Con Đường Thập Tự

CỐ VẤN HỘI THÁNH BÌNH TÂY


Theo lời Má của tôi kể lại…
Ba tôi là người Trung quốc, sanh ra bên Trung quốc, theo ông bà nội của tôi qua Việt-nam với một người chú bị tật ở chân. Ông bà nội tôi mở tiệm tạp hóa ở chợ Hỏa Lựu (Vị thanh). Một ngày kia, hơn 70 năm trước, chiếc tàu Tin Lành của Mục sư Huỳnh văn Ngà đã ghé bên chợ Hỏa Lựu giảng Tin Lành, và ba tôi đã tin Chúa.
Sau khi tin Chúa, nơi Hỏa Lựu không có Hội Thánh, không có ai chăm sóc thăm viếng, chiếc tàu Tin Lành đã rời bến đi nơi khác sau một vài ngày lưu lại giảng Tin Lành. Bà nội tôi đã bắt bớ đức tin của Ba tôi dữ dội, vì bà chủ trương: ‘Người Trung quốc không tin Bạch Quỷ’. Lúc bấy giờ ba tôi đã có hai anh lớn của tôi (nghĩa là cách nay 70 năm), Bà nội của tôi vốn là một người giỏi võ, đã dùng những cây nhựa chai thường để nhúm lửa để đánh Ba tôi. Những bữa cơm sau khi Ba tôi nhắm mắt cầu nguyện cảm ơn Chúa, mở mắt ra thì Bà nội tôi đã cắm nhang trên các món ăn và tuyên bố đã cúng rồi, khiến ba tôi phải nhịn đói. Sau cùng, Bà nội đã đuổi Ba tôi khỏi nhà, không cho Má tôi và hai anh tôi theo, cũng không cho Ba tôi đem theo tiền bạc, quần áo gì cả.
Với một thân một mình, Ba tôi ra Cần-thơ gặp được một gia đình con cái Chúa là ông bà Lâm Châu Chi, làm nghề đóng sửa giày. Ông bà Chi đã giúp Ba tôi có chỗ ở và giúp ít vốn để Ba tôi mua quạt lá buông hằng ngày gánh đi bán. Lòng trung tín của Ba tôi đã được Chúa thưởng bằng sự giàu có càng ngày càng thêm. Cảm ơn Chúa cho sau đó Bà nội tôi bằng lòng ra ở với Ba Má tôi, và vào những ngày cuối đời của bà nội tôi, bà nằm trên giường bịnh kêu Ba tôi mời Mục sư bên nhà thờ qua cầu nguyện cho bà tin Chúa trước khi qua đời.
Có lẽ vì có dòng máu người Hoa, nên Chúa cho tôi có dịp cộng tác với Hội Thánh Chúa tại Bình Tây là một Hội Thánh của người Hoa, đa số nói tiếng Phúc Kiến và tiếng Triều Châu.
Ðặc điểm của các Hội Thánh người Hoa tại Sàigòn là: Các Hội Thánh bảo lưu tiếng nói của xứ mình, như
§  Hội Thánh tại Bình Tây thì chú trọng tiếng Phúc Kiến. Nếu diễn giả là người Việt-nam, thì sẽ được dịch sang tiếng Quảng Ðông. Nếu diễn giả nói tiếng Quảng Ðông, thì sẽ dịch sang tiếng Phúc Kiến hay tiếng Triều Châu.
§  Hội Thánh tại đường Nguyễn Trãi, gọi theo tín đồ người Hoa là Quang Trung Ðường. Hội Thánh ở đuờng Lương Nhữ Học gọi theo người Hoa là Truyền Giáo Hội; Hội Thánh tại đường Nguyễn văn Sâm (sau đổi tên đường Nguyễn Thái Bình) có tên là Cứu Ân Ðường, và Hội Thánh ở đường Phú Thọ và đường Nguyễn Chí Thanh, đều nói tiếng Quảng Ðông.
§  Hội Thánh tại cầu Chà-Và, có tên là Sanh Mạng Ðường thì nói tiếng Triều Châu.
Tuy nhiên, khi hát ngợi khen Chúa, thì Hội Thánh hoặc Ban hát đều dùng tiếng Quan Thoại (còn gọi là tiếng Bắc Kinh, hay tiếng Phổ Thông).
Cơ hội tôi được làm quen Hội Thánh tại Bình Tây là do Cô Truyền Ðạo Tăng Nguyên Tiên bận việc không đến giảng cho buổi nhóm cầu nguyện tối thứ tư thường lệ theo lịch đã hẹn, nên Cô nhờ tôi đến giảng thay. Ðêm hôm đó, tôi và Nhà tôi phải đi hơi sớm để tìm nhà thờ vì chưa biết, và tôi giảng qua sự thông dịch của Thầy Truyền Ðạo Khưu Hoa, chủ tọa Hội Thánh.
Ðến sáng thứ sáu, thì đại diện của Hội Thánh tại Bình Tây là anh Trần Ngũ Lục đến nhà gặp tôi với bức thư của Ban Trị Sự Hội Thánh mời tôi làm Cố Vấn cho Trường Chúa nhật của Hội Thánh. Tôi xin được quan sát Trường Chúa nhật của Hội Thánh một lần trước khi trả lời.
Chúa nhật kế đó, tôi đến giảng và có dịp quan sát Trường Chúa nhật của Hội Thánh. Tôi thấy anh em lòng thì có, mà tổ chức thì rõ ràng là một mớ hỗn độn. Các lớp Trường Chúa nhật học bất cứ chỗ nào có thể ngồi được như: nhà bếp, nhà thờ, cầu thang, nhà để xe, phòng ăn của chủ tọa Hội Thánh… Tất cả đều dùng phương pháp ‘giảng’ hay ‘thuyết trình’ bằng miệng.
Giữ lời hứa, tôi thảo ra 15 đề nghị cần cải sửa lại gồm chủ yếu chia làm 18 lớp hiện có thành hai tiết học để có đủ chỗ tổ chức lớp học đúng nghĩa, đồng thời tập trung các em tiết đầu sau khi hết giờ học cho các em vào nhà thờ lập thành Hội Thánh Thiếu nhi để dạy các em hát thờ phượng (có Ban hát đàng hoàng với áo lễ), dâng tiền, nghe giảng Kinh Thánh do các anh chị Giáo viên thay nhau phụ trách. Trường Chúa nhật sẽ lo cho Giáo viên dạy suất đầu ăn sáng (chỉ là gói xôi, khúc bánh mì ngắn). Ngoài ra tập trung huấn luyện phương pháp dạy cho các Giáo viên vào mỗi tối thứ tư … Nếu Hội Thánh nhận lời đề nghị cải sửa nầy, thì tôi nhận lời mời của Hội Thánh làm Cố Vấn Trường Chúa nhật, và đề nghị thứ 15 của tôi là tôi chỉ nhận lời trong 6 tháng.
Sau khi đề nghị được gởi đi, tuần sau Ðại diện của Hội Thánh trở lại cho tôi biết Ban Trị Sự Hội Thánh và chủ tọa Hội Thánh đồng ý tất cả đề nghị của tôi về việc cải sửa, trừ điều thứ 15, nghĩa là yêu cầu tôi vẫn tiếp tục chức vụ Cố Vấn. Tôi giải thích với Hội Thánh là sau 6 tháng, nếu Trường Chúa nhật không thành công thì Hội Thánh còn giữ tôi làm gì; ngược lại nếu sau 6 tháng Trường Chúa nhật có kết quả thì đâu cần tôi nữa. Cuộc thương thảo đi đến quyết định để sau sáu tháng sẽ thảo luận lại điều thứ 15.
Cảm ơn Chúa từ chủ tọa Hội Thánh đến các con cái Chúa trong Ban Trị Sự Hội Thánh đến Trường Chúa nhật đều tích cực cộng tác, Chúa cho Hội Thánh có một Trường Chúa nhật đạt được kết quả tốt, và Hội Thánh đã không cho tôi thi hành điều thứ 15 bằng cách mời tôi làm Cố Vấn cho Thanh Niên, Cố Vấn cho Truyền giảng, nói chung là Cố Vấn toàn bộ.
Những năm tháng đó, Chúa dùng anh chị em trong Hội Thánh Bình Tây giúp đỡ chúng tôi mọi mặt, yêu thương chúng tôi vô vàn, lo cho gia đình chúng tôi những nhu cần, tổ chức sinh nhật, tổ chức kỷ niệm ngày cưới cho chúng tôi. Những ngày Tết Trung Thu, Tết Âm lịch, Lễ Giáng Sinh, trong nhà chúng tôi đầy bánh và thịt. Vợ chồng tôi đi xe bus đến nhà thờ Bình tây, những buổi tối về trễ hết xe bus, anh em chở tôi về bằng xe đạp là phương tiện thông dụng thời đó.
Một lần sau buổi nhóm thờ phượng Chúa sáng Chúa nhật, một con cái Chúa sắp đi ngoại quốc đã tặng tôi một bao thư tiền trong đó có 500 đồng. Vì xe bus hôm ấy trễ giờ, nên số người thường ngày đã đông, nay lại đông hơn. Nhà tôi nói: “Hôm nay Chúa cho có tiền mình đi xích lô về”. Tôi không chịu, vì đi xe bus chỉ tốn mỗi người một đồng, còn đi xe xích lô thì tốn đến 15 đồng. Nhà tôi lại đề nghị đi xe lam, tôi cũng không chịu vì đi xe lam hai người phải tốn 5 đồng. Tôi muốn tiết kiệm vì nhu cần trong gia đình.
Khi lên xe bus, người đứng chật như nêm, người bán vé xe liên tục nhắc nhở coi chừng móc túi. Chúng tôi đã biết tệ nạn đó, nên cả hai luôn đứng đối diện nhau khi đi xe bus để dễ quan sát cho nhau, nhất là hôm nay có số tiền 500 đồng tôi đang để sâu trong túi quần bên hông. Thật bất ngờ, khi tôi vừa đặt chân xuống trạm dừng của xe bus để đi bộ về nhà thì khám phá túi quần của tôi đã nhẹ rỗng. Tôi buột miệng nói với Nhà tôi: “Bị móc túi rồi!” trong khi đó chiếc xe bus từ từ lăn bánh. Nhà tôi nói: “Bảo đi xích lộ 15 đồng, không chịu; đi xe lam 5 đồng cũng không chịu. Bây giờ đi xe bus tốn 502 đồng”.
Về đến nhà, tôi yên lặng vào phòng quỳ xuống cầu nguyện với Chúa: “ Chúa ơi, tiền của con cái Chúa cho con, bây giờ người ta móc túi lấy hết rồi. Xin Chúa bồi thường cho con. Nhơn Danh Chúa Jêsus Christ – Amen”. Và tôi đứng lên chờ Chúa bồi thường.
Chiều Chúa nhật không thấy Chúa bồi thường. Ngày thứ hai, thứ ba, đến sáng thư tư, vào lúc hơn chín giờ, thì hai Chấp sự của Hội Thánh tại Bình tây là ông Lương Vĩnh Hy và Cô Hứa Bội Xuân, đến nhà thăm tôi. Sau khi thăm hỏi, ông Lương Vĩnh Hy cho tôi biết là anh chị em Tráng niên trong Hội Thánh nghe tin tôi đi xe bus bị móc túi, nên đã quyên góp mua cho tôi chiếc xe gắn máy hiệu Suzuki (đã qua sử dụng), ông Hy hỏi tôi có vui lòng nhận không? Dĩ nhiên là vui lòng nhận. Rồi ông phải bỏ công hướng dẫn tôi cách sử dụng xe Suzuki. Sau đó tôi làm chứng cho Ban Thanh niên về phép lạ Chúa bồi thường cho tôi, các Thanh niên nói: “Mục sư dở quá, Mục sư mất 500 đồng, Chúa bồi thường chiếc xe Suzuki; nếu Mục sư để mất 1,000 thì Chúa bồi thường cho Mục sư chiếc xe Cub rồi” (thời đó xe Cub là loại xe gắn máy mới nhập, giá cao). Cảm ơn Chúa, chiếc xe Suzuki đó đã giúp tôi bao dặm đường đi giảng khắp trong thành phố Sàigòn cho đến ngày không còn có thể chạy được nữa. Tôi nổi tiếng với chiếc xe Suzuki 100 (câu nói đùa của con cái Chúa trong các Hội Thánh gọi Suzuki 100 năm thay vì 100 phân khối là xe đời mới lúc bấy giờ).
Ðặc điểm của Hội Thánh tại Bình Tây là rất chú trọng việc huấn luyện, và anh chị em nhân sự rất chịu nghe ý kiến của tôi. Chúa cho Hội Thánh đã giao tôi huấn luyện tất cả Giáo viên Trường Chúa nhật, các nhân sự Ban Truyền giảng, nhân sự Thanh niên, ngoài ra có một nhóm Chấp sự được Hội Thánh yêu cầu học với tôi về Thần Học, học Phương Pháp Làm Bài Giảng. Cảm ơn Chúa, ngày nay những người nầy đã trở nên những người hầu việc Chúa tại Mỹ, tại Canada, cũng như tại quê nhà, họ vẫn còn áp dụng cách giảng dạy đã học với tôi.
Cũng có những lần tôi phải đối đầu với những nhân vật quan trọng trong Hội Thánh như:
1.    Có một Chấp sự kỳ cựu và rất có thế lực trong Hội Thánh, nhất là đã từng phụ trách nhiều năm việc điều hành Trường Chúa nhật, đó là ông Trịnh Trọng Kinh. Khi tôi cho cải sửa tổ chức Trường Chúa Nhật của Hội Thánh, hai tuần sau, ông mời tôi đi ăn sáng với ông. Ông hẹn tôi tại nhà của ông kế bên chợ An Ðông, và từ nhà của ông chúng tôi vừa đi bộ vừa trò chuyện. Ông hỏi tôi tại sao lại thay đổi toàn bộ cơ cấu tổ chức Trường Chúa Nhật do chính ông với hai mươi lăm năm gây dựng.
Tôi và ông đi từ chợ An Ðông đến Bến Hàm Tử, ăn xong tô mì, lượt về ông đi bộ tiễn tôi đến ngã tư Trần Hưng Ðạo – Cống Quỳnh, để tiếp tục câu chuyện. Cảm ơn Chúa, ông đã nghe, đã tranh luận, và cuối cùng đã quyết định ủng hộ tôi.
2.    Một ông tín đồ trên 50 tuổi bị ảnh hưởng của các Nhóm Hội Thánh Tư Gia lúc bấy giờ ai cũng được giảng, việc trở nên người giảng rất dễ dàng, nên lúc nào cũng đòi Thầy Truyền Ðạo chủ tọa Hội Thánh cho ông giảng. Thầy Truyền Ðạo chủ tọa than phiền với tôi về việc nầy và không biết giải quyết cách nào. Tôi đề nghị Thầy cho ông ấy gặp tôi, tôi nói với ông vui lòng dự học lớp Phương Pháp Giảng với tôi một Khóa độ ba tháng, tôi sẽ nói với Thầy Truyền Ðạo chủ tọa cho ông giảng dịp tối thứ tư như các anh em nhân sự khác (Lúc bấy giờ Hội Thánh dành buổi nhóm cầu nguyện tối thứ tư cho các anh chị em nhân sự sau khi học Phương Pháp giảng với tôi được giảng thực tập. Những bài giảng nầy đã được tôi nghe anh em trình bày qua và được Thầy Truyền Ðạo chủ tọa duyệt trong tiếng Hoa). Ông đồng ý và đến học được hai lần trong hai tuần, sau đó ông nói học giảng khó quá, nên thôi không học và cũng không đòi giảng nữa.
3.    Vào một dịp Lễ Giáng sanh, một nhóm tín đồ thuộc giới mại bản trong Hội Thánh mời tôi và Thầy Truyền Ðạo chủ tọa Hội Thánh đến Nhà Hàng ăn liên hoan Mừng Chúa Giáng Sanh. Thời đó (1984), việc ăn Nhà Hàng rất hiếm khi vì quá đắt tiền. Bước vào phòng tiệc có máy lạnh, tôi thấy có hai bàn tròn loại lớn mười sáu hay mười tám người ngồi. Tôi thầm nghĩ trong căn phòng kín đáo nầy, anh em vui vẻ cầu nguyện, hát Thánh ca ngợi khen Chúa Giáng sanh thì tuyệt vời.
Khi vào tiệc, người đại diện tổ chức tiệc đứng lên tuyên bố bằng tiếng Hoa. Tôi không hiểu hết, nên hỏi lại Thầy Truyền Ðạo: “Có phải ông ấy nói ai uống nước ngọt thì ngồi bàn của tôi với Thầy; còn ai uống bia thì ngồi bàn bên kia, phải không Thầy?” Thầy Truyền Ðạo xác nhận là đúng. Tôi đề nghị Thầy nói với anh em vui lòng uống nước ngọt, đừng uống bia, vì hôm nay là ngày liên hoan Mừng Chúa giáng sanh. Thầy Truyền Ðạo không dám nói, tôi phải vỗ tay làm hiệu và đứng lên khuyên anh em vui lòng uống nước ngọt vì mục đích Mừng Chúa giáng sanh, và vấn đề là có tôi là Mục sư và Thầy Truyền Ðạo chủ tọa ngồi đây, có thể khiến nhiều người vấp phạm.
Mọi người đang ồn ào đột nhiên im lặng. Sau vài phút, người đại diện tổ chức tiệc lại hô hào tiếp tục và ra hiệu cho người phục vụ rót nước ngọt bên bàn chúng tôi, và ‘cứ rót bia bàn bên kia.
Lần thứ hai tôi phải đứng dậy nói lời xin lỗi vì tôi không muốn con cái Chúa vấp phạm, nên xin phép ra về, không thể dự tiệc có bia.
Phản ứng của tôi tạo nên cái thắng trong Hội Thánh, vì từ trước tới nay không ai ra mặt ngăn trở việc uống rượu, uống bia trong những buổi tiệc. ‘Có người biện luận với tôi rằng: Kinh Thánh đâu có cấm uống rượu, mà điều gì Kinh Thánh không cấm thì mình có quyền làm’. Tôi nói với anh em rằng: ‘Ðúng là Kinh Thánh không trực tiếp cấm uống rượu, vì Chúa tôn trọng tự do của chúng ta. Nhưng Chúa đã ghi vào Kinh Thánh rất nhiều lần tai hại do rượu gây ra để chúng ta nhờ ơn Chúa khôn ngoan sử dụng sự tự do của mình mà tránh nó đi. Nếu nói điều gì Kinh Thánh không cấm thì chúng ta có quyền làm, thế thì Kinh Thánh không cấm hút thuốc, không cấm cờ bạc, nói mạnh hơn, Kinh Thánh không cấm chúng ta ‘ăn cứt’, tại sao anh em không làm đi?”
4.    Một Nhân sự rất tốt của Hội Thánh có người yêu hai năm rồi, nhưng vì gia cảnh và ở thời kỳ khó khăn (1983), nên chưa có điều kiện tổ chức Lễ Cưới. Tôi khuyên hai người nên tiến tới Hôn nhân, thì anh em đó trả lời tôi: “Mục sư ơi, em còn chưa có được một cái giường để ngủ, làm sao có tiền cưới vợ?” Tôi hỏi anh em nầy cần những điều kiện gì để tổ chức Lễ Cưới? Có lẽ anh em nầy muốn thách thức tôi nên nêu ra điều kiện: “Thưa Mục sư, em chỉ có 10 ngàn đồng (1983) cho Lễ Cưới, nhưng em dự định mời 400 người, muốn có một Bánh Cưới ba tầng”. Cảm ơn Chúa, Ban Trường Chúa nhật ủng hộ và nhờ chị Ðào Việt Tiến giúp phần công làm cũng như khéo tính, nên một ổ Bánh Cưới, không phải cao 3 tầng mà cao 6 tầng, và có 450 phần ăn với số tiền 10 ngàn đồng. Ðiều kỳ diệu nầy khiến cô dâu chú rể đã xin ghi lên trên phông nhà thờ trong ngày cưới câu Kinh Thánh: ‘TÌNH YÊU THƯƠNG TRÔNG CẬY MỌI SỰ’ (I Côrintô 13:7). Một Lễ Cưới linh đình với 10 ngàn đồng, có cắt băng khai mạc giờ Lễ, đã làm ngạc nhiên biết bao nhiêu người lúc ấy.
Tình yêu thương của con cái Chúa trong Hội Thánh tại Bình Tây khiến tôi phải thốt lên lời trong sách Nhã ca 7:5c, ‘Lọn tóc nàng làm vấn vít ái tình tôi’. Chúa cho tôi cộng tác với Hội Thánh tại Bình Tây đến năm 1987. Khi Thầy Truyền Ðạo Khưu Hoa xuất cảnh đi Canada, Hội Thánh đã xin tôi làm chủ tọa, Tổng Liên Hội đã bổ nhiệm, nhưng bị Công An Thành phố bác đơn. Dù lúc bấy giờ phía Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Thành phố chấp thuận. Và công việc Chúa giao cho tôi giữa Hội Thánh tại Bình Tây đã xong, tôi rời Hội Thánh.
Ở TÙ LẦN THỨ HAI
Buổi chiều Chúa nhật ngày 3 tháng 11 năm 1982, Công An đã bao vây nhà thờ tại An Ðông bắt một số người đang họp mặt chương trình ‘Gia Ðình Hàm Thụ’, do Truyền Ðạo Ðoàn Trung Tín triệu tập và tổ chức. Tiếp theo cuộc bắt bớ nầy, Mục sư Nguyễn Hữu Cương là chủ tọa Hội Thánh tại An Ðông đã liên đới chịu trách nhiệm, vì buổi họp mặt đó tổ chức trong phạm vi nhà thờ do ông phụ trách, dù theo lời Mục sư Cương là ông không biết, mà hoàn toàn do Truyền Ðạo Tín tự tổ chức.
Biến cố nầy khiến Công An buộc Mục sư phải đăng ký tất cả các giờ sinh hoạt của Hội Thánh tại An Ðông trong tuần, và họ bắt đầu chú ý truy hỏi về buổi nhóm tối thứ bảy dành cho các sinh viên. Từ trước tới nay, Mục sư Cương không đăng ký buổi nhóm nầy, nhưng bây giờ bắt buộc đăng ký với tên gọi là: “Buổi nhóm dành cho những người đi học Ðại học”.
Mùa Giáng sanh năm 1982 ấy, không một diễn giả nào được đến giảng tại nhà thờ An Ðông, chỉ Mục sư Cương được giảng. Ngày 1 tháng 1 năm 1983, các sinh viên tổ chức đi Trại ngoài trời, không nhóm ở nhà thờ. Thứ bảy tuần sau, ngày 8 tháng 1 năm 1983, Sinh viên nhóm buổi đâu tiên năm mới theo chương trình đăng ký mới, và tôi được mời giảng cho buổi nhóm nầy.
Sau phần thờ phượng Chúa, tôi lên giảng được độ năm phút thì một đoàn Công An bước vào và ngồi ở phòng phía ngoài cửa ra vào phòng nhóm. Mục sư Cương vào trấn an buổi nhóm là Công An chỉ đến để kiểm ra an ninh, anh em cứ nhóm bình thường, tuy nhiên ai nấy đều quá kinh nghiệm với những lời trấn an như vậy. Họ chờ chúng tôi kết thúc buổi nhóm, bắt đầu kêu tôi và Mục sư Cương riêng ra, rồi kiểm tra giấy tờ các anh chị em trong buổi nhóm, ai có giấy tờ tùy thân thì họ ghi tên, địa chỉ cho về, còn lại trên mười cô và năm sinh viên nam không đem theo giấy tờ tùy thân nên họ tuyên bố giữ lại sáng hôm sau làm việc. Tôi phản đối việc giữ các cô ở lại, yêu cầu cho các cô về, tôi và năm Sinh viên nam ở lại là quá đủ (họ cho Mục sư Cương về nhà thờ vì gần bên, yêu cầu sáng trở lại). Cuối cùng họ cho tất cả các cô về. Buổi sáng họ bắt đầu xét hỏi chúng tôi. Riêng tôi và Mục sư Cương thì họ ép chúng tôi vào tội ‘tổ chức Sinh viên’, vì họ rất sợ việc tổ chức tập hợp thành phần trí thức, họ còn viện dẫn biểu quyết của Tổng Liên Hội đã ra lịnh giải tán Ðoàn Sinh viên Tin Lành sau 30-4-1975, như vậy chúng tôi bị gán tội chống cả Chánh quyền và Giáo hội. Mục sư Cương và tôi quyết liệt bác bỏ việc kết tội tổ chức sinh viên, mà đây chỉ là buổi nhóm giáo lý cho những người đi học Ðại học và sau Ðại học. Sự tranh cãi cứ thế kéo dài. Sau cùng, tôi đề nghị định nghĩa lại ý nghĩa chữ Sinh viên:
1.    Nếu bảo ‘Sinh viên’ là một ‘Tổ Chức Sinh viên’ thì chúng tôi không có tổ chức đó.
2.    Nếu bảo ‘Sinh viên’ là “Những người đang đi học Ðại học’ thì chúng tôi có buổi nhóm giảng giáo lý Kinh Thánh dành cho những người có trình độ Ðại học.
Họ thấy không làm gì hơn được, nên đành tạm cho tôi và Mục sư Cương ra về trưa ngày Chúa nhật đó. Nhưng lần lượt họ theo địa chỉ của các Sinh viên đã bị ghi lại, gọi lên để hỏi điều nầy điều khác. Ðến sáng thứ bảy ngày 25 tháng 6 năm 1983, Công An Thành phố đã chia nhau đi bắt Mục sư Cương, Truyền Ðạo Châu văn Sáng là Phụ tá của Mục sư Cương, Truyền Ðạo Ðoàn Trung Tín, và tôi, với lịnh bắt tôi là: ‘Gây Rối An Ninh Chính Trị’. Tất cả chúng tôi bị giam tại Trại giam số 4 đường Phan Ðăng Lưu, ngang chợ Bà Chiểu)
Tại Trại giam nầy, họ tống tôi vào loại phòng giam gọi là biệt giam, một loại phòng giam tối, tôi phải làm mấy câu thơ để mô tả nó:
Hai thước rưởi dài, thước rưởi ngang,
Nhà gì mà tối như cái hang.
Nhà tù, chớ phải đâu nhà tớ,
Can đảm vào, đừng có thở than!
Loại phòng biệt giam nầy chỉ chừa một lỗ gió nơi cửa sắt phía trước, bề ngang một tấc, bề cao độ 2 tấc, ban ngày họ đóng lại, chỉ mở cửa để đưa cơm vào và buổi tối thì mở để thỉnh thoảng họ rọi đèn vào kiểm soát. Mọi tiếng động chung quanh người trong phòng giam đều nghe được, nhưng người ở trong phòng nói gì thì không ai ở ngoài nghe được.
Những ngày tù ở đây, họ hỏi đủ thứ chuyện, từ chuyện cá nhân, chuyện Hội Thánh, chuyện giáo lý,..
Có lần họ kêu tôi ra hỏi cung, người Công An nói: “Nói ra không phải để thù nghịch, nhưng chúng tôi là người Cộng sản theo Duy Vật; còn các anh làm Tôn giáo là Duy Tâm. Hai điều đó không thể nào hiệp nhau”.
Tôi trả lời: “Ðúng như anh nói, giữa Duy Vật và Duy Tâm không thể hiệp nhau. Nhưng Tin Lành của chúng tôi thì không phải Duy Vật cũng không phải Duy Tâm”.
Người Công An đó lập tức hỏi: “Thế thì Tin Lành các anh Duy gì?”
Tôi đáp: “Người Tin Lành chúng tôi DUY CHÚA”.
“Duy Chúa là thế nào?”
Tôi giải thích: “Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng khi Ðức Chúa Trời dựng nên loài người thì Chúa lấy bụi đất – bụi đất là một khối vật chất, nắn nên hình người. Tuy nhiên đó mới là hình người, là một khối vật chất, là tượng người không phải con người. Kinh Thánh cho biết rằng Ðức Chúa Trời còn hà sự sống của Ngài vào lỗ mũi của tượng đất đó, đó là tâm linh, là sự sống từ Ðức Chúa Trời, thì tượng người đó trở thành Người. Chính Chúa Jêsus Christ phán: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời phán ra từ Ðức Chúa Trời. Không có người nào dại dột nói chỉ cần ĂN để sống, ngay như người Cộng sản các anh mặc dầu nói Duy Vật, nhưng các anh vẫn chú trọng tư tưởng. Ngược lại, cũng không ai điên khùng nói rằng không cần ăn mà sống được. Như vậy, khi nào tổng hợp được giữa cái Vật và cái Tâm, thì đó là Tin Lành”.
Người Công An  đó chỉ còn cách là đuổi tôi vào phòng giam.
Một lần khác, một Công An nói với tôi rằng xã hội không thể chấp nhận Tôn Giáo, vì Tôn giáo là thuốc phiện của xã hội.
Tôi nói người ấy rằng: “Hiểu như vậy thì tội nghiệp người nói câu ‘Tôn giáo là thuốc phiện của xã hội’ quá”.
Người Công An đó có vẻ giận hỏi ngay: “Anh biết ai nói câu đó không?”
Tôi đáp: “Biết chớ, chính Karl Marx nói. Marx là một triết gia. Khi một triết gia nói một từ thì chúng ta phải hiểu từ đó theo ý nghĩa triết lý”.
“Anh hiểu thế nào?” Người Công An nầy hỏi tiếp.
“ Khi nói đến ‘THUỐC PHIỆN’ thì chúng ta phải hiểu hai phương diện: Thuốc phiện vừa là dược chất và cũng là độc chất. Trong Y khoa người ta sử dụng thuốc phiện là dược chất để giúp những bịnh nhân bớt đau nhức, an thần. Nếu không biết dùng mà lạm dụng nó, thì thuốc phiện sẽ trở nên độc chất. Tôi tin rằng Chủ Tịch Hồ Chí Minh biết Tôn giáo là ‘Dược chất’”.
“Anh chứng minh đi” – người Công An có vẻ nôn nóng.
“Bằng cớ là Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đưa Tôn giáo vào Cơ Quan Mặt Trận Tổ Quốc. Nếu Tôn giáo là độc chất thì đưa nó vào sẽ làm hư tinh thần đoàn kết của Cơ quan nầy, vì một con sâu làm sầu nồi canh. Nhưng Chủ Tịch Hồ Chí Minh biết Tôn giáo là Dược chất, đưa nó vào sẽ làm tăng thêm sự đoàn kết Quốc gia”.
 “Thôi, anh vào phòng (giam) đi”. Ðó là lời kết thúc buổi tranh luận mà người Công An ấy dành cho tôi.
Một lần, khi tôi được kêu ra chất cung, tôi nhìn thấy nơi góc phòng giam một hũ đựng đầy tàn thuốc lá, nhìn vẻ mặt cau có của người Công An chất cung, nhìn trên bàn là một đống sách vỡ không thứ tự, tôi nghĩ rằng buổi chất cung hôm nay sẽ căng thẳng, gay go.
Ðề tài người Công An chất cung đưa ra cho tôi là: “Mấy anh là người Tin Lành cho rằng muôn vật do Ðức Chúa Trời dựng nên phải không? Người Cộng sản chúng tôi thì quyết chắc muôn vật tự nhiên mà có. Suốt buổi sáng nay, tôi đã làm việc với anh Cương (Mục sư Nguyễn Hữu Cương), anh Hạ (Mục sư Hồ Hiếu Hạ). Bây giờ tôi muốn nghe ý kiến của anh”.
Tôi nói: “Ðó là một cuộc tranh cãi không cùng. Giống như trong toán học, hoặc chúng ta chấp nhận tiền đề từ một điểm ngoài một đường thẳng, chúng ta có thể vẽ một đường thẳng song song với đường thẳng ấy và chỉ một đường mà thôi; hoặc là chúng ta chấp nhận tiền đề từ một điểm ngoài một đường thẳng, chúng ta có thể vẽ vô số đường thẳng song song với đường thẳng ấy. Phải chấp nhận một trong hai tiền đề ấy trước. Cũng vậy, nếu anh nói “muôn vật tự nhiên mà có”, thì chứng minh cho tôi nghe. Sau đó anh cho tôi chứng minh “muôn vật bởi Ðức Chúa Trời dựng nên”. Tôi tin rằng với sự khôn ngoan Chúa cho chúng ta có, chúng ta biết điều nào triết lý điều nào là Chân lý. Bây giờ anh chứng minh đi”.
Người Công An đó mau lẹ chuyển trái banh qua cho tôi đá trước: “Anh chứng minh trước đi”.
Thế là tôi đem bài học chứng minh có Ðức Chúa Trời từ ngoại chứng rồi đến nội chứng như:
§  Vũ trụ làm chứng qua sự kỳ diệu của vũ trụ, sự tuần hoàn của vũ trụ, chứng minh phải có một Sự Khôn Ngoan tuyệt vời đã dựng nên, các anh gọi Sự Khôn Ngoan đó là gì tôi không cần biết, tôi gọi đó là Ðức Chúa Trời, là Ðấng Tạo Hóa.
§  Sự cấu tạo và vẻ đẹp của muôn vật như cây cỏ, hoa lá, làm chứng có một Bộ Óc Khôn Ngoan dựng nên.
§  Cấu tạo cơ thể con người làm chứng có Ðấng Khôn Ngoan dựng nên, xếp đặt. Bàn tay của chúng ta với ngón cái xiên một góc làm chứng không phải là một độ lệch tình cờ mà từ một Ðấng Tạo Hóa Khôn Ngoan làm nó lệch như vậy.
§  Ngôn ngữ loài người làm chứng có Ðức Chúa Trời Tạo Hóa. Dù văn minh hay ngu dốt, dân tộc nào cũng có một danh từ để chỉ về Ðức Chúa Trời.
§  Lương tri con người làm chứng có Ðức Chúa Trời. Con người từ khi được sinh ra và lớn lên không cần ai dạy, đều nhận biết có một Ðấng Cao Cả là Ðức Chúa Trời.
§  Các Tôn giáo làm chứng có một Ðấng Tối Cao là Ðức Chúa Trời.
§  Kinh Thánh làm chứng có Ðức Chúa Trời là Ðấng dựng nên trời đất.
§  Chúa Jêsus Christ làm chứng có một Ðức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài.
§  Hội Thánh làm chứng có Ðức Chúa Trời. Dù trải qua các thời đại, Hội Thánh gặp biết bao bắt bớ, khó khăn, nhưng Hội Thánh vẫn tồn tại và cứ rao giảng một Ðức Chúa Trời thực hữu.
§  Cá nhân tôi làm chứng có Ðức Chúa Trời.
Sau gần một tiếng rưởi đồng hồ, tôi trình bày bằng cớ Ðức Chúa Trời dựng nên muôn vật, tôi nhắc tới phiên người Công An đó chứng minh muôn vật tự nhiên mà có. Người Công An ấy suy nghĩ một chút rồi bảo tôi: “Anh vào đi”. Thế là tôi trở vào phòng giam. Tôi vẫn nhớ lời Thầy tôi dạy tại Thần Học Viện rằng ‘chứng minh có Ðức Chúa Trời dễ hơn chứng minh không có Ðức Chúa Trời’.
Một lần khác tôi thật buồn khi nghe người Công An chất cung tôi tuôn ra những khuyết điểm trong nội bộ Giáo hội. Tôi biết rằng có ai đó đã lập công với Chánh quyền bằng cách nói cho họ nghe những tranh giành quyền lực giữa những người lãnh đạo Giáo hội. Ngồi nghe họ nói rất nhiều với giọng điệu chế nhạo, mỉa mai, lòng tôi xót xa khi nghĩ đến những câu: ‘dòi trong xương dòi ra’, ‘vạch áo cho người xem thẹo’, ‘gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau’, … Tôi đã đứng bật dậy và nói với người Công An đó: “Thật ra đó chỉ là lỗi lầm của Cơ-đốc nhân chúng tôi. Tại chúng tôi không sống đúng như Lời Chúa dạy. Nếu hai trăm năm trước, Cơ-đốc nhân chúng tôi sống như Chúa dạy, thì thế giới ngày nay làm gì có chủ nghĩa Cộng sản của các anh. Nhưng dù sao tôi cảm ơn Chúa là anh chỉ nhìn thấy lỗi lầm của chúng tôi, nhưng anh cũng đã công nhận Chúa dạy đúng”.
Khi trở vào phòng giam, tôi đã khóc với Chúa và cầu nguyện: “Xin Chúa tha tội cho chúng con, vì chúng con đã không sống như Chúa dạy, nên người đời chế nhạo Hội Thánh của Chúa”. Sau một giấc ngủ, tôi chợt thức dậy và trong trí tôi vang lên một bài hát tự đáy lòng tôi:
Xin ban cho con một tình yêu,
Một tình yêu giống Chúa yêu con.
Xin ban cho con một tình yêu,
Một tình yêu giống như Ngài.
Xin ban cho con một tình yêu,
Một tình yêu giống Chúa khi xưa,
Yêu kẻ thù và chết thay cho người.
Lạy Cha, xin thứ tha,
Dù rằng họ đã đóng đinh Ngài.
Xin ban cho con một tình yêu,
Một tình yêu giống Chúa khi xưa,
Yêu kẻ thù và chết thay cho người.
Tôi thấy lòng mình lắng xuống và mơ ước một ngày tươi sáng hơn cho Hội Thánh của Chúa.
Những ngày trong tù tại trại giam số 4 Phan Ðăng Lưu nầy, tôi gặp được những người mà tôi muốn ghi lại đây:
** Tôi gặp một người tên Triệu Bỉnh Thiệt, ông là người Hoa ở Chợ lớn, rất giàu có và nổi tiếng ăn chơi. Ông Triệu nói với tôi chuyện làm ăn không cần vốn của ông. Một lần ông nhờ một người trong một Công ty ở Hong Kong bán cho ông một số lượng lớn bóng đèn neon dài 1.2 mét. Khi giấy báo hàng đang chuyển về, ông đem giấy đó bán sang tay cho một Công ty Ðiện máy Quốc doanh ở Thành phố với giá rẻ (lúc bấy giờ là thời bao cấp, hàng ngoại rất có giá), với điều kiện là cho ông nhận tiền mặt, ngược lại ông chi hoa hồng cho tất cả nhân viên trong Công ty Ðiện máy Thành phố, từ Giám đốc đến nhân viên thấp nhất, người chức vụ nhỏ nhất cũng được một cái máy thu thanh (radio). Khi đến hạn giao hàng, ông không giao, đợi cho Công ty phàn nàn vài lần, ông tình nguyện trả lại toàn bộ số tiền mà ông đã nhận, còn bồi thường một số thiệt hại. Ngay sau đó ông dùng giấy tờ bán hàng cho Cửa Hàng Quốc doanh lấy hàng ra không có thuế, rồi bán với giá cao cho tư nhân. Thế là ông vừa mượn vốn vừa biến hàng tư nhân sang quốc doanh, từ quốc doanh sang tư nhân, hưởng mức lời thật cao.
Ông kể rằng ông từng bảo trợ những đội bóng đá trong Thành phố, các chương trình thể thao để lấy tiếng, tổ chức những buổi ăn nhậu với các nhân vật lãnh đạo Thành phố, nhờ đó thế lực của ông rất lớn. Khi lên đến một đỉnh điểm thì ông bị họ đánh ngã, ông nói với tôi là ông bị buộc phải khai hết người nầy đến người khác đã nhận hối lộ của ông. Một hôm, ông trở về phòng giam sau một buổi bị hỏi cung, ông vui lắm cho biết là người Công An hỏi cung đã cho phép ông viết thư gởi về người vợ bé của ông bảo gởi tiền cho ông để ông có thể sống thoải mái trong tù, vì từ ngày bị bắt đến nay qua mấy tháng, họ không cho ai thăm nuôi ông, mục đích làm áp lực buộc ông phải khai. Ông còn nói là trong thư ông căn dặn về những phần tài sản ông còn cất giấu. Dĩ nhiên ông đã hứa chi cho người Công An xét cung đem thư về cho vợ bé của ông một số tiền lớn. Ai trong phòng giam nghe xong cũng đoán rằng ông bị gạt rồi, nhưng ông vẫn tin và hứa hẹn tặng quà người nầy người kia. Ngày hôm sau, ngồi trong phòng giam nhìn ra hành lang, mặt ông tái xanh lại khi thấy chiếc xe hơi của ông, rồi bàn ghế, vật dụng trong nhà của vợ bé của ông được đưa vào kho tang vật, đau hơn nữa là vợ bé của ông cũng bị bắt giam luôn.
Vài ngày sau, khi bị hỏi cung trở lại phòng giam, ông nói với tôi rằng, hôm nay họ hỏi ông rất nhiều về ông Mai Chí Thọ, đang là Giám đốc Sở Công An Thành phố. Tôi nói với ông là ông đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm, còn ông thì tin lời họ hứa nếu ông khai thật, ông sẽ được khoan hồng về sớm. Ngày mai ông được kêu đem theo quần áo ra, ông vui mừng từ giã mọi người trong phòng giam. Sau vài hôm, chúng tôi được tin ông bị chuyển vào biệt giam trong Khám Chí Hòa, mấy lần ông tìm cách tự tử.
Ðiều tôi muốn nói là khi tôi nói về Chúa cho ông Triệu, ban đầu ông nghe vì ông muốn được nói tiếng Quảng Ðông, nhưng sau vài lần, ông nói với tôi rằng lúc hai mươi tuổi ông đã làm giám đốc. Ông có một người quản gia là tín đồ Tin Lành tên Lý Trung, thuộc viên Hội Thánh Bình Tây (tôi biết ông Lý Trung, một tín đồ đã lớn tuổi), giúp việc cho ông hai mươi năm. Mỗi năm vào dịp Lễ Giáng Sanh, ông Lý Trung luôn đặt trên bàn của ông Triệu một tấm thiệp chúc mừng Giáng sanh. Ông Triệu nói rằng ông rất ghét những tấm thiệp đó vì ông Lý Trung cứ ghi lời khuyên ông chủ của ông tin Chúa. Ông Triệu vứt tấm thiệp đó vào sọt rác để sáng mai ông Trung đem đổ rác sẽ hiểu phản ứng của ông Triệu. Tuy nhiên, hai mươi năm (đến ngày ông Triệu bị bắt), là hai mươi tấm thiệp Chúc Mừng Giáng Sanh được đặt lên bàn ông Triệu. Bây giờ bị giam trong tù, nghe nói về Tin Lành, ông nhớ lại và thấy hổ thẹn, đồng thời cũng cảm phục sự nhẫn nại yêu thương của một người tin Chúa như ông Lý Trung. Ông Triệu hứa rằng ông sẽ lưu tâm đến Chúa và ngày nào ông được về, ông sẽ xây  cho tôi một nhà thờ thật to. Khi tôi ở tù về có gặp ông Lý Trung tại nhà thờ Bình Tây, và thuật lại cho ông Trung nghe công khó của ông không phải là vô ích. Rất lâu về sau, tôi được tin là ông Triệu được thả nhưng rồi bị bắt lại. Tôi không biết có ai kiên nhẫn vì Chúa như ông Lý Trung với hai mươi năm âm thầm làm chứng về Chúa không?
** Tôi gặp Nguyễn Hồng Nhuận Tâm, bút hiệu là Huy Tâm, nguyên là Chánh Án Tòa Thượng Thẩm Sàigòn. Ông Tâm bước vào nhà tù với tâm trạng đầy lo lắng, buồn, có lúc ông nói muốn tự tử. Tôi nghe nói ông là Thẩm phán, nên làm quen bằng cách muốn nghe ông nói về Luật Lamã, là Bộ Luật căn bản của các Sinh viên Trường Luật. Ông Tâm hỏi tôi tại sao muốn biết về Luật Lamã? Tôi giải thích lý do là vì trong Kinh Thánh có một thư gọi là Thư Lamã, tác giả là một luật sư nổi tiếng thời đó khoảng 60-70 SC. cho đến ngày nay. Trong thư đó nói rất nhiều về Luật, luật pháp. Ông Tâm nghe xong trở nên linh hoạt khi được nói về chuyên môn của ông, và cũng từ đó ông trở nên một người bạn tốt của tôi, ông sống lạc quan hơn. Cảm ơn Chúa, sau khi ra tù một thời gian, Chúa cho ông đi tìm tôi trước khi xuất ngoại sang Mỹ, vì ông đã tin Chúa.
** Một hôm, vào sáng Chúa nhật, một người tù tên Tôn Thất Ðịnh, người đã nghe tôi nói về Chúa, anh Ðịnh muốn gặp tôi và tâm sự với tôi hai việc: (1) Anh cho tôi biết rằng bị bắt vì tội chống chế độ Cộng sản cùng với một số người. Họ đã kết án tử hình anh. Anh cho tôi biết anh muốn tin Chúa, muốn tôi cầu nguyện cho anh; (2) Anh Ðịnh muốn nhờ tôi một việc là anh còn vợ và các con hiện ở Phan Rang, họ không biết anh bị bắt. Anh cho biết vợ anh bịnh nhiều năm qua. Anh nhờ tôi khi ra tù tìm cách đến thăm vợ và các con anh để nói với họ rằng anh muốn họ tin Chúa như anh.
Sau khi cầu nguyện cho anh, anh hỏi tôi là trước đây anh học Thiền, mỗi lần ngồi Thiền là anh tập trung tinh thần đẩy tất cả tạp niệm ra khỏi anh, bây giờ anh tin Chúa rồi, anh không muốn Thiền nữa, anh nên làm gì? Tôi khuyên anh thay vì vận dụng ý chí sức riêng để lo đẩy những tạp niệm, thì anh nên mở lời cầu nguyện với Chúa, cầu nguyện cho vợ và cho con của anh, cho tương lai của anh. Vì ngày sau, anh bị chuyển đi, tôi không biết anh đi đâu, có người nói họ đem anh đi xử bắn.
Tôi có nhắn tin nhờ con cái Chúa tại Phan Rang tìm theo địa chỉ đến thăm vợ con của anh nói lại lời trăng trối của anh. Cảm ơn Chúa, tôi được anh Võ văn Thành là anh của Bác sĩ Võ văn Tự Hiến tại Phan Rang cho biết đã đến thăm, vợ con anh có đến nhà thờ cầu nguyện tin Chúa, Hội Thánh có tặng gia đình một quyển Kinh Thánh Tân Ước.
Tôi bị giam 18 tháng tại Trại giam số 4 Phan Ðăng Lưu, được cấp cứu bốn lần vì tim mạch. Ðến ngày 18 tháng 9 năm 1984, tôi nhận được giấy tạm tha vì điều kiện sức khỏe. Mấy tháng sau, tôi lại nhận được giấy gọi trở lại Trại giam số 4 Phan Ðăng Lưu, không biết lý do.
Khi tôi đến Trại giam, thì gặp một người tên Vũ Ðoàn Viên, là Cán Bộ Công An, tuổi trung niên, người Bắc, đã từng chất cung tôi trước đây. Trong phòng có một cái bàn dài, trên bàn có Kinh Thánh, có Tự Ðiển Việt-nam, có rất nhiều tập vỡ cũ (sau nầy tôi mới biết đó là những tập ghi bài giảng của các Mục sư Hồ Hiếu Hạ, Nguyễn Hữu Cương). Nhận xét đầu tiên của tôi là buổi gặp hôm nay đã được họ chuẩn bị rất chu đáo, nhưng tôi không biết mục đích của họ là gì. Sau vài câu chào hỏi xã giao, người Can Bộ nói với tôi rằng: “Chúng tôi biết anh là một Mục sư chân chính, không hề làm chính trị, nên hôm nay chúng tôi mời anh đến đây để nhờ anh một việc hoàn toàn thuộc phạm vi chức năng Mục sư của anh. Chúng tôi muốn nhờ anh xác nhận xem những lời giảng của các anh Cương, và anh Hạ, có phải là từ Kinh Thánh không”.
Ông ấy mở một quyển sổ lớn dò tìm một khoản rồi lục trong chồng tập bên cạnh rút ra một quyển, đọc cho tôi nghe một câu trong bài giảng của Mục sư Cương: “Chỉ có Cơ-đốc nhân mới biết ca hát, còn người vô đạo không biết ca hát là gì”. Ông Viên hỏi tôi: “Anh cho chúng tôi biết Kinh Thánh có nói rằng ‘Người vô đạo không biết ca hát không? Tôi nhắc lại là chúng tôi không yêu cầu anh nói gì về chính trị, chúng tôi chỉ yêu cầu anh cho biết ‘Kinh Thánh có nói như vậy không’. Anh thấy rõ điều chúng tôi nhờ anh hoàn toàn thuộc chức năng Mục sư. Anh Cương mắng chúng tôi là người vô đạo, nghĩa là người không có đạo đức. Chúng tôi hỏi anh Cương ý nghĩa hai chữ ‘Vô Ðạo’ là gì, anh ấy là Phó Tiến Sĩ Thần học mà giải nghĩa ‘vô đạo’ là người không có đạo. Anh xem trong Tự điển Việt-nam giải thích chữ ‘vô đạo’ là gì đi (ông ấy đưa cho tôi quyển Tự Ðiển Việt-nam, tôi cầm lấy nhưng không mở ra). Anh Cương còn nói chúng tôi không biết ca hát, vậy thì anh đang nghe cái gì đó? Lúc ấy bên ngoài từ các loa phát thanh bài “Mùa Xuân trên Thành Phố…”
Tôi thấy họ đầy khôn ngoan và thủ đoạn muốn lừa tôi vào bẫy để buộc tội các Mục sư. Lòng tôi cầu nguyện với Chúa xin ban cho tôi sự khôn ngoan để trả lời.
Tôi nói với người Công An mưu lược nầy: Trong Hội Thánh Tin Lành chúng tôi có hai loại bài giảng: bài giảng bồi linh dành cho các tín hữu, và bài giảng truyền giảng dành cho những người chưa tin Chúa. Ðây là bài giảng bồi linh, nên khi nghe Mục sư Cương nói ‘người vô đạo’ ai cũng hiểu là nói về những người không có đạo, nghĩa là những người chưa tin Chúa. Còn nói ‘ca hát’ là nói đến sự ngợi khen Chúa, người chưa tin Chúa thì làm sao biết ngợi khen Chúa”.
Người Công An ấy có vẻ bực tức vì không lừa được tôi, nên lại tra tìm một bài giảng khác. “Ðây nầy, anh nghe anh Cương giảng nè: Ðừng mua vé số, mua vé số là cờ bạc. Ðừng đọc báo trước khi ngủ, nếu không muốn khi ngủ nhìn thấy ác mộng. Nhà Nước chủ trương phát hành vé số để xây dựng đất nước. Thế mà anh Cương lại cho rằng đó là cờ bạc. Không lẽ Nhà Nước chủ trương cờ bạc sao? Báo chí là phương tiện tuyên truyền chánh sách của Nhà Nước, thế mà anh Cương lại cho rằng đọc báo sẽ thấy ác mộng. Anh là Mục sư, anh cho chúng tôi biết ‘Kinh Thánh có nói là đừng mua vé số, đừng đọc báo, vì sẽ thấy ác mộng’ không?”
Tôi nói với người Cán bộ đó: Người tin Chúa nào cũng biết là Mục sư đang nói về những người mua vé số vì lòng tham tiền. Kinh Thánh nói rằng ‘Tham tiền là cội rễ mọi điều ác’. Tôi hỏi Cán Bộ có phải những người mua vé số là vì họ muốn xây dựng đất nước hay là vì họ tham tiền? Muốn xây dựng đất nước thì có bao nhiêu cách, đâu phải chỉ là mua vé số. Còn vấn đề đọc báo, bất cứ người tín đồ nào cũng biết Mục sư Cương đang khuyên tín đồ mỗi tối thay vì chỉ đọc báo, thì phải đọc Kinh Thánh cầu nguyện trước khi đi ngủ để Chúa giữ gìn bình an, khỏi phải nằm mơ nầy mộng nọ”.
Người Cán bộ ấy lại quay sang một bài giảng của Mục sư Hồ Hiếu Hạ. Mục sư Hạ giảng trong sách Gióp 35:10b, “Chúa khiến cho người ta hát vui mừng trong ban đêm”. Mục sư Hạ áp dụng: Ban đêm của chúng ta là gì? Ban đêm của chúng ta là không có Hộ khẩu, không có việc làm … Người Công An ấy nói: “Anh là Mục sư, hãy xác nhận cho chúng tôi biết Kinh Thánh có nói ban đêm là không Hộ khẩu, không việc làm không?”
Tôi trả lời: “Người tín đồ nào cũng biết Kinh Thánh thường áp dụng “ban đêm” là những khó khăn, những thiếu thốn, khổ cực trong cuộc sống hằng ngày. Thực tế, một người không có Hộ khẩu thì không đi học được, không xin việc làm được, nên áp dụng là ‘ban đêm’ như vậy là đúng”.
Gần ba tiếng đồng hồ, tôi phải giải thích, cuối cùng họ cho tôi về nhà. Sau đó vài tháng, họ đưa các Mục sư Nguyện Hữu Cương, Mục sư Hồ Hiếu Hạ ra Tòa kêu án mỗi vị 8 năm tù; còn Truyền Ðạo Lê Thiện Dũng với án là 5 năm tù; Truyền Ðạo Ðoàn Trung Tín và Châu văn Sáng, mỗi người ba năm tập trung cải tạo không xét xử. Còn tôi, một năm sau, 1985, họ kêu lên Viện Kiểm Sát Thành phố để trao cho tôi ‘Quyết định miễn tố với tội danh: Cùng đồng bọn tuyên truyền phản cách mạng, giảng đạo trái phép, trả về nguyên quán Ðồng nai quản lý tại chỗ’.
Khi tôi nghe đọc Quyết Ðịnh Miễn Tố nầy, tôi không chịu nhận với những lý do:
1, Suốt quá trình trong Trại giam, chưa có Cán bộ Chất pháp nào đề cập với tôi tội danh ‘Tuyên truyền phản cách mạng’. Nếu chúng tôi phạm tội phản cách mạng thì làm gì tôi được miễn tố. Nếu chúng tôi làm chính trị phản cách mạng thì Giáo hội đã cách chức chúng tôi từ lâu rồi, đợi gì đến Chánh quyền bỏ tù. Nếu tôi có làm việc gì gọi là Phản cách mạng, tôi tình nguyện trở vào tù (Tôi vẫn nhớ đến giờ phút đó, anh em tôi vẫn còn trong tù, nếu tôi nhận giấy miễn tố nầy, tôi có lợi, nhưng vô tình nhận rằng chúng tôi đã làm chuyện phản cách mạng).
2. Làm gì có chuyện giảng đạo trái phép! Là Mục sư đương nhiên chức năng là giảng đạo. Tôi chỉ giảng trong nhà thờ là nơi dùng để giảng đạo. Tôi không giảng điều gì khác hơn là giáo lý trong Kinh Thánh. Chính các anh theo dõi đã nghe tôi giảng và không buộc tội tôi giảng điều gì sai Kinh Thánh. Thế thì sao gọi là giảng đạo trái phép.
Tôi từ chối nhận giấy Quyết Ðịnh Miễn Tố, thì người Cán Bộ Viện Kiểm Sát yêu cầu tôi phải nhận, vì trách nhiệm của anh ấy, nếu tôi không nhận thì anh ấy sẽ bị khiển trách. Tôi nói với anh là tôi sẽ tạm nhận với điều kiện tôi phải ghi vào Biên nhận những ý kiến của tôi. Tôi đã ghi tất cả ý kiến của tôi và ghi thêm những chữ ‘tôi tạm nhận để anh Cán Bộ không bị khiển trách’. Cầm tờ Biên nhận nhỏ với chi chit chữ, anh Cán Bộ đó lầu bầu, nhưng đành chịu. Tôi về đến nhà và lập tức làm một đơn khiếu nại từng khoản như trên và yêu cầu Viện Kiểm Sát điều chỉnh Quyết Ðịnh Miễn Tố. Tôi gởi đơn nầy kèm theo tờ Quyết Ðịnh Miễn Tố cho Viện Kiểm Sát Thành Phố. Cho đến nay (lúc tôi viết những lời nầy), họ chẳng trả lời. Ngược lại cũng cho đến nay, tôi và gia đình chúng tôi gồm vợ, chồng, con cái, không một người nào được cấp hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân, chúng tôi chỉ nhận được giấy chứng nhận tạm trú dài hạn, mỗi năm phải xin gia hạn một lần.
Năm 1987, Tổng Liên Hội theo đơn xin của Hội Thánh tại Bình Tây, gởi đơn lên Chánh quyền thành phố, xin bổ nhiệm tôi làm chủ tọa Hội Thánh tại Bình Tây, nhưng Công An bác đơn với lý do chưa có Hộ khẩu và đã vi phạm pháp luật Nhà Nước.
Tôi cầm đơn bị bác đó lên Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố khiếu nại, thì được cấp giấy giới thiệu qua Sở Công An làm thủ tục xin nhập Hộ khẩu. Một tuần sau, tôi nhận được một QUYẾT ÐỊNH TRỤC XUẤT RA KHỎI THÀNH PHỐ TRONG VÒNG 7 NGÀY.