Con Đường Thập Tự

TÚC TRƯNG

Túc Trưng ở đâu?
Tôi cũng không biết Túc Trưng ở đâu, và dường như cũng chưa nghe nói đến. Ngày tôi lên đường rời Sàigòn để đi Túc Trưng, Mục sư Phan văn Tranh – Chủ nhiệm Ðịa Hạt Ðông Nam Bộ, đã cho tôi tiền thuê xe chở hành lý. Lòng tôi cảm kích sự yêu thương của người lãnh đạo già như người cha.


Chuyến xe chạy ngày 22 tháng 6 năm 1972, từ 10 giờ sáng đến mãi bốn giờ chiều mới tới Túc Trưng. Xe ngừng bên đường, ngay cây số 88, nghĩa là cách Sàigòn 88 cây số. Trời chiều tháng 6 u u muốn mưa, cảnh vật chung quanh có vẻ hoang vắng. Từ dưới đường nhìn vào thì nhà thờ nằm trên một mô đất hơi cao, trong một khuông viên rộng, mái tôn vách ván quét vôi trắng. Bên trái đang xây dựng một dãy hai phòng học, bên phải là một dãy phòng mái tôn vách ván cũ kỹ, góc trong là một tư thất vách gạch mái tôn đã nhuốm rêu phong.


Một người từ tư thất bước ra tiếp tôi, ông tự giới thiệu là Phó Thư Ký của Hội Thánh, ông bảo người lái xe chạy vòng ra phía sau để vào sân nhà thờ. Người lái xe không chịu với lý do sợ “Việt Cộng”. Người lái xe nói với tôi khi thấy tôi ngạc nhiên, “Tại Thầy mới đến không biết, ở đây ghê lắm, chiều chiều là mấy ổng (Việt cộng) hay ra lắm”.


Sau một hồi thuyết phục, nhờ có mấy con cái Chúa người Thượng lên xe hướng dẫn, người lái xe bằng lòng chạy chậm chậm vòng vào phía sân nhà thờ. Lập tức tin tức về Chủ tọa mới của Hội Thánh lan ra, rất đông tín đồ người Thượng vây đặc tư thất, phút chốc tất cả đồ đạc của gia đình tôi trên xe đều được đưa vào tư thất. Người nói, người hỏi, cứ thế đến lúc trời sập tối, tôi nhận ra ở Túc Trưng không có điện, không có nước máy như nhà ở Sàigòn của chúng tôi.
Ðầu tháng 7 năm 1972, Hội Thánh khánh thành hai phòng học mới, xây dựng kiên cố với sự trợ giúp của Hội Hoàn Cầu Khải Tượng (World Vision)

XÂY NHÀ THỜ
Ðiều làm tôi chú ý là nhà thờ bằng gỗ cất lên từ năm 1966, tức là từ sáu năm trước, lúc con cái Chúa thuộc hai Ấp Ðồng Xoài và Ðức Thắng, trong đó hầu hết là người Thượng dân tộc Chrau-Jro, ở trong rừng thiếu an ninh, được Chánh quyền đưa ra ven Quốc lộ 20 nầy. Hai chân vách nhà thờ đã bung ra, tôi biết rằng đã hư mục nhiều lắm. Tôi thử lấy tay ấn vào vách, khám phá ra vách gỗ đã bị mối ăn rỗng ruột rồi.


Chúa nhật ngày 21 tháng 8 năm 1972, tôi họp Ban Trị Sự Hội Thánh để đề nghị xây dựng nhà thờ. Môt cuộc bàn cãi sôi nổi, đa số đồng ý, chỉ một mình ông Thư Ký Hội Thánh không đồng ý. Ông Thư ký Hội Thánh nói, “Tại Thầy mới về đây, nên không biết là Hội Thánh Túc Trưng chưa bao giờ quyên được quá mười ngàn đồng, nên không thể xây nhà thờ được đâu”. Tôi nhượng bộ bằng cách giục hoãn cầu mưu, yêu cầu Ban Trị Sự Hội Thánh chấp thuận cho xây lại mặt gió nhà thờ thôi với kinh phí dự trù là một trăm ngàn đồng. Với một phiếu chống, Ban Trị Sự Hội Thánh thông qua.


Chúa nhật 28 tháng 8 năm 1972, Ban Trị Sự thông báo sáng thứ hai khởi công tháo dỡ mặt gió nhà thờ. Sau buổi cầu nguyện hằng ngày từ bốn đến năm giờ sáng, tôi thấy người đầu tiên vác cây xà-beng đến ngồi chờ làm công tác tháo dỡ, người đó là ông Thư Ký Hội Thánh. Cảm ơn Chúa, dù ông không đồng ý, nhưng vẫn sẵn sàng thuận phục theo ý kiến đa số – một tinh thần hiệp một phục vụ Chúa đáng khen như vậy kéo dài suốt chín năm chức vụ của tôi tại Túc Trưng.


Khi chúng tôi đào đất lên, tháo dỡ vách ván, bắt được một con mối chúa có chiếc bụng dài sáu đốt, nghĩa là đàn mối đã có mặt tại nhà thờ sáu năm qua. Tất cả những phần bằng gỗ của nhà thờ đều bị mối ăn rỗng ruột. Cảm ơn Chúa đã gìn giữ con cái Chúa bình an qua bao nhiêu năm, Chúa không cho nhà thờ bị sập, dù là nơi có nhiều giông to gió lớn.
Ðức Chúa Trời đã làm phép lạ cho công việc xây dựng nhà thờ. Vợ chồng tôi về Sàigòn để tìm cách lạc quyên xây dựng, chúng tôi tạm ở nhà của người anh thứ chín của Nhà tôi. Buổi chiều, anh ấy đi làm về và hỏi chúng tôi: “Cô Dượng đi đâu vậy?” Tôi cho anh biết chúng tôi đi lạc quyên xây mặt gió nhà thờ ở Túc Trưng. Anh hỏi dự trù bao nhiêu? Tôi cho biết là khoảng một trăm ngàn đồng. Anh nói: “Sáng mai, tám giờ theo anh ra Ngân Hàng Tín Nghĩa lấy chín mươi chín ngàn đồng, anh giữ một ngàn để giữ số tài khoản”. Tôi còn biết nói gì hơn là Ha-lê-lu-gia cảm tạ Chúa!


Một phép lạ nữa. Bà Gia của tôi (Tức mẹ vợ, của tôi nhũ danh Ðinh thị Ðức) trước đây có 100 mẫu ruộng, hiện còn trên năm mươi mẫu tại quê nhà Hồng ngự, là đất của Ba Mẹ của Nhà tôi. Năm 1970, số ruộng nầy bị truất hữu theo Luật Người Cày Có Ruộng của Chánh phủ. Nhưng suốt hai năm 1970 đến 1972, Bà Gia của tôi hiệp với Nhóm Ðiền Chủ kiện Chánh phủ vi hiến khi ra luật truất hữu ruộng của người dân, do đó Bà Gia tôi không chịu lãnh tiền bồi thường truất hữu.

Cảm ơn Chúa, đến khi Hội Thánh tại Túc Trưng xây nhà thờ, Bà Gia tôi liền rút tiền ra, đó là một số tiền lớn do giá trị ruộng là ruộng hạng nhất, cộng với tiền lời hai năm. Sau khi chia cho các con, Bà Gia tôi đem tất cả phần tiền của bà và của vợ chồng tôi dâng hết cho việc xây dựng nhà thờ, trang trải được hai phần ba chi phí. Chúa cho nhà thờ được hoàn tất không phải chỉ mặt gió, mà xây lại toàn bộ nhà thờ rộng hơn, dài hơn, bằng vật liệu kiên cố, với một tháp chuông cao 12 mét, nhà thờ dài 21 mét, ngang 10 mét (so với nhà thờ cũ bằng gỗ là 6m x 16m). Con cái Chúa trong Hội Thánh đã tích cực góp công chở đá hộc về làm nền, tự tráng nền, đào móng, tự kiếm cây tốt trong rừng rồi cho xe bò chở về mướn cưa làm kèo, đòn tay, băng ghế… Cuối cùng, một Lễ Khánh Thành và Cung Hiến Nhà Thờ cho Chúa được cử hành vào ngày 6 tháng 12 năm 1972, Hội Thánh không bị thiếu một món nợ nào cả. Ha-lê-lu-gia! Cảm Tạ Chúa!


Lần đầu tiên Hội Thánh tại Túc Trưng có một Lễ Khánh Thành và Cung Hiến Nhà thờ thật đông quan khách của Giáo hội và Chánh quyền, cùng đại diện các Tôn Giáo bạn. Vị Linh mục Chánh xứ của Giáo hội Công Giáo Lamã tại Túc Trưng đã phát biểu khi đến dự Lễ: Tôi (vị Linh mục) đã ở Túc Trưng mười lăm năm qua. Nói thật mỗi lần đi ngang nhà thờ Tin Lành, tôi khinh dễ lắm vì nghĩ mấy người Tin Lành nầy sao để nhà thờ Chúa hư mục mà không lo. Khi thấy họ xây dựng, tôi lại nghĩ, làm sao mà mấy người Thượng nầy làm nổi. Bây giờ thấy Mục sư và anh em làm xong, tôi nghĩ rằng phúc của Chúa lớn lắm.
Nước mắt của toàn Ban Trị Sự Hội Thánh và nhất là của ông Thư Ký Hội Thánh – người có bổn phận đọc tờ cung hiến nhà thờ cho Chúa đã không kềm chế được tiếng khóc vì quá cảm động. Vinh hiển thay Danh Chúa! Ha-lê-lu-gia!

NỔ LỰU ÐẠN
Nhà thờ được khánh thành và Cung hiến cho Chúa ngày 6 tháng 12 năm 1972 xong, thì ngày hôm sau tôi bắt đầu tập hát cho Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus giáng sanh.
Tối ngày 16 tháng 12 năm 1972, tôi đang đứng giữa nhà thờ, trước mặt tôi là Ban Thanh niên đang đứng xếp hàng trên tòa giảng tập hát bài Trường ca Ha-lê-lu-gia. Sau lưng tôi về phía cửa nhà thờ có rất đông các em Thiếu nhi đang ngồi nghe tôi tập cho các Thanh niên hát. Thình lình tôi nghe tiếng kính cửa sổ nhà thờ phía bên trái sau lưng tôi bị bể, đồng thời có vật gì lăn vào tường. Tôi nghĩ là có ai đó ném đá vào các em Thiếu nhi, nên xoay người lại và đưa tay đang dùng đánh nhịp gọi các em thiếu nhi ngồi lên phía trên. Bất ngờ một tiếng nổ chát chúa bùng lên phía các em, cánh tay phải của tôi vừa đưa ra lập tức bị co rút lại, máu tuôn ra. Tôi dùng tay trái vuốt mạnh tay phải xuống, trong lúc đó bao nhiêu là tiếng la hét đầy sợ hãi của các em thiếu nhi nổi lên, tôi nhìn thấy một đám đông các em ùa chạy lên tôi. Tôi chợt nghĩ: “Pháo kích!?” Tôi hô hào các em chạy vào tư thất vì nhớ rằng nơi đó có một hầm trú ẩn mà Hội Thánh đã làm lâu lắm rồi. Khi các em thiếu nhi và Thanh niên đã chạy ra khỏi nhà thờ gần hết, thì tôi cảm thấy không đứng được nữa vì máu chảy quá nhiều, và tôi loáng thoáng có ai đó đỡ tôi vào tư thất. Trong lúc mơ màng, tôi nghe nói có người ném lựu đạn vào nhà thờ, một em thiếu nhi chết tại chỗ quả lựu đạn nổ; một em gái bồng đứa em chạy đến tòa giảng thì gục chết trên đó, đứa bé được chị bồng thì bình an, một số tám hay chín em thiếu nhi bị thương. Cảm ơn Chúa, nhờ những chiếc băng ghế nhà thờ đã cản bớt mảnh đạn, một số mảnh đạn bắn vọt lên nóc nhà thờ làm lủng đầy mái tôn. Tay tôi bị hai mảnh ghim vào, một ở cườm tay và một ở bắp tay. Mảnh ở cườm tay làm bàn tay của tôi bị tê không cử động được một thời gian khá lâu. Khi tôi viết những lời nầy, hai mảnh đạn đó vẫn còn trong cánh tay tôi như một chứng tích và thường làm bàn tay của tôi bị run.
(Cũng mùa Lễ Giáng sanh nầy, vào đêm 24 tháng 12 năm 1972, một quả lựu đạn đã ném vào những người dự Lễ nơi sân nhà thờ tại Song Phú (Ba Càng – Vĩnh long), làm bà Mục sư Lý văn Ðáng đui một mắt).


Tiếp theo biến cố nầy, đang khi tôi phải nằm Bịnh viện điều trị, những tình huống đầy khó khăn xảy ra, vì Chánh quyền lúc ấy muốn dùng xác hai em thiếu nhi để tổ chức biểu tình chống Cộng sản trong sân nhà thờ. Qui định của Hội Thánh Tin Lành Việt-nam không chịu liên hệ chính trị, nên Nhà tôi và Ban trị Sự Hội Thánh cố hết sức tìm cách tránh né sự việc.


Trước tình thế đó, ba vị Lãnh đạo cao cấp của Giáo hội gồm Mục sư Ðoàn văn Miêng – Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt-nam, Mục sư Phan văn Tranh – Chủ Nhiệm Ðịa Hạt Ðông Nam Bộ, và Mục sư Nguyễn văn Quan – Thủ quỹ Ðịa Hạt Ðông Nam Bộ, đã đến thăm tôi tại Bịnh viện với đề nghị cho phép tôi được thuyên chuyển về Sàigòn. Nằm trong Bịnh viện, trong lúc Nhà tôi với hai con nhỏ và đang mang thai đứa thứ ba sắp sanh, phải cùng Ban Trị Sự Hội Thánh lo tiếp khách Chánh quyền, báo chí, truyền thanh truyền hình, vừa phải lo cho các em thiếu nhi bị thương, lo an táng các em bị tử thương, vừa lo làm sao để không bị lôi cuốn vào vấn đề chính trị, chốc chốc Nhà tôi và Ban Trị Sự Hội Thánh lại cho người chạy xe gắn máy đến hỏi ý kiến thế nầy thế khác…


Cuối cùng biết không thể nào nằm trị thương trong Bịnh viện, tôi phải nhờ một con cái Chúa chở tôi về nhà thờ để góp ý khi cần, đỡ mất thì giờ. Chúng tôi phải tìm cách cho an táng xác hai em thiếu nhi sớm hơn giờ thông báo. Tôi phải đích thân yêu cầu đừng sử dụng sân nhà thờ tổ chức biểu tình, do đó, Chánh quyền tổ chức mít tinh trên quốc lộ trước nhà thờ. Tôi cũng phải yêu cầu thả người bị tình nghi gây tội ác (không biết có phải người nầy đã ném lựu đạn không?). Tôi phải gởi thư xin Hội Hồng Thập Tự Tỉnh Long Khánh giúp một số vật chất an ủi những gia đình bị nạn …
Cảm ơn Chúa cho mọi sự lần lần ổn định, và Hội Thánh đã có một Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus giáng sanh vui vẻ trong tuần lễ sau đó.

XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT
Cảm ơn Chúa, dù con cái Chúa trong Hội Thánh tại Túc Trưng rất nghèo – một cái nghèo có thể mượn những câu vè ngày xưa để diễn tả:
Nghèo xơ nghèo xác
Nghèo lác xương mông,
Nghèo không gạo nấu,
Nghèo thấu Ngọc Hoàng
Nghèo làng con mắt,
Nghèo thắt hầu bao,
Nghèo lao vô bụi,
Nghèo lũi vô bờ…
Cái nghèo của người Thượng nói chung, hay của đa số tín đồ nói riêng (trên 80% tín đồ là người Thượng dân tộc Chrau), có nhiều nguyên nhân như:
§  Do họ chỉ làm rẫy, năng suất thu hoạch rất thấp, không đủ ăn.
§  Do chỉ làm rẫy, không có nghề phụ trong thời gian nông nhàn, nên không thu nhập gì ngoài vụ ray.
§  Họ bị những người Kinh ở những nơi gần đó bóc lột qua những cách mua bán gian lận, hoặc cho vay nặng lãi.
§  Ðất đai tốt đã bị dụ dỗ bán cho người Kinh, đất còn lại hầu hết là xấu, thiếu phân bón.
Mỗi năm vào khoảng tháng bảy, tháng tám, là những tháng người Thượng tại đây đói nhiều nhất. Một số người phải vào rừng, vào rẫy, hái lá cây chặt chuối rừng, chuối non, đôi khi đi săn, hoặc bắt cá nơi suối, vũng trong rừng, tìm bất cứ thứ gì ăn được.
Ðiều đáng nói là dù nghèo quá đỗi như vậy, nhưng con cái Chúa trong Hội Thánh tại Túc Trưng mỗi năm rất trung tín dâng hiến một phần mười cho Chúa. Họ đã thực hành lời Chúa dạy dâng một phần mười từ ngày Hội Thánh được thành lập năm 1951, do Mục sư Nguyễn Hậu Lương lúc bấy giờ còn là Truyền giáo, đã dạy họ.
Cảm ơn Chúa, Chúa vẫn yêu thương tiếp trợ cho Hội Thánh xây dựng gần hoàn chỉnh cơ sở của Hội Thánh:


§  Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1972, Hội Thánh xây xong một dãy phòng học bằng vật liệu kiên cố, và một nhà thờ ngang 10 mét, dài 20 mét lọt lòng với băng ghế hoàn toàn bằng gỗ tốt.


§  Năm 1973, Chúa cho Hội Thánh tiếp tục xây dựng một dãy phòng học và một văn phòng cho Trường học của Hội Thánh bằng vật liệu kiên cố. Ðồng thời Hội Thánh tái lập Hội Thánh tại khu vực chợ Túc Trưng, gọi là Hội Thánh Cây Xăng, xây được một nhà thờ vách gạch, mái tôn ngang 6 mét, dài 16 mét với một tư thất khang trang.


§  Năm 1974, Hội Thánh xây thêm hai phòng học phía sau nhà thờ, mua thêm một phần đất bên cạnh để khuôn viên nhà thờ được khoảng đất vuông trọn vẹn.
Trong chương trình dự trù cho năm 1975, Hội Thánh sẽ xây thêm ba phòng học nữa, để nâng cấp Trường của Hội Thánh lên cấp ba trở thành một Trường Bán Công, kèm theo Kế Hoạch mở Tín Dụng Nông Nghiệp để lần lần tiến tới tự túc không phụ thuộc vào Hội Hoàn Cầu Khải Tượng nữa (Kế Hoạch Tín Dụng nầy được Ðịa Hạt và Tổng Liên Hội chấp thuận, và cũng được Ban Giám Ðốc Hội Hoàn Cầu Khải Tượng chấp thuận thí nghiệm năm 1975). Chúng tôi cũng chuẩn bị xây lại tư thất vì đã quá cũ kỹ, hư dột. Sau đó sẽ xây hàng rào chung quanh khuôn viên nhà thờ trong đó có vườn chơi cho lớp mẫu giáo. Vật liệu đã được đổ xuống gồm 24 ngàn viên gạch, sắt … , nhưng biến cố 1975 đã làm công việc ngưng lại.


Trước tình hình nghèo đói của con cái Chúa, tôi rất muốn cải thiện kinh tế gia đình cho họ, một trong những cố gắng là tôi làm đơn xin Cơ Quan Cứu Tế Tin Lành Á Châu (ACS) giúp cho Hội Thánh một máy cày để giúp cày đất cho con cái Chúa nghèo, vừa gây quỹ tự túc cho Hội Thánh. Hành trình xin chiếc máy cày nầy thật đầy gian khổ, tôi phải lên xuống Túc Trưng – Sàigòn không biết bao nhiêu lần, chi phí hoàn toàn chính tôi tự túc, với quyết tâm xin cho được.


Một ngày, tôi nhận được tin báo xuống gặp Mục sư Trưởng Ban Cưu Tế Tin Lành Việt-nam gấp để bổ túc hồ sơ. Ðến nơi, tôi được Mục sư Trưởng Ban trả lại hồ sơ và yêu cầu tôi làm theo một hồ sơ mẫu của một Hội Thánh khác trên cao nguyên đã làm và đã được chấp thuận. Xem qua, tôi từ chối vì biết đó là một hồ sơ không thực tế, chỉ có trên giấy tờ. Mục sư Trưởng Ban công nhận điều tôi nói, nhưng bảo tôi rằng muốn được giúp thì nguyên tắc phải làm hồ sơ như vậy, không ai kiểm tra đâu mà sợ. Tôi cương quyết không chịu làm điều không có thật. Cảm ơn Chúa, khi thấy tôi tỏ dấu giận cầm hồ sơ đứng lên định ra về, Mục sư Trưởng Ban lại nhượng bộ và bảo tôi để cứu xét lại hồ sơ của tôi.


Một tin vui đến là Ủy Ban Cứu Tế Tin Lành Việt-nam chấp thuận đơn xin của tôi. Tôi và hai ông Chấp sự trong Hội Thánh lại xuống Sàigòn để nhận tiền mua máy cày. Lần nầy lại gặp gian nan nữa. Ông Thư Ký Ủy Ban cho tôi biết là Hội Thánh tại Túc Trưng được giúp hai triệu, trong khi đơn của chúng tôi xin giúp ba triệu. Tôi hỏi ông ấy là Cơ Quan Cứu Tế Tin lành Á Châu giúp chúng tôi bằng tiền Việt-nam hay bằng Mỹ kim. Ông ấy trả lời: “Dĩ nhiên là bằng Mỹ kim”. Chúng tôi tính ra là chúng tôi phải được giúp hai triệu năm trăm ngàn đồng tiền Việt-nam lúc bấy giờ, không phải hai triệu. Thế là tranh cãi một lần nữa, và Chúa cho chúng tôi nhận hai triệu năm trăm ngàn.


Tôi cũng nhờ ơn Chúa tìm cách tạo cho con cái Chúa, nhất là các Thanh niên có một nghề phụ. Một con cái Chúa là ông Ðào Thiện Soạn (Ðào Thiện Loan) giới thiệu cho tôi một Cụ Già biết nghề đan ghế mây và sợi nylon. Tội nghiệp ông cụ chỉ cần có cơm ăn không cần tiền công. Còn các Thanh niên người Thượng thì chỉ thích làm rẫy mà không thích ngồi một chỗ đan ghế. Tôi học được một điều về bản tánh của người Thượng là họ không thích công việc trong nhà, dù công việc nhẹ nhàng; họ chỉ thích công việc ngoài đồng ngoài rẫy, dù đó là công việc nặng nhọc phải dãi nắng dầm mưa. Có một lần tôi vận động một ân nhân nước ngoài bằng lòng giúp một thiếu niên người Thượng tín đồ học nghề, vì em nầy không muốn học văn hóa nữa. Nếu em nầy bằng lòng đi học, thì ân nhân sẽ trả tiền học phí, cho tiền quần áo, tiền ăn, … Nhưng em thiếu niên nầy vẫn từ chối đi học, chỉ muốn làm rẫy mà thôi.


Ðối phó với việc bỏ học của các học sinh người Thượng trong Hội Thánh cũng như ngoài Hội Thánh cũng là một vấn đề lớn cho tôi. Thông thường vào mùa tỉa lúa hay gặt lúa, phụ huynh các em đến Trường của Hội Thánh xin cho con em mình nghỉ học hai tuần, hoặc một tháng, để đi làm lúa. Các Giáo viên không dám quyết định, mà cấm thì phụ huynh các em cũng không nghe. Cảm ơn Chúa cho những phụ huynh nầy còn sợ tôi, nên tôi phải can thiệp cấm không cho các em nghỉ học, rồi phải tìm cách giúp các em đi học.


Chúng tôi có thuê một chị tín đồ người Thượng giúp việc nhà, sáng đến làm, chiều về. Chị không biết giặt quần áo, không biết quét nhà, không biết nấu nước uống, chỉ biết nấu cơm thì chắt nước cơm bỏ đi, dạy nấu cơm không chắt nước thì chị không thể nào nấu được. Tất cả những việc đó chị chưa hề làm từ nhỏ tới lớn. Một việc mà chị làm rất tốt là chị sàng gạo rất sạch thóc, sạch sạn. Ðược mấy hôm thì chị xin nghỉ vì “mệt quá ông bà Mục sư ơi, đi làm rẫy khỏe hơn”. Một lần, vợ chồng tôi mời vợ chồng một con cái Chúa “ăn cơm Tàu”. Ðây là đôi vợ chồng rất trung tín thăm viếng, chứng đạo, đặc biệt, đôi vợ chồng nầy chỉ có một con mắt: chồng thì bị đui hai mắt, còn vợ thì hư một mắt. Sau khi ăn xong, người chồng nói: “Ông bà Mục sư ơi, cơm Tàu ăn không ngon”. Tôi hỏi tại sao? Ông nói: Cơm tàu không có ớt cay, mà cũng không có bỏ muối mặn (người Thượng ăn rất nhiều ớt và rất mặn, vì cuộc sống nghèo quá nên thường chỉ ăn cá khô). Thật là những kinh nghiệm đặc biệt cho chúng tôi.


Hội Thánh có một Trường học, lúc tôi đến nhậm chức thì có 7 lớp từ mẫu giáo đến lớp năm, nhưng không có giấy phép mở Trường, vậy mà Trường dám cấp Chứng Chỉ Học Trình cho các em lớp năm. Trường do Hội Hoàn Cầu Khải Tượng bảo trợ hoàn toàn. Mỗi tháng một số các em học sinh được nhận quà của ân nhân bảo trợ gởi qua Hội, ông tín đồ Ðại diện Trường phải đi mua từng chiếc cặp, từng đôi dép, bộ quần áo, cái nón … cho các em theo yêu cầu của ân nhân, thật vất vả.


Tôi đề nghị với Ban Quản Trị Trường dùng số tiền ân nhân giúp cho các em mua quà, thay vì mua lẻ từng món cần theo chỉ định của ân nhân, thì ông Ðại diện Trường cùng tôi xuống Chợ-lớn mua giá sỉ quần áo, tập vở, bút viết, giày dép, … Ðem về, chúng tôi tổ chức gởi giấy mời hẹn phụ huynh các em đến nhận quà cho con mình. Vào ngày phát quà, các Giáo viên được kêu gọi giúp ‘bán hàng’ theo giá lẻ (dù là giá lẻ nhưng vẫn còn quá rẻ so với giá thị trường địa phương, trong khi đó lại lời gấp đôi). Hàng hóa được ghi giá rõ ràng, phụ huynh và các em tự chọn. Mỗi học sinh và phụ huynh đến phòng nhận quà sẽ nhận được một phiếu báo số tiền ân nhân giúp qua Hội Hoàn Cầu Khải Tượng, rồi vào phòng tự chọn món hàng nào mình thích cho đủ số tiền đã qui định. Mua xong, Giáo viên tính tiền, chụp hình, gởi báo cáo và hình ảnh cho Hội.


Tiền lời của việc bán hàng học sinh được dùng để thưởng các Giáo viên giúp bán hàng, thưởng Giáo viên dạy giỏi, hỗ trợ Giáo viên học thêm, dùng làm quà cho người nhà của Giáo viên khi họ được phép về quê dịp Lễ Tết, tưởng thưởng học sinh giỏi, tổ chức cho Giáo viên và học sinh đi thăm thắng cảnh vui chơi… Cũng nhờ số tiền nầy, tôi cho mời Thầy Hiệu trưởng Trường Trung Học Công Lập cấp 3 tại Xã làm Giám học Trường Tin Lành chúng tôi, để tránh va chạm học sinh giữa hai Trường trước hiện tượng học sinh bỏ Trường Công qua học Trường Tin Lành (học sinh học Trường Tin Lành được miễn học phí, được ăn 3 ngày mì gói; 3 ngày bánh ngọt). Ðiều quan trọng là Trường Tin Lành khỏi lệ thuộc báo cáo hằng tháng cho Sở Học Chánh Tỉnh qua Trường Công Lập, vì Giám học Trường đã báo cáo thay rồi.


Giữa năm 1974, tôi lập một Dự án tổ chức Trường Tin Lành Túc Trưng thành Trường Trung học Bán Công, lần lần sau 3 năm sẽ tự túc, không nhờ ngoại viện của Hội Hoàn Cầu Khải Tượng. Kế hoạch của tôi như sau:


1.    Thay vì Hội Hoàn Cầu Khải Tượng trợ cấp mỗi tháng, tôi đề nghị Hội trợ cấp cho Trường Tin Lành Túc Trưng một số tiền bằng MỘT NĂM TRONG MỘT LẦN.


2.    Tôi sẽ dùng số tiền đó làm một nhà máy xay lúa gia dụng, tiền còn lại sẽ cho các con cái Chúa trong Hội Thánh vay với lãi suất nhẹ và trả bằng nông sản sau vụ mùa; thay vì con cái Chúa phải vay của những người Kinh trong vùng với lãi suất cao, bị bóc lột.


3.    Số nông sản thu mua sẽ được bán cho các Cơ Quan Từ Thiện trong Hội Thánh như Hội Hoàn Cầu Khải Tượng, để Hội Từ thiện dùng giúp cho những nơi có cần. Việc bán nông phẩm cho Cơ Quan Từ thiện sẽ giúp tránh được thuế.


4.    Tiền lời từ nhà máy xay lúa và tiền lời nông sản sẽ dùng để trả phân nửa chi phí cho Trường.


5.    Các em Học sinh chỉ phải đóng phân nửa tiền học phí. Những học sinh không thể đóng tiền do hoàn cảnh gia đình nghèo, sẽ được giúp như một Học bổng theo tiêu chuẩn nghèo, chăm học, dù không phải là học sinh giỏi, để các em tự đóng tiền coi như công khó học hành của các em.


6.    Tôi xin Hội Hoàn Cầu Khải Tượng tài trợ cho xây thêm ba phòng học để Trường Tin Lành Túc Trưng có thể cho các học sinh học hết lớp 12 tại địa phương.


7.    Kế hoạch chế độ Bán Công sẽ áp dụng sau ba năm từ khi bắt đầu.


Rất vui là Lãnh đạo Giáo Hội từ cấp Hạt đến Tổng Liên Hội đều sẵn sàng giới thiệu chuyển qua Hội Hoàn Cầu Khải Tượng, do đó Hội Hoàn Cầu Khải Tượng cũng mau lẹ chấp thuận với lời hứa đầu năm 1975 sẽ trợ giúp làm thí điểm. Rất tiếc là tháng 1 năm 1975, khi tôi đến Văn Phòng của Hội Hoàn Cầu Khải Tượng theo lời hẹn thì chỉ nhận được một bức thư của ông Don Scott, Giám đốc Hội – đã đi Bangkok, nội dung thư cho biết rằng không biết vì lý do gì Ngân sách 1975 của Hội Hoàn Cầu Khải Tượng ở Việt-nam bị cắt giảm 50%, nên Kế hoạch của Trường Túc Trưng phải hoãn lại. Sau nầy tôi mới biết việc cắt giảm đó chính là biến cố 30 tháng 4 năm 1975.