi không cầu nguyện xin Chúa tiếp trợ, thì ngày đó chúng tôi không có gì để ăn. Tôi nghe nói có một con cái Chúa rao bán căn nhà với giá 8 lượng vàng, vì đã mua căn nhà khác lớn hơn, tôi đến gặp và xin được mua trên danh nghĩa hoặc trả góp cách nào đó, mục đích là để giải quyết vấn đề Hộ khẩu; nếu giải quyết được vấn đề Hộ khẩu tức là giải quyết vấn đề bổ nhiệm chức vụ. Rất tiếc con cái Chúa không thể bán cho tôi, dù họ không cần tiền, và đã có nhà mới rồi.
Một buổi chiều ba mươi Tết, một con cái Chúa (nay là Mục sư Ðoàn Hưng Linh) gặp tôi và nói: “Sáng mai, em sẽ đến xông nhà của Mục sư”. Tôi về nhà thấy lòng tủi tủi, tức cảnh sinh tình mấy vần thơ:
Ðất tôi chúng giựt từ năm ngoái,
Nhà tôi đã bán tự thuở nào.
Bây giờ tôi sống trong thần thoại,
Chỉ còn trông đợi Chúa trên cao
Chúng tôi cứ sống trong tình trạng không giấy tờ tùy thân, không Hộ khẩu qua từng năm tháng, có những lúc phải lấy Lời Chúa trong thư Hêbơrơ 11:38 để tự an ủi, “Thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc rày đây mai đó, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi”.
Ðặc biệt hơn nữa là từ năm 1982, khu nhà 30 Hồ Hảo Hớn nầy, trong đó có gia đình Cụ Mục sư Ðoàn văn Miêng, Phó Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt-nam, vợ chồng cô Trang + Thiên Dân giúp việc cho gia đình Cụ Phó Hội Trưởng, ông bà Mục sư Trí sự Huỳnh Tiên, với gia đình chúng tôi, mỗi năm ít nhất bị ba lần xét nhà vào những dịp Lễ của Nhà Nước. Mỗi lần xét nhà là đầy phiền phức, họ (Công An) đến vào lúc 11 hoặc 12 giờ khuya, họ vào cả phòng ngủ riêng của Cụ Mục sư Phó Hội Trưởng lục soát thật tận tình, bất chấp những nơi tế nhị cần lịch sự; họ có thể tịch thu bất cứ thứ gì mà họ cho là nghi ngờ, như quyển Thánh Kinh Lược Khảo, một cuộn băng Video, một cuộn băng Cassette. Dĩ nhiên họ làm biên bản tạm giữ nhưng chẳng bao giờ trả lại. Việc xét nhà nầy quen thuộc đến nỗi trong chúng tôi cũng đoán được gần đúng ngày họ đến.
Ðôi ba tháng Công An Quận I lại kêu tôi và Mục sư Huỳnh Tiên đến để ra lịnh phải rời khỏi Cơ sở Tổng Liên Hội nầy. Có lần họ kêu cả Mục sư Phó Hội Trưởng lên, buộc Cụ Mục sư Phó Hội Trưởng phải ký tên vào Biên bản cam kết không cho tôi và Mục sư Tiên ở trong Cơ sở nữa. Tôi đã xin Cụ Mục sư Phó Hội Trưởng đừng ký vì việc nầy là giữa chúng tôi với Tổng Liên Hội do Cụ Mục sư Hội Trưởng cho phép chúng tôi ở. Cảm ơn Chúa, lằng nhằng mãi rồi cũng qua từng tháng.
Cảm ơn Chúa, dù không hề có một thứ giấy tờ tùy thân trong người, Chúa cho các con tôi được đi học xong lớp 12; dù không được thi vào Ðại Học chính thức, nhưng lần lần rồi cũng qua được từng bước, vào Ðại Học mở rộng.
Riêng phần tôi, Chúa cho các Hội Thánh dành cho sự yêu thương, nên cho tôi góp phần giảng dạy, huấn luyện nhân sự về Chứng đạo, Lời Chúa. Chúa cũng cho tôi và Mục sư Phạm An Vui (Mục sư Vui cũng ở tù nhiều năm) hiệp nhau tổ chức những khóa học gọi là Khóa Ghê-đê-ôn dành cho các con cái Chúa muốn dâng mình hầu việc Chúa.
Lần đầu tiên Khóa học tổ chức ở Dầu Giây, số học viên trên 30 người. Chúng tôi ngồi dưới đất trong vườn cây trái của một tín đồ. Buổi sáng tôi vừa dạy được khoảng hai tiết, thì có mấy người du kích an ninh tới hỏi thăm. Sau khi họ đi, chúng tôi lập tức chuyển nơi khác. Thời ấy hầu hết đều đi xe đạp cực khổ, còn chở thêm người nào không có xe. Ðường sá lầy lội khi gặp mưa, ăn uống kham khổ, vì đâu có ai tài trợ, bảo trợ. Chủ yếu là làm sao có cơm ăn, còn thức ăn chủ yếu là chao, rau muống, hoặc cải trời có sẵn trong vườn, tối thì phân tán vào nhà tín đồ. Khóa học như vậy chỉ học hai hoặc nhiều lắm là ba ngày. Những ngày đó đầy ắp kỷ niệm giữa các anh em học viên, họ học với tất cả lòng khao khát, vui thỏa, trong khi lúc nào cũng sẵn sàng ‘di tản chiến thuật’.
Có lần chúng tôi dạy trong khu vực kinh tế mới Xã Lộ 25,  buổi chiều di tản ra Dầu Giây, trên đường chúng tôi đi, chúng tôi mắc một trận mưa thật to, vừa ướt vừa bị đất sét dính xe đạp, không ai chạy xe được, khốn khổ nữa là phải vác xe lên vai còn chân phải bấm chặt từng bước đoạn đường dài 12 cây số trơn trợt, vắng vẻ.
Chúa cho Mục sư Phạm An Vui chịu khó di chuyển như con thoi qua các Hội Thánh kêu gọi các học viên, lo tổ chức, còn tôi lãnh nhiệm vụ là dạy. Ðược đôi ba Khóa, thì Chánh quyền gọi Mục sư Trần Bá Thành lên hạch hỏi. Thế là có lịnh từ Ðịa Hạt cấm tổ chức. Chúng tôi rất tiếc là phải chi Ðịa Hạt trả lời là không biết hay không chịu trách nhiệm, để chúng tôi tự làm tự chịu.
Dù vậy, từ những Khóa học đơn sơ như vậy, Chúa cho hình thành những lớp đào tạo các Truyền Ðạo Tình nguyện sau nầy do Mục sư Lê Khắc Hóa đứng ra tổ chức, tôi được mời cộng tác dạy một số môn học.
Trong một buổi họp tại Nha-trang, chúng tôi được thông báo là Tổng Liên Hội đã yêu cầu Mục sư Phạm Xuân Thiều (lúc đó là Viện Trưởng Thần Học Viện trên danh nghĩa, vì chưa có Trường) là người trước đây được Tổng Liên Hội ủy thác lo bổ túc cho các anh em học Thần Học Viện dở dang sau năm 1975, hiện đang hầu việc Chúa. Việc đang tiến hành tốt đẹp tại các Ðịa Hạt (trừ Hạt Ðông Nam Bộ), thì Mục sư Thiều bị Bộ Nội Vụ (Bộ Công An) gọi đến điều tra. Chánh quyền biết luôn cả ba lượng vàng mà Cụ Mục sư Hội Trưởng Ông văn Huyên giao cho Mục sư Thiều làm chi phí điều hành cho Chương trình Bổ Túc. Trước tình thế bất ổn từ bên trong, Mục sư Thiều phải gởi thư cho Tổng Liên Hội giao lại số vàng trên, đồng thời hủy bỏ Chương trình bổ túc. Chúng tôi là những người đang họp gồm Mục sư Nguyễn Lâm Hương, Mục sư Lê văn Thiện, Mục sư Nguyễn Ngọc Thuận, Mục sư Lê Khắc Hóa và tôi, nhờ ơn Chúa tiếp tục Lớp Truyền Ðạo Tình Nguyện nầy với mục đích chuẩn bị người hầu việc Chúa cho những năm tới, đang khi chờ đợi Thần Học Viện được chánh thức mở cửa. Chúng tôi tính rằng, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ Chánh quyền và từ những người muốn lập công với Chánh quyền, nhưng nếu cứ ngồi chờ Chánh quyền cho phép mở cửa Thần Học Viện, thì chưa biết đến khi nào; trong khi thế hệ đi trước lần lượt từ giã Hội Thánh về với Chúa hoặc đi nước ngoài. Chúng tôi quyết định cứ dạy, ngày nào Chúa cho Thần Học Viện được mở cửa, các anh em Truyền Ðạo Tình Nguyện nầy sẽ được đưa về học một năm cuối, nhờ vậy sẽ đốt giai đoạn.
(Rất tiếc khi soạn Hiến Chương cho Hội Thánh chung, không biết vì lý do nào những người soạn đã bỏ qua những Truyền Ðạo Tình Nguyện nầy, không ghi vào Hiến Chương, nên khi có tư cách pháp nhân, các anh em không được Chánh quyền công nhận, mà Giáo hội cũng không chịu nhận, mặc dù Ðịa Hạt Nam Trung Bộ đã mau lẹ hợp thức hóa cho anh em trước khi Ðịa Hạt giải thể theo qui định của Hiến Chương).
Thực tế, những Khóa Truyền Ðạo Tình Nguyện nầy nhờ Mục sư Lê Khắc Hóa kiên trì lo liệu từ những ngày đầu tiên, sau đó được Ban Trị Sự Ðịa Hạt Nam Trung Bộ nhìn nhận, chánh thức cử Mục sư Lê văn Thiện đặc trách cùng Mục sư Hóa tổ chức và điều hành. Trước ngày giải thể cấp Ðịa Hạt theo Hiến Chương mới, Ban Trị Sự Ðịa Hạt Nam Trung Bộ đã cấp Chứng Chỉ cho các anh em trước khi giao lại cho Tổng Liên Hội. Nhưng đáng thương cho các anh em đã chịu cực khổ ‘học chui’, ‘học chạy’, rồi ra những địa phương chịu nhiều bắt bớ, có người bị đánh đập, giam cầm, có người vì ở nơi rừng sâu nước độc nên con cái sinh ra bị bịnh, bị suy dinh dưỡng èo uột. Vậy mà họ không được Giáo hội công nhận.
Tôi thật cảm động khi thấy Mục sư Lê Khắc Hóa yên lặng chịu đựng những lần bị điều tra, hạch hỏi, hăm dọa của Chánh quyền, nhất là Chánh quyền tỉnh Thuận Hải, anh em hay gọi là tỉnh ‘Kinh Hải’. Tôi cũng không biết Mục sư Hóa tìm nguồn tài chánh ở đâu để điều hành mấy năm dài những Khóa học, có lúc thì anh em chúng tôi đến dạy có được chút ít tiền lộ phí (không phải tiền bồi dưỡng), có lúc cơm nhà áo vợ đến dạy. Ðặc biệt nhất là dù Mục sư Hóa không dạy môn học nào, nhưng ông luôn có mặt những lúc đầu giờ là những giờ Học viên làm chứng để khích lệ học viên cầu nguyện, nghe các Học viên thuật lại sau những tháng về địa phương thực tập, những vui buồn, rồi cùng các Học viên quỳ gối cầu nguyện. Những bữa ăn dù tài chánh rất hạn chế (tôi không biết từ đâu, ngoài ra từ Chúa), nhưng bà Mục sư Hóa và các con trong gia đình đã đồng công với ông lo rất chu đáo. Lâu lâu do bà muốn cho anh em Học viên ăn ngon một chút, bà ra chợ mua đồ biển (vì Bình tuy là vùng biển), đem về cho anh em một bữa cuốn rau sống. Rủi cho anh em hình như quen ăn cực rồi, nên khi ăn ngon lại không ngủ được cả đêm. Những ngày học (hai hoặc ba ngày mỗi tháng hoặc hai tháng, tùy tình hình và tùy tài chánh cho anh em Học viên, nhất là phần lộ phí cho các anh em ở xa về học), là những ngày căng thẳng, vì phải giữ yên lặng tuyệt đối. Các Học viên được lịnh là vào nơi học thì không được ra ngoài, không nói lớn tiếng, … Dù vậy, Chúa cho lần lần chúng tôi cũng cứ nhóm cầu nguyện sáng hoặc tối thì hát ngợi khen Chúa vui vẻ. Cảm ơn Chúa, sự bình an của Ðức Chúa Trời vượt quá sự hiểu biết của chúng tôi, Chúa đã giữ gìn chúng tôi trọn vẹn, chưa lần nào bị khó khăn.
Về các Học viên. Tôi thật cảm ơn Chúa khi thấy các anh em thật chịu khó chịu cực để học và hầu việc Chúa. Tôi phải công nhận rằng anh em học rất nghiêm túc, tất cả đều là những người có trình độ thuộc linh và trình độ Kinh Thánh tốt. Các anh em luôn có những câu hỏi bất ngờ, thường tranh luận sôi nổi, khi học môn Thần học với tôi. Tôi thú thật là rất sợ chấm bài thi của anh em, vì mỗi lần các anh em làm tiểu luận về Kinh Thánh hay Thần học, thì hầu như người nào cũng làm cả một quyển tập 100 trang, chữ ôi là chữ, khiến tôi đọc ngán ơi là ngán. Mà không đọc kỹ, chắc chắn các anh em sẽ không bỏ qua. Mỗi lần về học, hoặc sau khi ra Hội Thánh chánh thức (chánh thức theo diện ‘chui’, liều mạng bám trụ), khi gặp nhau, các anh em đã kể cho tôi nghe biết bao là gian khổ trong chức vụ, tôi nghe mà thương mà ngậm ngùi, vì đâu có ai ngoài Chúa biết họ. Trong khi đó, bao nhiêu người ở Thành phố, ở Hải ngoại, sống bình an, sung sướng. Tôi ước chi những người sung sướng đó nhín ra một chút dư thừa của mình, thì các anh em nầy đâu đến nỗi và được an ủi biết bao nhiêu. Họ đưa cho tôi xem những hình ảnh các lớp học Kinh Thánh tại địa phương để tiếp tục áp dụng điều họ học phương pháp môn đồ hóa, các lớp dạy Thiếu nhi là những cách truyền giảng Tin Lành hữu hiệu, những căn nhà nhóm lại bằng vật liệu nhẹ, đơn sơ, … Họ rất vui mà kể, mà nói, mà khoe. Anh em có biết đâu từ đáy lòng của tôi, tôi cảm thấy hổ thẹn vì mình chưa xứng đáng chịu khổ như anh em, chưa trung tín như anh em, vậy mà anh em lại coi mình là ‘Thầy’. Ngồi nghe những khó khăn trong chức vụ, cần được vài lời hướng dẫn giải quyết, hoặc được cầu nguyện cho, tôi cảm nhận Chúa yêu thương tôi nhiều lắm, vì trong cái yếu đuối của mình, cái hoạn nạn của mình, Chúa cũng còn cho tôi giúp được anh em, như Sứ đồ Phaolô nói trong thư II Côrintô 1:4, Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhơn sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp.
Khi tôi đọc quyển “Dám Sống Bên Bờ Vực” của ai đó tặng tôi, tôi chợt nghĩ ‘bờ vực’ mà Chúa cho tôi đứng bên còn lớn hơn và sâu hơn của tác giả quyển sách đó. Ở giữa một thành phố đông dân nhất nước, giàu có nhất nước, chúng tôi có một gia đình sáu người không có một giấy tờ hợp pháp để tùy thân, không một căn bản kinh tế nào để sống, mỗi ngày gia đình chúng tôi phải nhóm cầu nguyện Gia Ðình Lễ Bái, để ngợi khen Chúa trong gia đình, để đọc một đoạn Kinh Thánh, để tập các con cầu nguyện, và để cùng nhau đọc bài cầu nguyện chung ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’ nhắc Chúa nhớ câu Chúa dạy: “xin cho chúng con đồ ăn đủ ngày”.
Chúng tôi đã giữ những giờ cầu nguyện Gia Ðình Lễ Bái nầy từ khi mới cưới nhau. Cảm ơn Chúa, mỗi đêm, vợ chồng, con cái, họp lại và chọn một bài Thánh ca (nếu ai muốn chọn) hoặc theo thứ tự từ bài số một (trừ những bài không biết hát), rồi đọc một đoạn Kinh Thánh theo từng sách, cứ hết Kinh Thánh thì đọc lại từ đầu sách Sáng Thế Ký. Về sau, khi chúng tôi không có ở nhà, các con vẫn giữ sự nhóm lại như vậy. Khi chúng tôi về, buổi tối nhóm lại đến phiên ai cầu nguyện mà không nhớ là biết các con ở nhà có nhóm Gia Ðình Lễ Bái không. Chúa cho các con tôi bắt đầu biết đọc chữ cũng nhờ Gia Ðình Lễ Bái, suốt ngày chúng tôi khích lệ các con tập đánh vần một câu theo phần Kinh Thánh đọc đối đáp, đến tối, đứa con nào đọc được thì được thưởng.
Tôi thấy Gia Ðình Lễ Bái thật ích lợi:
1.    Vì cả nhà đều có thể đọc suốt Kinh Thánh từ Sáng Thế ký đến Khải huyền nhiều lần.
2.    Cả gia đình đều có thể biết hát nhiều bài Thánh ca.
3.    Giúp các con có thói quen giữ sự kĩnh kiền khi nhóm lại.
4.    Giúp các con biết cầu nguyện từ những lời đơn sơ, ít nhất là cầu nguyện cho những người thân trong gia đình.
5.    Giúp các con sớm biết đọc chữ.
6.    Ðặc biệt Gia Ðình Lễ Bái là cách đem lại sự hòa thuận trong gia đình tốt nhất sau một ngày giận hờn, vì phải cầu nguyện cho nhau. Có một lần tôi và Nhà tôi giận nhau, suốt ngày không nói chuyện với nhau. Buổi tối, chúng tôi cố ý không đề cập đến nhóm Gia Ðình Lễ Bái, nhưng các con theo thói quen cứ lấy Kinh Thánh và Thánh ca ra để nhóm. Ðến lúc cầu nguyện là phiên thứ của tôi, tôi yên lặng vì lòng còn giận; các con tôi chờ một chút, chúng nó nhìn nhau rồi những ngón tay chỉ tôi, quay qua chỉ Nhà tôi, cứ chỉ qua chỉ lại, cả hai chúng tôi phải phì cười và hòa bình được tái lập.
Nói chung là chúng tôi không có gì cả, tiền bạc cũng không, giấy tờ tùy thân cũng không. Vậy mà Chúa đã cho tôi đi từ Quảng Trị đến Cà-mau.
Tôi đã đến Hội Thánh tại Sịa thuộc tỉnh Quảng Trị, cách Huế 30 cây số. Từ Huế ra, các con cái Chúa lo rằng tôi sẽ gặp khó khăn khi đến đó, do lạ mặt và do giọng nói hoàn toàn khác, nên có mấy người trong đó có cả ông Cụ Kiều Thành, dù tuổi đã cao nhưng Cụ vẫn ngồi xe gắn máy do con trai của Cụ chở cùng đi theo. Nhà thờ tại Sịa nhỏ, mái nhà thấp lợp tôn, vì là buổi chiều và tôi chỉ có thì giờ ra giảng một bài rồi về Huế ngay, khí hậu rất nóng. Vậy mà con cái Chúa đa số là những người làng đánh cá quê nghèo, mộc mạc, chưa hề biết tôi, đã kéo nhau đến nhóm lại rất đông. Nhìn con cái Chúa trung tín ngồi dưới mái tôn nóng giữa trưa, ăn mặc nghiêm chỉnh (phụ nữ đều mặc áo dài) để nghe giảng, tinh thần lúc nào cũng cảnh giác có ai tới hỏi thăm không, tôi cảm nhận lòng khao khát Lời Chúa của anh em thật là lớn biết dường nào.
Không biết từ bao đời, trong Miền Nam có thành ngữ (idiom) ‘đi tới Huế’ để chỉ một người đi xa, đi lâu. Thí dụ, một đứa con được cha mẹ sai đi mua một món cần dùng nào đó ở một tiệm gần nhà, nhưng cha mẹ chờ quá lâu, có lẽ đứa con đã la cà ghé chơi đâu đó, cha mẹ sẽ rầy con với câu: ‘Bộ mầy đi tới Huế hả?’. Và tôi đã đi tới Huế thật.
Từ Ðà-nẵng, tôi đi xe lửa đến Huế. Bước xuống sân ga Huế, tôi cảm nhận ngay nếp sống êm đềm của người ở Huế, nó khác với cái ồn ào náo nhiệt của Sàigòn, giống như giọng nói lúc nào cũng ở tone trầm (luôn có dấu nặng [.]) của người xứ Huế. Món ăn đầu tiên mà tôi được mời ở Huế là món ‘Bún Bò Huế’. Tôi đã cẩn thận dặn bà bán bún đừng bỏ ớt vào, thế mà khi húp một miếng nước lèo, tôi biết ngay là mình đang ở Huế, nó cay lắm nhưng lại khiến người ăn ớt dở như tôi cũng không thể bỏ qua tô bún, phải vừa hít hà, vừa chảy nước mắt, vừa tiếp tục cứ ăn cho đến miếng cuối cùng.
Hội Thánh tại Huế được một số đông các Sinh viên Tin lành ủng hộ cộng tác rất tốt. Các em Sinh viên rất hăng say và có tổ chức quy củ để làm công việc Chúa. Nhưng như người ta gọi Huế là đất ‘Thần Kinh’ và tôi phải mượn hai từ đó chỉ về xứ Huế đối với Tin Lành, lòng người Huế quá cứng cỏi với Chúa đến nỗi ‘thần cũng phải kinh’. Xứ Huế vẫn còn quá nặng về các cựu truyền, các Tôn giáo như Phật giáo, Công giáo Lamã đã ăn sâu lắm trong đời sống người Huế. Dường như các lăng tẩm, phế tích kinh thành Huế đã nói lên nét bảo thủ sâu đậm của Huế. Công việc Chúa lúc tôi đến là lúc mới phục hồi. Buổi nhóm tối cuối cùng, Mục sư Hoàng Ngọc Quang đã cho Hội Thánh hát bài Thánh ca ‘Từ ngày Thần Linh giáng lâm lòng tôi, … cơn mưa rào từ trời tuôn xối …’, tôi thấy lòng mình hòa chung với Hội Thánh, mong ước Thánh Linh giáng lâm lòng tôi, Thánh Linh giáng lâm mỗi lòng người tại Huế, để quyền năng của Chúa phá được bức tường Giê-ri-cô kiên cố của Huế, hầu cho hết thảy người xứ Huế nghe được Tin Lành của Chúa.
Chúa cũng cho tôi đến Ðà-nẵng – Quảng nam, nơi được gọi là ‘chiếc nôi của Tin lành’, cũng là tiền đồn của Tin Lành. Cả tỉnh Quảng nam và thành phố Ðà-nẵng có nhiều Hội Thánh phát triển mạnh, nhà thờ to. Lần đầu tiên đến Ðà-nẵng, tôi đã có những ngày góp phần huấn luyện nhân sự về Chứng Ðạo và Chăm sóc thăm viếng ở Hội Thánh tại An Hải. Ðiều tôi ngạc nhiên là trong lúc tôi đang ăn cơm trưa cùng ông bà Mục sư Ngô Thái Bình, một chị tín đồ bồng con đến xin Mục sư chủ tọa cầu nguyện cho vì con của chị mới một hay hai tuổi gì đó đang bịnh nặng. Mục sư Bình lập tức ngưng ăn và đến đặt tay cầu nguyện cho cháu bé. Nghe ông cầu nguyện, tôi nhận ra ông Mục sư có đức tin cầu nguyện chữa bịnh lạ lùng, cứ như là đứa bé đã được Chúa chữa lành rồi. Người mẹ của cháu bé cũng vậy, chị ấy tươi tỉnh hẳn sau khi được Mục sư cầu nguyện cho con của chị.
Hội Thánh tại đường Ông Ích Khiêm. Tôi không ngờ Chúa cho tôi được ở trong ngôi nhà thờ, ngay phần đất đầu tiên Chúa ban cho Hội Thánh Tin Lành Việt-nam. Các con cái Chúa trong Hội Thánh tại Ðà-nẵng quả không hổ danh là ‘chiếc nôi của Tin Lành’, đặc biệt là các Cụ, các ông bà cao niên, hầu như các vị đều rất rành rẽ Kinh Thánh. Giảng tại Ðà-nẵng có một cái thích là khi trưng dẫn Kinh Thánh thì không cần chờ đợi, vì các con cái Chúa đã lật đúng phần Kinh Thánh yêu cầu.
Tôi được mời đến Ðà-nẵng để dạy về cách dạy Trường Chúa nhật, Phương pháp Chứng Ðạo Chăm Sóc, và cách giảng (chia sẻ Lời Chúa). Mỗi lần lên lớp, nhìn xuống các học viên, tôi thật ái ngại, vì không phải chỉ người trẻ, mà khá đông các ông bà lớn tuổi cũng tham dự học, cũng làm bài, cũng đóng góp ý kiến, cũng tranh luận. Ðáng ngại hơn nữa là trong số người dự lớp có cả ông bà Mục sư Dương Thạnh, chủ tọa Hội Thánh tại Ðà-nẵng. Ông bà Mục sư thật khiêm nhường ngồi nghe kẻ hậu sanh như tôi, không phải nghe để theo dõi, kiểm tra, nhưng ông bà Mục sư cũng ghi chép cẩn thận. Có lần cuối Khóa, người hướng dẫn mời Mục sư chủ tọa có lời khích lệ, Mục sư đã nói rằng chính Mục sư là người được khích lệ, vì hơn bốn mươi năm hầu việc Chúa, có nhiều điều đã bỏ quên, bây giờ được nhắc lại thật là ích lợi. Tôi thật cảm phục sự khiêm nhường của Ðầy Tớ Chúa.
Kỷ niệm vui cho tôi ở Ðà-nẵng là lần đầu tiên được ăn món ‘bê thui’ do bà Mục sư Dương Thạnh đãi. Món ‘bê thui’ nầy phải chấm mắm nêm là món tôi không thể chịu nổi cái mùi khó ngửi. Bà Mục sư Dương Thạnh biết ý, nên đã để riêng cho tôi chén nước chấm bằng nước mắm, nhưng bà Mục sư cứ thúc giục tôi ăn thử bê thui chấm mắm nêm. Ðể bà Mục sư vui, tôi liều nín thở chấm vào mắm nêm ăn thử. Ngon thật! Nước mắm nó thiếu cái đậm đà, nhưng mắm nêm giữ cái dư vị nên miếng thịt bê thui trở nên ngon lạ. Những lần sau tôi nói lời cảm ơn bà Mục sư Thạnh đã khích lệ tôi ăn được mắm nêm, và tôi cũng nói: “Thưa bà Mục sư, chỉ có điều hơi lạ là tôi chỉ ăn được mắm nêm khi có bê thui”. Ðầy Tớ của Chúa cười và nói: “Ông nầy khôn thiệt!”
Mỗi lần Hội Thánh tại Ðà-nẵng cho tôi đến là mỗi lần Hội Thánh thật chịu nhiều tốn kém. Bao giờ Hội Thánh cũng buộc chúng tôi đi máy bay, rồi mỗi lần lên lớp dạy thì bên cạnh bao giờ cũng có một mâm các loại nước giải lao gồm sữa tươi, nước yến (bird nest), nước khoáng. Dù tôi uống hay không uống, mỗi tiết học đều thay đổi thức uống. Lòng tôi thật ái ngại trước sự quan tâm của Ðầy Tớ Chúa cùng cả Hội Thánh. Lúc nào tôi cũng cầu nguyện xin Chúa cho sự giảng dạy của tôi xứng đáng với sự quan tâm đó, để Hội Thánh không buồn vì nghĩ rằng sự dâng hiến của họ không phải là vô ích.
Mùa Hè năm 2001, tôi trở ra Ðà-nẵng để dạy ba ngày về cách chia sẻ Lời Chúa. Có rất nhiều kỷ niệm trong Khóa học nầy:
1.    Bà Mục sư Dương Thạnh cứ nhắc tôi mỗi đầu giờ là cho hát Dân ca. Số là để thay đổi không khí buổi học, làm bớt căng thẳng, tôi có hướng dẫn các Học viên hát vài bài theo âm điệu Dân ca như Lý Chèo Thuyền, Lý Con Quạ, Hò Chứng Ðạo, những bài hát nầy do các anh chị em tại Sàigòn đang cố gắng sử dụng âm điệu gần gũi với người Việt-nam chúng ta. Có lẽ vì thấy lạ nên các Học viên rất thích làm cho giờ học nhộn lên, khiến không ai thấy mệt hoặc chán giờ học, nên bà Mục sư Quản nhiệm cứ nhắc tôi cho hát Dân ca.
2.    Trong lớp có một ông ngồi suốt mấy ngày học cách chăm chú, đặc biệt là tôi không thấy ông cười, dù trong lớp có những tình huống rất vui. Ðến ngày thứ ba là ngày học cuối, tôi mời các học viên phát biểu ý kiến và cho biết những thắc mắc về môn học. Ông tín đồ nầy đứng lên phát biểu: “Tôi là người dạy trong Ðại học Sư Phạm Ðà-nẵng, cho nên tôi rất quan tâm phương diện dạy. Khi đến lớp học, nhìn thấy học viên đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, mọi trình độ. Chưa có Khoa Sư Phạm nào dạy cách dạy một lớp học đa dạng như vậy, do đó tôi nghĩ ông Mục sư Sơn nầy chắc chắn thất bại, chỉ nói cho qua giờ thôi”. Hóa ra ông là Giáo sư dạy Ðại học Sư Phạm, thầy của các Thầy Cô giáo. Cảm ơn Chúa, ông bày tỏ rất nhiều điều ông học được từ cách dạy, từ môn học, từ khuynh hướng, của người dạy về nếp sống Cơ-đốc.
3.    Một Học viên là Kỹ sư Ðiện Toán có hai Trường dạy Vi-tính cũng bỏ Trường đến dự lớp suốt ba ngày không vắng. Giờ cuối Khóa, phần thực tập, anh là người đầu tiên tình nguyện xin được thực hành. Sau một buổi chuẩn bị ở nhà, anh đến lớp với máy vi-tính để chia sẻ Lời Chúa theo cách anh đã học ba ngày qua với sự phụ giúp của máy vi tính minh thị một số điều anh muốn chia sẻ. Cảm ơn Chúa, ông đưa ra một hình mẫu giảng dạy của thế kỷ 21. Thật sinh động!
4.    Khi tôi yêu cầu các Học viên tìm Ý MỚI trong những câu Kinh Thánh quen thuộc. Các học viên đã làm tôi vô cùng ngạc nhiên, họ đã giới thiệu những ý tưởng hấp dẫn mới khám phá trong vòng 5 phút. Một Thanh niên tên Hiếu, người nhà của em nầy nói cho tôi biết là em bị bịnh dạng tâm thần nhẹ, hay bị động kinh phá phách, gia đình rất lo, nhưng Hiếu cứ đòi được đi học. Em và gia đình đi học suốt ba ngày. Thật là kỳ diệu, qua ba ngày tôi không thấy em nầy có biểu hiện gì về tâm thần, trái lại mọi người ngạc nhiên trước tấm lòng ham học hỏi, lời phát biểu của em, nhất là khi Hiếu trình bày Ý MỚI trong sách Malachi 3:10 với ý thật mới, đặc biệt là khi tôi hỏi: Tại sao Chúa mở cửa sổ mà không mở cửa cái?
Thật là những chuỗi ngày đầy ắp kỷ niệm!
Giữa các nhà thờ to lớn, đông tín đồ như tại An Hải, Ðà-nẵng, Tân An, riêng nhà thờ tại Trung Lập với ông bà Mục sư Nguyễn Hữu Dục, nép mình cách khiêm nhường bên con đường đầy cát, mùa nắng thì cát làm xe bị trơn trợt, mùa mưa thì nước ngập che giấu những cái hố nguy hiểm.
Gia đình ông bà Mục sư đông con, cuộc sống vất vả, nhưng các con của ông bà Mục sư đều hết lòng tiếp lo công việc Chúa với ông bà và các em đều cố gắng học văn hóa. Trong ông Mục sư Dục có mặc cảm là Hội Thánh ít người, nhất là ông luôn bị ám ảnh bởi ai đó đã khuyên ông đóng cửa nhà thờ sát nhập vào Hội Thánh lớn chung quanh. Mỗi lần nhắc lại lời khuyên kỳ lạ đó, ông Mục sư Dục có vẻ tức giận và nói đi nói lại câu nói: “Dù chỉ còn gia đình của tôi, tôi cũng không đóng cửa nhà thờ”.
Bù lại nhờ các con của ông bà Mục sư, Hội Thánh tại Trung Lập đã hết sức nhờ ơn Chúa vươn lên và đã vươn lên.
Ðiều tôi được an ủi là các vị Mục sư trong Ban trị Sự Ðịa hạt Bắc Trung Bộ đầy lòng yêu thương chức vụ của tôi, luôn tạo cơ hội cho tôi đến các Hội Thánh trong Ðịa Hạt, từ Hội Thánh tại đường Trần Cao Vân, tại Chiên Ðàn, tại Phước Tiên, tại Phong Thử, tại Trường An, tại Thăng Bình, tại Bà Rén (Duy Xuyên), tại Bình Sơn, tại Hội An…
Riêng tại Trường An (Ðại Lộc), Chúa cho ông bà Mục sư Nguyễn văn Chờ sau bao nhiêu năm mơ ước hầu việc Chúa, cuối cùng Chúa đã ban cho ông bà Mục sư Chờ đến lo công việc Chúa tại đây. Ông bà Mục sư là sui gia của chúng tôi. Trước đây, khi ông bà Mục sư Chờ chưa đến Trường An, tôi nghe tin là Hội Thánh tại đó nhóm lại hằng tuần độ 30 người. Cảm ơn Chúa khi tôi đến giảng dạy Lời Chúa vào những Mùa Hè, tôi thấy qua chức vụ của ông bà Mục sư Chờ, Hội Thánh đã nhóm lại rất đông, chật cả nhà thờ.
Chúng tôi có những kỷ niệm với Hội Thánh Chúa tại Trường An. Nơi đó Chúa cho Mục sư Dương Thạnh đã ban Lễ Hôn Phối cho con trai chúng tôi là Trần Thái Nghiêm với con gái của ông bà Mục sư Chờ. Dù nhiều người đề nghị nên cử hành Hôn Lễ tại Sàigòn, hoặc ở nhà thờ lớn tại Ðà-nẵng, nhưng chúng tôi xin được tổ chức tại nhà thờ Trường An, vì nơi đó dù nhỏ, quê nghèo, nhưng là nơi ông bà Mục sư sui gia của chúng tôi hầu việc Chúa, chúng tôi muốn vừa an ủi chức vụ ông bà Mục sư vừa khích lệ con cái Chúa tại vùng quê. Ðặc biệt là trong những Khóa học Kinh Thánh Mùa Hè, Mục sư Chờ tổ chức một lớp cho con cái Chúa là những người lớn là những bô lão, Tráng niên, Thanh niên. Ba ngày học liên tiếp, mỗi ngày ba buổi, vậy mà con cái Chúa không nệ hà chi, đã tham dự cả trăm người, học Lời Chúa một cách hăng hái, hết lòng, cũng thi, ngay cả những người không biết chữ cũng mạnh dạn xin tôi cho thi miệng. Những ngày Hè là những ngày rất nóng tại Trường An, các con cái Chúa lại đông ngồi chật trong nhà thờ để học luôn buổi trưa, mồ hôi nhuễ nhại, miệng lúc nào cũng vui vẻ theo dõi môn học.
Chúa cho ông bà Mục sư Chờ có lòng nhịn nhục chờ đợi chức vụ Chúa ban và được thỏa lòng với kết quả lớn lao. Chúa cũng thấy Ðầy Tớ của Ngài đã xong cuộc đua, đã đánh trận tốt lành, nên ngày Mùng Năm Tết năm 2002, tức là ngày 20 tháng 2 năm 2002, Chúa đã đem ông về với Chúa qua một cơn đau tim. Trước đó, khi ông được đưa vào Viện Tim tại Sàigòn để điều trị, khi tôi đến thăm, ông đã cho tôi biết chi phí cho việc điều trị bịnh rất đắt chỉ tính bằng ngàn đô-la, tôi nói với ông là chỉ xin Chúa làm phép lạ thôi. Ông lại nhờ tôi giúp tài liệu để chuẩn bị ra Hội Ðồng Thẩm Vấn phong chức Mục sư thực thụ. Tôi khuyên ông là bây giờ lo trị bịnh, còn lại để Chúa phong chức. Lúc 9 giờ tối ngày Mùng Bốn Tết, ông từ Trường An điện thoại vào Sàigòn chúc Tết tôi. Hai giờ sáng sớm hôm sau là Mùng Năm Tết, vợ chồng tôi đi xuống Ðông Phú, chưa tới nơi (độ hơn sáu giờ sáng), thì được tin ông qua đời ở tuổi 70. Chúng tôi đã ra Trường An để tiễn đưa Ðầy Tớ trung tín của Chúa, một người bạn thân, một sui gia đầy tình nghĩa.
Năm 1992, Chúa cho tôi lần đầu tiên đi xe lửa đến Qui Nhơn. Một con cái Chúa là anh Bùi Minh Quyền (nay là Truyền Ðạo) từ Qui Nhơn vào Sàigòn lo mua vé hướng dẫn tôi đi ra Qui Nhơn. Vì anh chủ quan, mãi lo công việc, đến khi ra Ga thì không còn vé đi Qui Nhơn, anh dẫn tôi đi Nha-trang bằng ghế cứng, theo lời anh đến Nha-trang thiếu gì ghế ngồi tốt. Suốt một đêm ngồi ghế cứng – lúc ấy là thời kỳ đi xe lửa còn rất nhiều nguy hiểm do dễ bị trộm cắp, nên cả đêm không ngủ được. Ðến Nha-trang lúc gần sáng, người lên kẻ xuống nườm nượp, kết quả là không có vé. Anh Quyền lại nói gì đó với nhân viên trên xe lửa, rồi kéo tôi lên, theo lời anh nói thì người trưởng toa hứa là một chút xe chạy sẽ lo chỗ ngồi cho tôi, tạm thời chúng tôi đứng ở nơi nối hai toa. Một lát sau, người trưởng toa đi qua đi lại nhìn tôi vẻ tò mò, có lẽ ông ấy không đoán được tôi là ai sao phải đứng suốt, nên ông kiếm cho tôi một mảnh chiếu nhỏ lót ngồi đỡ trên sàn xe lửa chỗ nối toa. Và thế là tôi đi xe lửa bằng ‘vé đứng’ đến Qui Nhơn. Ðến Ga Diêu Trì của Qui Nhơn, thêm một khốn khổ nữa, vì không có vé chính thức, nên anh Quyền sau khi thì thầm với người trưởng toa, anh quay lại dặn tôi đến ga thì chờ người trưởng toa đưa ra cổng. Nói xong anh Quyền nhảy xuống trước khi xe lửa dừng hẳn, và anh đi ra bằng một ngõ rào. Tôi thật không còn biết phải làm gì hơn là đứng yên trên xe lửa. May mắn là độ mười phút, người trưởng toa còn nhớ đến tôi, đã quay lại đưa tôi ra cổng sau khi ông ấy nói nhỏ với người soát vé. Một chuyến đi thật đáng buồn mà cũng đáng nhớ! Tự nhiên tốn tiền mà như người đi lậu vé. Lâu lâu tôi cứ nhắc lại khi anh Quyền thay Hội Thánh vào Sàigòn mời tôi ra Qui Nhơn.
Năm ấy tôi đến Qui Nhơn, Mục sư Nguyễn Ngọc Thuận là chủ tọa Hội Thánh tại Trung Ái kiêm Hội Thánh tại Qui Nhơn, cho tôi biết là toàn tỉnh với 5 Hội Thánh là Qui Nhơn, Trung Ái, Phú Phong, Khu VI, và Gò Găng (Nhơn Thành), chỉ có độ 2,000 tín đồ. Cảm ơn Chúa sau những lần huấn luyện, rồi Hội Thánh mở cửa giảng Tin Lành, lần lần các Hội Thánh tăng trưởng, nhiều người tin Chúa. Mỗi lần ra Qui Nhơn, tôi lại được bà Mục sư Quả phụ Ðặng Ðình Phúc biếu quà đặc sản Qui Nhơn là bánh tráng đủ loại.
Ðáng lẽ tôi có cơ hội đến Tuy Hòa, mọi việc chuẩn bị đã xong, vé xe lửa cũng đã mua, chỉ còn một ngày nữa là tôi lên đường. Bất ngờ Mục sư Ðinh Thống gọi điện thoại vào báo tin không hiểu sao Công An Tuy Hòa biết được, nên đến gặp Mục sư Thống hạch hỏi về việc mời tôi. Thế là chuyến đi bị hủy bỏ.
Những ngày trở lại Nha-trang với những kỷ niệm nơi mái trường Thần Học. Chỉ một lần đi qua mái trường xưa, tôi không muốn nhìn lại nữa, vì đau xót khi thấy nhà thờ Thần Học Viện bị bỏ hoang, những cửa sổ đóng lại bằng những tấm ván sơ sài; nhà của các Giáo sư cỏ cây mọc um tùm. Tôi không biết họ chiếm giữ để làm gì, trong khi có biết bao nhà đẹp hơn lại khỏi mang tai tiếng.
Ðiều vui là Nha-trang cũng như Ðà-nẵng. Nếu Ðà-nẵng vẫn giữ được những bông trái của Trường Kinh Thánh ngày đầu với bao nhiêu Hội Thánh phát triển mạnh mẽ; thì Nha-trang cũng đã ghi lại dấu son cho Thần Học Viện, dù không nhiều nhà thờ, nhưng số tín đồ vững vàng. Khi tôi giảng dạy tại Vĩnh phước, tôi nhìn thấy sức trẻ của các Thầy Truyền Ðạo chung quanh Mục sư Huỳnh Sĩ Hùng, đã được Chúa ban phước. Họ dám làm, dám vượt qua những cái cần vượt qua. Khi tôi đề nghị những người hát trong các buổi truyền giảng nên hát thuộc lòng, không cần đứng nơi bục hướng dẫn, làm sao để phong cách tự nhiên, thì đêm hôm đó, các anh chị em đã có một đêm ca nhạc Truyền giảng thành công. Vui hơn nữa là các anh chị em Sinh viên hoạt động công việc Chúa rất tích cực, có những giờ huấn luyện, có những giờ sinh hoạt dã ngoại, dù gặp bắt bớ nhưng ai cũng sẵn sàng trả giá, có khi giá phải trả là bị đuổi học.
Phan-rang!
Chúa cho tôi đến Phan-rang với giờ giảng Bồi linh, buổi tối là Truyền giảng. Những ngày ấy, nhà thờ đông nghẹt người, dù Phan-rang là điểm nóng, chỉ có Mục sư chủ tọa mới được giảng dạy, và hầu như chỉ còn một Hội Thánh tại thị xã. Kỷ niệm tại Phan-rang là một con cái Chúa ao ước gia đình được kết sui gia với người trong Chúa, ông nói lời ấy với tôi trong bữa ăn đãi tôi. Chúng tôi đã cầu nguyện, và những ngày sau đó, Chúa đã nhậm lời cho ông có được chẳng những một mà là hai sui gia trong Chúa, chẳng những sui gia với tín đồ mà sui gia với một gia đình Mục sư.
Sau chín năm nhà thờ bị đóng cửa, Chúa cho Hội Thánh tại Phan Rí được sinh hoạt trở lại, dù còn nhiều điều phải lo. Tuy nhiên, tại Phan Rí, tôi được nhìn thấy tận mắt những anh em Truyền Ðạo Tình nguyện lo công việc Chúa hết sức tận tâm, trong lúc Chánh quyền thì không chịu nhìn nhận chức vụ của các Thầy, nhưng các Thầy vẫn kiên trì nhịn nhục hầu việc Chúa. Thấy được kết quả sự góp phần của mình đối với chức vụ của thế hệ nối tiếp, lòng tôi thật được an ủi. Các anh em đã hầu việc Chúa đúng như những điều họ đã được dạy, được khuyên. Họ ra Trường (Trường chui) không phải chỉ để giảng mà còn để yêu thương bầy chiên Chúa giao.
Nói đến Phan Rí tôi phải nói đến Chợ Lầu. Nơi Chợ Lầu có cháu Lê Khắc Trí, con của Mục sư Lê Khắc Hóa. Chúa đã ban phước cho vợ chồng cháu từ sau những ngày cưới nhau, việc làm ăn sinh sống lần lần khá lên, nhờ hết lòng hầu việc Chúa, biết trung tín nhóm lại. Dù công việc làm ăn buôn bán mà nghỉ Chúa nhật thì bị thiệt hại, nhưng vợ chồng cháu cương quyết dành thì giờ góp phần với Hội Thánh tại Phan Rí. Vợ chồng cháu dâng hiến rộng rãi, lại biết dâng hiến phụ tiếp cha mẹ là ông bà Mục sư Lê Khắc Hóa giúp tài chánh cho các anh em Truyền Ðạo Tình nguyện. Khi tôi đến nhà của cháu, hai vợ chồng khoe với tôi những chiếc hộp để tiền dâng: hộp tiền phần mười, hộp tiền tiếp khách của Hội Thánh mời (mỗi lần Hội Thánh mời diễn giả, hai cháu sẽ chịu phần tài chánh), hộp tiền giúp cha mẹ … Dù còn trẻ, nhưng Hội Thánh tại Phan Rí cũng dành cho hai cháu sự yêu thương, nể trọng. Những ngày chúng tôi đến giảng dạy tại Phan Rí, lúc nào cũng được hai cháu thết đãi ăn đủ thứ thức ăn ngon như: ghẹ, bồ câu quay, những trái thanh long thật to và thật ngọt …
Vợ của cháu Trí là con của ông bà Ðồng Khánh tại Phan Rang, người đã ao ước được kết sui với người trong Chúa. Chẳng những Chúa cho sự ước ao đó được thành, mà còn cho ông bà kết sui với một trong các Ðầy Tớ Chúa tận tụy hi sinh cho công việc Chúa tại Miền Nam Trung Bộ, là Mục sư Lê Khắc Hóa.
Phan Thiết.
Nói đến Phan Thiết thì không thể quên những món hải sản rất ngon, rất tươi là cua, ghẹ, ốc hương. Chúa cho tôi có mặt khi nhà thờ đã được trả lại, dù Chánh quyền chỉ trả nhà thờ mà không trả tư thất. Con cái Chúa đã gác lại những lo sợ từ bên ngoài để có những Chúa nhật thật đông, thật phước hạnh.
Phúc Âm.
Phúc Âm là tên của một Hội Thánh nằm ven Quốc lộ 1, là một Hội Thánh rất đặc biệt, vì Hội Thánh tại đây là nơi qui tụ tín đồ trên sáu mươi Hội Thánh từ các tỉnh Quảng nam Ðà-nẵng vào. Con cái Chúa nhóm rất đông, phải trên 500 người lớn, đặc biệt nhìn thấy các cụ già trên bảy mươi tuổi ngồi học Kinh Thánh trong các lớp Trường Chúa nhật cách chăm chỉ, cũng trả câu gốc, cũng bàn luận góp ý, thật là một gương mẫu cho những người đi sau. Chính vì vậy khi giảng tại Hội Thánh Phúc Âm, giống như giảng tại Hội Thánh ở Ðà-nẵng, con cái Chúa rất giỏi Kinh Thánh, lật Kinh Thánh rất nhanh, ngay cả các cụ già.
Lần đầu tiên tôi đến giảng tại Hội Thánh Phúc Âm, các con cái Chúa rất hiếu khách, ai cũng muốn đãi tôi ăn. Sớm mai, tôi thức dậy được đãi món ăn đặc sản của Quảng nam là ‘Mì Quảng’, tự tay gia đình làm mì, nấu nước nhưn, tô mì thật ngon, lành tính. Buổi trưa, giảng xong, một gia đình khác lại đãi tôi ăn ‘Mì Quảng’, rồi chiều, cũng ‘Mì Quảng’. Ngày mai, đến gia đình khác, chưa đến tôi biết thế nào cũng ‘Mì Quảng’. Quả đúng là Mì Quảng một ngày nữa. Nói cho vui, tôi phải về sau hai ngày, nếu ở lại chắc chắn tôi phải gọi tên món đó là ‘Mì Hoảng’. Thật ra vì con cái Chúa ở Hội Thánh Phúc Âm ở giữa đường đi việc mua sắm rất khó khăn và mọi người lúc nào cũng nhớ quê Quảng nam.
Tôi cũng cảm ơn Chúa những ngày ở trong nhà của ông bà Mục sư Trần Tuôi. Tinh thần yêu mến Chúa của ông bà Mục sư thật đáng học hỏi. Từ sớm tinh mơ, tôi đã nghe ông và bà Mục sư cầu nguyện, tối tối vẫn nghe ông Mục sư cầu nguyện. Các con cũng học gương cha mẹ yêu mến Chúa góp phần với Hội Thánh.
Rồi lại đến Long Khánh.
Hội Thánh tại Long Khánh đã trải qua những ngày không phát triển. Lâu lâu lại nghe tin ông bà Mục sư chủ tọa xin đổi đi. Cảm ơn Chúa, sau một vài lần huấn luyện Chứng Ðạo Thăm Viếng, Chúa dấy lên một vài con cái Chúa tham gia chứng đạo, thăm viếng, rồi thêm người và cứ thêm người, thật vui. Tôi không còn nghe tin ông bà Mục sư xin thay đổi nữa.
Dầu Giây.
Mỗi lần qua Dầu Giây, hoặc chỉ ché ngang qua Dầu Giây, thế nào cũng được không trái sầu riêng thì trái mít tố nữ, hoặc bọc chôm chôm, do bà Mục sư Phạm An Vui mua cho. Gia đình ông bà Mục sư dành cho chức vụ tôi nhiều thương mến. Các con cái Chúa ở Hội Thánh tại Dầu Giây cũng vậy, cứ Giáng sanh, Tết, là lại cứ cử người chở xuống Sàigòn cho tôi trái cây, bánh tráng. Có những khi nhìn túi chôm chôm thật to chín đỏ gọi là cây nhà lá vườn, tôi biết anh em hi sinh nhiều công sức lắm. Những khi có việc cần trong Hội Thánh, anh em trong Ban Trị Sự Hội Thánh lại chạy đến hỏi. Tôi cảm ơn Chúa cho còn góp một chút gì với Hội Thánh.
Bên cạnh Dầu Giây là Hội Thánh tại Xã lộ 25, một vùng kinh tế mới đất đai khô cằn đầy bụi. Cả ba con đường nào đi vào cũng nắng bụi mưa sình trơn trợt. Mỗi lần đi vào nhà thờ Xã lộ 25. với khoảng cách đường dài 75 cây số thật sự là không xa lắm, nhưng cũng đủ để mệt mỏi. Có lúc tôi chạy xe gắn máy chở Nhà tôi, nhất là trên đường về vào giữa trưa nắng ở trên dội xuống, sức nóng dưới đường bốc lên, rồi bụi tung mù mịt khi có chiếc xe nào chạy ngang qua, nhiều lần tôi ngủ đang khi lái xe mà không hay, bất chợt giật mình tỉnh lại mới thấy thật nguy hiểm. Cảm ơn Chúa giữ gìn. Vợ chồng tôi cũng cóõ gặp tai nạn ngã xe trong chuyến đi vào nhà thờ tại Xã lộ 25, tôi phải mất mấy tháng mới cử động được cánh tay. Lúc gặp trời mưa thì đường lại trơn trợt, ngoài xa lộ thì bùn từ những xe bên cạnh và phía trước văng khắp mặt. Lại còn nỗi nguy hiểm hơn nữa là xe thường cán phải những cây đinh của những người cố tình rải trên đường. Vừa mất tiền vá xe, đôi khi phải thay nguyên ruột xe với giá cắt cổ, vừa mất thì giờ ngồi chờ vá xe, nguy hiểm nhất là nếu không giữ vững tay lái khi bị bất chợt xì lốp xe thì tại nạn chết người sẽ xảy ra. Anh chị em biết rồi, chạy xe gắn máy ngoài xa lộ là cả một sự liều mạng, chỉ Chúa giữ gìn suốt bao nhiêu năm, đến khi tai nạn xảy ra, vợ chồng tôi đành phải chịu tốn tiền thuê xe loại taxi hơn là mất mạng. Những lần như vậy, anh em kháo nhau là Mục sư Sơn giàu lắm, đi giảng bằng xe Taxi, họ có biết đâu tại vì tôi yếu đuối sợ chết dọc đường không ai biết, vì trong người cả hai không có giấy tờ tùy thân.
Thầy Truyền Ðạo chủ tọa Hội Thánh tại Xã lộ 25 là một trong những anh em Truyền Ðạo Tình nguyện, rất giỏi về Lời Chúa, rất năng nổ lo việc Chúa, lúc nào tôi cũng nghe Thầy nói về việc muốn mở mang chỗ nầy, mở mang chỗ kia. Thầy cũng hay tâm sự về nỗi buồn Giáo hội không chịu nhìn nhận chức vụ Truyền Ðạo Tình nguyện của Thầy và các anh em tình nguyện khác. Thầy hay ghé nhà tôi để vấn kế. Có lần tôi phân tích cho Thầy làm thế nầy là ‘Hạ sách’; làm thế kia là ‘ Trung sách’; làm thế nọ là ‘Thượng sách’. Thầy ưng lắm và từ đó làm gì Thầy cũng ngồi lại: thượng sách, trung sách, hạ sách.
Hội Thánh tại Xã lộ 25 có những nhu cần vật chất thật lớn, vì đa số các con cái Chúa rất nghèo, nhìn cảnh vật hai bên đường đi vào đã thấy cái nghèo hiện ra rõ ràng của người dân tại đây, trong đó có con cái Chúa. Có những lúc vào giảng, tôi phải hứa nợ với anh em để giúp một hay hai con cái Chúa đang gặp cơn ngặt nghèo. Thí dụ như có hôm sau khi giảng, Thầy Truyền Ðạo giới thiệu vợ chồng một con cái Chúa có ba đứa con, chỉ có một chiếc xe đạp, nên vợ chồng chở theo một đứa con đi nhà thờ, còn hai đứa phải ở nhà. Tôi hỏi: ‘Nếu có thêm một chiếc xe đạp thì hai đứa con kia đi nhà thờ được không? Bao nhiêu một chiếc xe đạp? Thầy Truyền Ðạo cho biết là một chiếc xe đạp độ 150 ngàn đồng. Tôi đưa cho Thầy Truyền Ðạo 200 ngàn đồng nhờ Thầy mua giúp chiếc xe đạp. Hoặc các em Thiếu nhi học Kinh Thánh Mùa Hè cần tiếp viện tiền ăn 300 hoặc 400 ngàn đồng, chuyện khẩn cấp, tôi đành mắc nợ với anh em xin được góp phần, nhưng phải gởi đến sau. Nhiều hôm tôi cũng hơi lo nếu chuyến về mà xe bị cán đinh, chắc chắn dắt bộ mà về. Cảm ơn Chúa, ‘Hoàng hiên bất phụ hảo tâm nhơn - Trời cao không phụ người có lòng’, Chúa không để chúng tôi dắt bộ.
Năm 2002, tôi muốn khuyến khích các em cố gắng thi Ðại Học, vì ở quê, các em chịu nhiều thiệt thòi hơn. Tôi bảo các em hợp đồng với tôi: ‘Nếu em nào đậu Ðại Học, tôi sẽ thưởng 500 ngàn đồng; nếu em nào thi rớt phải trả tôi 50 ngàn đồng. Có tất cả 5 em thi Ðại Học hăng hái nhận hợp đồng. Kết quả 4 em thi rớt, chỉ một em thi đậu Cao Ðẳng. Nhớ mỗi lần vợ chồng tôi từ Sàigòn vào giảng, các con cái Chúa dành cho chúng tôi một sự kính trọng, yêu thương rất đặc biệt. Khi ấy được nghe con cái Chúa cầu nguyện xin Chúa ban phước cho ‘tuổi già của Mục sư Sơn’, anh em không nói ‘tuổi già của bà Mục sư Sơn’, có lẽ vì anh em thấy tóc tôi đã hoa râm.
Mùa Phục Sinh năm 1989, tôi được Hội Thánh tại Vũng tàu mời ra giảng. Vợ chồng tôi đi thật sớm, nhưng thời ấy việc đi xe thật vất vả, xe vừa chạy vừa nghỉ, mãi đến khi chúng tôi đến được nhà thờ thì con cái Chúa đã ra về. Vị chi chúng tôi ngồi xe từ Sàigòn ra Vũng tàu, đoạn đường dài 125 cây số vậy mà phải mất đến 6 tiếng đồng hồ. Dù vậy, Chúa cho bắt đầu từ ngày đó, tôi được Mục sư chủ tọa và Ban Trị Sự Hội Thánh tại Vũng tàu mời phụ tá lo cho Hội Thánh. Hầu như một đôi tuần tôi lại lên xe đò ra Vũng tàu giảng sáng Chúa nhật, tối thứ tư, tối thứ sáu, cộng vào đó là những buổi hiệp nguyện trở thành giờ dạy cho anh em cách chia sẻ Lời Chúa. Cảm ơn Chúa, cả Hội Thánh đều ủng hộ chức vụ chúng tôi.
Sau vài lần huấn luyện việc Truyền giảng, các con cái Chúa trong Hội Thánh quyết định mở cửa giảng Tin Lành, không còn sợ không có thân hữu nữa. Những kết quả làm nức lòng anh chị em. Chúng tôi lại dành thêm thì giờ kéo xuống Bình giả để khích lệ và hợp tác truyền giảng. Hội Thánh tại Bình giả cũng đồng ý mở cửa truyền giảng với điều kiện tôi phải giảng. Ngày Chúa nhật theo hợp đồng truyền giảng, tôi phải giảng ở Sàigòn sáng và trưa, bốn giờ chiều tôi từ nhà thờ tại Gia định ra xe để đến Vũng tàu. Bất ngờ chuyến xe ngày hôm ấy chạy quá chậm, lòng tôi như lửa đốt vì lần đầu tiên Hội Thánh tại Bình giả tổ chức giảng Tin Lành không thể để xảy ra sơ sót. Xe đến Vũng tàu lúc gần 8 giờ tối, nghĩa là Hội Thánh đã nhóm lại được gần 30 phút, tôi mệt đừ cả người, vừa xuống xe tôi vội vào nhà của một con cái Chúa tại Chợ Cũ Vũng tàu, tắm rửa, xong nhờ người chở bằng xe đạp đến nhà thờ, miệng ngậm một miếng nhân sâm của Bà Tư Ngọc Anh kịp đưa cho tôi. Ðến nhà thờ, tôi có 5 phút chuẩn bị cà-vạt, và lên tòa giảng. Cảm ơn Chúa, sự mệt mỏi tan biến đâu mất cho đến lúc giảng xong, kêu gọi, cầu nguyện cho người tin Chúa, khi ấy tôi không còn một chút sức lực nào nữa.
Mùa Giáng sanh năm 1989, tôi yêu cầu các Ban trong Hội Thánh tại Vũng tàu theo kế hoạch như sau: Trừ đêm 24 tháng 12 là chung cho tất cả Ban, riêng từ đêm 21, 22, 23, và đêm 25, mỗi đêm là một Ban phụ trách, trọng tâm là Truyền giảng, mỗi Ban tự lo mời Thân hữu, tất cả phải khác nhau từ trang trí đến nội dung chương trình. Thật là một thách thức lớn, cảm ơn Chúa, các anh chị em từ Tráng niên, Thanh niên, Thiếu niên, thiếu nhi, đều nôn nả thi đua, tôi chỉ ở vị trí quan sát, đôn đốc.
Trong thời gian chuẩn bị Giáng sanh nầy, có một vấn đề xảy ra trong Hội Thánh, ấy là mối tình của một đôi Thanh niên trong Hội Thánh. Nói thanh niên thật ra anh ấy là con trai của Mục sư chủ tọa và đã 30 tuổi rồi; còn cô thiếu nữ là con trong gia đình tín đồ tốt. Khi tôi ra Vũng tàu, thì mối tình nầy đã kéo dài hai năm. Ban đầu ông bà Mục sư chủ tọa ủng hộ mối tình nầy, nhưng sau đó bà đổi ý và không chịu cưới cô thiếu nữ đó cho con trai mình. Anh em trong Hội Thánh thấy gia đình ông bà Mục sư chủ tọa rất nể trọng tôi, nên đề nghị tôi xin cho họ cưới nhau. Ðôi Thanh niên cũng nhiều lần khóc nói tôi trước sự ngăn trở của ông bà, nhất là của bà Mục sư chủ tọa. Tôi có hỏi bà Mục sư lý do, bà nói rằng cô gái đó ‘dữ lắm, nhìn con mắt cứ liếc ngang liếc dọc. Môt lần cô nựng cháu ngoại của bà bằng cách ‘véo’ mạnh nơi gò má cháu ngoại của bà’. Kết luận là bà không cưới. Tôi phải nói ngọt với bà là sẽ khuyên cô. Bà lại quay qua chuyện nếu cưới về thì cô ấy phải làm dâu cho bà, bà nói thẳng là phải lo săn sóc cha mẹ chồng, phục dịch trong nhà, theo phong tục người Việt-nam. Tôi lại một phen lấy lời ngọt cắt nghĩa phụng dưỡng cha mẹ là bổn phận của con cái, nhưng chúng ta là Cơ-đốc nhân cứ theo lời Chúa dạy ‘người nam phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình’. Tôi đề nghị bà để cho họ tự nguyện, vả lại bà cũng có hai người con gái nữa. Tôi cũng hứa là sẽ giải thích để hai cô cậu nầy biết lo cho cha mẹ. Ðột nhiên bà khẳng định: ‘Chúng ta là người Việt-nam, thì theo phong tục người Việt-nam, con dâu phải làm dâu cho gia đình chồng, không thể theo phong tục Kinh Thánh được’. Tôi thật bất ngờ trước lời tuyên bố của bà - vợ của Mục sư.
Riêng ông Mục sư, sau nhiều lần năn nỉ giúp cô cậu đó, tôi thuyết phục được ông đồng ý. Ngày hôm đó ông mời tôi ra một quán cà-phê ven biển ở Bãi Trước, có người con trai của ông cùng đi. Ông ngồi uống cà-phê và trách con trai ông vài việc lặt vặt, cậu thanh niên đứng lên xin lỗi cha mình. Lúc ấy ông trở nên vui vẻ và hứa với tôi rằng, nếu bà không đồng ý thì một mình ông sẽ đứng lo cho con.
Không ngờ, tuần sau khi tôi từ Sàigòn trở ra Vũng tàu, thì cả hai ông bà Mục sư gặp tôi trả lời dứt khoát không đồng ý việc hôn nhân đó, trong khi tôi ngỡ rằng chuyến nầy được ăn cưới. Còn ông thì nói là ông đã suy nghĩ kỹ thấy ý kiến của bà ‘là đúng’. Từ hôm đó, bà thay đổi thái độ đối với tôi, luôn tránh mặt tôi. Trước tình hình như vậy, tôi viết một thư gởi Mục sư chủ tọa và Ban Trị Sự Hội Thánh thông báo là tôi sẽ không ra Vũng tàu lo tiếp công việc Chúa nữa.
Bấy giờ tất cả các Ban Ngành trong Hội Thánh đồng loạt ngưng tập Lễ Giáng sanh, họ áp lực với Mục sư chủ tọa và Ban Trị Sự Hội Thánh phải mời tôi trở lại. Kết quả là chính con trai của Mục sư chủ tọa cầm thư của Ban Trị Sự có chữ ký của Mục sư chủ tọa mời tôi trở lại tiếp tục công việc. Anh con trai của Mục sư đưa thư kèm theo một lời cảnh báo tôi: ‘Mục sư phải cẩn thận lần nầy, thế nào Công An cũng sẽ làm khó dễ Mục sư’. Tôi hỏi lý do. Anh ấy nói: ‘Bà Mục sư chủ tọa sẽ làm khó Mục sư’. Tôi nói vô lý, vì tôi làm việc tốt cho gia đình ông bà Mục sư chủ tọa để Hội Thánh khen ngợi ông bà mà.
Và tôi nhận lời trở lại Vũng tàu vì suy nghĩ chỉ còn một tuần nữa là đến Lễ Giáng sanh, công việc Chúa phải là ưu tiên, nhất là việc truyền giảng Tin Lành. Chiều thứ bảy ngày 18 tháng 12 năm 1989, ông Mục sư chủ tọa đến chỗ tôi nghỉ là nhà của anh thư ký Hội Thánh Trần Xuân Hà, báo tin cho tôi và anh Hà biết là ông sẽ đi Sàigòn sáng sớm Chúa nhật để dự tang lễ của một Cán bộ trong Mặt Trận Tổ Quốc Thành phố, vì ông Mục sư là Cán bộ Mặt Trận Vũng tàu. Ông nhờ tôi giảng thay, ông cũng nhắc tôi nhớ mặc áo veston, phải đứng nơi bục giảng. Tôi cảm ơn ông và xin để tôi mặc áo sơ-mi với cà-vạt, đứng nơi bục hướng dẫn, như thường lệ. Từ lúc ra Vũng tàu cộng tác công việc Chúa, theo lời của Mục sư chủ tọa nầy là để tránh sự chú ý của Chánh quyền, nên khi tôi giảng, tôi chỉ mặc áo sơ-mi với cà-vạt và đứng nơi bục hướng dẫn, nhưng không biết tại sao lần nầy ông cứ nhắc đi nhắc lại việc nên mặc áo veston và đứng nơi bục giảng.
Sáng Chúa nhật, ông đi sớm, buổi nhóm bình thường. Nhưng khi tôi đứng lên giảng thì có hai Công An bước vào ngồi ở hàng băng cuối với máy ghi âm. Anh em trong Hội Thánh báo tin cho tôi. Chờ khi buổi thờ phượng kết thúc, hai Công An đòi gặp tôi và chất vấn: ‘Ai cho phép anh lên giảng?’ Tại sao Mục sư chủ tọa không cho phép mà tôi lại đứng lên giảng?’ Cuộc chất vấn kéo dài suốt hai ngày trong Cơ quan Công An tỉnh chỉ chừng ấy việc. Lập tức Ban Trị Sự một mặt báo tin về Sàigòn mời Mục sư chủ tọa về gấp, một mặt toàn Ban Trị Sự cùng đi đến Công An với tôi. Với tình hình như vậy mà mãi đến chiều thứ hai ông Mục sư nầy mới về và vịn cớ mệt cũng như Công An không có mời ông, nên ông không thể đến Công An giải quyết. Còn trong Công An, họ nói rằng Mục sư chủ tọa quả quyết là tôi tự ý ra Vũng tàu hoạt động, lợi dụng lúc ông đi vắng tôi lên giảng trái phép.
Cả Ban Trị Sự làm chứng là Ban Trị Sự mời tôi, thêm nữa là tôi vẫn còn giữ thư của Hội Thánh do chính Mục sư chủ tọa viết tay mời tôi ra làm phụ tá giúp ông lo công việc Chúa từ sáu tháng trước. Khi tôi xuất trình thư mời nầy thì bên Công An lúng túng, họ bàn nhỏ với nhau gì đó, rồi xin mượn tôi thư mời đó để đi photocopy xong sẽ trả lại tôi. Ban đầu tôi hơi ngại họ phi tang thư mời, nhưng họ làm biên bản nhận tạm và đã trả lại cho tôi sau khi đem đâu đó khá lâu.
Ban Trị Sự Hội Thánh kiên trì chở tôi đến cơ quan Công An, tất cả ngồi bên ngoài để gây áp lực. Mọi việc cuối cùng cũng qua, Công An yêu cầu tôi đừng hoạt động khi không có sự đồng ý của Mục sư chủ tọa. Ngày hôm sau tôi về Sàigòn, Cụ Mục sư Phó Hội Trưởng lập tức gọi Mục sư chủ tọa Hội Thánh tại Vũng tàu vào, và ngay trước mặt tôi, Mục sư Phó Hội Trưởng đã quở trách ông về việc ông bỏ công việc Chúa trong ngày Chúa nhật để đi dự tang trong Sàigòn, quở trách ông đã không về để giúp giải quyết việc Công An gây khó khăn cho tôi, đồng thời Mục sư Phó Hội Trưởng cũng yêu cầu ông trở lại Vũng tàu nói với bà rằng: ‘Chúng ta là Cơ-đốc nhân phải làm theo lời Chúa dạy, không theo phong tục của nước nào cả’.
Tuy đầy đe dọa, nhưng Chúa cho tôi vẫn trở lại Vũng tàu để điều khiển chương trình truyền giảng Giáng sanh của Hội Thánh. Ðêm nào Công An cũng đứng đầy đường, tôi ở trong hậu trường, còn họ thì chờ tôi xuất hiện trên tòa giảng. Có đêm tôi chỉ ở hậu trường kêu gọi thân hữu tin Chúa, có đêm tôi ra giảng mà không báo trước, không cho giới thiệu. Dù kết quả có hạn chế, nhưng cảm ơn Chúa cho chiếc thuyền của Hội Thánh vượt qua cơn sóng dữ. Xong Lễ Giáng sanh, tôi từ giã Hội Thánh tại Vũng tàu sau sáu tháng hợp tác với con cái Chúa. Tôi ra đi dù công việc chung chưa hoàn tất, nhưng cũng được an ủi vì một số các anh em có lòng hầu việc Chúa trong Hội Thánh tại Vũng tàu đã có thể nắm vững cách chia sẻ Lời Chúa, đã mạnh mẽ truyền giảng Tin Lành.
(Ðiều vui đáng nói là đôi thanh niên nam nữ đó được gia đình hai bên chấp thuận cho cưới nhau. Ðiều vui hơn nữa là tôi nhận được hai Thiệp Hồng của đôi bạn nầy, cũng nhận được Thiệp Mời của ông bà Mục sư chủ tọa Hội Thánh tại Vũng tàu – dù tôi không biết ông hay bà mời. Trong ngày Hôn Lễ, Mục sư Phó Hội Trưởng làm Lễ đã yêu cầu cha mẹ Nhà Trai đứng lên xác nhận đứng cưới cô thiếu nữ đó cho con mình, thì ông đứng nhưng bà không đứng dù bà Mục sư Phó Hội Trưởng đã bước đến sau lưng thúc giục. Hôn lễ cũng xong, rồi một đứa cháu nội đầu tiên ra chào đời. Có tin tức cho tôi biết ‘không ai được đụng đến cháu nội cưng của bà Mục sư chủ tọa’. Mỗi lần nghĩ đến tôi tự mỉm cười, cũng tại cặp vợ chồng nầy mà Công An rượt tôi, quả đúng như người xưa nói: Trên đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu. Tôi đã làm cái chuyện ngu nhất)
Rồi các nơi kế tiếp: Bà-Rịa, Ðức Thạnh, Long Thành. Ðáng lẽ tôi đã đến được Bảo Lộc, nhưng không biết ai đã thông báo, nên thứ sáu trước Chúa nhật tôi đến, Mục sư Lê Khắc Tuyển cho người vào Sàigòn cho biết rất đông người Thượng ùn ùn kéo tới nhà thờ vì hay tin có Mục sư trần Thái Sơn từ Sàigòn ra giảng. Bởi đó chuyến đi phải hủy bỏ.
Cảm ơn Chúa cho tôi được đến với khá nhiều Hội Thánh trong Thành phố Sàigòn, ngoài Hội Thánh tại Bình Tây mà tôi từng làm Cố Vấn.
Khi Cụ Mục sư Phó Hội trưởng Ðoàn văn Miêng bị tai nạn gãy xương chân, buổi dạy Kinh Thánh tại nhà thờ Sàigòn vào tối thứ tư được giao cho tôi (tối thứ năm do Mục sư Thái Phước Trường phụ trách). Chúa cho con cái Chúa đi học rất đông, chật cả nhà thờ Sàigòn, đa số là từ các Hội Thánh lân cận, có người ở tận Thủ Ðức, có người ở các tỉnh vùng ven lên học. Thật sự qua chương trình nầy, Chúa có dùng Cụ Mục sư Phó Hội Trưởng phụ trách đem đến vô vàn phước hạnh cho con cái Chúa khắp nơi. Chúa cho tôi và Mục sư Trường được thay Cụ dạy Kinh Thánh sáu tháng đến khi Cụ có thể đi lại được.