Con Đường Thập Tự

NHỮNG NGÀY THIẾU THỐN


Tôi ở tù về ngày 23 tháng 4 năm 1980, nhờ ơn Chúa, Nhà tôi quyết định không buôn bán nữa, dành trọn thì giờ cùng tôi lo công việc Chúa. Chúng tôi đã sống những ngày đầy thiếu thốn vật chất, không ai trong lãnh đạo Giáo hội ngoài Cụ Mục sư Hội Trưởng Ông văn Huyên và Mục sư Phó Hội Trưởng Ðoàn văn Miêng quan tâm thăm hỏi. Dường như các vị lãnh đạo khác của Giáo hội đều sợ liên hệ đến một người đã bị Chánh quyền bắt giam, mà họ không biết rằng tôi đã trả giá thà ở tù để họ được bình an.
Trước khi tôi được thả về ba tháng, những người trong phòng giam phát giác sao người của tôi càng ngày càng ốm xanh đến nám đen. Nhơn một hôm Bác sĩ của Trại giam đến thăm hỏi bịnh trong Phòng giam theo lệ thường (Bác sĩ tên Hùng, nhưng các tù nhân đều gọi ông là Bác sĩ ‘KHÔNG SAO’, vì mỗi lần ai khai bịnh gì, ông đều nói: ‘Không sao’. Bác sĩ nầy vốn là một cán bộ Cộng sản ngoài Bắc đã ra hồi chánh trong chế độ trước. Sau năm 1975, ông bị bắt, nhưng vì vốn gốc là cán bộ Cộng sản nên được cho làm Y-sĩ trong Trại giam), anh em trong phòng giam đẩy tôi tới cửa và yêu cầu Bác-sĩ Hùng khám bịnh cho tôi: “Bác sĩ coi giùm anh nầy sao càng ngày càng ốm xanh quá”. Hầu như cả phòng giam đều quan tâm đến tôi, nên gây một sự chú ý cho bác sĩ Hùng. Tuy nhiên tôi từ chối được khám bịnh, lý do của tôi nói với Bác-sĩ là dù biết có bịnh cũng đâu có điều kiện chữa bịnh. Dù vậy, Bác-sĩ Hùng đã nói một câu làm tôi thật cảm động: “Nhưng ít ra anh cũng cho tôi làm trọn lương tâm của một Y-sĩ chớ”. Vì câu nói đó, tôi nghĩ ông ấy đâu cần quan tâm đến tôi, anh em trong phòng giam cũng đâu cần lo như vậy, nhưng tất cả đầy tình yêu thương đối với tôi. Sau khi dùng ống nghe khám phổi của tôi, Bác-sĩ Hùng nói: “Tôi không có đủ dụng cụ, nên không thể quyết định chắc về bịnh của anh. Bây giờ tôi viết toa thuốc, anh đưa cho cán bộ quản giáo xin gởi về nhà để người nhà gởi thuốc vào điều trị”. Thật bất ngờ hơn nữa, ngày hôm sau Bác-sĩ Hùng đã cho chuyển đến tôi một lọ thuốc bổ đa sinh tố dạng thuốc cốm, chuyện chưa từng có trong Trại giam, một tù nhân được uống thuốc bổ. Tôi biết đó là cả một cố gắng lớn lao mà vị Bác-sĩ nầy có thể làm cho tôi. Tôi thật khó quên tấm lòng của ông và của những người trong phòng giam ngày ấy. Tôi viết những lời nầy để nhớ đến họ như một lời tri ân.
Ba tháng sau, tôi về, toa thuốc đó cũng không thấy tới và không hề tới. Và cũng ba tháng sau khi về, vì cố gắng chỉnh đốn lại công việc Chúa trong Hội Thánh, nổ lực truyền giảng Tin Lành, nhất là chương trình truyền giảng tại tư gia mà Chúa cho kết quả rất tốt – trong ba tháng có trên 40 người tin Chúa, trong lúc điều kiện ăn uống không có do Hội Thánh quá nghèo, mà chúng tôi cũng không còn gì, chứng bịnh tôi bị trong tù bùng phát. Ngày 20 tháng 7 năm 1980, sau khi giảng một bài về “Sự Chữa Bịnh”, đang khi chúc phước kết thúc giờ thờ phượng, tôi ngã gục trên tòa giảng, sau một tuần phát động Chương trình “Mời Bạn Ðến”.
Từ đó bịnh của tôi càng ngày càng nặng, tôi bị ho liên tục, chỉ nằm trên chiếc võng dốc dốc để dễ thở hơn. Ngay cả lúc ngồi chờ lên giảng, tôi cũng họ sặc sụa, bên cạnh  tôi, Nhà tôi luôn để dĩa chanh xắt nhỏ chấm muối để tôi ngậm đỡ khô cổ. Cảm ơn Chúa, thât lạ lùng là khi vừa bắt đầu giảng thì cơn ho chấm dứt, giảng xong lại tiếp tục ho. Thân thể tôi càng ngày càng ốm, càng xanh xám. Có lần sau giờ cầu nguyện buổi chiều thường lệ trên nhà thờ xong, các con cái Chúa vào tư thất thăm tôi, tôi hỏi: “Quý ông bà, anh chị em, bị bịnh thì ai cầu nguyện cho?” Tất cả đều trả lời: “Mục sư cầu nguyện”. Tôi nằm trên giường bịnh hỏi tiếp: “Bây giờ Mục sư bịnh thì ai cầu nguyện cho?” Tất cả đều im lặng. Tôi nói: “Con cái Chúa cầu nguyện cho tôi chớ ai nữa”.
Nhiều lúc nằm trên võng bịnh, tôi thèm ăn một tô hủ tíu hay một món gì đó, nhưng tôi biết gia đình tôi không có khả năng. Có lần cả nhà không còn gì để ăn, cũng không có tiền để mua thức ăn, Nhà tôi sực nhớ còn một hũ tương hột trước đây Nhà tôi làm để bán sinh sống, hũ tương đó bị hư, bỏ đi thì tiếc, Nhà tôi đem để ngoài hàng rào. Bây giờ đem vào ăn thử, phải nói là tương thật ngon, hột đậu thật bùi, mềm và rất thơm, vị lại vừa ăn nếu thêm vào một chút đường. Có tương rồi, bà gia tôi ra ngoài giàn đậu rồng bên mái nhà, hái những đọt đậu đem vào luộc chấm tương. Dây đậu rồng nầy bà gia của tôi trồng đã lâu, nhưng nó không có trái. Tôi chưa hề nghe hay thấy ai ăn đọt đậu rồng, thế mà bây giờ đem luộc chấm tương ăn thấy ngon làm sao! Cả nhà chúng tôi ăn suốt năm ngày liền. Chúa đã để dành hũ tương hư đó cho những ngày thiếu thốn nầy của chúng tôi.
Sau một tuần ăn đọt đậu rồng chấm tương, đến ngày thứ bảy, trong người của tôi mệt lắm, nghĩ đến ngày mai là Chúa nhật, tôi rất thèm ăn món gì đó khác hơn đọt đậu rồng chấm tương, nghĩ rằng có chút sức để giảng. Ðến khoảng hơn bốn giờ chiều, thì một con cái Chúa là Bà Bá, là người đã từ ngoài Hội Thánh Phúc Âm (Bình tuy) vào Túc Trưng đi làm cỏ mướn về ghé vào tư thất, tay vẫn còn cầm cây cuốc, quần áo còn dính bụi đất. Bà Bá – chúng tôi thường gọi là bà Ba, móc túi lấy ra một gói nylon nhỏ đưa cho tôi và nói: “Thưa Mục sư, tôi đi làm cỏ mướn suốt tuần được năm mươi lăm đồng năm mươi xu, tôi dâng cho Chúa một phần mười là năm đồng năm hào. Ông Mục sư nhận cho”. Tôi nói với bà: “Tiền một phần mười thì bà để sáng mai đi nhà thờ đưa cho Ban Trị Sự ghi vào sổ”. Bà Bá không chịu và nói: “Tôi được Chúa cảm động đưa số tiền nầy cho Mục sư. Còn tiền dâng thì tôi có tiền khác”. Tôi nhận số tiền đó mà không thể ngăn dòng nước mắt, Chúa đã dùng người đàn bà nghèo làm mướn nầy ban cho tôi một tô hủ tíu chiều hôm đó đúng như ước ao của tôi, với những con cá khô cho buổi cơm chiều, lấy sức để giảng ngày mai.
 MỘT CUỘC ÐẢO CHÁNH
 Trong thời gian tôi ở tù hai năm, từ 30 tháng 4 năm 1978 đến ngày 23 tháng 4 năm 1980, Cụ Mục sư Hội Trưởng Ông văn Huyên đã gởi văn thư đến Hội Thánh tại Túc Trưng yêu cầu Nhà tôi tạm thời họp với Ban Trị Sự Hội Thánh để lo điều hành công việc Chúa. Nhưng vì trước đây tôi đã từng khuyên Nhà tôi đừng can thiệp vào việc điều hành Hội Thánh, chỉ lo những việc của Ban Phụ Nữ, Thiếu niên, Thiếu nhi. Tôi thường nhắc câu nói của bà Từ Hi Thái Hậu khi sắp qua đời: Ta để lời nầy cho hậu thế, đừng bao giờ cho người đàn bà cai trị, hãy nhìn xem ta thì biết. Do ý đó, nên Nhà tôi chỉ đứng ngoài, giao mọi việc cho Thầy Phụ tá là Truyền Ðạo Sinh Nhu-siol cùng Ban Trị Sự Hội Thánh điều hành.
Khi tôi ở tù về được một tháng, trong một buổi họp Ban Trị Sự Hội Thánh, đột nhiên Thầy Truyền Ðạo phụ tá hỏi tôi: “Ông về đây mà chánh quyền có cho ông làm Mục sư nữa không?” Thầy nói gần hai năm qua Thầy là quyền chủ tọa Hội Thánh, có Mục sư Hội Trưởng cho phép, cho nên bây giờ Thầy là chủ tọa. Lập tức Ban Trị Sự Hội Thánh phản ứng, nhưng tôi yêu cầu tạm gác mọi sự để Ban Trị Sự Hội Thánh thỉnh ý của Mục sư Hội Trưởng rồi hãy giải quyết. Kết quả là Mục sư Hội Trưởng gởi văn thư xác nhận tôi là chủ tọa từ trước đến nay, Thầy phụ tá chỉ tạm thay khi tôi vắng mặt, bây giờ Thầy có ý không tốt nên không cho Thầy làm phụ tá nữa.
Sự việc xảy ra làm trong Hội Thánh gọi chức vụ Phụ tá là “Phụ phá” hay là “Ðại Tá”.
BỊNH NẶNG
Sau những ngày Giáng sanh 1980 vui vẻ, tôi hoàn toàn đổ gục về sức khỏe, không thể đứng hay ngồi lâu được nữa, cơn ho kéo dài liên tục không ngưng nghỉ. Tôi cố gắng tổ chức Hội Ðồng Thường niên cho Hội Thánh, rồi họp Tân Ban Chấp sự, bầu Ban Trị Sự, căn dặn những lời tâm huyết. Tôi thấy buổi họp ấy sao giống giờ phút Phaolô từ giã các Chấp sự Hội Thánh tại Ê-phê-sô trong sách Công vụ đoạn 20:17-38. Tất cả Chấp sự đều an ủi tôi, hứa sẽ vâng lời hiệp một lo cho Hội Thánh trong lúc tôi về Sàigòn trị bịnh.
Ngày 19 tháng 1 năm 1981, tôi nhờ một tín đồ đưa tôi xuống tạm ở tư thất Hội Thánh tại đường Túy Lý Vương, do Mục sư Ðinh Thiên Tứ làm chủ tọa, để trị bịnh. Nhà tôi và các con tôi cùng bà gia tôi vẫn còn ở Túc Trưng. Thật lòng tôi không dám nói với Hội Thánh là tôi sẽ không về Túc Trưng nữa, vì tôi biết bịnh nặng lắm, không còn ăn uống gì được, cơn ho liên tục làm tôi cũng không ngủ được, màu da của tôi trở nên xám, trơ xương, không hi vọng. Tôi cũng biết thời tiết lạnh rét tại Túc Trưng đã đồng lõa với vi trùng bịnh phổi mà tôi mang từ Trại giam B5 về đã tàn phá hai lá phổi của tôi, cộng với những giọt sương muối về sáng nhỏ xuống khi tôi thức dậy cầu nguyện với các con cái Chúa, giống như những giọt máu chảy ra khỏi thân thể tôi, trong khi cuộc sống khó khăn quá không đủ dinh dưỡng cho tôi chống lại cơn bịnh.
Sáng hôm sau, ngày 20 tháng 1 năm 1981, Mục sư Ðinh Thiên Tứ đã đưa tôi vào khám bịnh tại Bịnh Viện Hồng Bàng (sau nầy đổi lại là Bịnh Viện Phạm Ngọc Thạch). Chúa dự bị có một con cái Chúa là anh Ðặng văn Ru làm Trưởng phòng Quang Tuyến X trong Bịnh Viện nầy, anh đã giúp tôi làm thủ tục khám bịnh, nên mọi việc dễ dàng. Khi nhận kết quả từ phòng khám của Bác sĩ bước ra, tôi thấy anh Ru ngần ngừ muốn nói riêng với Mục sư Tứ, tôi nói với anh Ru: “Anh cứ cho tôi biết, nếu Chúa thấy tôi xong việc thì Chúa sẽ cho tôi về với Ngài; còn nếu chưa xong việc thì Chúa sẽ chữa lành cho tôi. Anh cứ nói”. Sau một lúc ngập ngừng, anh Ru nói với tôi: “Bác sĩ nói Mục sư bị bịnh nặng lắm, hai đầu phổi đã bị lủng lỗ to bằng quả trứng gà. Nếu Mục sư có ba điều kiện: ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi đầy đủ, thuốc men đầy đủ, thì sáu tháng sau mới có hi vọng”. Tôi hỏi: “Ðầy đủ là thế nào?” Anh Ðặng văn Ru trả lời: “Ăn uống đầy đủ là Mục sư mỗi ngày phải ăn ít nhất 300 gram thịt bò; nghỉ ngơi đầy đủ là Mục sư không được làm việc gì cả; thuốc men đầy đủ là Mục sư phải có ít nhất 120 viên Rifardine hay Rimartan để uống liên tục”. Tôi mỉm cười cảm ơn anh, vì ba cái đầy đủ ấy không dành cho tôi: thay vì nghỉ ngơi đầy đủ, tôi phải ngồi nướng bánh suốt ngày để Nhà tôi đem bán khắp Sàigòn; gạo còn chưa được ăn đầy đủ, nói chi đến 300 gram thịt bò; một viên thuốc Rifardine giá bằng 10 ký gạo, mà phải có 120 viên, thì quả là Truyện thần thoại. Ðáng lẽ tôi phải nằm lại Bịnh viện lao nầy, nhưng anh Ru nói là tình trạng vệ sinh trong Bịnh Viện không tốt, nên xin cho tôi điều trị ngoại trú tại nhà. Tôi nhận lấy phần thuốc của Bịnh viện cấp điều trị một tháng gồm 26 chai thuốc chích Streptomycine và thuốc viên để uống, tất cả đều sản xuất tại Việt-nam và hoàn toàn miễn phí. Lòng tôi bình thản lạ!
Lúc bấy giờ vì tình trạng khan hiếm thuốc trị bịnh, nên nhiều bịnh nhân lãnh thuốc về đã đem bán, do đó Bịnh Viện rất hạn chế cho đem thuốc về, họ buộc phải điều trị tại chỗ, hoặc mỗi ngày đến Bịnh Viện chích hay uống thuốc tại Bịnh Viện rồi mới được về.
Nan đề là tiền công mướn y tá bên ngoài chích thuốc trụ sinh nầy giá tiền công chích một mũi bằng giá một ký gạo. Tôi vẫn còn giữ ống chích và kim lúc tôi còn ở Túc Trưng. Thế là tôi luộc kim, vô thuốc, nhờ Nhà tôi nhắm mắt phóng kim vào nơi tôi chỉ. Mọi việc cũng xong!
 Cảm ơn Chúa, đến tháng thứ ba, tôi trở lại Bịnh Viện tái khám thường lệ, Bác-sĩ đã cho tôi biết là tôi đã hết vi trùng. Bác-sĩ Lê văn Nhi điều trị cho tôi đã ngạc nhiên hỏi tôi ngoài số thuốc của Bịnh viện cấp, tôi có dùng thêm thuốc nào khác không? Tôi cảm ơn Chúa cho tôi trả lời mạnh dạn là KHÔNG! Thật sự ngoài số thuốc do Bịnh Viện cấp toàn là thuốc bào chế tại Việt-nam, lâu lâu mới được một ít thuốc của Liên Xô, nhưng thuốc trụ sinh của Liên Xô chích vào, tôi hay bị sốc gây choáng. Có anh THANH, một con cái Chúa thuộc Hội Thánh tại đường Lữ Gia, trong một lần nghe tôi giảng, Chúa cảm động anh ấy tự gởi thư xin mẹ của anh ở Pháp gởi cho tôi một thùng thuốc nhỏ, tôi không dám sử dụng, chỉ đem bán lấy tiền chi dụng trong gia đình. Xin gởi đến Anh THANH lòng biết ơn trong Chúa.
Thời gian trị bịnh nầy Chúa cho tôi và gia đình được tạm trú tại Nhà Vãng Lai của Tổng Liên Hội, số 30 đường Huỳnh Quang Tiên (sau nầy là đường Hồ Hảo Hớn). Việc ở cơ sở nầy cũng là một trường hợp hi hữu. Khi Mục sư Ðinh Thiên Tứ là em rể của tôi, chủ tọa Hội Thánh tại đường Tuy Lý Vương, chở tôi đến gặp Mục sư Hội Trưởng Ông văn Huyên xin giúp chỗ ở cho gia đình tôi, thì Cụ Mục sư Hội Trưởng gợi ý là tôi nên đến ở cơ sở của Ðịa Hạt Ðông Nam Bộ tại đường 3 tháng 2 (Trước đây là đường Trần Quốc Toản). Cụ Mục sư Hội Trưởng nói muốn nhờ tôi ở đó, dù chỉ ở tạm ngoài garage bên cạnh, để ép Mục sư Nguyễn văn Quan trả lại cơ sở cho Giáo hội. Mục sư Nguyễn văn Quan đã ở Trụ sở nầy khi làm Chủ Nhiệm Ðịa Hạt. Nhưng khi không còn làm Chủ nhiệm nữa, vịn cớ là Ban Trị Sự Ðịa Hạt nhiệm khóa sau nầy do Mục sư Phạm văn Thâu làm Chủ nhiệm không được Nhà Nước nhìn nhận (họ chỉ nhìn nhận Cụ Mục sư Hội Trưởng kiêm Chủ nhiệm Ðịa Hạt), nên Mục sư Quan không chịu bàn giao. Ðến khi Mục sư Quan về làm chủ tọa Hội Thánh tại Bàn Cờ, ông cứ để cho các con mình tiếp tục ở trong Trụ Sở Ðịa Hạt như nhà riêng, tổ chức bán thức ăn rất phức tạp và mất thể diện của Giáo hội chung. Cụ Mục sư Hội Trưởng giải thích là vì tôi bị bịnh nặng, nên Mục sư Quan sẽ không thể để tôi ở ngoài garage. Tôi và Mục sư Tứ bàn với nhau nếu nhận đề nghị của Cụ Mục sư Hội Trưởng, thì vô tình tôi trở thành mục tiêu tranh chấp hai bên trong lúc tôi bịnh nặng, vì thế, tôi xin Cụ Mục sư Hội trưởng cho tôi ở cơ sở vãng lai của Tổng Liên Hội.
Cơ sở Vãng lai của Tổng Liên Hội do Mục sư Phó Hội Trưởng Ðoàn văn Miêng quản lý. Ðây cũng là một trong ba địa điểm bị Chánh quyền chú ý đặc biệt (hai nơi kia là Nhà thờ đường Trần Cao Vân, nhà thờ đường Trần Hưng Ðạo.
Khi gia đình tôi rời Túc Trưng về cơ sở vãng lai nầy thì thật là những ngày gian khổ.
1.    Vì Hội Thánh tại Túc Trưng quá nghèo, nên chỉ cho chúng tôi được một tạ gạo, Hội Thánh không có tiền bạc chi. Chúa dự bị cho một người tín đồ Công giáo Lamã dùng chiếc xe Jeep của ông ấy chở Nhà tôi và các con tôi, cùng đồ đạc có được chỉ đủ trên một chiếc Jeep nầy xuống Sàigòn. Tài sản quý nhất còn được là đôi bông tai cưới của Nhà tôi. Sau đó chúng tôi đã phải đem bán lấy tiền nhờ Mục sư Võ văn Lạc là chủ tọa Hội Thánh tại đường Lữ Gia đang sống tự túc bằng nghề sử xe đạp, tìm mua giúp một chiếc xe đạp làm chân.
2.    Thời gian tạm trú tại đây, chúng tôi phải làm nhiều nghề để tự túc sinh sống, có lúc tôi làm bánh thuẫn cho Nhà tôi đạp xe đi bán, lần lần vì giá vật liệu làm bánh lên cao nên phải chuyển nghề khác; có lúc Nhà tôi đạp xe vào tận Phú lâm lấy chao của một con cái Chúa thường gọi là Bà Sáu Chao đem bỏ mối cho những Hợp tác Xã, nhờ đó Bà Sáu cho những hũ chao vụn đem về ăn. Một lần, Nhà tôi tìm được một mối giao chao khá nhiều, mướn xe xích lộ đạp chở, không may vừa chất xong hàng đầy xe thì chiếc xích lô bị lật làm đổ bể hết chao, tuy Bà Sáu không bồi thường, nhưng Nhà tôi không còn vốn nữa, đành phải qua nghề khác.
3.    Rồi Nhà tôi phải đi lấy nước mắm ngon của một tín đồ ở Bến Vân Ðồn (Khánh Hội). Mỗi lần lấy độ 5 lít, chở đến từng nhà tín đồ nhờ mua một hoặc hai lít. Nhưng khi tôi biết mỗi lần bán như vậy, Nhà tôi phải lau nhà cho họ vì sợ nước mắm văng làm hôi nhà của họ, tôi không chịu được, nên không cho Nhà tôi đi bán như vậy nữa.
4.    Rồi Nhà tôi được giới thiệu lấy xà-bông kem của một Cơ-đốc nhân sản xuất đem bán ăn tiền huê hồng. Ðược ít hôm, có một Hợp tác Xã muốn mua một số lượng khá nhiều xà bông kem, sau khi giao hàng xong, Hợp tác Xã đòi hóa đơn ‘có đóng thuế’ của cơ sở sản xuất, đồng thời trả lại hóa đơn đã giao vì họ cho biết là hóa đơn đó chưa đóng thuế. Bất ngờ khi Nhà tôi trình bày lại yêu cầu của Hợp Tác Xã, thì người chủ cơ sở sản xuất bảo Nhà tôi thôi bỏ số hàng đó đi, vì đó là hàng không đóng thuế. Tôi sợ Nhà tôi sẽ gặp rắc rối, nên lại nghỉ. Thật biết bao gian khổ.
Dù vậy, Chúa cũng tiếp trợ chúng tôi sống hằng ngày bằng cách nầy hay cách khác. Trong số đó, chúng tôi nhớ đến lòng yêu thương của một con cái Chúa là Bà Sáu gác gian cho nhà thờ Sàigòn. Bà là người góa bụa, ở trọ phía sau nhà thờ Sàigòn, bán lặt vặt kiếm sống từ trái cóc, trái ổi, viên kẹo. Tuy nhiên mỗi lần bà mua được gạo bán theo tiêu chuẩn trong Tổ Dân phố, bà lại gởi cho chúng tôi, vì bà biết gia đình chúng tôi không có Hộ khẩu nên không mua được gạo giá Nhà Nước.
Chúa cũng cho tôi được cơ hội đi giảng tại những nhà thờ quanh vùng Sàigòn, và nhờ những số tiền lộ phí cũng như thỉnh thoảng các con cái Chúa gởi riêng giúp thêm sau khi nghe giảng.
Ðiều kỳ diệu là khi gia đình chúng tôi về Sàigòn, một con cái Chúa ở Túc Trưng cho chúng tôi một con gà mái loại lai gà rừng, rất nhỏ con. Khi đến Sàigòn, ngay ngày đầu tiên, vừa vào nhà, con gà đó bay qua cửa sổ ra ngoài đi mất. Vì chúng tôi ở trên lầu ba, nhìn ra chung quanh là nóc nhà của xóm giềng, nên chúng tôi không hi vọng tìm được một con gà nhỏ bé giữa một thành phố rộng lớn nhà cửa san sát. Thế mà kỳ diệu thay, đến chiều, con gà lại trở về, nó bay nhảy trên nóc nhà bên cạnh, rồi tự động chui vào căn nhà mà nó chưa một phút giây nào tạm trú. Chúa lại cho con gà mái bé nhỏ đó đẻ trứng – thường một con gà lai gà rừng như vậy chỉ đẻ từ 5 đến 7 trứng, mỗi trứng lớn hơn trứng cút một chút, vậy mà nó cứ đẻ hoài hơn hai tháng, nhờ đó tôi có được một chút chất bổ dưỡng không tốn tiền trong những ngày trị bịnh.
Ðiều kỳ diệu nữa là trong lúc tôi không có điều kiện trị bịnh theo tiêu chuẩn, thì một vị Mục sư từ Miền Tây lên Sàigòn, ở trong khuôn viên Nhà Vãng Lai, cũng để trị bịnh phổi như tôi. Vị Mục sư nầy cũng được Bác-sĩ Lê-văn Nhi điều trị như tôi, nhưng theo tiêu chuẩn ngoài giờ, dùng thuốc ngoại quốc (mỗi tuần vị Mục sư nầy phải tốn 500 đồng tiền thuốc). Một lần tôi dắt xe đạp đi giảng, ông chào tôi và ngạc nhiên khi biết tôi đi giảng, ông nói với tôi:” “Mục sư đang bịnh mà?”. Tôi nói với ông: “Nếu Chúa thấy chức vụ của tôi chưa xong thì chắc Chúa sẽ chữa lành; còn nếu xong thì Chúa sẽ đem tôi đi”. Thật sự những lúc đi giảng về, tôi mệt lắm vì đạp xe và việc giảng làm hao tốn sức rất nhiều, nhưng đó là cách tôi có thể có được chút ít tiền góp phần với Nhà tôi lo cho gia đình. Tôi nói với Nhà tôi là vị Mục sư đó chắc chắn sẽ chết. Nhà tôi thắc mắc, tôi cho biết vì ông ấy bi quan quá, không có một chút vui mừng. Quả thật vậy, độ hai tháng sau thì ông qua đời.
Ðiều kỳ diệu phải nói lên để tạ ơn Chúa, lúc gia đình tôi vừa xuống Sàigòn, thì các Trường học còn cho học sinh tạm trú vào học, nên các con tôi đều được đi học. Từ niên khóa kế tiếp họ không bao giờ cho người tạm trú đi học nữa. Nhờ đó các con tôi cứ từng năm từng năm lên lớp mà không ai quan tâm hỏi đến vấn đề Hộ khẩu cho đến ngày các con tôi tốt nghiệp lớp 12, bấy giờ mới phải dừng lại vì không có hộ khẩu nên cả bốn con tôi không thể thi vào Ðại học.
Và Chúa lại làm phép lạ tiếp tục…
Con trai lớn của tôi là Trần Thái Nhiệm học xong lớp 12, không được thi Ðại học vì chúng tôi không có Hộ khẩu, tôi phải gởi con tôi vào một người tín đồ người Hoa ở Chợ-lớn để học nghề in vải. Vì là học nghề, nên con tôi phải chịu rất nhiều cực khổ, mỗi ngày phải vác từng bành vải đã in lên sân thượng để phơi, khô rồi lại phải vác xuống.
Ngay tháng đầu tiên, vừa lãnh tiền công, người hàng xóm của nơi Nhiệm làm công học nghề bán một máy cassette với giá bằng tiền lương, Nhiệm rất thích nên mua liền. Chúa dự bị nhờ chiếc máy khá tốt nầy giúp Nhiệm học tiếng Anh về sau.
Sau hai tháng, Nhiệm được bạn học rũ đi học Anh văn trên Trường Ðại học Nông Lâm tại Thủ Ðức. Tôi không biết cách nào mà Chúa cho Nhiệm đi học được, vì đó là Khóa Anh ngữ luyện thi Toefl đầu tiên ở Việt-nam, trong lúc đó hầu như chưa ai biết gì về hai chữ Toefl. Khi Nhiệm theo bạn lên dự thi để xếp lớp, Chúa lại cho kết quả là Nhiệm chỉ cần học một năm, trong khi rất nhiều người khá tiếng Anh phải học 3 hoặc 4 năm. Nhiệm nhờ tiền công học nghề in vải, nên đóng được nửa Khóa. Học được nửa năm, đến lúc phải đóng tiền học phí nửa năm cuối, tôi chưa biết cách nào có tiền, vì số tiền quá nhiều đối với gia cảnh chúng tôi, thì Nhiệm đi thờ phượng Chúa ở nhà thờ Sàigòn gặp được một tín đồ người New Zealand là một Giáo sư vừa rời Bắc Kinh sau biến cố Thiên An Môn, biết Nhiệm là con Mục sư lại biết tôi là người gốc Hoa (ba tôi là người Hoa từ Trung quốc sang), vị Giáo sư nầy gởi một thư cho tôi bằng tiếng Hoa. Khi tôi mở thư ra, ngoài bức thư thăm hỏi, ông còn gởi cho tôi 100 đô-la. Thật tôi không biết lấy gì báo đáp Ðức Giê-hô-va về sự ban cho kỳ diệu nầy, một món quà mơ cũng không dám nghĩ tới. Tôi đổi ra được 120 ngàn đồng tiền Việt-nam, đóng tiền học phí cho Nhiệm hết 100 ngàn, còn lại đúng 20 ngàn cho Nhiệm đóng tiền xe bus mỗi ngày đi từ Sàigòn lên Thủ Ðức và về.
Một năm sau, Nhiệm ra Trường với số điểm Toefl là 490 điểm. Vị Hiệu Trưởng Trường dạy luyện thi Toefl là Giáo sư Kim bảo Nhiệm lên Trường Hàng Không xin học làm Tiếp viên Hàng Không. Tôi can ngăn con vì kinh nghiệm từ trước đến nay, ngành Hàng Không chỉ dành cho con ông cháu cha, vả lại, điều quan trọng là chúng tôi không có Hộ khẩu, là điều kiện bắt buộc không thể thiếu. Tuy nhiên, Nhiệm cứ xin tôi cho đi mua đơn với lý do là Thầy Hiệu trưởng Kim bảo. Bộ đơn bằng 10 ký gạo (tức 15 ngàn đồng lúc ấy), thật quá sức chúng tôi. Khi nhìn vào Phiếu Báo Danh, tôi thấy số báo danh của Nhiệm trên hai ngàn (sau nầy tôi biết là trên ba ngàn thí sinh dự thi) trong khi chỉ tiêu tuyển là 60 người. Tôi không có một hi vọng nào cả, dù là một phép lạ từ Chúa.
Cảm ơn Chúa cho Nhiệm vượt qua vấn đề Hộ khẩu nhờ vào chiều cao trên 1.7 mét, và kết quả là Nhiệm đậu hạng 6 trên tổng số hơn 3 ngàn thí sinh dự thi. Ngày 2 tháng 5 năm 1990, Nhiệm nhập học Trường Hàng Không. Ðến khoảng 9 giờ hơn, Nhiệm trở về và nói với tôi rằng: “Thua rồi Ba. Bên Công An họ không cho con Mục sư học ngành Hàng Không, lại là con của Mục sư Sơn. Ban Giám Ðốc Trường nói với con là họ đã đích thân lên Sở Công An để can thiệp vì nhu cần chất lượng sinh viên, nhưng vẫn bị bác đơn”.
Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần chấp nhận con mình không được đi học, nhưng tôi thấy lòng buồn tủi làm sao, buồn cho con, buồn cho chính cái Ðất Nước Việt-nam nầy với chế độ ‘thù ông rồi lại thù cha, thù hết cả nhà rồi đến thù con’, họ không cần chất lượng, họ chỉ cần chế độ.
Cảm ơn Chúa, Chúa luôn luôn vẫn là Ðấng có Chương trình tốt nhất cho kẻ tin cậy Ngài. Ngay sau đó, Nhiệm xin tôi đi xem triển lãm ngoài trung tâm Sàigòn. Ðến khoảng 12 giờ trưa thì Nhiệm về và nói với tôi: “Ngày mai con đi làm”. Tôi hết sức ngạc nhiên vừa nhìn con với số tuổi 19, 20, vừa chưa hết đau buồn vì con bị từ chối không cho đi học, tôi hỏi: “Con đi làm ở đâu?” Nhiệm cho biết: “Con đi làm ở Công ty Du lịch Vido Tour. Lúc nãy đi xem Triển lãm, con thấy trong khu Triển lãm có bảng tuyển nhân viên hướng dẫn du lịch của Công ty Vido Tour ở đường Lê Thánh Tôn. Con đến xin đơn, họ lại phỏng vấn ngay tại chỗ. Kết quả họ bảo con 8 giờ sáng mai ra nhận công việc”. Tôi không thể nào diễn tả được những ý nghĩ trong đầu, trong lòng tôi. Lý trí tôi không tin được, nhưng lòng tôi cảm tạ Chúa đã an ủi con tôi. Chánh quyền thù nghịch vì là con Mục sư, còn Chúa binh vực nó vì nó là con của người hầu việc Chúa.
Sáng mai, Nhiệm đi làm đến chiều tối mới về. Khi Nhiệm về, vẻ mặt vừa vui vừa sợ, tay ôm một túi xách đầy tiền, trong đó gồm mấy ngàn đô-la và hai chục triệu tiền Việt-nam. Tôi và Nhà tôi hỏi ngay: “Tiền gì vậy?” Nhiệm nói: “Tiền Công ty giao cho con đem theo ngày mai dẫn khách ngoại quốc du lịch ra Hànội 10 ngày, rồi lo máy bay ngoài đó cho họ về Mỹ luôn”. Vì từ nhỏ đến giờ, Nhiệm chưa bao giờ thấy số tiền lớn như vậy, nên ngồi đếm hoài cũng không đếm xong. Vợ chồng lại càng lo vì không biết tại sao Công ty nầy lại dám giao một số tiền to như vậy cho một nhân viên còn quá trẻ mới vào nhận việc ngày đầu tiên; càng lo hơn nữa là Nhiệm chưa hề đi đâu xa ngoài Túc Trưng và Sàigòn, lại thêm phải giao dịch với Công An lo giấy tờ cho người ngoại quốc trong lúc chế độ rất nghi ngờ người ngoại quốc.
Cảm ơn Chúa, từ đó Chúa dẫn dắt Nhiệm làm cho các Công ty Du Lịch, rồi lập gia đình, rồi có cơ hội đi Thái-lan, đi Camphuchia, đi Trung quốc. Trong dịp đi Thái-lan, Nhiệm làm quen được với các Giáo sĩ Hoa kỳ, làm quen với vị Mục sư người Thái tại Bangkok. Ðến một ngày của năm 1994, Nhiệm về nhà với một băng Video và một Catalogue của Hội Teen Mission tại Hoa Kỳ. Theo lời Nhiệm thì hôm ấy có một Mục sư người New Zealand ở Hoa Kỳ quá cảnh Việt-nam ba ngày. Không biết tại sao Công ty Du Lịch giao cho Nhiệm tiếp người khách nầy, dù chức năng của Nhiệm lúc đó là Trưởng Phòng du lịch khách nước ngoài, không có nhiệm vụ hướng dẫn khách. Khi Mục sư nầy biết Nhiệm là con của Mục sư, ông ấy hỏi Nhiệm có muốn đi Mỹ học không và đưa cho Nhiệm một băng Video và một Catalogue của Hội Teen Mission Hoa Kỳ bảo đem về cho tôi xem, nếu đồng ý thì Nhiệm đưa giấy khai sanh cho ông vào lúc 10 giờ tối mai, để sáng ngày kế ông lên đường về Mỹ.
Tôi và con tôi xem qua băng Video và Catalogue, tôi thấy đây là một Hội chuyên hoạt động giữa các Thanh Thiếu niên. Họ dùng những ngày nghỉ hè để đưa các Sinh viên, học sinh ra sinh hoạt ngoài trời làm công tác vệ sinh, dọn dẹp một khu vực nào đó, hoặc xây dựng một lớp học nho nhỏ, … Rồi những giờ nghỉ giải lao, họ dùng để tiếp xúc nhau và tiếp xúc với các Thanh Thiếu niên địa phương qua những cách như cùng hát những bài ca cộng đồng, và làm chứng về Chúa. Tôi đồng ý.
Sau khi Nhiệm nộp giấy khai sanh cho vị Mục sư ấy rồi, tôi nghĩ ít nhất một hoặc hai năm sau mới hi vọng. Thật là lạ lùng, hai tuần sau Nhiệm đã nhận được giấy giới thiệu đến Tòa Ðại Sứ Mỹ để phỏng vấn xin Visa. Vì lúc bấy giờ Việt-nam chưa có bang giao với Mỹ, nên mọi giao dịch liên quan đến Mỹ đều phải qua Bangkok (Thái-lan). Chúng tôi chỉ có hai tuần để chuẩn bị cho Nhiệm. Ngày tiễn con tôi tại phi trường Tân Sơn Nhất, tôi nói với con tôi ‘Nếu con đi học hầu việc Chúa như Chúa dạy trong Kinh Thánh thì đi; nếu con đi học để làm một Mục sư như con thấy thì đừng đi, vì thế giới đã thặng dư rồi’.
Cảm ơn Chúa, sau một tháng bặt tin, chúng tôi nhận được một thư của Nhiệm gởi về từ Mỹ tường thuật lại chi tiết việc đến Mỹ: Khi đến Thái-lan, Nhiệm đã được vị Mục sư người Thái tại Bangkok là người mà Nhiệm đã làm quen trong những lần đi công tác cho Công ty Du lịch, ông giúp đỡ cho Nhiệm ăn, ở trong nhà nên không phải mất tiền cho việc nầy, lại có dịp cộng tác với Thanh niên trong Hội Thánh Thái. Vì biết nếu kéo dài việc ở Thái-lan sẽ không có đủ tiền, trong khi Nhiệm chỉ có đủ tiền vé máy bay đi Mỹ, nên ngày nào Nhiệm cũng lên Tòa Ðại Sứ Mỹ để xin được phỏng vấn. Do người đến xin phỏng vấn quá đông, nên cứ phải chờ đợi. Trong khi đó, Nhiệm nhìn số người bị rớt phỏng vấn quá nhiều, tinh thần Nhiệm lại thêm lo. Một hôm nhân viên trong Tòa Ðại Sứ để ý thấy Nhiệm cứ xin được phỏng vấn sớm hoài, họ nghi ngờ nên gọi vào. Mười phút đầu, nhân viên phỏng vấn rất gay gắt, nhưng khi hỏi tên cha và biết Nhiệm có cha là Mục sư, nhân viên nầy hỏi Ba ở Việt-nam có gặp khó khăn gì không? Nhiệm đã tường thuật lại những khó khăn của chúng tôi như bị Chánh quyền Việt-nam bắt giam hai lần, không được đi giảng, không được bổ chức, … Nhân viên đó vào trong, một lát sau trở ra (Nhiệm nghĩ rằng người ấy vào để kiểm tra lời Nhiệm nói về tôi qua máy Vi tính), lần nầy nhân viên ấy hỏi Nhiệm có hình ảnh gì của tôi không, Nhiệm chợt nhớ là sáng nay không biết tại sao lại đem theo hình của gia đình tiễn Nhiệm tại phi trường Tân Sơn Nhất, khi đưa hình ra thì nhân viên đó chỉ vào tôi và hỏi có phải là Ba của Nhiệm không? Một cái gật đầu xác nhận và người đó đổi thái độ trở nên vui vẻ và bảo Nhiệm chờ ông phỏng vấn những người khác xong, sẽ gặp lại Nhiệm.
Thêm một tiếng đồng hồ phỏng vấn nữa, nhân viên ấy bắt tay khen Nhiệm về khả năng Anh ngữ đồng thời cho biết ngày mai Nhiệm có thể lên đường đi Mỹ. Khi đến phi trường ở California, Nhiệm chỉ còn 60 đô-la, trong khi còn phải tiếp tục bay đến Florida. Nhờ ông bà Mục sư Võ Thạnh Thời là ông bà ngoại vợ của Nhiệm giúp đỡ, Chúa cho Nhiệm đến Florida dù với cái túi không còn một đồng. Nhiệm đã ở Florida học hai năm. Thật là một phép lạ! Không thể nói gì hơn đó là một phép lạ! Không phải phép lạ làm sao được, chúng tôi không có Hộ khẩu là căn bản quan trọng nhất trong chế độ Cộng sản tại Việt-nam, không ai trong gia đình chúng tôi có được tờ Chứng Minh Nhân Dân (ID Card), một Thanh niên không được vào Ðại học, không được vào Trường Hàng Không vì lý lịch là con của Mục sư phải bị trù dập, không có tiền, nhưng lại là người đầu tiên được du học Thần học tại Mỹ – một nước Mỹ lúc bấy giờ còn ở vị thế thù nghịch với Chánh quyền Việt-nam, chưa có bang giao với Việt-nam. Gia đình chúng tôi thật không biết lấy gì báo đáp Ðức Giê-hô-va về các ơn lành Chúa đã làm cho con tôi và cho chúng tôi.
Cảm ơn Chúa cho Nhiệm tiếp tục học Thần học và trở nên người hầu việc Chúa. Rồi Chúa lại ban thưởng cho vợ con của Nhiệm qua Mỹ đoàn tụ trong khi Nhiệm chưa có Quốc Tịch mà cũng chưa phải là Thường Trú nhân.
Thật là một phép lạ!
Ðáng buồn là lại có người từ Việt-nam gởi thư qua Mỹ vu cáo tôi đã vận động tiền từ Mỹ để lo cho con tôi được đi học ở Mỹ. Cũng có Mục sư đến nhà hỏi tôi: “Làm sao lo cho con đi Mỹ được vậy?” Tôi bảo họ là Chúa cho. Họ không tin. Tôi thật buồn vì họ là người hầu việc Chúa nhưng họ không tin rằng Chúa toàn năng, có thể làm phép lạ rẽ biển Thái Bình Dương cho con tôi đi qua Mỹ.
Chúa chẳng những làm phép lạ cho Nhiệm tôi, mà Ngài còn làm phép lạ cho con trai thứ nhì của tôi là Trần Thái Nghiêm. Sau khi Nghiêm tốt nghiệp lớp 12, tôi phải cho Nghiêm theo học nghề thợ mộc với chú Thiên Dân ở trong nhà của Mục sư Phó Hội trưởng Ðoàn văn Miêng. Mỗi lần nhìn con tôi ngồi bào gỗ, đục, đẽo, tôi xót xa vì thấy tương lai con mù mịt.
Nhưng có một nhà Thần học nào đó đã nói: ‘Cuối cùng của loài người là khởi đầu của Ðức Chúa Trời’. Khi Nghiêm tôi có thể đóng được những chiếc ghế đẩu đầu tiên, thì một Công ty gọi đi làm nuôi gia đình cha mẹ. Rồi lại chuyển sang làm cho Công ty IKEA của Thụy Ðiển, Nghiêm được đi công tác tại Thượng Hải (Trung quốc), được đi Thụy Ðiển, và có được Visa đi Mỹ công tác.
Sau 20 ngày công tác tại Mỹ, Nghiêm trở về và nói với tôi: “Ba ơi, nếu Chúa cho con đi Mỹ học, con không học Thần Học đâu”. Tôi hỏi tại sao? Nghiêm nói rằng khi qua Mỹ, có dịp vào Trường Thần Học, thấy những người học Thần học không có tinh thần học để hầu việc Chúa, chỉ muốn ở lại Mỹ sinh sống mà thôi.
Thời gian trôi qua, và năm 1998, Chúa cho Nghiêm đi Mỹ học và Nghiêm học Vi Tính. Sau hai năm, vào một ngày gần Lễ Kỷ Niệm Chúa giáng sanh, Nghiêm gởi Email về hỏi tôi: “Ba ơi, Hội Thánh Mỹ ở đây biết con là con của Mục sư, họ khuyến khích con vừa học vừa hầu việc Chúa, phụ trách một mission cho người Việt-nam tại địa phương. Ba nghĩ thế nào?” Tôi đã nói với con tôi rằng: “Việc hầu việc Chúa là việc cá nhân con với Chúa: Chúa có kêu gọi con vào chức vụ không và con có bằng lòng vâng theo tiếng gọi ấy không? Tuy nhiên, Ba biết một điều như người Việt-nam thường nói ‘chạy trời không khỏi nắng’. Tôi nói với Nghiêm như vậy, vì khi còn ở Việt-nam, Nghiêm rất yêu mến Chúa và hết lòng tham gia công việc Chúa. Dù nản lòng khi nhìn người khác, nhưng rồi Chúa cũng đưa Nghiêm vào chức vụ. Thế là Chúa cho Nghiêm vừa đi học vừa giữ chức vụ Minister cho một mission giữa người Việt-nam tại thành phố Winston-Salem thuộc Nhà thờ Calvary Baptist Church, Bang North Carolina. Ý Chúa được nên. Bởi đó Chúa thưởng cho Nghiêm bằng cách cho vợ và hai con trai của Nghiêm qua Mỹ đoàn tụ vào tháng 3 năm 2003. Chúng tôi không biết lấy gì báo đáp Ðức Giê-hô-va về các ơn lành mà Chúa đã làm cho các con tôi và gia đình tôi. Dù đầy hoạn nạn, nghèo thiếu, nhưng thật có đủ mọi sự, như Phaolô nói trong II Côrintô 6:8-10, có con du học mà lại học dâng mình phục vụ Chúa. Cảm ơn Chúa vô cùng! Thật là những phép lạ!
Rồi con gái tôi tốt nghiệp lớp 12, được đi làm và nhờ đó Chúa cho có cơ hội học thêm Ðại học tư. Ngày con trai út của tôi báo tin đã tốt nghiệp lớp 12, tôi thật đã trào nước mắt biết ơn Chúa dường nào. Tôi thật không thể hiểu được cách Chúa dẫn dắt gia đình tôi vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, không có một tờ giấy tùy thân, vậy mà Chúa nuôi các con chúng tôi đạt được nền học vấn tối thiểu phải có.