Con Đường Thập Tự

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Mục sư Nguyễn văn Quan là Chủ Nhiệm Ðịa Hạt Ðông Nam Bộ, đã gọi tôi xuống Văn Phòng Ðịa Hạt tại Sàigòn, cho tôi biết rằng Ðịa Hạt còn một số tiền cứu trợ chiến cuộc 1975 là hai triệu đồng. Mục sư Quan nói với tôi rằng: Nếu bây giờ đem số tiền đó chia cho mỗi Mục sư Truyền đạo, thì mỗi người chỉ có năm mươi ngàn đồng và sẽ không còn nữa, trong khi tình thế mới chưa biết sinh hoạt của Mục sư Truyền Ðạo ra sao. Ban Trị Sự Ðịa Hạt nhớ đến kế hoạch mở Tín Dụng Nông Nghiệp của tôi trước đây đã trình qua để xin Hội Hoàn Cầu Khải Tượng trợ giúp, nên Ban Trị Sự Ðịa Hạt quyết định giao số tiền hai triệu đó cho tôi mua máy xay lúa gây quỹ Tự Túc cho Ðịa Hạt giúp các Mục sư Truyền Ðạo trong Hạt lâu dài.
Thế là ngay buổi chiều ngày hôm đó, Mục sư Nguyễn văn Quan dẫn tôi đi mua máy xay lúa và tôi mướn xe chở về Túc Trưng. Nhớ lại ngày đi mua máy nầy, thật biết bao khó khăn và nguy hiểm, nhưng vì lúc bấy giờ hai chúng tôi chỉ nghĩ đến công việc Chúa mà không hề nghĩ đến nguy hiểm hay trở ngại:
1.    Mục sư Nguyễn văn Quan và tôi chưa hề biết máy xay lúa, máy kéo Yanmar F10 như thế nào.
2.    Trong lúc Chánh quyền mới chưa ổn định, tôi và Mục sư Quan ăn mặc chỉnh tề, sơ-mi thắt cà-vạt vừa đi vừa kéo theo một bao tiền đựng trong một bao nylon đựng gạo loại 50 ký, đi dọc theo đường Trần Hưng Ðạo – Cống Quỳnh, trở đi trở lại nhiều lần.
3.    Không có một tiệm buôn nào dám mở cửa công khai. Mỗi lần chúng tôi gõ cửa tiệm buôn để hỏi mua, thì chủ tiệm buôn luôn nhìn chúng tôi cách dè dặt, rồi lại nhìn chung quanh ngoài đường.
4.    Có tiệm bán thứ máy nầy nhưng không bán máy kia; cuối cùng nhờ có tiệm dám bán thứ nầy, nên tiệm kia dám bán máy khác.
5.    Thêm một việc rắc rối là các tiệm buôn không chịu ghi hóa đơn. Chúng tôi lại ra sức thuyết phục, trình bày đây là mua cho Giáo hội, cần có hóa đơn chứng minh. Khi họ chịu ghi hóa đơn lại không chịu ghi đúng giá bán vì sợ bị đánh thuế, bị gạt báo cáo chánh quyền… Cảm ơn Chúa rồi chúng tôi cũng mua được đầy đủ.
6.    Vấn đề còn lại là chuyện chở máy về Túc Trưng. Người chủ xe chở hàng cho biết là về đến Túc Trưng sẽ bị đánh thuế trạm rất cao, trong khi tiền mua máy còn lại chỉ đủ trả tiền xe chở, dư ra một chút ít để đặt máy xuống hoạt động. Người chủ xe còn sợ bị vạ lây nếu Trạm kiểm soát chận xe đánh thuế. Tôi phải cam kết chịu trách nhiệm. Cảm ơn Chúa, một phép lạ kỳ diệu xảy ra, khi gần đến Trạm kiểm soát Túc Trưng thì trời mua rất to, gió thật lớn, xe chạy đến Trạm thì mưa mịt mù, cái bảng để hai chữ kiểm soát bị thổi ngã lăn vô lề, xe chạy qua cách bình an, không ai chận lại gì cả.
Chúa cho chương trình Quỹ Tự Túc Ðịa Hạt hoạt động rất tốt, dù cá nhân tôi biết bao vất vả, nhưng cũng đã đem lại sự an ủi phần nào cho một số Mục sư Truyền Ðạo trong cơn túng ngặt, giúp Hội Ðồng Ðịa Hạt Ðông Nam Bộ năm 1976, 1977, mọi chi phí, kể cả giúp lộ phí cho tất cả Mục sư Truyền Ðạo trong Hạt về dự Hội Ðồng; Ðịa Hạt cũng tổ chức buổi Liên Hoan Giáng sanh cho gia đình Mục sư Truyền Ðạo trong Hạt, ngoài tiệc ăn uống còn có quà cho con em nữa. Một số Mục sư Truyền Ðạo nhận được từ Quỹ Tự Túc những số tiền nho nhỏ để nuôi heo, để mua đất làm vườn, để sinh hoạt mua bán tạm sống.
Khi điều hành Quỹ Tự Túc nầy, tôi cũng lắm phen vất vả với những khó khăn từ Chánh quyền địa phương, nhất là việc đóng thuế. Ðầu năm 1976, họ kêu tôi lên Huyện để khai thuế, tôi trình bày chi thu xong, họ tính một con số thuế làm tôi giật mình, tôi nói thẳng với họ là tính thuế như vậy thì tôi giao máy luôn. Tôi trình sổ sách chi thu hằng ngày mà tôi phải khai trình cho Ðịa hạt của Giáo hội, không gian lận gì cả, làm sao có dư tiền đóng thuế cao. Họ lại đưa cho tôi bảng khai thuế của những nhà máy xay lúa trong Huyện, hóa ra người nào cũng khai lỗ, chỉ nhà máy Tin Lành là có lời dù rất ít. Cảm ơn Chúa, họ vào trong thảo luận với nhau khá lâu, sau đó họ bảo tôi cứ về, họ sẽ trả lời sau. Kỳ diệu thay, ít hôm sau họ báo cho tôi đóng thuế với một con số giống như các nhà máy khai lỗ, trong khi tôi khai lời.
Một vấn đề nữa là một Cán bộ Phòng Lương Thực Huyện gặp tôi yêu cầu nhà máy Tin Lành xay 30 tấn lúa cho Phòng. Chánh quyền không trả tiền công, nhưng bù lại nhà máy sẽ được mua xăng dầu, mua các phụ tùng giá chánh thức khi chà lúa cho Nhà Nước. Sau khi chà mẫu 100 ký lúa, từ đó tính tỷ lệ gạo, cám thu được để ký hợp đồng. Sau khi chà xong, tôi có dư trên 300 ký gạo ngoài chỉ tiêu. Tôi báo tin cho anh Cán Bộ phụ trách hợp đồng biết số gạo dư. Anh bảo tôi để số gạo đó riêng ra mà không nói gì thêm. Ðến khi xe đến chở gạo, những nhân viên cân gạo xong lại còn dư thêm một số gạo nữa, họ hỏi tôi gạo dư làm sao. Tôi trả lời Cán bộ phụ trách bảo để riêng ra và chỉ nói như vậy. Các nhân viên bàn qua tính lại, họ bảo thôi thì cứ để lại, họ chở đủ gạo về. Hôm sau, anh Cán bộ phụ trách chạy đến phàn nàn tôi: Tôi nói với anh để riêng ra là để chỗ khác, rồi tôi tính với anh. Anh lại để chung, bây giờ kẹt quá. Tôi trả lời với anh là tại anh không nói rõ. Một lần khác, họ lại đổ xuống 45 tấn lúa, trên Xã lấy cớ xuống muốn làm khó tôi đòi đóng thuế của Xã. Tôi giải thích là tôi đang chà lúa cho Huyện, nên làm sao có tiền đóng thuế Xã. Họ không chịu. Tôi cũng không chịu vì tôi đang làm công tác giúp Chánh quyền. Cuộc bàn cãi không thành, tôi cho đóng cửa nhà máy nghỉ chờ Huyện giải quyết. Báo xong, hai ba ngày sau Phòng Lương Thực Huyện vội vàng xuống yêu cầu tôi mở cửa nhà máy tiếp tục vì nếu trễ hạn hợp đồng thì Huyện sẽ bị Tỉnh khiển trách, tôi không chịu, đòi giải quyết thuế Xã để khỏi bị mang tiếng trốn thuế. Thế là sau đó với ý kiến Huyện, Xã đến xin lỗi tôi để tôi mở cửa nhà máy.
Biết bao tranh đấu gay go, nhất là giai đoạn những năm đầu sau 1975, mà cơ sở Tôn giáo luôn bị dòm ngó. Dù nhà máy mướn nhân viên, nhưng phải tiết kiệm chi phí để có lời giúp công việc Chúa, tôi cũng phải dành thì giờ lui tới để coi sóc, phụ tiếp, nhất là khi khách hàng đông do vào mùa thu hoạch. Thường khi tôi phải phụ khiêng những bao lúa bao gạo nặng cả 100 ký; điều đáng sợ là phòng chà lúa là nơi đầy bụi và tiếng ồn. Một lần vì khách chà bắp quá đông, tôi đứng điều khiển máy chà cho nhân viên đổ bắp vào, bất ngờ tay tôi lọt xuống chỗ trục nghiền bắp, ép ngón tay cái của tôi dập nát – máu tôi đổ để anh em tôi được an ủi.
Tôi cũng lập kế hoạch mở rộng Chương trình từ nhà máy xay lúa, tôi cho nuôi bò, nuôi heo, và chuẩn bị lập vườn tiêu nên đã đổ xuống 70 nọc tiêu bằng cây căm-xe. Rất tiếc, tất cả chương trình phải kết thúc sau khi tôi bị bắt giam ngày 30 tháng 4 năm 1978.

PHÁT TRIỂN THUỘC LINH
Tình trạng Hội Thánh tại Túc Trưng khi tôi về nhậm chức rất cá biệt. Có nhiều điều không có:
1.    Hội Thánh có một ngân quỹ quá kém, giải quyết hằng tháng, ít khi nào có dư.
2.    Hội Thánh không có ai biết đàn, cũng không ai biết nhạc. Hội Thánh có một cây đàn phong cầm (Harmonium) loại nhỏ, đạp bằng chân, nhưng không ai biết sử dụng.
3.    Người có văn hóa cao nhất trong Hội Thánh là một cô giáo dạy Trường Tin lành của Hội Thánh, trình độ lớp 9.
4.    Chỉ có một vài tín đồ người Kinh trong Hội Thánh, một người tín đồ là người Mường, còn lại đều là người Thượng sắc tộc Chrau, đa số không biết chữ Việt, còn chữ Chrau thì lại càng ít người biết, vì lúc bấy giờ Hội Ngôn Ngữ mới cho ông bà Giáo sư David Thomas đến Long Khánh tìm cách đặt chữ và dạy ngôn ngữ Chrau.
5.    Vùng Túc Trưng hoàn toàn không có điện, một vài nơi có điện từ máy phát điện của gia đình riêng. Ban đêm việc đi lại rất nguy hiểm vì lý do an ninh, nhất là khu chợ Túc Trưng, cách nhà thờ hơn một cây số.
6.    Hai Ấp Ðồng Xoài và Ðức Thắng là hai Ấp thuộc người Chrau, có 80% người tin Chúa. Nhưng lại nằm trong vòng vây của nhà thờ Công giáo Lamã: trước mặt có một nhà thờ, phía sau là một nhà thờ, phía trên và phía dưới cách một cây số cũng là những nhà thờ Công giáo, số giáo dân Công giáo Lamã rất đông, thế lực đời nầy lại rất mạnh ảnh hưởng rất lớn đối với Chánh quyền địa phương, kể cả họ được trang bị súng ống, tài chánh dồi dào.
Trước hết, tôi cứ duy trì buổi nhóm cầu nguyện những buổi chiều thứ hai, thứ tư, thứ sáu, đồng thời tăng thêm buổi cầu nguyện mỗi sáng từ 4 đến 5 giờ. Dù số người nhóm cầu nguyện rất ít, đôi khi chỉ có 4 hoặc 5 người, nhưng cảm ơn Chúa, dù mưa hay nắng, số người đó vẫn trung tín đến nhà thờ cầu nguyện, ngay cả những lúc chúng tôi đi vắng.
Tôi tổ chức thêm các Tổ Cầu Nguyện với tiêu chuẩn:
1.    Cứ 5 gia đình thì lập một Tổ, khi nào tăng thêm một gia đình thì chia ra làm 2 Tổ, mỗi Tổ 3 gia đình.
2.    Tổ Trưởng có nhiệm vụ chính là lo mời gọi các con cái Chúa trong Tổ nhóm lại theo ngày giờ trong Tổ qui định, ít nhất mỗi tuần một lần.
3.    Mỗi Tổ có một Sổ Báo Cáo hằng tuần ghi lại mọi sinh hoạt trong Tổ như: Nhóm nhà ai? Bao nhiêu người nhóm? Ai vắng mặt? Ai bịnh và nói rõ bịnh gì? Ai mới tin hay muốn tin Chúa?  Gia đình nào cần Mục sư chủ tọa thăm viếng? Ai yếu đuối? Cứ đến chiều thứ bảy sẽ có một Thanh niên đạp xe đến thu tất cả Sổ Báo Cáo đem về tư thất, ghi vào Sổ Tình Hình Hội Thánh trong tuần của Hội Thánh. Nhờ đó, đến sáng Chúa nhật, tôi có thể biết được tình hình con cái Chúa trong Hội Thánh trong tuần qua.
4.    Nếu Tổ không nhóm lại, lập tức tôi sẽ nhờ người phụ trách khu vực (một khu vực gồm nhiều Tổ, thường là một dãy nhà tín đồ) tuần sau đến đôn đốc nhóm lại.
5.    Nếu có tín đồ bịnh nặng, tôi tìm cách đến thăm và giúp đỡ cụ thể.
6.    Nếu có người mới sinh con, tôi sẽ nhờ Nhà tôi cùng Ban Phụ Nữ đến thăm tặng quà (thường là một cục xà-bông hay cái khăn cho bé)
7.    Nếu có người mới tin Chúa, tôi thông báo và hoan nghinh giữa Hội Thánh.
8.    Nếu cần Mục sư chủ tọa đến thăm thì tôi thông báo ngày giờ tôi thăm và Tổ trưởng Tổ Cầu nguyện hay Khu vực Trưởng sẽ sắp xếp thì giờ để nhơn đó có buổi cầu nguyện trong Tổ, các con cái Chúa trong khu vực tập trung đến đầy đủ.
9.    Nếu có ai yếu đuối, tôi sẽ tìm hiểu, khuyên hoặc quở trách.
Hội Thánh có tất cả 28 Tổ Cầu nguyện, rồi tăng lên 32 Tổ. Một dãy nhà tín đồ trong đó có nhiều Tổ Cầu nguyện là một Khu vực, có một anh em trình độ khá một chút, có lòng hầu việc Chúa phụ trách làm Khu vực Trưởng. Khu vực Trưởng có trách nhiệm thăm viếng các Tổ trong Khu vực, làm sao để không có Tổ nào bỏ qua sự cầu nguyện trong tuần, nếu Tổ không nhóm được thì Khu vực Trưởng sẽ đến ngay để gây dựng lại.
Trước 1975, một số Tráng niên hiệp lại tổ chức Nhóm Tình Thương, mỗi chiều Chúa nhật đến thăm một khu vực, chủ yếu thăm một nhà có cần nhất. Anh em trong Nhóm Tình Thương sẽ giúp gia đình tín đồ được thăm những công việc như: sửa chữa bàn ghế hay những vật dụng trong nhà bị hư, lợp lại nóc nhà dột, phụ nữ thì lo nấu ăn tạm để ăn chung với gia đình, có người lo hớt tóc cho người già và trẻ em trong khu vực bất luận là tín đồ hay không, cũng có anh em phụ trách y tế cho những loại thuốc đơn giản. Tất cả vật liệu như đinh, dây kẽm, búa, kềm, cưa… ; thức ăn và gạo, … đều do anh em trong Nhóm tự đem theo.
Ðối với tình trạng đa số người Thượng không biết chữ, tôi phải tổ chức dạy lớp bình dân ban đêm, dù không có điện chỉ có đèn dầu. Nhờ các Cô Giáo dạy Trường Tin Lành cùng với các Thanh niên trong Hội Thánh có lòng giúp tình nguyện dạy, đồng thời dạy hát Thánh ca, tạo sinh hoạt vui cho lớp học.
Ðể phát triển việc truyền giảng Tin Lành trong Hội Thánh, vì đa số không biết chữ, tôi khuyến khích các con cái Chúa áp dụng Phương Pháp MỜI BẠN ÐẾN, yêu cầu con cái Chúa dắt những người bạn chưa tin Chúa đến tư thất để tôi làm chứng về Chúa.
Tôi nhớ kỷ niệm ngày 13 tháng 7 năm 1980, tôi kêu gọi con cái Chúa qua bài giảng Phương Pháp chứng đạo MỜI BẠN ÐẾN trong sách Tin Lành Giăng 1:35-51, đưa bạn đến. Sáng thứ năm ngày 17 tháng 7 năm 1980, sau giờ cầu nguyện buổi sáng sớm của Hội Thánh, một con cái Chúa trên đường đi rẫy đã dắt người bạn cùng làm trong rẫy đến cho tôi làm chứng về Chúa. Tôi rất vui vì con cái Chúa đã biết áp dụng điều tôi đã giảng dạy. Tôi nhờ ơn Chúa làm chứng về Chúa cho thân hữu nầy, lại có một thân hữu khác được dắt đến, tôi phải giao người đã nghe cho Thầy Truyền đạo phụ tá để tiếp người thứ hai, rồi người thứ ba, rồi người thứ tư…. Cứ thế đến độ 6 giờ chiều tối, chúng tôi phải ngưng vì không có điện, và tôi thì quá mệt do suốt ngày không ăn gì cả trong khi thân thể đang mang bịnh từ nhà tù về. Tôi chỉ còn húp được một vài muỗng canh nóng do Nhà tôi dọn ra.
Ngày mai thứ sáu 18 tháng 7 năm 1980, rồi ngày thứ bảy 19 tháng 7, con cái Chúa tiếp tục Mời Bạn Ðến. Chúa nhật 20 tháng 7 năm 1980, sau khi giảng xong bài giảng đề tài CHÚA CHỮA BỊNH, trong khi đưa tay chúc phước cho Hội Thánh, tôi ngã gục và xỉu trên Tòa Giảng.
Tôi cũng lập ban Truyền giảng Tư Gia với ba thành viên, và xin Ban Trị Sự Hội Thánh cho lấy tiền dâng tuần đầu tháng để làm Ngân Quỹ Truyền giảng Tư Gia. Tôi khuyến khích con cái Chúa tìm cơ hội nào đó để tổ chức Truyền giảng tại nhà riêng của họ như: Sinh nhật, Tân gia, được Chúa chữa lành … với các qui định:
1.    Chủ nhà không được mời Tín hữu, chỉ được mời Thân hữu.
2.    Không được mời quá 5 Thân hữu, và phải báo cho Ban Truyền giảng Tư Gia biết chi tiết về 5 Thân hữu như: tuổi, giới tính, nghề nghiệp … để Ban Truyền giảng Tư Gia tìm mời 5 tín hữu tương đương làm Chứng Ðạo Viên.
3.    Nếu chủ nhà mời được 2 Thân hữu trở lên, thì chi phí ăn uống trong buổi Truyền giảng Tư Gia sẽ do Ban đài thọ; nếu dưới 2 Thân hữu thì chủ nhà phải tự lo chi phí.
4.    Ban Truyền giảng Tư Gia đã căn dặn các tín hữu được mời làm Chứng đạo viên những việc cần: Họ phải biết mục đích là truyền giảng, nên tín hữu phải đến trước khi Thân hữu đến; một tín hữu phải tiếp một Thân hữu tương đương; phải ăn để Thân hữu ăn, không nên chỉ làm chứng mà quên ăn hoặc chỉ ăn mà quên làm chứng về Chúa.
5.    Mục tiêu yêu cầu là mời Thân hữu đến nhà thờ vào Chúa nhật kế tiếp. Nếu có người muốn tin Chúa trong buổi Truyền giảng thì báo ngay cho Mục sư hay Chấp sự có mặt.
Nội dung Chương trình truyền giảng Tư Gia chủ yếu là phải thân mật, tự nhiên, không đặt nặng vấn đề tôn giáo. Các bài giảng thường ở dưới hình thức là “Lời Chúc Mừng Tân gia”, hay “Lời Chúc Mừng Sinh Nhật” … và chỉ độ 10 phút để làm tiền đề cho tín hữu làm chứng đạo tiếp tục sau khi cầu nguyện tạ ơn Chúa về bữa ăn. Ðặc biệt lời làm chứng của chủ nhà bao giờ cũng quan trọng với 5 đến 7 phút.
Thí dụ:
§  Trong một cơ hội Mừng Tân Gia. Thật ra ngôi nhà chỉ là mái tranh, vách phên tre, nhưng con cái Chúa biết lợi dụng để truyền giảng Tin Lành. Trước hết, chủ nhà đứng ra tỏ lời cảm ơn Chúa, cảm ơn Hội Thánh, cảm ơn Chánh quyền địa phương, cảm ơn láng giềng, đã giúp đỡ gia đình làm xong căn nhà. Rồi trước khi cầu nguyện tạ ơn Chúa dâng ngôi nhà cho Chúa và tạ ơn Chúa về bữa ăn, tôi đứng lên mời cả nhà ra đầy đủ, tôi thay mặt khách mời chúc mừng chủ nhà bằng Lời Chúa trong Khải huyền 3:20, khuyên chủ nhà đã có nhà mới thì đừng quên mời Chúa ngự vào làm chủ, áp dụng đời sống là ngôi nhà cần có Chúa làm chủ.
§  Một con cái Chúa sắp chịu báp-têm vào sáng Chúa nhật, ông đã mời bạn hữu đến nhà tối thứ bảy với lý do “Ăn Mừng Ðược Báp-têm”. Chủ nhà đã đứng lên tỏ lòng cảm ơn Chúa bằng cách lược qua lý do ông tin Chúa và lý do có bữa ăn mừng ngày mai ông được chịu báp-têm. Làm chứng xong, chủ nhà dùng khẩu cầm thổi một bài Thánh ca cảm ơn Chúa đồng thời cho biết là lần đầu tiên ông biết ngợi khen Chúa. Sau đó trước khi cầu nguyện cho bữa ăn, tôi xin được giải thích hai chữ BÁP-TÊM cho các Thân hữu. Với 10 phút, tôi có thể bày tỏ ơn cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ cho 5 thân hữu.
Cảm ơn Chúa, chương trình rất vui và đạt kết quả rất tốt, có nhiều người tin Chúa, dù thân hữu không thích đến nhà thờ, nhưng khi thấy đến nhà của con cái Chúa, thấy gia đình với Hội Thánh vui vẻ, thân mật, là điều họ không tìm thấy trong các Tôn giáo và tổ chức ngoài đời, Chúa đã cho thân hữu khao khát tìm kiếm Chúa và họ đã gặp được.
Có một Thanh niên từ Mỹ-tho lên thăm người chị đang dạy học trong Trường Tin Lành Túc Trưng, đã được người nhà căn dặn là đừng chơi với người Tin Lành, vì nếu chơi với người Tin Lành, trước sau gì cũng sẽ tin Chúa theo Tin Lành. Với lời dặn dò đó, người Thanh niên nầy cố tránh khi các thanh niên trong Hội Thánh đến thăm. Nhơn một buổi Truyền giảng Tư gia do Thanh niên tổ chức dịp Tết Trung Thu, các Thanh niên trong Hội Thánh cố mời anh nầy với lý do là đến dự Trung Thu. Cuối cùng anh thanh niên nầy nễ tình đến dự, vì nghĩ rằng ở nhà riêng không phải nhà thờ, và lời mời chỉ là ăn Tết Trung Thu mà thôi. Trong dịp đó, các Thanh niên trong Hội Thánh hát những bài Thánh ca vui, chơi trò chơi, và tôi giới thiệu những ánh trăng trong Thi Văn Việt-nam, ánh trăng trong Kinh Thánh. Ðức Chúa Trời đã làm việc kỳ diệu, anh Thanh niên đó đã quyết định tin Chúa ngay đêm Trung Thu, và anh trở nên một Thanh niên trung tín mỗi sáng lúc 4 giờ đến nhà thờ giựt chuông báo con cái Chúa nhóm cầu nguyện.
Trung Thu 1980, lúc bấy giờ hoàn cảnh khó khăn, vật liệu rất khan hiếm, nhưng các anh chị em phụ trách Thiếu nhi quyết tâm tổ chức Truyền giảng Trung Thu cho các em. Các Thanh niên trong Hội Thánh đã chịu khó vào rừng chặt cây “xống lá”, một loại cây tròn như chiếc đũa ăn cơm, đem về chẻ ra làm thành những chiếc đèn đồng tiền đơn giản với ba vòng tròn ghép lại. Tôi lấy những văn thư cũ không còn giá trị cho các thanh niên cắt làm giấy dán. Ðến phần trang trí thì các Thanh niên dùng thuốc đỏ làm màu đỏ, lấy nghệ làm màu vàng, lấy mực xanh mực tím của các em học sinh làm màu xanh màu tím. Thanh niên đua nhau trổ tài họa sĩ vẽ đủ hình bông hoa. Chúa cho các em Thiếu nhi đã có được trên 100 lồng đèn Trung Thu.
Ðêm Trung Thu, chúng tôi cho bắt loa phóng thanh giữa sân nhà thờ mà không xin phép ai cả, tập hợp trên 500 thiếu nhi, trong đó trên 300 là Thiếu nhi trong Hội Thánh và hơn 200 Thiếu nhi ngoại đạo. Ấy là chưa kể biết bao nhiêu người lớn đến dự không cần mời. Chương trình gồm hát những bài đoản ca, kể truyện tích Kinh Thánh cho các em, trò chơi, và một cuộc rước đèn Trung Thu chung quanh nhà thờ rất vui và rất đẹp.
Cảm ơn Chúa cho Ban Trị Sự Hội Thánh đồng lòng hiệp ý với chức vụ của chúng tôi, cùng nổ lực giảng Tin Lành, dù Hội Thánh rất nghèo, trong khi mỗi lần mời Mục sư khách đến giảng tại Túc Trưng thì chúng tôi phải tự túc hoàn toàn. Hội Thánh đã mời xe Truyền giảng lưu hành của Mục sư Phạm văn Thâu, xe Truyền giảng lưu hành của Chương trình Truyền Tin Lành Cho Mỗi Gia Ðình (CTG), xe Truyền giảng lưu hành của Mục sư Lương Bảo Thai thuộc Hội Thánh người Hoa…
Ðặc biệt năm 1973, Hội Thánh đã nhờ ơn Chúa tổ chức một tuần lễ giảng Tin Lành lộ thiên tại sân nhà thờ với cái Trại Tin Lành to lớn của Giáo sĩ Thomas Stebbins. Cái Trại to lớn đã gây sự tò mò cho thân hữu rồi. Tuy nhiên, để thu hút người chưa tin Chúa đến dự, tôi cho mỗi đêm có lời làm chứng của một người đặc biệt (như Bà Mục sư Phạm văn Năm làm chứng về việc bà từ nhỏ thấy những thầy bùa thầy pháp, rồi cơ hội bà tin Chúa; đêm khác mời một Giáo sĩ Mỹ đang phụ trách truyền giáo cho người Mường làm chứng bằng tiếng Mường, việc nầy hấp dẫn rất đông đồng bào dân tộc Mường trong Ấp đối diện nhà thờ đến nghe khi họ thấy một người Mỹ nói được tiếng Mường; có đêm tôi mời Mục sư Lương văn Sấm độc tấu Tây Ban Cầm (Guitar); có đêm mời Thầy Nguyễn văn Thắng độc tấu kèn Trompet… Xen vào mỗi đêm là những giờ chiếu phim lộ thiên Truyền giảng với những phim truyện Tin Lành, phim khoa học, phim hài hước Charlot… Ðiều kỳ diệu là Chúa cho suốt các đêm truyền giảng đều bình an, không xảy ra một đáng tiếc nào, dù chúng tôi rất lo về vấn đề an ninh buổi tối.
Ðể không làm cho con cái Chúa nhàm chán thì giờ thờ phượng Chúa, tôi cho mỗi tuần trong giờ thờ phượng dành 15 phút để các Thanh niên hát những bài ca mới theo âm điệu mạnh hơn. Ngoài ra mỗi ba tháng thì các Ban Ngành thay nhau tổ chức cho Ban một buổi nhóm đặc biệt trong giờ sáng Chúa nhật. Thí dụ: Vì tín đồ đông, lúc đầu hầu như tuần nào cũng có dâng con. Do đó, tôi cho tổ chức ba tháng làm Lễ Dâng Con một lần, đồng thời lấy ngày Lễ Dâng Con làm ngày Thiếu nhi. Trong ngày nầy, những gia đình dâng con sẽ được chụp hình kỷ niệm, được tặng quà (xà bông thơm hay khăn cho bé), các Thiếu nhi trong Hội Thánh sẽ chịu trách nhiệm hát thờ phượng Chúa, các em sẽ lấy tiền dâng, Ban Hướng Dẫn Thiếu nhi sẽ hướng dẫn buổi nhóm, rồi các em được Hội Thánh giúp gạo, thức ăn, để ở lại cùng ăn với nhau và cùng vui chơi trong ngày. Hầu như cách một tuần, Hội Thánh lại có một buổi nhóm đặc biệt của Ban Ngành nào đó, sau giờ thờ phượng thì dành thời giờ Hội thảo hoặc sinh hoạt vui (Ban Cầu nguyện, Ban Thăm Viếng, Ban Thanh niên, Ban Thiếu Niên, Ban Tráng Niên, Ban Phụ Nữ, Ban Nghiên cứu Kinh Thánh…)
Ðặc điểm của con cái Chúa người Thượng là họ có đức tin rất đơn sơ, nhất là khi bị bịnh, dù là bịnh nặng hay bịnh nhẹ như sổ mũi, nhức đầu, họ đều nêu ra xin Hội Thánh cầu nguyện.
Về phương diện thuộc linh, hầu như ngày nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho con cái Chúa bịnh tại nhà thờ, hoặc tại nhà riêng. Lý do con cái Chúa bị bịnh nhiều là vì:
1.    Con cái Chúa rất đông (ngày tôi đến nhậm chức thì độ 500 tín đồ; ngày tôi rời Hội Thánh thì Chúa cho lên đến hơn 2,500 tín đồ).
2.    Ða số 90% quá nghèo, ăn uống kham khổ, làm rẫy làm ruộng cực nhọc, chủ yếu là dùng tay cày cuốc. Nhiều lần tôi nhờ ơn Chúa tìm cách giúp họ cải thiện cuộc sống như: Khuyến khích trồng cây ăn trái chung quanh bìa rẫy để phòng những tháng không có lúa thì dùng trái của các cây đó mua gạo ở ngoài; khuyến khích chăn nuôi heo là loại họ dễ nuôi, do có rau và chuối cây cho heo ăn độn – tôi yêu cầu con cái Chúa tự làm chuồng bằng cách chặt cây làm chuồng, tôi giúp tiền tráng nền, cho họ mua cám từ nhà máy xay lúa của Cơ Sở Tự Túc Ðịa Hạt, khi nào họ bán heo sẽ trả lại tiền cám với điều kiện tiền cám tính vào thời điểm mua cám.
3.    Các Y tá địa phương trị bịnh theo thị hiếu của bịnh nhân người Thượng, họ sử dụng thuốc mạnh, liều cao, để khống chế bịnh ngay tức thì, nhất là họ thích dùng thuốc tiêm hơn là thuốc uống. Hậu quả là người bịnh lần lần bị lờn thuốc, về sau rất khó trị.
4.    Người Thượng không thích đi Bịnh Viện, vì sợ không có tiền, trong khi Y tá địa phương lại trị bịnh cho thiếu dù với giá cao. Một lý do khác là tại Bịnh viện họ phải chờ đợi, Bịnh viện lại cho thuốc nhẹ, không công hiệu tức thời.
Tôi phải dùng nhiều cách để giúp con cái Chúa bị bịnh, ngoài việc cầu nguyện cho họ.
Tôi phải mua sách dạy dùng thuốc và Tự Ðiển Dược Liệu, để tự trị liệu những bịnh thông thường hoặc khẩn cấp, kể cả tập chích thuốc – tôi chỉ dám chích thịt, không dám chích gân. Trong nhà của tôi lúc nào cũng có sẵn những loại thuốc khẩn cấp, như Gardenal là loại trấn an thần kinh (loại uống lẫn loại chích). Khi nghe tín đồ báo là con của họ bị chết giấc – kinh nghiệm cho tôi biết là các em bị sốt cao nên làm kinh. Lập tức tôi đem theo thuốc Gardenal, kim tiêm; Nhà tôi thì đem chanh và một cái muỗng. Ðến nơi, tôi thì tiêm thuốc cho đứa nhỏ, Nhà tôi thì cho bịnh nhân uống nước chanh. Sau đó hiệp lại cầu nguyện.
Có một cháu gái bị sốt cao, khi tôi đến nhà thì thấy bụng của cháu nổi những mụt trắng, cháu có triệu chứng sốt thương hàn. Lập tức tôi cho người dùng xe gắn máy của tôi cầm thư tay của tôi chạy đến Chi Y Tế Quận, nơi đó vị Trưởng Chi Y tế là Trung Úy Ðào Hữu Thắng, ông rất tốt, lúc nào cũng sẵn lòng giúp tôi giải quyết những trường hợp con cái Chúa bịnh. Ngoài việc kể bịnh trạng, tôi phải yêu cầu Trung Úy Trưởng Chi Y Tế mặc quân phục, đeo quân hàm và súng theo. Khi đến nơi, vị Trung Úy nầy đi thẳng vào nhà khám bịnh, rồi ông tự động bồng cháu lên xe Jeep quân sự của ông chở cháu đi Bịnh Viện, chủ nhà không dám nói gì cả, chỉ biết nhìn theo. Tôi biết tâm lý của người Thượng rất sợ Chánh quyền, nên phải yêu cầu như vậy.
Tôi phải ghi ơn Trung Úy Trưởng Chi Y Tế Quận Kiệm Tân nầy. Ông tên là Ðào Hữu Thắng, nguyên là một người học ngành Dược phải đi lính, nên vào làm ngành Y Tế. Khi tôi về Túc Trưng hầu việc Chúa, đến thăm xã giao ông, được ông tiếp đón rất thân tình và hứa sẵn lòng giúp tôi trong việc cải thiện vấn đề vệ sinh y tế cho những người dân tộc, trong đó đa số là tín đồ. Mỗi tuần, tôi tổ chức sáng thứ năm mướn xe chở tín đồ bịnh cần đến Bịnh Viện, ông tận tình giúp không tính tiền. Khi tôi bị thương do vụ nổ lựu đạn trong nhà thờ, ông tận tình lo cho tôi. Sau năm 1975, có một lần tình cờ ông tìm đến thăm tôi tại Sàigòn, tâm tình một chút, và từ đó đến nay không được gặp lại. Xin Chúa ban phúc lành cho ông như Chúa hứa trong Mathiơ 25:40.
Nhiều lần vợ chồng tôi đối diện với những chứng bịnh nguy hiểm của con cái Chúa, chúng tôi phải ở một bên cầu nguyện cho họ, lắng nghe tiếng thì thào của họ trối trăng. Cảm ơn Chúa đã giữ gìn chúng tôi và con cái chúng tôi bình an. Một kỷ niệm khó quên là sau năm 1975, trong thời kỳ đầy khó khăn về mọi mặt, nhất là vấn đề y tế, thế mà Bịnh Dịch Hạch hoành hành trong Xã, trong lúc đó địa phương không có một can thiệp nào, thậm chí cũng không có một báo cáo khẩn lên cấp trên. Trong vòng hai tuần lễ, trong Hội Thánh đã có 15 tín đồ qua đời vì bịnh nầy, chưa kể bao nhiêu người trong Xã và các Xã lân cận. Ngày nào, giờ nào, cũng có đôi ba đám tang ngoài nghĩa địa. Vợ chồng tôi phải liên tục đến với người bịnh nầy cầu nguyện, rồi quay qua người nhà của người chết kia để an ủi họ. Mắt chúng tôi chứng kiến một người mẹ mới sanh con oằn oại trong cơn bịnh dịch, còn đứa bé thì khóc đòi bú. Tôi buộc lòng phải bảo người cha bồng cháu bé qua nhà khác trong lúc người mẹ hấp hối. Thảm cảnh kèm theo bịnh dịch nầy là không có thuốc, cho người bịnh; còn người chết thì không có hòm để chôn. Lúc đầu trong Hội Thánh có một số ván đã cưa sẵn trước 1975, bây giờ đem cho con cái Chúa, rồi kế đó phải tháo ván đóng vách nhà của người chết làm hòm, rồi kế tiếp phải tháo tôn lợp nhà cuộn lại đem chôn ngay. Với tất cả những kiến thức vệ sinh phòng bịnh mà chúng tôi có được như nấu nước thật chín, thức ăn nấu chín, trừ chuột, bọ, ruồi …, tôi phải huy động con cái Chúa trong Hội Thánh tiếp lo cho nhau. Chúa thương xót khiến cho bịnh dịch dừng lại, sau khi Hội Thánh thiệt mất 15 người lớn nhỏ.
Mộät ông tín đồ già bịnh nặng gần qua đòi, ông cứ muốn gặp Mục sư. Tôi đến nhà thì thấy cả nhà vợ con của ông đều đứng ngoài sân, từ trong nhà mùi hôi nồng nặc bay ra, không ai dám vào nhà. Vợ chồng tôi bước vào, thấy bên cạnh giường của ông là một đống dơ máu mủ khạc nhổ của ông được phủ một lớp tro bếp, nhưng không đủ che lấp. Tôi nghĩ ông bị ung thư phổi do trước khi tin Chúa ông đã hút thuốc quá nhiều. Tôi phải quỳ xuống bên cạnh ông để lắng nghe ông thều thào trăng trối, xin tôi cầu nguyện cho ông. Tôi không thể làm gì khác hơn, và Chúa đã gìn giữ vợ chồng tôi khỏi mọi tai họa, khỏi dịch lệ độc hại (Thi thiên 91:3, 6).

TỔ CHỨC HỌC LỜI CHÚA
Tôi không tổ chức Ban Trường Chúa nhật, vì tôi nhận xét Ban Trường Chúa nhật chỉ lo việc học Kinh Thánh ngày Chúa nhật mà thôi, tôi muốn Ban phải lo học Kinh Thánh trong tuần nữa. Vì lý do đó, tôi lập Ban NGHIÊN CỨU KINH THÁNH. Ban nầy có trách nhiệm lo tất cả giờ học Kinh Thánh có được trong Hội Thánh như: Trường Chúa nhật, học Kinh Thánh tối thứ tư, học Kinh Thánh Hàm Thụ, học Kinh Thánh ở các Tổ Cầu nguyện. Vì chỉ có các con cái Chúa trẻ tuổi như Tráng niên, Thanh niên, Thiếu niên, Thiếu nhi, là biết chữ, còn đa số người lớn tuổi không biết cả chữ Việt lẫn chữ Chrau. Dù vậy, cảm ơn Chúa, mỗi sáng Chúa nhật, hầu như toàn thể tín đồ lớn nhỏ đều tham gia học Kinh Thánh qua trường Chúa nhật. Chúa cho Hội Thánh có được những phòng học khang trang, đầy đủ bàn ghế, bảng viết, nên việc chia lớp rất dễ, chỉ trừ lớp Quý Bà và lớp Quý Ông, vì quá đông và vì trình độ, nên Giáo viên phải dạy theo phương pháp thuyết trình. Ngay sau ngày Hội Thánh ở trong chế độ mới, có một vài Cán bộ râm ran len lỏi giữa tín đồ tuyên truyền cho rằng Trường học Tin Lành là của Mỹ cất. Mục đích của họ là âm mưu lấy Trường, nhưng Chúa khiến họ nói câu: “của Mỹ cất”, nên con cái Chúa (trong đó có những tín đồ đang làm việc trong Chánh quyền Xã, Ấp)  thật thà trả lời: “Chúng tôi đâu thấy người Mỹ nào đến cất, chỉ thấy ông Mục sư và Ban Trị Sự Hội Thánh cùng tín đồ, lo xây cất”. Thêm vào đó, các Cán bộ nằm vùng địa phương trước đây có con em học trong Trường Tin Lành của Hội Thánh cũng đã từng được hưởng sự giúp đỡ của Hội Thánh, họ làm chứng rằng Trường Tin Lành dạy rất tốt. Sau nầy chính các em đó ra làm Cán bộ địa phương trong Xã, Huyện, đã giúp tôi rất nhiều, ngay cả lúc tôi đã rời Túc Trưng. Cuối cùng họ phải làm đơn tạm mượn Trường của Hội Thánh với những cam kết: chỉ sử dụng ngày thường, còn Chúa nhật và các ngày Lễ của Hội Thánh thì Hội Thánh vẫn sử dụng; họ không chào cờ trong sân nhà thờ. Ðặc biệt dịp Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus giáng sanh, Ban Giám Hiệu luôn cho học sinh nghỉ học ba hoặc bốn ngày để Hội Thánh tiện chuẩn bị.

GIÁO DỤC HÔN NHÂN
Hầu việc Chúa là làm một cuộc Cách Mạng không đổ máu, nhưng bằng tình yêu thương, như Sứ đồ Phaolô đã nói với Hội Thánh tại Ga-la-ti (Galati 4:19). Một trong những vấn đề phải cải sửa là vấn đề Cưới gả.
Một tuần sau khi đến Túc Trưng, tôi xem lại tất cả sổ sách, văn thư của Hội Thánh. Ðiều làm tôi ngạc nhiên là những Biên bản dứt phép thông công các tín hữu trong Hội Thánh được ghi là “vi phạm Ðiều răn thứ 7” rất đông, nhưng không ghi chi tiết. Tôi hỏi Ban Trị Sự Hội Thánh, thì được biết là các Thanh niên nam nữ trong Hội Thánh vẫn còn theo phong tục “ÐI NGỦ” của người dân tộc Chrau ngày xưa – tiếng Chrau gọi là “Han Viq”.
Theo phong tục xưa của người dân tộc Chrau, thì nam nữ Thanh niên hẹn hò cách nào đó, đến đêm khuya, người con trai được người con gái mở cửa cho vào nhà. Hai người ngủ chung với nhau, và người con trai phải ra về trước khi người nhà của cô gái thức dậy. Họ đi ngủ như vậy gọi là để tìm hiểu, một thời gian nếu hai bên nam nữ đồng ý thì sẽ cưới nhau. Thời gian tìm hiểu nầy có khi kéo dài đến một hoặc hai năm. Tuy nhiên trong thời gian “Ði Ngủ”, nếu xảy ra sự ăn ở với nhau, thì người con trai sẽ bị làng phạt rất nặng. Theo những người già nói lại, thì vì sợ phạt nặng, nên họ giữ mình được. Với Thanh niên ngày nay, không nghe ai bị phạt, nên hầu như tất cả đều ăn ở với nhau trước khi cưới gả, thậm chí mang thai. Ðó là lý do Hội Thánh phải dứt phép thông công những thanh niên “Ði Ngủ”.
Một lần vào khoảng 11 giờ khuya hơn, một Chấp Sự Tráng niên đến nhà tôi báo tin là một thanh niên trong Hội Thánh tên T. đã vào nhà của một cô gái tên C. đã tin Chúa nhưng cha mẹ cô gái chưa tin Chúa. Tôi phải cùng Chấp sự đó đến nhà của cô gái, gõ cửa, cha mẹ của cô gái ra mở cửa và cho tôi biết là đôi thanh niên nam nữ đó đang ở phòng phía trong. Tôi nói lớn tiếng kêu anh thanh niên đó ra về và yêu cầu cha mẹ hai bên hai tuần sau phải lo cưới gả cho hai đứa con. Tôi cần hai tuần để lo Hôn Thú cho họ.
Ðiều khó khăn là hầu như không người Thượng nào có giấy Khai Sanh, mà luật pháp qui định làm Hôn thú phải có giấy Khai Sanh. Tôi phải đến Tòa án Tỉnh Biên hòa trình bày nhu cần, cảm ơn Chúa cho vị Chánh án Tòa đồng ý cử một Tòa Án Lưu Ðộng đến ngay Quận địa phương lo thủ tục khai sanh cho tất cả người Thượng.
Lúc bấy giờ tôi để 5 tuần giảng dạy liên tiếp về vấn đề Hôn nhân trong Chúa trong giờ Thờ phượng Chúa sáng Chúa nhật. Buổi chiều Chúa nhật, trong giờ sinh hoạt Thanh niên, tôi cho các Thanh niên học về Tình yêu và Hôn nhân. Tôi cũng mời vị Trưởng Chi Y Tế Quận đến nói chuyện với các Thanh niên về giới tính; mời phụ huynh các em nói ý kiến của cha mẹ muốn con mình đi trong đường lối của Chúa; mời một cặp vợ chồng mới cưới nói chuyện với các Thanh niên về cách họ chuẩn bị Lễ Cưới trong hoàn cảnh ít tiền; Sau cùng dành thì giờ giải đáp thắc mắc. Tổng cộng năm tuần tôi tập trung lo việc nầy. Sau 5 tuần, tôi họp Ban Trị Sự Hội Thánh yêu cầu biểu quyết hai điều:
1.    Kể từ ngày sau khi các Thanh niên đã được hướng dẫn về Tình yêu và Hôn nhân, con cái Chúa phải lập gia đình theo đường lối của Chúa, không được ăn ở nhau trước khi có Lễ Cưới. Người vi phạm sẽ bị dứt phép thông công và con cái Chúa không ai được đến dự tiệc cưới của họ.
2.    Nếu Thanh niên nào không có tiền tổ chức Lễ Cưới, Ban Chấp Sự gồm 12 người sẽ góp tiền (mỗi người 500 đồng lúc bấy giờ), để giúp. Ban Thanh niên lo trang trí, làm bánh cho tiệc cưới, vợ chồng tôi lo cho cô dâu chú rể phần áo cưới (lúc đầu chúng tôi mượn, về sau chúng tôi xin những cặp vợ chồng ở Sàigòn những bộ áo cưới của họ không còn mặc nữa), lo nhẫn cưới (sau 1975, chúng tôi chỉ có thể lo cho các cặp nầy nhẫn cưới bằng Inox).
Cảm ơn Chúa, những biểu quyết trên được cả Hội Thánh đồng lòng ủng hộ và thanh niên nam nữ tuân giữ.
Một rắc rối khác trong phong tục Cưới Gả giữa người Kinh và người Thượng mâu thuẫn nhau. Hội Thánh tại Túc Trưng đa số là người Thượng, mà phong tục của người Thượng theo chế độ mẫu hệ, nên trong Lễ Cưới, nhà gái phải đến rước chú rể. Trong một buổi họp bàn lo Hôn nhân cho Thanh niên trong Hội Thánh, ông Thư Ký Hội Thánh là người Thượng đòi theo phong tục của người Thượng; ông Phó Thư Ký Hội Thánh là người Kinh thì đòi theo phong tục người Kinh, ông còn thêm một câu’Trâu tìm cột, chớ ai đời cột tìm trâu”. Một cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai người có uy thế nhất trong Hội Thánh. Tôi lập tức yêu cầu tạm ngưng cuộc họp để vấn đề đó bàn sau.
Hai tuần sau, tôi cho họp Ban Trị Sự Hội Thánh trở lại và tuyên bố: ‘Bây giờ chúng ta là con cái Chúa, không nên theo phong tục người Thượng hay người Kinh nữa, mà phải theo Lời Chúa dạy. Chúa dạy thế nào, chúng ta làm theo thể ấy. Tất cả đồng ý. Tôi đọc Sáng thế ký đoạn 24, Áp-ra-ham cho người đi rước cô dâu Rê-be-ca về. Cảm ơn Chúa không ai tranh cãi nữa.
Sau những ngày đó, cũng có một vài lần Ban Trị Sự Hội Thánh đã phải áp dụng kỷ luật dứt phép thông công, nhưng đa phần Thanh niên đã giữ được theo sự dạy dỗ của Lời Chúa trong phương diện tình yêu và Hôn nhân. Những ngày sau 1975 là những ngày thiếu thốn vật chất, dù vậy, các Thanh niên đã biết dùng khoai mì luộc, rồi đem giã cho nhuyễn, ép khuôn nướng thành ổ bánh Cưới nhiều tầng, trên bánh lại có bắt bông kem rất đẹp.

TANG LỄ
Lần đầu tiên tôi được báo tin có tín hữu qua đời là một em thiếu nhi. Thật bất ngờ cho tôi khi biết gia đình sẽ để HAI TUẦN LỄ mới chôn. Tôi hỏi tại sao không chôn sớm hơn? Các con cái Chúa trả lời là theo phong tục của người Chrau, khi có người chết thì họ sẽ vào rừng đốn một loại cây có gỗ mềm, đem về đẽo thành quan tài hình con cá (giống như quan tài mà các nhà khảo cổ tìm thấy trong hầm mộ tại Ai Cập). Làm xong một quan tài như vậy cũng phải mất hai tuần. Trong khi chờ đợi quan tài làm xong, thì họ sẽ tổ chức uống rượu để bớt mùi hôi, còn gà vịt, heo, bò, dê, của người qua đời phải đem ra làm thịt ăn hết và chia cho cả dòng họ.
Tôi cương quyết không chấp nhận việc làm mất vệ sinh như vậy. Tôi yêu cầu chỉ quàn xác hai ngày và một đêm, vì quan tài chỉ bằng những miếng ván mỏng manh, thời tiết địa phương Túc Trưng lại nóng khiến thi hài người chết rất mau hôi, nếu không chôn sớm thì tôi không làm Lễ An Táng.
Còn việc phải nói đến là tục lệ ăn uống trong lúc quàn xác. Ðây là cơ hội để con cái Chúa dễ bị cám dỗ uống rượu say sưa, gây tốn kém một cách vô lý. Tôi yêu cầu không được tổ chức ăn gì cả, chỉ uống nước nhiều nhất là nước trà. Cá nhân tôi nói trước là không ăn không uống gì từ trong Lễ Tang. Một lần tôi thấy gia đình nghèo cũng cố chạy ra tiệm mua thiếu cho tôi một chai Coca Cola như họ thấy gia đình khá giả đã làm. Do đó, tôi phải thông báo giữa Hội Thánh nhiều lần là tôi chỉ đến làm lễ rồi ra về, không ăn không uống gì trong Lễ, một hoặc hai ngày sau khi an táng, tôi và Ban Cầu nguyện sẽ trở lại cầu nguyện với gia đình.
Cũng có con cái Chúa khiếu nại với tôi là những người chưa tin Chúa đến phụ giúp tang gia, họ đòi được uống rượu. Thế là tôi phải lập Ban Tương Trợ trong Hội Thánh để chịu trách nhiệm giúp con cái Chúa lo mọi việc từ lúc biết tin có người qua đời đến khi hoàn tất Tang Lễ, không để người chưa tin Chúa lo.
Một nan đề nữa là thói quen của con cái Chúa trong Hội Thánh chỉ đi dự Lễ tang gia đình nào là họ hàng, bà con, thậm chí người kế bên nhà không bà con họ cũng không đến dự buổi cầu nguyện hay đưa tang. Ðôi lúc trong giờ an táng, chỉ có vợ chồng tôi, với vài người tín đồ (những người nầy là hai người mù trong Hội Thánh nhưng rất trung tín nhóm lại, thăm viếng, cầu nguyện). Vì quá ít người dự, lại không biết chữ, nên chúng tôi chỉ hát những bài Thánh ca thuộc lòng, mà những bài Thánh ca nầy lại không liên quan gì đến Tang Lễ, như bài “Mến Yêu Jêsus”, “Ðừng Sợ Chi”, điệp khúc Thánh ca “Tin Cậy Vâng Lời”. Tang Lễ thật buồn! Tôi giảng vài bài về tinh thần trong Thân Thể Ðấng Christ, kêu gọi con cái Chúa hứa nguyện sẵn sàng tham dự tang lễ, nhất là kêu gọi Thanh niên để có Ban Hát. Cảm ơn Chúa cho có rất nhiều người hứa nguyện, họ ký tên vào Bảng Hứa Nguyện tôi cho treo trong Văn Phòng.
Một lần có một con cái Chúa đi lính bị tử thương ngoài chiến trường, hai tuần sau đơn vị mới tìm được xác. Bốn giờ chiều, xe của đơn vị quân đội mà anh phục vụ chở quan tài của anh về đến nhà của thân nhân. Từ xa, tôi đã ngửi mùi hôi xông đến. Ngay lúc đó, tôi có mặt thay cho gia đình thân nhân cảm ơn đơn vị của anh. Tôi nhờ con cái Chúa dựng một cái rạp ngoài sân để quan tài, không cho đem vào nhà vì quá hôi. Tôi cũng thông báo 8 giờ sáng mai sẽ đem chôn. Gia đình của người chết khóc đòi để hai ngày, nhưng tôi nhất định không đồng ý vì lý do vệ sinh cho gia đình và cho hàng xóm; đồng thời tôi phải nhờ Chánh quyền địa phương đến thăm và ra lịnh chôn liền, không thì sẽ “phạt” gia đình. Buộc lòng gia đình phải vâng theo, dù tôi biết rằng họ không vui, nhưng vì sự sống của bao nhiêu người chung quanh.
Nan đề phải giải quyết nữa là những gia súc trong nhà của gia đình mà người vợ qua đời theo phong tục của người Chrau là phải đem làm thịt hết hoặc chia cho bà con bên vợ, họ không quan tâm gì đến những những còn lại trong gia đình. Tôi cương quyết không cho làm thịt một con thú nào cả, và không cho chia tài sản cho người bà con nào, tất cả phải để lại cho những người sống trong gia đình hưởng, lo nuôi con cái của người chết.
Thật sự, tôi biết đó là ơn Chúa ở cùng tôi, Chúa cho con cái Chúa yêu mến chức vụ chúng tôi, nên thảy đều vâng lời. Ngoài ra còn nhiều tập tục hư xấu khác phải trừ bỏ, như:
§  Tệ Hút Thuốc.
Người Thượng nhiễm tật hút thuốc rất nặng. Nhưng cảm ơn Chúa, Chúa đã cứu nhiều người ra khỏi tật ghiền thuốc. Một vài con cái Chúa chưa bỏ được cũng chỉ dám hút một cách lén lút. Sự thay đổi nầy cũng đã tác động trên một số con cái Chúa là những người Kinh từ Miền Trung vào sinh sống tại Túc Trưng. Lúc đầu số người Kinh nầy còn dám trồng cả cây thuốc lá tại sân nhà. Cảm ơn Chúa, đời sống thuộc linh của tín đồ người Thượng đã cảm động họ nhổ bỏ.
§  Tệ Uống Rượu.
Người Thượng rất thích uống rượu, nhất là vào những dịp như cấy tỉa lúa, ngày Tết Việt-nam, ngày Tết của người Thượng (vào khoảng tháng 3 dương lịch). Người Việt-nam nào cũng nghe nói đến người Thượng với “Rượu Cần”. Cảm ơn Chúa cho con cái Chúa biết nghe lời tôi khuyên có, răn đe có, mà nhờ ơn Chúa cầu nguyện từ bỏ. Vào những ngày cấy tỉa lúa, tôi phải thường cùng vài con cái Chúa “đi tuần tra” vào khoảng 5, 6 giờ chiều, đó là giờ mọi người đi cấy tỉa lúa về thường họp chung ăn uống đãi những người giúp “cấy tỉa dần công”. Trong những dịp như vậy, con cái Chúa thường bị cám dỗ uống rượu, nhất là có người chưa tin Chúa tham gia. Có lúc tôi phải vào ngay bàn ăn tịch thu những chai rượu đem vứt bỏ.
Chúa cũng cho Hội Thánh có những ngày thật vui như:
“Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus Giáng Sanh”
Dù số lượng tín đồ rất đông, nhờ ơn Chúa những năm tôi ở Túc Trưng đều cố gắng lo cho con cái Chúa trong Hội Thánh có được bữa ăn liên hoan Mừng Chúa Giáng sanh chung với nhau vào sáng ngày 25 tháng 12. Năm đầu tiên, Hội Thánh mua nửa con heo để làm bữa ăn chung. Những năm về sau, chúng tôi cho nuôi heo từ đầu năm. Lần lần số tín đồ gia tăng, cảm ơn Chúa cho nam phụ lão ấu đều chung dự. Các Thiếu nhi bao giờ cũng được cho ăn trước, sau đó toàn Ban Trị Sự, Chấp sự cùng các Thanh niên lo tiếp đãi các con cái Chúa, đợt thứ ba mới đến Ban Trị Sự và Chấp sự, Thanh niên và chúng tôi.
Năm 1980, vì tôi mới ở tù về  sau hai năm bị giam, ngân quỹ Hội Thánh không có, các con cái Chúa phải trải qua hai năm đói chung cả nước (1978-1979). Tôi nhận thấy tình hình tài chánh eo hẹp quá, nên đề nghị Ban Trị Sự Hội Thánh cho ăn tiệc ngọt Giáng sanh. Nhưng Ban Trị Sự Hội Thánh lại có ý kiến rằng vì hai năm tôi đi vắng, Hội Thánh không được ăn chung với nhau, năm nay có tôi, Hội Thánh phải ăn chung tiệc mặn, dù chưa biết giải quyết vấn đề tài chánh cách nào. Tôi thấy khó thông qua ý kiến tiệc ngọt, nên đề nghị lấy ý kiến chung trong Hội Thánh. Sáng Chúa nhật kế tiếp, tôi trình bày giữa Hội Thánh về tình hình tài chánh của Hội Thánh quá khó khăn, nên xin lấy ý kiến của tất cả con cái Chúa bằng cách biểu quyết giữa “tiệc ngọt” hay “tiệc mặn”? Tôi có ý cho lấy biểu quyết “tiệc ngọt” trước, vì theo thường lệ lần đầu biểu quyết bao giờ cũng nhiều phiếu hơn. Bất ngờ là Hội Thánh đưa tay biểu quyết rất ít, đến “tiệc mặn” thì hầu như mọi người đều đưa tay. Ai cũng cười vui, tôi cũng cười mà lo trong lòng.
Sau giờ thờ phượng Chúa, các bà là những con cái Chúa gốc từ Miền Trung Quảng Nam, Quảng Ngãi (đây là các con cái Chúa từ Miền Trung di cư vào Căn Cứ 6, Căn Cứ 7, thuộc Hội Thánh Phúc Âm trước 1975. Thời gian sau 1975, Hội Thánh bị đóng cửa gần 10 năm, một số bỏ chạy vào Túc Trưng sinh sống) đến gặp tôi và Ban Trị Sự đề nghị Tiệc Giáng sanh cho ăn “Mì Quảng”, vì Hội Thánh có sẵn lúa gạo, chỉ cần bỏ công làm là được. Cảm ơn Chúa, Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus Giáng sanh năm ấy, tất cả con cái Chúa đều góp phần vui vẻ. Hội Thánh cho ngâm một thùng phuy gạo (200 ký gạo); các Thanh niên thì đi tìm mượn cối đá về xay gạo bằng tay và thay nhau xay bột suốt ngày suốt đêm thành hai phuy bột. Các ông thì lo đắp lò tráng bánh, chặt củi. Các bà lo tráng bánh, xắt mì ngày đêm. Có người còn bày thêm “Mì Quảng” phải có bánh đa, thế là lại đi kiếm lá dừa về đan vỉ phơi bánh, thanh niên ra những lò than xin than vụn về rồi lấy gạch thả dài ra bỏ than vào, nam một bên, nữ một bên, ngồi nướng bánh đa suốt đêm 24 để sáng 25 có bánh đa nóng dòn ăn Mì Quảng. Tất cả tiền có được trong ngân quỹ xuất mua nửa con heo nấu nước nhưn. Thật như Chúa phán: “Thà một miếng bánh khô mà hòa thuận…” (Châm ngôn 17:1).
 “TẾT”
Những ngày Tết, theo thông lệ, ngoài việc nhóm lại thờ phượng Chúa, làm chứng ơn Chúa sáng Mùng Một, rồi hiệp nhau đi thăm viếng chúc Tết, tôi tổ chức cho Hội Thánh có bữa ăn chung với với bánh tét, thịt kho, dưa chua, sau giờ nhóm sáng Mùng Một. Các con cái Chúa có nếp thì mỗi nhà sẽ gói bánh đem đến một cặp khi đi nhóm sáng Mùng Một. Trong Hội Thánh cũng xuất nếp nhờ con cái Chúa trong Hội Thánh hẹn nhau chiều 30 tại nhà thờ gói và nấu thêm một số bánh, phòng khi có một số gia đình không có điều kiện gói bánh. Thật là vui không thể tả hết được!
Việc thăm viếng ngày Tết là một công việc rất đáng ngại cho tôi, vì yêu cầu của con cái Chúa là phải thăm chúc Tết trong vòng ba ngày Tết, ai cũng muốn Tết phải có Mục sư đến nhà. Có năm chúng tôi đã chia hai đoàn đi thăm, nhưng các con cái Chúa cứ chờ tôi, dù đã được đoàn kia thăm viếng rồi. Chúng tôi cũng phải tính toán  làm sao để dừng chân đúng chỗ vừa nghỉ vừa ăn tiệc với những gia đình con cái Chúa đã ghi tên mời trước “ăn nặng” vào những giờ qui định: 9 giờ sáng dừng một nhà, 12 giờ, 2 giờ, 4 giờ và 6 giờ. Do dó, cả đoàn thăm viếng Tết phân công khi đến nhà của một con cái Chúa, lập tức một người trong Ban Trị Sự thay lời cho đoàn chúc Tết chủ nhà một câu Kinh Thánh, rồi tôi cầu nguyện cho gia đình, các Thanh niên hát một bài đoản ca vui chúc mừng Xuân mới. Trong lúc đó có người được phân công phụ trách rót nước mỗi ly chỉ một chút nước mà thôi, không để chủ nhà rót, vì chủ nhà rót thì một ly nhiều quá uống không hết, vả lại còn phải đi nhiều nhà khác. Nếu chủ nhà mời ăn bánh, mứt, thì cũng có người được phân công phụ trách cầm lấy đứng bên cửa, mỗi người bước ra nhận một miếng tiếp tục đi nhà kế. Ðoàn thăm viếng thì đông, thường không dưới 40 người, trong khi nhà con cái Chúa thì đa số là nghèo, nhỏ, chật hẹp, không có đủ chỗ ngồi, nên mọi người đều được căn dặn trước tự động tìm chỗ ngồi, nhưng chủ yếu là đứng. Dù rất mệt nhọc, nhưng Tết năm nào, mọi người đều thích được tham gia. Việc thăm viếng nầy cũng là một đặc sắc của Hội Thánh Tin Lành, vì chỉ có người Tin Lành mới đi thăm chúc Tết như vậy, trong khi các Tôn giáo khác không hề có, cho nên cũng gây tiếng tốt cho Danh Chúa.