Con Đường Thập Tự

         

         Nhớ lại những ngày đầu chứng kiến việc tổ chức Khóa Kinh Thánh Mùa Hè của Hội Thánh tại Ðông Phú, tôi thấy con cái Chúa là người phụ trách cũng như các Thiếu nhi học viên cũng quá ư là cực khổ:
§  Chỗ ngủ của các em thiếu nhi học viên: Vì nền phòng học là đất, nên suốt bao năm qua, cứ đến khi Khóa học bắt đầu thì các anh em phải đi mượn những bộ ván ngựa của tín đồ rồi kê trên những viên gạch làm giường ngủ cho các em. Ði mượn đã vất vả rồi, mà khi đi trả lại càng vất vả hơn, vì lúc đó ai cũng mệt đừ cả rồi.
§  Chỗ ăn: Nhà bếp là một nơi nền đất, mái lá, bếp lò là những viên gạch kê lên, chụm củi mà củi là những cây tạp mua hoặc xin được, kiếm được, vừa khói vừa bụi tro bay đầy. Các bà phụ trách nấu ăn luôn bị viêm mắt, viêm mũi, thật tội nghiệp, mà nào có dám than thở gì đâu. Các em thiếu nhi học viên ngồi quanh những băng ghế dài để ăn. Món ăn buổi sáng là cháu loãng với nửa ký thịt băm cho bảy, tám chục em; buổi trưa và chiều là dưa mắm với canh rau hay khoai, … phần nhiều do các con cái Chúa trong Hội Thánh dâng góp vào. Tiêu chuẩn một ngày ăn của các học viên thiếu nhi nầy đến năm 2003 là 3,000 đồng Việt-nam (chưa tới 20 cent). Do đó Ban Nhà Bếp phải tính toán thật kỹ, ngoài số gạo của con cái Chúa dâng.
Tội nghiệp các em ăn uống thiếu thốn, trong khi các em thuộc các Hội Thánh vùng Sàigòn hoặc các tỉnh lớn được tiêu chuẩn là 15 ngàn đồng một ngày, còn được đi dã ngoại vui chơi. Nhưng nhìn các em ăn cách ngon lành, tôi biết ở nhà một số em cũng không được ăn ‘ngon’ như vậy. Có lúc tôi cho mua mì gói cho các em ăn sáng, các con cái Chúa đi mua cũng không dám mua loại mì trung bình (mì Hảo Hảo gì đó), họ chỉ dám mua loại dở nhất là loại 100 gói giá 65 ngàn đồng. Vậy mà các em ăn ngon lành, nhiều em còn ăn một gói không đã, ăn hai hoặc ba gói, có khi còn giấu riêng trong áo định đem về.
Những lúc Khóa học hết gạo hay hết thức ăn, Ban Nhà Bếp lấy ghe chở tôi đi đến nhà tín đồ – nói cho lịch sự là đi vận động, nói theo nghĩa đen là ‘Ði Xin’ gạo, xin thức ăn. Cảm ơn Chúa, mỗi lần như vậy, các con cái Chúa thấy tôi đến không cần tôi nói một tiếng nào, tự động xúc gạo đem ra, hoặc nhảy xuống ao bắt cá, hoặc bẻ đu đủ… bất cứ món gì mà anh em có được, vác xuống ghe cách nhiệt tình, vui vẻ, vậy mà chắc lưỡi hít hà: “Tôi nghiệp ông bà Mục sư! Tội nghiệp ông bà Mục sư!” Thật thắm tình thắm nghĩa trong Chúa.
§  Các em phải ăn ở nội trú trong khuôn viên nhà thờ suốt hai tuần học, với số lượng năm 1998 là 80, lần lần tăng thêm, đến năm 2002 là 250 học viên gồm thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi, ấu nhi. Chúng tôi cho nhận các em từ 5 tuổi trở lên, kể cả những em không biết chữ. Vì vậy, các Giáo viên vừa lo dạy Kinh Thánh, vừa kiêm luôn vú nuôi, phải lo cho các em tắm, giặt, giúp các em vệ sinh cá nhân.
Năm 1999, các em học viên phải tắm dưới sông. Nếu nước buổi chiều là giờ tắm giặt là nước lớn thì rất tốt; nếu nước ròng thì thật là một thảm họa, vì các em vừa tắm vừa vui chơi, quậy nước sình nổi lên. Khi tắm xong, tôi nói với các em là không tắm các em còn sạch hơn. Cảm ơn Chúa cho Hội Thánh Báp-tít Greensboro (Hoa Kỳ) do Mục sư Võ Ðức Hòa cổ động giúp chúng tôi khoan một giếng nước cho Hội Thánh và từ đó, các em sạch sẽ trong sự tắm giặt, nấu ăn, kể cả nước uống.
§  Việc học Lời Chúa của các em: Trong những Khóa Kinh Thánh Hè như vậy, Hội Thánh phải nhờ người ở các Hội Thánh lân cận đến dạy, hầu hết dạy theo lối đọc chính tả, các em chỉ có việc là ngồi chép lại nguyên văn. Chương trình học không có giờ nào vui chơi, giải trí, không có giờ cho các em vận động tay chân gì cả. Sau một lần nhìn thấy cách dạy như vậy.  Chúng tôi lên chương trình đào tạo thanh niên trong Hội Thánh đứng ra dạy cho các em Thiếu nhi, trong đó có các con cái Chúa là các Giáo viên dạy văn hóa ở ngoài. Tôi không cho các giáo viên dạy theo cách đọc chính tả, Nhà tôi tập cho các giáo viên dạy bằng thị cụ, hướng dẫn các em hát, chơi trò chơi, làm thủ công… Cảm ơn Chúa, lần lần các giáo viên nội bộ mới nầy đảm nhận tất cả các lớp học Kinh Thánh vào Chúa nhật, Kinh Thánh Hè. Mỗi tháng, mỗi kỳ, hoặc mỗi Khóa, chúng tôi mướn người Photocopy tài liệu đem xuống, Nhà tôi hướng dẫn các Giáo viên sử dụng trước, thực tập dạy trước. Ai nấy rất vui và rất hiệu quả, đến nỗi chúng tôi có trên 200 thiếu nhi nhóm lại mỗi Chúa nhật.
Niềm vui của chúng tôi là các em Thiếu nhi biết lễ phép chào hỏi chúng tôi. Những lần con cái Chúa chở chúng tôi đi thăm viếng, các em ngồi trên xuồng hay đứng trên bờ nhìn thấy, đều lớn tiếng chào: “Chào ông bà Mục sư!”. Chúng tôi đi giảng ‘chui’ mà các em la lên báo cáo rền như vậy, hóa ra ‘Lạy ông, tôi ở bụi nầy’. Thật Chúa đã được ngợi khen bởi miệng con trẻ và con đương bú.
Mỗi năm chúng tôi cho tổ chức Lễ Tổng Kết Năm Học, mục đích là để khuyến khích các con em trong Hội Thánh đi học, vì tôi thấy đặc tánh của người dân Nam Bộ ở vùng quê vùng xa, không chú trọng việc học của con em, cứ con gái đến mười sáu mười bảy là tìm cách mai mối gả đi; còn con trai học đến lớp 10, lớp 11, hoặc nhiều lắm là đến 12, thay vì khuyến khích học tiếp, thì cha mẹ bắt đầu dọ ý cưới vợ cho con.
Ðể phá bỏ hủ tục đó, tôi phải hô hào cổ động các em đi học. Muốn các em đi học thì chúng tôi phải tìm cách giúp các em phương tiện đi học như: quần áo, tập viết, kể cả tiền đóng học phí đầu năm học. Ðó là mục đích tổ chức Lễ Tổng Kết Học sinh trong Hội Thánh, tất cả các em có đi học đều được phát tập, viết, các em nghèo thì được giúp quần áo, giúp tiền đóng học phí; các em học giỏi, tiên tiến, thì được thưởng thêm. Tôi cũng tìm cách giúp các em học thêm Hè, giúp các em bữa ăn trưa khi Trường dạy phụ đạo buổi chiều. Năm 2002, để khuyến khích các em thi Ðại Học, tôi hứa với các em tốt nghiệp lớp 12 trong Hội Thánh tại Ðông Phú: em nào thi đậu Ðại Học, tôi sẽ thuê nhà cho các em ở trọ đi học, giúp tiền cơm ăn đi học. Một lần nữa giống như ở Hội Thánh tại Xã lộ 25, các em đều thi rớt! Dù vậy, Chúa cho cha mẹ các em và chính các em ý thức vấn đề học cho tương lai và cho tinh thần hầu việc Chúa, nên đã có những cố gắng tự vươn lên sau nầy.
Làm sao tôi có tiền để lo công việc Chúa? Thật sự Hội Thánh tại Ðông Phú đã có lòng quan tâm lo cho chúng tôi, ngoài số tiền hằng tháng gởi đến làm lộ phí – nếu vợ chồng tôi đi hai lần một tháng thì ‘huề vốn’ tiền xe; nếu đi ba hoặc bốn lần một tháng thì lỗ tiền nhà. Việc ăn uống của chúng tôi khi ở Ðông Phú, Hội Thánh lo cả. Cảm ơn Chúa, thỉnh thoảng có ai đó gởi đến 50 hoặc 100 USD, rồi các con tôi lấy tiền dâng phần mười giúp tôi lo công việc Chúa không phải chỉ ở Ðông Phú, mà còn ở những nơi nào tôi biết và muốn giúp. Chúa cũng cho tôi viết bài hoặc dịch sách để có tiền. Có những lúc vì phải cố gắng thức khuya, dậy sớm, để dịch hoặc viết cho xong bài, hay sách, tôi thường bị máu lên, có lúc đang ngồi bên máy Vi-tính, mắt nhìn bàn phím, nhưng ngón tay không theo trí óc điều khiển nữa, đầu bị choáng, tôi ngã ra bên giường mà không lên tiếng kêu ai được. Cảm ơn Chúa, rồi Chúa cũng đỡ tôi ngồi dậy, rồi nghĩ đến nét mặt các con cái Chúa vui, công việc Chúa được kết quả, đó là sức mới Chúa cho tôi khỏe lại.
 Có lần Mục sư Lê Khắc Hóa hỏi tôi: “Tôi hỏi thiệt ông, có Hội nào giúp ông không? Tôi trả lời là “Có” và chỉ tay lên trời – vì lúc đó chúng tôi đang đứng ngoài trời. Có người nói với tôi: “Ði hầu việc mấy chục năm mà không có vài chục cây vàng sao?” Tôi đã tập xài cho mình ít hơn, mà dâng cho Chúa nhiều hơn. Tôi thường trích hai câu thơ của một nhà thơ nào đó để nói lên tâm tình của chúng tôi:
Mở kho trời phân phát thương yêu,
Tự thấy mình giàu có biết bao nhiêu.
Tôi vẫn luôn học cho mình những lời của Sứ đồ Phaolô nói trong thư II Côrintô 6:10, … Ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có; ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự.
Tôi viết những lời nầy để nhớ đến lòng yêu thương của các bác sĩ Phạm Úy Minh, Bác sĩ Trần văn Thanh, Y sĩ Ðặng văn Ru ở Bịnh viện Hồng bàng (Phạm Ngọc Thạch), Y sĩ Hưng (Bịnh viện Bình dân), đã hết lòng giúp đỡ tôi khi những lần tôi bị máu lên, bị sạn thận.
Cảm ơn Chúa suốt gần 20 năm từ 1981 đến 1997, Chúa cho tôi được đến nhiều Hội Thánh dự phần với các Mục sư chủ tọa huấn luyện Chứng Ðạo Chăm Sóc, nhưng khi Chúa đưa tôi đến lo công việc Chúa tại Ðông Phú thì tất cả sách vỡ tôi đã học, cũng như bao nhiêu kinh nghiệm tôi có đều phải thay đổi hết. Lý do là tất cả các Phương pháp Chứng Ðạo Chăm Sóc đã từng biết đều là những Phương Pháp sử dụng trên đất liền, đi đường bộ. Còn địa phương Ðông Phú là đường sông rạch, nhà không có số, không có tên đường, việc đến nhà thờ lại rất khó, nhất là ban đêm, nếu không nói là xa, phương tiện di chuyển phần lớn là ghe thuyền.
Ðức Chúa Trời đã mở đường cho công việc Chúa. Nhờ vài anh chị em ở Sàigòn do Cô Truyền Ðạo Diệp vận động giúp tài chánh, chúng tôi tổ chức 7 lớp học tình thương xóa mù tại 6 địa điểm khác nhau, nhà thờ là một điểm, còn năm điểm kia ở rải ra theo từng vị trí chiến lược. Người dạy là các con cái Chúa trong Hội Thánh cũng là Giáo viên dạy văn hóa trong các trường địa phương. Học sinh là những đứa trẻ nghèo không có điều kiện đi học vì quá nghèo, và cũng vì cha mẹ các em không quan tâm chăm sóc các em. Tất cả các em đều là những người chưa tin Chúa.
Tôi nhắc đến những lớp học tình thương nầy vì những kết quả kỳ diệu mà Chúa đã cho. Ðiển hình như lớp học tại khu vực nhà thờ, hầu hết các em là thuộc xóm nhà gọi là xóm ‘Sếp’, kế cận nhà thờ. Ðây là xóm nhà chưa có người tin Chúa, đa số là dân tứ xứ về, đời sống cực khổ, họ thường bài bạc, say rượu, … Ba tháng đầu tiên, tôi ngã lòng lắm, vì các em rất hoang nghịch không có một chút lễ phép, nói ra thì thường chửi thề thô tục, do không ai dạy dỗ, quần áo rách rưới dơ bẩn, mình mẩy dường như không bao giờ tắm. Chúng tôi cho phát tập, viết cho các em, độ hai hoặc ba ngày sau, quyển tập chỉ còn vài tờ. Hỏi các em ‘tại sao?’ Các em trả lời: ‘Tại Ba Má lấy vấn thuốc hút’. Chúng tôi phải lo tập, viết, quần áo, anh chị em giáo viên trong Hội Thánh dạy học, buổi tối dạy Kinh Thánh cho các em.
Cảm ơn Chúa đã nhậm lời cầu nguyện ban thưởng cho sự nhẫn nại nhịn nhục của anh chị em giáo viên. Các em tin Chúa, đời sống lần lần đổi mới, biết ăn mặc sạch sẽ, biết giữ gìn tập, viết, ít nói tục, không còn đánh nhau nữa. Buổi tối không có đèn đường, các em thường thắp đuốc bằng lá dừa soi đường đến học Kinh Thánh.
Khi Chúa cho các em tin Chúa, chúng tôi bắt đầu tổ chức những buổi truyền giảng Tin Lành cho các phụ huynh lớp học tình thương. Các em được khuyến khích mời cha mẹ đến dự, các em hát trong giờ truyền giảng, các em lãnh quà lãnh thưởng. Có một em lãnh thưởng xong, vừa cầm tay mẹ đi ra vừa nói với mẹ: “Con cầm gói bánh, má cầm gói quà của con cho vui”, tôi tình cờ đi ngang qua, lòng tôi thật cảm động vì sự hiếu thảo của các em. Chúa thật đã làm phép lạ khi hầu hết các em trong các lớp Tình thương tin Chúa, mỗi Chúa nhật đều đi nhà thờ, và từ các em Chúa cho có hơn 80% phụ huynh của các em tin Chúa. Một lần, chúng tôi cùng Ban Trị Sự Hội Thánh đi bộ đến nhà một tín đồ mà chúng tôi đã giúp khoan giếng nước. Dọc theo đường đi là dãy nhà của Xóm Sếp, các em đang ngồi chơi lập tức đứng lên khoanh tay: “Chào ông Mục sư, chào bà Mục sư!” Cứ liên tiếp chào như vậy, cha mẹ các em cũng chào chúng tôi. Phép lạ đã xảy ra, rất nhiều gia đình trong khu vực Xóm Sếp nầy đã tin Chúa nhờ các em trong lớp học Tình thương. Ðiều vui mừng nữa là sau hai năm, tất cả các em biết đọc, biết viết, được các giáo viên Tin Lành đưa vào trường chánh thức. Mỗi chiều thứ bảy, các em lại ra nhà thờ để tiếp quét dọn sân nhà thờ cách vui vẻ thật thà.
Chương trình truyền giảng được đẩy mạnh qua những buổi thi đua mời Thân hữu đến nhà thờ, nên hầu như tuần nào cũng có người tin nhận Chúa. Các Ban Trung niên, Tráng niên, Thanh niên, Thiếu niên, cũng thi đua truyền giảng cho Ban mình.
Ban Phụ nữ được thành lập và nhóm lại mỗi thứ bảy đầu tháng. Ban đã dùng những ngày Phụ nữ 8-3, Ngày Lễ Mẫu Thân, để truyền giảng. Nhà tôi tổ chức cho Quý Bà tự học Kinh Thánh tại nhà, số bài học ban đầu chúng tôi cho photocopy là 30, rồi 50, rồi 70 và lên đến 100. Một tinh thần thi đua học Kinh Thánh giữa Ban Phụ Nữ khiến các ông cũng tham gia.
Những ngày Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus giáng sanh thật là cơ hội truyền giảng Tin Lành tốt nhất. Vào đêm 24 và 25, có cả ngàn thân hữu đến nhà thờ ‘xem Lễ’. Rút kinh nghiệm một năm đầu tiên, tôi đưa ra những đề nghị:
1.    Hội Thánh thuê tàu đò từ 7 đến 10 chiếc, ngoài những phương tiện ghe, vỏ lãi của Hội Thánh và cá nhân tín đồ có, để đón và đưa các thân hữu dự Lễ Kỷ Niệm  Chúa Jêsus Giáng sanh.
2.    Ðộng viên các con cái Chúa thi đua mời Thân hữu, chỉ dẫn thân hữu địa điểm tập trung và giờ tàu đò đến rước.
3.    Chuẩn bị Truyền Ðạo đơn mỗi thứ 1,000 quyển, tôi cho photocopy Truyện Tích Chúa Jêsus giáng sanh bằng hình, in thiệp mời kèm theo thông báo giờ Lễ, những tiết mục tặng quà và đố vui Mừng Chúa Giáng sanh.
4.    Ðể giữ chân thân hữu ở lại suốt giờ Lễ, đêm 24 tôi cho Ban Tiếp Tân ghi danh Thân hữu đến nhà thờ bỏ vào Thùng Rút Thăm Tặng Quà Giáng Sanh. Sau giờ Lễ, chúng tôi cho rút thăm tặng mười phần quà gồm: áo sơ-mi, quạt để bàn, nguyên thùng mì gói loại trung bình,… cảm ơn Chúa, các thân hữu đã ở lại đầy đủ từ đầu đến cuối Lễ.
5.    Ðêm 25, tôi chia bài giảng làm hai lần, mỗi lần 15 phút rồi kêu gọi thân hữu tiếp nhận Chúa. Xen vào hai lần giảng và kêu gọi là phần đố vui Giáng sanh theo nội dung những tài liệu đã phổ biến đêm 24, thi hát bài Thánh ca tập đầu giờ Lễ… Cũng với 10 phần quà như vậy, trung bình mỗi món quà không quá 50 ngàn đồng, nhưng Tin Lành đã được đến với hàng trăm Thân hữu cách rõ ràng, họ vui vẻ tiếp nhận Chúa trong và sau giờ Lễ. Sau đêm 24 và sáng 25, tôi thường dậy sớm xem xét khắp sân nhà thờ, cảm ơn Chúa không một tờ truyền đạo đơn nào bị bỏ lại, thân hữu đã đem về và tối 25, họ lại đem theo để tham gia Ðố Vui Mừng Chúa Giáng Sanh. Ha-lê-lu-gia!
Mỗi Mùa Giáng sanh, Chúa cho Hội Thánh có trên dưới 100 người tin Chúa. Ðêm 24 năm 2002, có 387 thân hữu ghi danh dự Lễ, ngồi trong nhà thờ, ngoài ra còn rất đông thân hữu không có chỗ ngồi đành đứng ngoài sân và không thể tham dự rút thăm tặng quà. Ðêm 25 tháng 12 năm 2002, Chúa cho cũng chừng ấy thân hữu (385) ghi tên dự Lễ và tham dự Ðố Vui Mừng Chúa Giáng Sanh.
Sáng 25 mỗi năm, Hội Thánh luôn có bữa ăn truyền thống vui vẻ, chúng tôi nhờ ơn Chúa lo cho các em Thiếu nhi đều có quà gồm bánh kẹo, đồ chơi bằng nhựa sản xuất tại Chợlớn. Những buổi tối Lễ, các Ban tự lo bồi dưỡng cho ban viên, còn chúng tôi lo cho các em thiếu nhi trong Ban hát Lễ ăn tối.
Ðêm Thương Khó sẽ có Ðêm Thức Canh Cầu nguyện sau giờ Lễ, kêu gọi con cái Chúa cầu nguyện thâu đêm.
Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus Phục Sinh, tôi treo giải thưởng 100 phần ăn sáng cho 100 người đến nhà thờ sớm nhất. Tôi cũng tổ chức Thi Bánh Mứt Khéo, sau đó gom lại ăn chung trong ngày Lễ đặc biệt nầy, rồi phát thưởng thi đua truyền giảng.
Tết Âm lịch, tôi đề nghị con cái Chúa khi đến nhóm sẽ góp bánh tét, đồng thời để dự bị số người ở nhà không có bánh tét, chúng tôi lạc quyên nếp và tiền, thịt heo. Chiều 30 Tết, bánh tét sẽ được gói và nấu tại nhà thờ, rồi kho thịt, rồi làm dưa chua để ăn với thịt kho. Sáng Mùng Một, con cái Chúa nhóm lại làm chứng Tạ Ơn Chúa Ðầu Năm Mới, sau đó cùng nhau ăn bữa chung bánh tét với thịt kho, dưa chua, cách vui vẻ thật thà. Tiệc xong là chia nhau từng Ðoàn Thăm viếng Chúc Tết vui vẻ tất cả gia đình con cái Chúa trong ba ngày Tết.
Vì số tín đồ trên một ngàn người, nên việc dâng con được tổ chức sáu tháng một lần, nhơn đó dành làm Chúa nhật Thiếu Nhi trong Hội Thánh. Mỗi lần số dâng con lúc nào cũng trên 10 em bé, các Thiếu nhi phụ trách hát múa trong giờ thờ phượng, các Giáo viên giới thiệu hoạt động Thiếu nhi, tôi giảng về trách nhiệm đối với con em. Sau giờ Thờ phượng Chúa, sẽ có thì giờ cho Thiếu nhi sinh hoạt vui, ăn uống đến 3 giờ chiều.
Các Ban khác cũng thay nhau tổ chức Ngày của Ban mình: Ngày Trung Niên, Ngày Tráng Niên, Ngày Thanh niên, Ngày Thiếu Niên, hầu hết đều nhơn đó mời Thân hữu, mời các Ban trong các Hội Thánh lân cận đến tham dự. Rồi Chúa cho Hội Thánh thành lập Ban Cao Niên gồm các ông các bà trên 55 tuổi, cũng sinh hoạt hằng tuần với những tiết mục vui: Kể chuyện vui, Ðố Kinh Thánh, tặng quà Sinh nhật và mỗi năm có ngày Bồi linh Cao Niên, các ông các bà làm chứng ơn Chúa, thi Kinh Thánh, thi Thánh ca, nghe giảng, con cháu tặng quà mừng cha mẹ, ông bà. Những ngày như vậy thắm ướt nước mắt người già – Người Già Cũng Khóc!
Một số con cái Chúa quá nghèo, các anh em trong Ban Trung niên, Tráng niên và Cao niên, đã hiệp lại công sức, dùng những cây bạch đàn sẵn có trong nhà thờ, lá lợp của con cái cho, đôi khi tôi cổ động giúp sườn nhà bằng sắt. Cảm ơn Chúa, dù là mái lá vách lá, kèo cột cong queo, nền đất, ít khi được lót gạch tàu loại phế phẩm, nhưng gia đình cũng như Hội Thánh tràn đầy tình yêu thương trong Chúa.
Có rất nhiều đời sống tin Chúa được đổi mới. Hội Thánh đã tăng từ 600, 700 lên trên một ngàn tín đồ. Ảnh hưởng của Chúa trong các Xã chung quanh rất mạnh, có những người chưa tin Chúa, khi có sự gì bất hòa với con cái Chúa, họ lại làm đơn thưa với Mục sư và Ban Trị Sự Hội Thánh. Những mâu thuẫn xảy ra trong tín đồ, cảm ơn Chúa cho con cái Chúa vâng phục quyết định của Mục sư và Ban Trị Sự Hội Thánh.
Trước sự phát triển của Hội Thánh, ma quỉ cũng tìm đủ cách để tấn công Hội Thánh, nhất là vào các Chương trình truyền giảng. Một số các con cái Chúa mời Thân hữu đến nghe giảng Tin Lành hoặc làm chứng về Chúa, đều bị Công An kêu lên cảnh cáo, hạch sách: Ai sai đi mời Thân hữu? Ði mời được bao nhiêu tiền? – Họ cố ý gài tín đồ trả lời là Mục sư Sơn sai đi, Mục sư trả tiền. Chính các Thân hữu cũng bị Công An kêu lên cảnh cáo, ngăn cản, hăm dọa: nếu theo Ðạo thì sẽ bị phạt, bị tịch thu sổ nghèo. Họ không chỉ hăm dọa suông mà đã thi hành qua việc tịch thu sổ nghèo của tất cả tín đồ Tin Lành (Sổ Nghèo là sổ chứng nhận gia đình đó nghèo, khi Chánh quyền có sự cứu trợ nào thì gia đình đó được Chánh quyền giúp; con cái gia đình có Sổ Nghèo được miễn hoặc giảm học phí đầu năm…). Khi tịch thu Sổ Nghèo, họ còn tuyên bố: Theo Tin Lành thì để ông Mục sư Sơn lo! Trong những ngày giáo chức trong Tỉnh hay Huyện học chính trị, họ đem Hội Thánh tại Ðông Phú ra để nói, họ cho rằng tại nhà thờ ở Ðông Phú, Mục sư Sơn đang tranh giành ảnh hưởng với Ðảng và Nhà Nước. Họ kêu gọi Hội Thánh góp phần về Xã hội như tham gia Hội Khuyến Học, tôi cho Chấp sự đứng vào nhưng khi tôi cho tiền giúp Quỹ Khuyến Học thì họ nhận tiền mà không dám nêu tên tôi.
Chúng tôi cũng xin được một số Ân Nhân giúp khoan giếng nước, mỗi giếng hoàn chỉnh giá chi phí là 1 triệu 800 ngàn đồng, cho Trường học, cho khu dân nghèo, tôi cho ghi tên trên một Bảng Mica nhỏ dòng chữ: “Hội Thánh Tin Lành tặng”.
Chúng tôi vận động Ðoàn Y Bác Sĩ Tin Lành từ Sàigòn xuống phát thuốc, khám chữa bịnh. Hai lần trong hai năm. Hội Thánh xin phép đầy đủ, nhưng cũng bị làm khó đủ điều. Dù vậy, các Y Bác Sĩ là những con cái của Chúa đã nhịn nhục để làm công việc từ thiện đem vinh hiển cho Chúa. Mỗi lần số lượng người đến khám và chữa bịnh trên 500 người trong hai ngày. Các anh chị em Y Bác Sĩ đã làm việc hết lòng đến nỗi không có thì giờ để ăn uống, họ chịu cực trong điều kiện sinh hoạt vùng quê thiếu thốân. Chánh quyền đã không hổ trợ mà còn lo sợ chúng tôi lợi dụng “tuyên truyền Ðạo”. Tôi cho viết lên Bảng những dòng chữ thật to để nơi sân nhà thờ: “Ðoàn Y Bác Sĩ Tin Lành khám bịnh, phát thuốc miễn phí, không phân biệt người có Ðạo hay không có Ðạo, không có mục đích giảng Ðạo. Ai muốn tìm hiểu Ðạo thì vào trong nhà thờ.” Chúng tôi cứ cho lặp đi lặp lại trên loa phóng thanh như vậy và cho mở cửa nhà thờ để cá nhân chứng đạo. Cảm ơn Chúa, trong khi chờ đợi, bịnh nhân đã vào nhà thờ hỏi thăm về Chúa.
Sau hai lần trong hai năm làm như vậy, đến năm thứ ba thì họ không cho phép Ðoàn đến nữa, họ gọi chúng tôi là “Siêu Giảng Ðạo”, dù chúng tôi bằng lòng phát thuốc, khám bịnh ở khu vực Y Tế địa phương, hoặc bất cứ nơi nào Chánh quyền cho phép. Nhưng họ đòi hỏi phải bỏ hai chữ TIN LÀNH, thay vào đó là Ðoàn Y Bác Sĩ Thành phố, chúng tôi không chịu. Cuối cùng chuyến công tác từ thiện thứ ba của Ðoàn đến Ðông Phú được chúng tôi hủy bỏ.
Sự khó khăn lên cao vào Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus Giáng Sanh năm 2002. Một số đông Công An và viên chức Tỉnh, Huyện, Xã, đã họp lại và cương quyết không cho cá nhân tôi có mặt trong Lễ. Sau nhiều lần tranh đấu, tranh cãi, tôi đã đứng lên tuyên bố: “Tôi sẽ ra về ngay (lúc bấy giờ là 2 giờ chiều ngày 24 tháng 12 năm 2002) theo yêu cầu của Quý Vị. Nhưng Quý Vị phải chịu trách nhiệm với cả ngàn tín đồ và mấy ngàn đồng bào đến xem Lễ tối nay”. Tôi nói xong bước ra về, lập tức họ đấu dịu là đồng ý tôi ở lại nhưng đừng giảng. Thật ra, rõ ràng Chúa đã cho tôi thấy sự khó khăn nầy suốt mấy tháng trước, từ những bắt bớ tín đồ, hăm dọa Thân Hữu và Tân tín hữu, qua những buổi học chính trị của giáo chức văn hóa trong Mùa Hè vừa qua. Ðến nỗi họ dụ dỗ một tín đồ sau 7 năm sa ngã vừa trở lại ăn năn với Chúa, anh nầy làm nghề chạy xe ôm, yêu cầu anh nầy theo dõi khi nào Mục sư Sơn xuống Ðông Phú thì báo cáo, và cho họ biết tôi giảng điều gì. Họ nói với anh ấy: “Mục sư Sơn giảng chính trị lắm”. Anh tín đồ với lòng chân thật của người dân quê hỏi lại: “Tôi có thấy Mục sư nói gì về chính trị đâu, chỉ nói về Lời Chúa không hà”. Họ giải thích: “Tại anh không biết, Mục sư Sơn giảng người ta theo rần rần, đó là chống lại Nhà Nước”. Vì thấy những điểm bất thường đó, nên tôi đã làm bài giảng sẵn, chia ra cho ba Chấp sự chuẩn bị giảng thay tôi khi cần, còn đêm 25, tôi cho mời một Mục sư trong Tỉnh Cần thơ đến giảng. Cảm ơn Chúa, khi sự việc xảy ra như dự đoán, nhưng Chúa cho qua sự hiệp một của con cái Chúa trong Hội Thánh, những kết quả cũng đáng cảm tạ Chúa, vì trừ số người tin Chúa có giảm, nhưng tất cả mọi việc còn lại đều ổn định. Nói chung, tôi nhìn thấy các con cái Chúa đến Ban Chấp Sự rất vững vàng lo việc Chúa từ tổ chức đến cách chia sẽ Lời Chúa.
Sự bắt bớ càng lúc càng dâng cao, liên tục những tháng kế tiếp, Công An luôn xét nhà thờ, mục đích để lập Biên bản cư trú của tôi, dù tôi có xin phép tạm vắng nơi tôi ở trên Sàigòn. Tôi có cảm giác là sứ mạng Chúa giao cho vợ chồng tôi tại Ðông Phú đã xong. Rõ ràng suốt từ 1997 đến cuối năm 2002, chức vụ của chúng tôi tại Ðông Phú nói là ‘chui’ nhưng thật sự là rầm rộ công khai, xây dựng liên tục, tổ chức hết Lễ nầy đến Lễ khác, truyền đạo đơn phát về khắp nơi trong vùng, từ lớp học tình thương, đến cất nhà cho người nghèo, rồi số lượng người tin Chúa …, thế mà chẳng có gì ngăn trở, Chúa đã làm mù mắt những kẻ thù nghịch, ngay cả những lần tôi đối mặt công khai. Rồi nhìn lại tất cả những ước mơ từ lần đầu tiên đặt chân, bây giờ hầu như Chúa cho ước mơ thành sự thật hoàn toàn, từ cơ sở Nhà Chúa là nhà thờ, các dãy phòng học, tư thất mới, bờ kè, lại có cả vườn hoa của Hội Thánh; đến nền tảng hoạt động cho các Chấp Sự, các Ban Ngành; tín đồ gia tăng gần gấp đôi, con cái Chúa nhóm lại hằng tuần khoảng 250 người lớn, còn các em Thiếu nhi nhóm riêng không dưới 200, Chúa cho rất nhiều đời sống đổi mới; Tin Lành được rất nhiều người biết đến. Tôi tự hỏi: Có phải sứ mạng lót đường mà Chúa thường dành cho chức vụ của chúng tôi đã xong?
Giữa tháng 5 năm 2003, Hội Thánh nhận được một quyết định từ Ban Tôn Giáo Tỉnh Cầnthơ chánh thức không cho phép tôi đến Ðông Phú – một quyết định bằng văn bản. Sau nhiều lần toàn Ban Chấp Sự cùng nhau trực tiếp đến Ban Tôn Giáo Tỉnh khiếu nại, cuối cùng, Ban Tôn Giáo Tỉnh ra văn thư cho phép tôi đến giảng và Ban Tiệc Thánh từ giã Hội Thánh vào Chúa nhật đầu tháng 6 năm 2003.
Sáng Chúa nhật ấy, từ sáng sớm, Công An Tỉnh, Huyện, Xã, theo đường bộ đường sông, đổ bộ bao bọc quanh bên ngoài nhà thờ. Họ cho hai Cán Bộ tại Xã đến với danh nghĩa là tham gia Lễ Tiễn Ðưa Mục sư Sơn. Họ ngồi trong nhà thờ suốt từ giờ cầu nguyện, giờ Trường Chúa nhật, giờ Thờ Phượng, giờ Tiệc Thánh. Tôi không từ giã Hội Thánh, nhưng đã giảng Tin Lành cho hai người Cán Bộ là hai Thân hữu không mời mà đến. Khi ban Tiệc Thánh, tôi nhắc đi nhắc lại là những người không tin Chúa thì không được dự Tiệc Thánh, để họ không được dự. Sau giờ Thờ Phượng, một Cán Bộ tại Xã khác lại đến tặng tôi hai trái sầu riêng gọi là ‘cây nhà lá vườn tiễn đưa tôi’.
Tôi nhớ những câu thơ của một thi sĩ, nói được nỗi lòng của tôi:
……….
Ai ra đi mà không từng bịn rịn,
Rời yêu thương hồ dễ mấy ai quên
Tôi mạnh bước mà nghe lòng như nhỏ lệ.
Tôi đã từng nói lời chia tay với Hội Thánh tại Ðông Phú bốn lần rồi, nhưng phải trở lại vì không thể chịu nổi những lời thống thiết của con cái Chúa với những nhu cần thuộc linh mà con cái Chúa cần. Bây giờ rõ ràng là từ biệt không phải là tạm biệt. Lòng tôi buồn rười rượi, ngồi trong chiếc tàu đò chạy về hướng Cần thơ, nhìn cảnh vật bên bờ sông chạy lui về phía sau, có lẽ lâu lắm mình mới thấy lại, những bàn tay vẫy vẫy, những giọt nước mắt của con cái Chúa, ghi mãi trong lòng tôi. Tôi viết những lời nầy để nói với Hội Thánh rằng: “Hỡi anh em, về phần chúng tôi đã xa cách anh em ít lâu nay, thân tuy xa cách nhưng lòng không cách, chúng tôi đã nôn nả biết bao, tìm phương để thỏa lòng ao ước lại thấy mặt anh em” (I Tês. 2:17).
Trong lúc vẩn vơ chưa biết Chúa sẽ dẫn tôi thế nào, tôi nhớ đến một câu danh ngôn: KHI TẤT CẢ CÁNH CỬA ÐỀU ÐÓNG, THÌ ÐỨC CHÚA TRỜI LUÔN MỞ MỘT CỬA SỔ, và lời của một Giáo sư Thần Học nói: “CUỐI CÙNG CỦA CON NGƯỜI BAO GIỜ CŨNG LÀ BẮT ÐẦU CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI”, thì tháng 7 năm 2003, tôi nhận được thư của hai Hội Thánh tại thành phố Portland, Bang Oregon, do Mục sư Nguyễn Minh Ðức và Mục sư Võ văn Hiền đồng ký tên mời tôi qua thăm và giảng Bồi linh cho Hội Thánh. Lúc 11 giờ khuya ngày 21 tháng 8 năm 2003, chuyến bay của hãng Hàng Không Japan Airlines đã rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, đem tôi ra khỏi quê hương Việt-nam đến Hoa Kỳ. Tôi ra đi mà nghe lòng như nhỏ lệ, tôi ra đi như một người không được quê hương nhìn nhận, hai mươi bốn năm sống giữa Ðất Nước Việt-nam, ngay tại thành phố lớn nhất nước là Sàigòn, đi khắp Miền Nam từ Huế đến Càmau gần cuối Ðất Mũi, vậy mà tôi không hề có một giấy tờ gì chứng minh tôi và cả gia đình tôi là công dân Việt-nam.
Tôi nhớ lại bao nhiêu cơ hội ra đi:
1.    Năm 1981, chị tôi gởi thư nói rằng sẽ bảo lãnh tôi đi, nhưng tôi cứ nghĩ ai cũng ra đi hết, thì ai sẽ giảng Tin lành cho quê hương? Tôi đã không làm thủ tục.
2.    Khi ngồi tù lần thứ hai (1983), tôi nhớ đến Sứ đồ Phierơ, bị tù lần thứ nhất được thả ra, ông không đi đâu hết, vẫn ở Giê-ru-sa-lem; nhưng ở tù lần thứ hai được Chúa giải cứu ra thì ông từ giã các tín đồ và đi nơi khác. Tôi đã gởi giấy tờ cho chị tôi để lo thủ tục ra đi theo Chương trình ODP. Tôi đã không được nộp đơn tại Việt-nam với lý do không có Hộ Khẩu. Mãi đến năm 1990, một tình cờ, con trai tôi nghe lời bạn học tự đem đơn lên Công An Quận I để nộp, họ lại nhận, chúng tôi lại chờ đợi.
Ðến tháng 6 năm 1996, một văn thư của Giám đốc ODP tại Bangkok gởi trả lời cho Thượng Nghị Sĩ Phil Gram bang Texas, do chị của tôi nhờ giúp đỡ, thư báo cho biết là họ đã lên lịch phỏng vấn tôi và gia đình vào trung tuần tháng 6 năm 1996. Khi nhận thư thì đã quá hạn, tôi không thấy gọi phỏng vấn, nên lên gặp Phái Ðoàn Phỏng Vấn Hoa Kỳ (Inteview US Team). Thật ngạc nhiên làm sao, họ trả lời không biết, hứa sẽ hỏi lại và cho tôi một cái hẹn khác. Và cứ hẹn như vậy trên 10 lần với câu trả lời là không biết tại sao tôi có được một thư như vậy.
3.    Từ năm 1990 đến 1997, tôi dùng Hộ chiếu Di cư của tôi, Hộ chiếu của Chương trình ODP, để đi lại trong nước. Ðến năm 1997, Hộ chiếu Di cư của tôi hết hạn, tôi chưa biết phải làm gì, thì năm 1999, đột nhiên Chánh quyền cho phép người tạm trú dài hạn được làm Hộ chiếu Du Lịch, con tôi đã nhờ Dịch vụ Du Lịch làm ngay Hộ chiếu Du Lịch cho vợ chồng tôi. Cảm ơn Chúa, nhờ Sổ Hộ chiếu Du lịch nầy, không phải để tôi đi ngoại quốc, nhưng là để đi trong nước.
4.    Năm 2000, tôi đã cầm giấy mời của Trường Pacific Christian College tại Hoa Kỳ để dự Lễ Tốt Nghiệp của con tôi. Nhưng Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sàigòn đã từ chối.
5.    Tháng 7 năm 2002, tôi nhận được giấy của NVC (National Visa Center) yêu cầu xác nhận địa chỉ và người bảo lãnh. Hai tuần sau, tôi lại nhận được giấy yêu cầu đóng tiền để phỏng vấn. Nhưng lúc bấy giờ, nhìn người mẹ già 96 tuổi nằm liệt trên chiếc ghế dài, lỗ tai tôi nghe những người bạn tại Hoa Kỳ nói rằng Hội Thánh tại Mỹ không thích Mục sư lớn tuổi, nhớ công việc Chúa tại Ðông Phú đang chờ tôi, thế là tôi từ chối ra đi.
6.    Tháng 7 năm 2003, tôi nhận thư của hai Hội Thánh tại Portland, Bang Oregon, chúng tôi xin phỏng vấn tại Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ ở Sàigòn. Tuy nhiên, một vấn đề xảy ra là Hộ chiếu Du lịch của chúng tôi chỉ còn 5 tháng là hết hạn, trong khi nguyên tắc là thời hạn dưới 6 tháng, thì Tòa Lãnh sự các nước sẽ không cấp Visa, kể cả Hoa Kỳ. Tôi phải nhờ Dịch vụ gia hạn gấp trong vòng một ngày với giá cao, để kịp phỏng vấn. Kỳ diệu biết bao, buổi chiều chúng tôi nhận được Hộ chiếu gia hạn, thì sáng hôm sau báo chí bắt đầu nói đến những vấn đề Giá Cả Dịch Vụ Hộ Chiếu và một lịnh cấm đã được ban ra nhất là không cho những người tạm trú dù là dài hạn được làm Hộ chiếu. Chúa đã can thiệp trước một ngày – và chỉ một đêm mà thôi.
7.    Ngày 18 tháng 8 năm 2003, chúng tôi được phỏng vấn và được chấp thuận. Ngày 19, lấy vé máy bay, và ngày 21, nhơn con tôi trở lại Hoa Kỳ, chúng tôi cùng đi theo, nhờ đó khỏi phải lo lắng đường đi nước bước nơi xứ lạ quê người.
Sau 10 tháng lưu lạc trên đất Mỹ, khi tôi viết những dòng nầy, Chúa đã cảm động lòng con cái Chúa trong Hội Thánh tại San Jose II chịu khó vượt qua những trở ngại để mời vợ chồng tôi ở lại hầu việc Chúa tại đó, thay cho Mục sư Trương văn Ðược đến nhiệm sở mới. Tôi chỉ biết từng ngày hát bài ca: Chúa hằng đưa dắt lối tôi, tôi nào biết tỏ tường …
Tôi ôn lại mọi việc xảy ra và tự hỏi: Tại sao Chúa không cho tôi đi Mỹ những lần trước đó, bây giờ Chúa lại cho đi? Tôi chưa hề quen biết Hội Thánh tại San Jose II. Trước đó tôi có dịp đến ở một Hội Thánh trong thành phố San Jose, Mục sư Ðược có mời chúng tôi đến ăn cơm, ông bà có tâm sự những khó khăn trong Hội Thánh, nhưng nói rằng sẽ cố gắng ở thêm hai năm rồi nghỉ hưu. Ðột nhiên, mấy tháng sau, Mục sư Ðược lại gọi điện thoại mời tôi đến giảng 3 ngày gồm Tối Thứ Sáu, Tối Thứ Bảy và Chúa nhật. Vào đêm tối Thứ Sáu, Mục sư Ðược đã báo cho tôi biết là ông sẽ rời Hội Thánh tại San Jose II, và cho tôi biết là ông đã giới thiệu tôi vào danh sách để Hội Thánh mời thay ông, trong khi Giáo hạt lại đưa tên hai vị Mục sư khác.
Phép lạ và phép lạ!
Tôi không còn nói gì hơn là mượn lời của tác giả Thi thiên 126, Chúng tôi khác nào kẻ nằm chiêm bao … Ðức Giê-hô-va đã làm cho chúng tôi những việc lớn. Ðức Giê-hô-va đã làm cho chúng tôi những việc lớn…
Tương lại là trong tay Chúa, chúng tôi chỉ là đất sét trong tay Ngài, không biết lần nầy Chúa cho tôi lót đường gì cho công việc Chúa!? Trên con đường đó đã có những nhận định: Mục sư Sơn không có kinh nghiệm quản trị Hội Thánh; Mục sư không giỏi tiếng Anh … và Mục sư chưa có giấy tờ định cư tại Hoa Kỳ.
Chúng tôi cầu nguyện và xin gia hạn ở lại Hoa Kỳ, trong khi chờ đợi trả lời đơn gia hạn, thì Chúa cho khởi sự làm đơn xin ở lại Hoa Kỳ. Nói đến đây, tôi phải ghi lời cảm ơn Luật sư Sean Lew tại thành phố Winston-Salem, Bang North Carolina, cảm ơn Mục sư Trần Nguyên Bảo, những người đã giúp đỡ tôi trong việc xin ở lại Hoa Kỳ.
Ðúng một năm sau khi rời Hội Thánh của Chúa tại Ðông Phú, tôi nhận được thư của các con cái Chúa trong Hội Thánh tại Ðông Phú gởi đến qua Email, tôi ghi lại đây nguyên văn, để nguyên những lỗi chính tả, để nhớ, để thương các con cái Chúa vùng quê vùng xa chịu bao nhiêu thiệt thòi vật chất lẫn thuộc linh, chỉ có tấm lòng với đức tin đơn sơ, cầu nguyện xin Chúa lo cho từng người, vì họ không quên một người hầu việc Chúa hèn mọn như chúng tôi.