Con Đường Thập Tự

BẾN CÁT
Trong tiếng Việt có từ ngữ ‘Đứng Bến’ để chỉ về một giới anh chị giang hồ làm trùm ở Bến Xe, Bến Tàu, hoặc một bến bãi nào đó.
Khi tôi ra tập sự thì được cử về một nơi có địa danh là Bến Gỗ, bây giờ sau khi Tốt nghiệp Thần Học Viện, lại được cử về Bến Cát (suýt chút nữa tôi đã được cử về Bến Bình Đông).
Bến Cát là một quận lỵ nằm trong khu vực chiến tranh. Nhìn quang cảnh Nhà thờ tại Bến Cát thấy ngay tình hình chiến tranh tại đó.
Nhà thờ nằm đối diện với Chi Cảnh Sát Quốc Gia Quận, chung quanh nhà thờ là những khoanh kẽm gai chất chồng lên nhau, chỉ còn trống một khoảng nơi cổng nhỏ đi vào nhà thờ, trong khi cổng chính của nhà thờ cũng bị rào kín luôn. Hai góc sân nhà thờ bị đặt hai trái mìn định hướng quay vào nhà thờ. Phía sau, trên nóc nhà thờ là một trái đạn 155 ly đã cài dây nổ.
Tư thất là một kiến trúc kiên cố bằng bê-tông, một trệt một lầu. Trong nhà có một hầm trú đạn xây bằng bê-tông, phía trên là một bộ ván gỗ tốt dầy một tấc.
Chúa nhật đầu tiên, sau giờ thờ phượng Chúa buổi sáng, một vài con cái Chúa ở lại, ăn qua loa với chúng tôi để buổi chiều cùng chúng tôi đi thăm viếng chứng đạo. Tôi vẫn nhớ câu: Nhất cận lân, nhì cận thân, nên tôi đến thăm gia đình bên cạnh Chi Cảnh Sát, đối diện nhà thờ. Sau khi chào hỏi, ngay lập tức anh chủ nhà nổ một loạt tố cáo những tệ nạn tham nhũng tại Cô-nhi-viện Tin lành cách nhà thờ một cây số. Anh nói đến những chiếc xe chở hàng thay vì chạy vào Cô-nhi-viện nuôi các em cô nhi, lại chạy về hướng Sàigòn. Vì anh là một Cảnh sát viên gác trạm bên đường, từng xét những xe như vậy. Kết luận của anh là Chúa Jêsus nói láo!
Trước lời phạm thượng đó, tôi nhờ ơn Chúa nhẫn nại thuyết phục anh rằng chỉ tại con người làm sai, cá nhân anh không tìm được một bằng cớ nào chứng minh Chúa Jêsus nói dối, chính anh cũng từng quì trước toà giảng tiếp nhận Chúa Jêsus như anh đã nói.
Cảm ơn Chúa, dù Hội Thánh ít người, nhưng con cái Chúa có tinh thần chứng đạo rất cao, mỗi Chúa nhật đều sẵn sàng ở lại hiệp chung đi chứng đạo. Tiếc là một phần bị ảnh hưởng xấu của Cô-nhi-viện, một phần lòng người tại đó đã bị chai, nên một năm chức vụ của tôi chưa đem đến kết quả cho công việc giảng Tin Lành. Dù bên cạnh việc chứng đạo, Hội Thánh cũng xin được giờ phát thanh Tin lành trên đài Thông Tin hằng tuần của Quận. Tôi mượn những băng phát thanh của Ban Phát Thanh Tin lành tại văn phòng Tổng Liên Hội đem về phát thanh.
Tôi lại tiếp tục câu nhất cận lân, nhì cận thân, bằng cách qua thăm vị Trưởng Chi Cảnh Sát ngang nhà thờ. Tôi bước vào Văn Phòng của ông Trưởng Chi Cảnh sát, Đại Úy Lê văn Kỳ Ông ấy không chào tôi tiếng nào, cũng không mời ngồi, chỉ lạnh lùng ngước mặt hỏi: ‘Ông cần gì?’ Trong trí của tôi nhớ lời dạy của Mục sư Trần văn Đê nói khi ông đi cùng Giáo sĩ Cadman đến thăm người cầm quyền Pháp tại Hà-nội. Người Pháp đó chỉ chiếc ghế duy nhất trong phòng làm việc mời Giáo-sĩ Cadman ngồi mà không chú ý gì đến Mục sư Đê. Giáo-sĩ Cadman nhắc chiếc ghế mời Mục sư Đê ngồi, còn ông thì đứng một bên. Hành động đó khiến người Pháp vội cho người đem thêm chiếc ghế thứ hai để Giáo-sĩ ngồi.
Bài học đó hiện lên, tôi tự động ngồi vào chiếc ghế trước bàn làm việc và nói ngay: Tôi là Truyền Đạo Hội Thánh Tin Lành ở nhà thờ ngang Chi Cảnh Sát của Đại Úy. Tôi mới đổi về, nên qua thăm Đại Úy. Tôi muốn tặng Đại Úy một quyển sách có lời đề tựa của Thiếu Tướng Vũ Ngọc Hoàn, Cục Trưởng Cục Quân Y. Tôi nhấn mạnh chức danh Thiếu Tướng, đồng thời chìa quyển sách ‘Thượng Đế Còn Làm Phép Lạ’ ra. Đại Uý Kỳ lập tức đứng lên đưa hai tay nhận sách, miệng cảm ơn rối rít. Sau vài câu xã giao, tôi ra về, để những lời yêu cầu vào hôm khác.
Tuần sau, tôi lại qua Chi Cảnh Sát, lần nầy viên Trung Úy Phó Trưởng Chi tiếp tôi. Tôi tỏ ý muốn nhờ Chi Cảnh Sát giúp dỡ bớt kẽm gai để tôi cho tín đồ dọn cỏ quanh nhà thờ. Trung Úy Phó Trưởng Chi vui vẻ nhận lời. Chưa đầy mấy phút sau, cả một tiểu đội cảnh sát qua nhà thờ vui vẻ tháo kẽm gai, làm cỏ, gỡ mìn phía trước, gỡ trái đạn phía sau. Tôi chỉ tốn mấy ly nước chanh do nhà tôi làm đem ra mời.
Tôi lại đến thăm Trung Tá Quận Trưởng. Vị Quận Trưởng vui vẻ tiếp tôi và bảo đảm với tôi rằng Quận sẽ bình an. Mấy hôm sau, khoảng 3 giờ sáng, vợ chồng tôi giật mình thức giấc vì tiếng đạn nổ dữ dội chung quanh nhà thờ. Hai bên đang đánh nhau. Đến khoảng 5 giờ sáng, tiếng súng ngưng, tôi nghe tiếng người gọi phía trước cổng nhà thờ: Thầy ơi, Thầy có sao không? Tôi ra mở cửa, bên ngoài mấy người cảnh sát đang đứng gọi, thấy tôi ra, họ chào hỏi và mừng tôi bình an. Sân nhà thờ đầy miểng đạn súng cối và vỏ đạn. Tôi chạy xe Honda đến thăm các gia đình con cái Chúa chung quanh. Cảm ơn Chúa cho tất cả con cái Chúa bình an.
Một buổi chiều, khoảng 3 giờ hơn, tôi nghe có tiếng nổ của lựu đạn ngang Chi Cảnh Sát, rồi tiếng người la lớn: Ông Năm! Ông Năm! Tôi chạy ra thì đúng là ông Phan văn Dần, thường gọi là ông Năm Dần, đang nằm trên vũng máu, bên cạnh hàng rào kẽm gai, có lẽ ai cũng sợ do hàng rào có rất nhiều mìn đạn được cài đặt sẵn, nên họ chỉ đứng xa xa, không ai dám đến gần. Ông Năm là một con cái Chúa, em ruột của Mục sư Phan văn Hiệu. Ông bị bịnh thần kinh, thường đi lang thang khắp Quận, vợ con của ông đều bỏ đi xuống Sàigòn sống. Khi chúng tôi về hầu việc Chúa tại Bến Cát, ông Năm thỉnh thoảng ghé và ở lại với gia đình chúng tôi. Khi chúng tôi nhóm gia đình lễ bái, ông Năm dự chung rất kĩnh kiền, sau đó ông Năm thường ngồi một mình và hát bài Thánh ca số 466: Tôi sanh trong thế gian, người ô uế. Lòng ngu si xấu xa không xiết kể. Đáng giá chi tôi đâu, dối trá, tham lam luôn, mà sao Chúa lại hoài đoái, Chúa lòng nhơn!
Đó là những giờ phút hiếm hoi ông Năm tỉnh trí, có lẽ ông vẫn biết bịnh của ông, nên hát bài nầy để cảm tạ Chúa vẫn yêu thương ông.
Chiều nay ông Năm đi vướng rào kẽm gai làm chạm nổ một quả lựu đạn gài sẵn, ông Năm nằm bất tỉnh với miểng đạn đầy mình. Tôi lập tức nhờ Chi Cảnh Sát cho xe chở ông xuống Bịnh viện Bình dương, rồi phải nhờ xe cứu thương của Bịnh viện chở xuống Bịnh Viện Chợ Rẫy, tôi đứng ra nhận là người nhà của ông Năm để ông được đưa vào cấp cứu. Xong thủ tục, tôi chạy đi tìm nhà của Mục sư Phan văn Hiệu báo tin. Khi quay lại Bịnh Viện thì ông Năm đã về với Chúa. Bây giờ, mỗi lần hát bài Thánh ca đó, tôi lại nhớ đến ông Năm …
Tôi sanh trong thế gian, người ô uế,
Lòng ngu si xấu xa không xiết kể …
Cái chết thứ hai.
Sáng nay là mùng Một Tết, Hội Thánh nhóm lại thờ phượng Chúa rất vui. Tôi làm một ổ bánh bông lan, bắt kem chữ Phước theo chữ Tàu để con cái Chúa cùng chia ơn xẻ phước. Trong số con cái Chúa đến nhóm, có anh Ri là một con cái Chúa thuộc Hội Thánh Gia định, đang là Trung Úy trong một đơn vị địa phương quân mới đổi về Bến Cát. Sau đó chúng tôi cùng đi thăm viếng chúc Tết thật vui, vào đến đơn vị của anh Ri để chúc mừng Năm Mới nữa. Trưa Mùng Năm Tết, tôi được tin Trung Úy Ri bị bắn chết! Một nỗi bàng hoàng cho tôi! Chạy vội đến đơn vị, anh còn nằm đó trên vũng máu, thủ phạm là một trong hai người lính trong đơn vị say rượu đánh nhau, anh Ri can gián, một người đang cầm súng làm súng bị cướp cò khiến anh Ri bị trúng đạn chết liền tại chỗ. Hội Thánh lại mất thêm một con cái Chúa mới mẻ, nhiều hứa hẹn, mà chưa làm được gì cho Chúa.
Kỷ niệm đến với chúng tôi là lần đầu tiên mượn được xe của Sư Đoàn 5 đóng tại Long Bình, đưa con cái Chúa đến Bình Long, cùng hợp tác với Truyền Đạo Châu văn Sáng tổ chức Lễ Mừng Chúa Phục Sanh 1972, thật vui, còn được đi thăm con cái Chúa trong khu vườn đất đỏ. Sau khi chúng tôi về trong ngày Chúa nhật Phục sanh đó, thì chiến cuộc Mùa Hè Đỏ Lửa bùng nổ. Chúa đã giữ gìn chúng tôi với cả Hội Thánh đi và về bình an trước một ngày.
Halêlugia!       


Ở LẠI HAY ĐI?

Sáng nay mới 8 giờ hơn, Thầy Truyền Đạo Lê Phước Thuận, Thư ký Văn Phòng Địa Hạt Đông Nam Bộ, đến nhà chúng tôi tại Gia định, báo tin Ban Trị Sự Địa Hạt muốn gặp tôi gấp.
Trên đường đi, tôi hỏi Thầy có việc gì vậy. Thầy cho biết là Truyền Đạo Đặng văn Đàng tại Túc Trưng bịnh nặng xin tạm nghỉ để chữa bịnh, Địa Hạt muốn cử tôi đến đó thay.
Tại Văn Phòng Địa Hạt, Ban Trị Sự Địa Hạt đang họp và tôi được Mục sư Phan văn Tranh, Chủ nhiệm Địa Hạt cho biết là Hội Thánh tại Túc Trưng có 500 tín đồ, một Trường học 7 lớp. Truyền Đạo Đàng bị bịnh xin tạm nghỉ, chưa có người thay, Mục sư Chủ Nhiệm Địa Hạt hỏi tôi có đồng ý đến đó thay không.
Tôi chưa kịp trả lời, thì Mục sư Phạm văn Năm, Nghị viên Địa Hạt và là Trưởng Ban Truyền Thanh Truyền Hình Tổng Liên Hội kéo tôi ra ngoài bảo tôi là đừng đi Túc Trưng vì ông muốn tôi ở lại Sàigòn để nhận nhiệm vụ Trưởng Phòng Hành Chánh Truyền Thanh Truyền Hình, như ông đã nói với tôi vài ngày trước đó. Mục sư Năm đã gặp tôi và muốn giao tôi công việc soạn Chương trình phát thanh, phát hình, trả lời thư thính giả, còn Mục sư Nguyễn Lâm Hương sẽ lo phần kỹ thuật. Mục sư dành cho tôi rất nhiều ưu đãi từ tiền thuê nhà, chi phí đi lại, phụ cấp cao gấp 10 lần phụ cấp Truyền Đạo sinh của tôi hiện có.
Ngay lúc ấy, Mục sư Nguyễn văn Quan, Thủ quỹ Địa Hạt và là chủ tọa Hội Thánh tại Sàigòn bước ra gặp tôi, thuyết phục tôi đừng đi Túc Trưng, hãy ở lại lo cho Hội Thánh tại Bến Bình Đông, do Hội Thánh tại Sàigòn mới mở.
Câu trả lời của tôi là tùy quyết định của Ban Trị Sự Địa Hạt. Kết quả là tôi được cử đi Túc Trưng.
Trong những ngày thi hành chức vụ của tôi, nhiều lần Chúa đã đặt tôi ở ngã ba đường: Ở hay đi? như vậy
Lần thứ nhất là ở lại Sàigòn hay đi Túc Trưng. Lần thứ hai là sau ngày 6 tháng 12 năm 1972, là ngày khánh thành Nhà thờ tại Túc Trưng, một quả lựu đạn được quăng vào Nhà thờ Túc Trưng gây tử thương cho hai thiếu nhi, làm tôi và một số thiếu nhi bị thương, các vị lãnh đạo Giáo Hội, gồm Mục sư Đoàn văn Miêng - Hội Trưởng Hội Thánh Tin lành Việt Nam, Mục sư Phan văn Tranh - Chủ Nhiệm Địa Hạt Đông Nam Bộ, Mục sư Nguyễn văn Quan - Thủ Quỹ Địa Hạt Đông Nam Bộ, đã đến thăm tôi bên giường bịnh, và hỏi tôi có muốn rời Túc Trưng về Sàigòn hay không? Tôi cứ nghĩ trong giờ phút căng thẳng nầy, nếu tôi rời Túc Trưng, thì con cái Chúa sẽ hoang mang lắm, đồng thời có lẽ không ai dám đến thay tôi. Cuối cùng, tôi chọn con đường ở lại Túc Trưng.
Lần thứ ba, ngày tôi được phong chức Mục sư - ngày 17 tháng 3 năm 1975, cũng là ngày quân đội Cộng sản chiếm quận Định Quán, cách Túc Trưng 25 cây số. Sáng hôm sau, 18 tháng 3 năm 1975, trong Hội Đồng Địa Hạt họp ở số 5 đường Nguyễn văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt), ông bà Mục sư Đoàn văn Miêng, Hội Trưởng Hội Thánh Tin lành Việt Nam, đã khuyên tôi đừng về Túc Trưng nữa, vì tình hình chiến cuộc rất nguy hiểm, ông bà hứa sẽ sắp xếp cho chúng tôi. Đang lúc ấy, bên cạnh tôi là vài con cái Chúa ở Túc Trưng đã cố gắng vượt qua những nguy hiểm xuống Sàigòn dự Lễ Phong Chức Mục sư của tôi, làm sao tôi bỏ anh em được? Và tôi quyết định cùng Nhà tôi trở lại Túc Trưng.
Lần thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 1975, ngày quân đội Sàigòn rút khỏi Túc Trưng, Ban Chấp Sự Hội Thánh Túc Trưng họp lại và đề nghị tôi về Sàigòn. Họ nói rằng tình hình chiến tranh chưa biết ra sao, Mục sư và gia đình nên về Sàigòn. Dù sao chúng tôi (con cái Chúa) cũng quê ở tại đây, còn gia đình Mục sư thì ở Sàigòn. Tôi và Nhà tôi quyết định khi nào con cái Chúa đi hết thì chúng tôi sẽ đi. Thế là chúng tôi đã ở lại (sau nầy Ban Chấp Sự Hội Thánh nói rằng họ thử chúng tôi, vì trước đây cũng có người hầu việc Chúa đã không ở với con cái Chúa do sợ chiến tranh).
Lần thứ năm, sau khi ở tù lần thứ nhất về, chị tôi từ Mỹ thúc giục tôi tiến hành thủ tục ra đi theo đơn bảo lãnh của chị. Tôi cứ nghĩ ai cũng ra đi thì còn ai lo công việc Chúa tại Việt Nam? Và tôi giữ đơn lại không đi.
Lần thứ sáu, một gia đình con cái Chúa tổ chức vượt biên, sẵn lòng cho tôi và con trai tôi đi mà không lấy tiền. Chiều Chúa nhật, sau khi giảng xong cho Ban Thanh niên trong Hội Thánh tại Chánh Hưng, tôi ra tới cửa nhà thờ, thì vị Chấp sự Hội Thánh cũng là người chủ gia đình tổ chức vượt biên đến gặp tôi và báo tin sáng mai, lúc 8 giờ sẽ đi, yêu cầu ăn mặc lịch sự như đi đám cưới. Nói xong, vị Chấp sự nầy nói thêm một câu: Thưa Mục sư, nếu tôi được có ý kiến, thì tôi năn nỉ Mục sư đừng đi, vì công việc Chúa ở Việt Nam cần Mục sư. Tôi ra về mà lòng phân vân trước lời nói đó. Sáng hôm sau tôi không đi và hai ngày sau chuyến đi được tàu Hòa-Lan vớt, tất cả đến Hòa Lan.
Lần thứ bảy, sau khi ở tù lần thứ hai về, tôi nghĩ đến Sứ đồ Phierơ trong sách Công vụ đoạn 12, sau khi được thiên sứ của Chúa giải cứu ra khỏi nhà giam, ông đã từ giã Hội Thánh đi nơi khác. Nghĩ như vậy nên tôi đã nộp đơn xin ra đi theo Chương trình ODP năm 1990. Mãi đến 12 năm sau, vào tháng 7 năm 2002, Cơ quan NVC (National Visa Center) của Hoa Kỳ gởi thư yêu cầu tôi xác nhận địa chỉ và người bảo lãnh đóng tiền để phỏng vấn. Cầm thư trên tay, nhìn lại mẹ của tôi đã 96 tuổi nằm một chỗ trong nhà, đọc những bức thư bằng Email của những người bạn từ Mỹ gởi về nói rằng Hội Thánh tại Mỹ không thích các Mục sư lớn tuổi, chỉ thích Mục sư trẻ, có học vị cao và giỏi tiếng Anh. Tôi lại quyết định trả hồ sơ, từ chối ra đi.
Đang khi tôi viết những dòng chữ nầy, một lần nữa phân vân nên ở lại Mỹ hay trở về Việt Nam? Về Việt Nam thì cửa đóng then gài đối với chức vụ của tôi; còn ở lại Mỹ thì thủ tục không phải dễ dàng và liệu có làm được gì cho Chúa không? Hay lại bị cuốn theo chiều gió?
“Ở lại hay đi? là một câu hỏi dễ nhưng trả lời lại rất khó. Tôi đã hỏi Nhà tôi: Nếu giả định như tôi có những quyết định theo những cơ hội mà tôi đã có, thì ngày nay sẽ như thế nào? Nhà tôi trả lời: Có lẽ anh sẽ không có những bài giảng sống động như đã có từ kinh nghiệm thực tế???!!! Đúng hay sai?