Ê-xơ-tê


SÁCH Ê-XƠ-TÊ 1
NGƯỜI PHỤ NỮ LỪNG DANH.

********************************



Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN.Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Từ hôm nay, chúng ta sẽ cùng học một sách lịch sử mới rất thu hút người đọc, đó là sách Ê-xơ-tê. Nhưngtrước khi nói đến Hoàng hậu Ê-xơ-tê, chúng ta cần nói đến một người phụ nữ lừng danh thánh sử khác là Bát-sê-ba.
I/. GIA THẾ BÁT-SÊ-BA.
Bát-sê-ba, tên của nàng có nghĩa là người con gái của lời thề. Không biết khi sanh nàng, cha mẹ nàng đã thề nguyện điều chi, hoặc gởi gắm ước vọng vào đứa con gái mà họ tin rằng sắc đẹp của nàng sẽ đưa nàng lên một nấc thang Mẫu Nghi Thiên Hạ, trong cái thời mà con trai quan trọng hơn con gái (Giêrêmi 20:14-15).
Bát-sê-ba thuộc con nhà quyền thế, cha nàng là Ê-li-am (II Samuên 11:3) tự là A-mi-ên (I Sử 3:5), là một trong ba mươi bảy dũng sĩ của Đa-vít. Ông nội của Bát-sê-ba là A-hi-tô-phe (II Sam. 23:34), một mưu sĩ giỏi cũng là bạn thân của Đa-vít, rất được nể trọng vì sự khôn ngoan mưu trí của ông, và chính ông cũng được lòng dân (II Sam. 15:12, 31; 16:23).Chồng của Bát-sê-ba là U-ri, cũng là một trong các dũng sĩ của Đa-vít và được tin cậy, đã đem lại những chiến thắng cho Đa-vít (II Sam. 23:39).
Trong phương diện di truyền, người ta công nhận sự liên hệ giống nhau về hình vóc, tánh tình, giữa ông nội với cháu. Xét như thế, Bát-sê-ba chắc chịu ảnh hưởng và được giáo dục theo khuynh hướng có chủ tâm của ông nội A-hi-tô-phe: con trai của ông không được làm vua, thì cháu của ông làm Hoàng hậu, cháu cố của ông làm vua.
II/. SẮC ĐẸP BÁT-SÊ-BA.
Khi Bát-sê-ba bước vào cuộc diện, nàng đã đi vào với một thân thể nguyên vẹn không che đậy. Sách II Sam. 11:2 ghi: “Một buổi chiều kia, Đa-vít chổi dậy khỏi giường mình,đi dạo chơi trên nóc đền vua, bèn thấy một người nữ đương tắm, người nữ ấy rất là lịch sự”.
Ngoài những từ rất lịch sự, chúng ta không biết thêm một điểm nào về sắc đẹp của Bát-sê-ba.Nhưng cũng từ hôm ấy, một con người tài hoa như Đa-vít đã vướng phải tơ tình với người nữ đó. Qua điều ấy, chắc chắn nàng phải có một sắc đẹp đặc biệt, khiến anh hùng phải lụy.
Để nhận diện môt người đẹp như Bát-sê-ba, Kinh thánh đã sử dụng một lối văn khoa trương. Chúng ta có thể thấy phương pháp đó qua một người tài hoa như Đa-vít, vừa mang hình ảnh lý tưởng của nam giới - mặt người hồng hồng, con mắt xinh lịch, lại là một chiến sĩ dũng mãnh bách chiến bách thắng, cũng là một ca nhạc sĩ tài hoa. Bên cạnh Đa-vít, có những người đẹp của Y-sơ-ra-ên đều sẵn sàng hát múa, vỗ trống, gõ nhịp, đón chào người anh hùng Đa-vít từ chiến trường thắng lực sĩ khổng lồ Gô-li-át trở về (I Sam. 18:6). Dù vậy, dường như Đa-vít đã không chút vướng bận hay rung động, nếu có chăng chỉ là cuộc vui mà thôi.
I Sam. 18:17 cho nàng đại công chúa Mê-ráp của Sau-lơ xuất hiện.Mê-ráp là công chúa đầu lòng của một vị vua đẹp trai, được giới thiệu cho Đa-vít.Theo truyền thống ước lệ thì công chúa bao giờ cũng đẹp, mà con của vị vua đẹp trai, chắc chắn công chúa Mê-ráp phải đẹp.Nhưng Đa-vít đã khéo léo từ chối (18:18).
Đến công chúa Mi-canh, nàng công chúa út với câu nói dân gian Việt Nam: ‘giàu út ăn, nghèo út chịu’, con út bao giờ cũng dễ thương, được cưng chìu, nhất là con gái út của vua Sau-lơ. Với tánh tình như thế bộc lộ vóc dáng của Mi-canh chịu nhiều di truyền cha là vua Sau-lơ, mang một nét quyến rũ mà trong một thoáng Đa-vít vẫn còn nhớ đến.
Rồi I Sam. 25, với A-bi-ga-in. Bậc thang tài sắc của những người đẹp quanh Đa-vít càng lúc càng tăng cao với A-bi-ga-in. Nàng đã xuất hiện với lời giới thiệu: vợ thì thông minh tốt đẹp, còn chồng thì cứng cỏi, hung ác (I Sam. 25:3). A-bi-ga-in vừa đảm đang biết quản trị tài sản gia đình, vừa được lòng gia nhân, vừa có mưu lược ngăn chận cơn giận của Đa-vít, đoán biết đường đi nước bước của Đa-vít. Tài đối đáp của A-bi-ga-in đã vuốt ve cơn giận của Đa-vít và cũng đã làm xao động trái tim của người hùng.Tài như thế, cảnh như thế, sắc của nàng ắt phải trên bất cứ một người đẹp nào mà người hùng Đa-vít đã gặp(II Sam. 11:2-5).Đến A-bi-ga-in thì người đẹp đã đạt đến một cái gì gần như hoàn hảo ‘tài sắc vẹn toàn’, công-dung-ngôn-hạnh.
Với một bối cảnh được dàn dựng như thế, Kinh thánh cho người đẹp Bát-sê-ba xuất hiện!
Ngay khi vừa xuất hiện, Bát-sê-ba đã trình diện với những đường nét hiện ra trong ánh sáng mờ mờ của buổi hoàng hôn đã làm cho trái timvua Đa-vít quên hẳn những bóng hình của Mi-canh, của A-bi-ga-in,tất cả ra khỏi trái tim Đa-vít. Nếu nói xa hơn, ngay cả Chúa vinh hiển mà ngày nào khi đối mặt với sư tử, gấu, hay lực sĩ Gô-li-át, Đa-vít cũng không quên, thế mà kể từ cái đêm hôm ấy, Đa-vít cũng đã quên Đức Chúa Trời của mình.
Đến I Vua 1:1-4.Cuối những trang sử cuộc đời Đa-vít, một người đẹp nữa đã được đưa vào để tranh giành với Bát-sê-ba.Người đẹp A-bi-sác xuất hiện như một lời kết cho câu chuyện tình nầy. A-bi-sác với những điểm lý tưởng: một cô gái còn trẻ, đồng trinh, người đẹp đất Su-nem biết chăm sóc cho Đa-vít (II Vua 4:25, đất Su-nem của chi phái Y-sa-ca nổi tiếng cung ứng những người phụ nữ đẹp biết chăm sóc như những nữ điều dưỡng viên). Người nữ trẻ A-bi-sác, vừa đẹp vừa tế nhị, đối diện với một Bát-sê-ba bây giờ không còn tươi trẻ như ngày nào. Thế mà hình bóng Bát-sê-ba vẫn còn ngự trị trong trái tim vị vua đa tình, tiếng nói của Bát-sê-ba vẫn còn uy lực để giành lấy chiếc ngai vàng cho con mình là Sa-lô-môn. Bát-sê-ba, người tình muôn thuở đã gắn liền với vua Đa-vít.
III/. TÌNH SỬ BÁT-SÊ-BA
“Người con gái của lời thề” năm nào trong gia đình, đã có cơ hội bước vào Hoàng cung của Đa-vít để tạo nên một thiên tình sử.
Bát-sê-ba với lời thề của ông nội A-hi-tô-phe và được ông nội đào luyện. Nàng đã có một người chồng là dũng sỉ U-ri, có sức mạnh, nhưng tấm lòng quá chân thật, quá yêu nước, say mê chinh chiến hơn là say mê người vợ đẹp (II Sam. 11:8-13). Không biết U-ri và Bát-sê-ba cưới nhau được bao lâu, điều suy đoán là tình yêu của họ dường như không nồng thắm lắm. Chỉ một hay vài đêm bên cạnh Đa-vít, nàng Bát-sê-ba tức thì thọ thai, trong khi thời gian bên cạnh U-ri, nàng Bát-sê-ba vẫn còn trống rỗng.
Im lặng chấp nhận hay vui mừng bước vào cung cấm?, Bát-sê-ba phải trả lời một trong hai lý do: Sẵn sàng khuất phục uy quyền của một vị vua, để đạt được lời nguyền của ông nội.
Nếu bảo nàng khuất phục, thì chắc chắn nàng đã vùng dậy sau khi bị ép buộc, khi đó nàng sẽ khóc thật nhiều.Nhưng dường như Bát-sê-ba bình tĩnh lạ. Nàng trở về nhà để làm sạch thân thể, nhất là còn đủ bình tĩnh đến báo tin cho vua Đa-vít biết: “Tôi đã có thai!”.
Vua Đa-vít có hứa gì với người đẹp Bát-sê-ba trong lúc gặp nàng không? Câu trả lời chỉ có người đẹp Bát-sê-ba nắm giữ để trước lúc vua Đa-vít băng hà, Bát-sê-ba đã tung ra đòi hỏi thực hiện lời hứa đó trong di chiếu của vua Đa-vít.
IV/. THÁI HẬU BÁT-SÊ-BA
Sách I Vua 1:5-14, ghi hoạt động của các phe nhóm tranh giành ngai vàng đã diễn ra ráo riết, cả hai đều có những điều kiện tranh ngôi báu và đều biết ý nhau.
PHE A-ĐÔ-NI-GIA: Hoàng tử A-đô-ni-gia với vóc dáng dễ mến, vị trí kế thừa ngai vị hợp lý theo thứ tự hoàng tử, lại có Tướng Giô-áp là Tổng tham mưu trưởng, và thầy tế lễ A-bia-tha ủng hộ, quân đội đứng về phía Hoàng tử đẹp trai A-đô-ni-gia.
PHE BÁT-SÊ-BA (hay phe Sa-lô-môn): Có Tiên tri Na-than đại diện cho hàng quan Văn và thầy tế lễ Xa-đốc, dũng sĩ Bê-na-gia ủng hộ.
So sánh lực lượng, cán cân nghiêng hẳn về phía Hoàng tử A-đô-ni-gia, nên các Hoàng tử khác đã mau lẹ chạy theo ủng hộ A-đô-ni-gia. Tiên tri Na-than và Bát-sê-ba đã nhận ra thế yếu của mình, hi vọng chỉ còn trông vào vai trò của Bát-sê-ba với tất cả nghệ thuật của nàng một thuở nào vang bóng.
Người đẹp Bát-sê-ba đã ra tay lần nầy thật nguy hiểm, khi không có trong tay sức mạnh của quân đội, bà đã vượt qua tất cả lính canh, ngay cả vượt qua người đẹp A-bi-sác còn trấn giữ bên cạnh vua Đa-vít. Bát-sê-ba thật can đảm, một thứ can đảm gần như liều mạng, lần thứ hai trong đời bà quên cái chết. Cái hay của Bát-sê-ba là biết lúc nào cần liều mạng sống và bà đã thành công. Di chiếu đã được viết, vua đã quyết định, trước lời hứa xưa bên người đẹp, trước tiếng nói và nước mắt từng làm vua Đa-vít rung động.Đa-vít đã chiến thắng trên mọi phương diện, chỉ trừ trước người đẹp Bát-sê-ba.Đòn tâm lý của phe Tiên tri Na-than đã đánh trúng, không cần đổ một giọt máu, Sa-lô-môn đã lên ngôi giữa sự bàng hoàng của phe A-đô-ni-gia (I Vua 1:49).
Một lần nữa, Bát-sê-ba đã thắng, Sa-lô-môn đứa con của bà, đứa con của lời thề nguyện ngày nào của dòng họ A-hi-tô-phe đã chính thức lên ngôi báu. Kể từ giờ phút nầy thần dân Y-sơ-ra-ên phải thêm một tiếng tung hô dành cho Bát-sê-ba: Thái hậu Bát-sê-ba thiên tuế.
Tất cả địch thủ đã bị loại.Thái hậu đã đủ tư cách kiêu hãnh trước tài sắc của mình.Tuy nhiên cuộc đời không dễ như Thái hậu Bát-sê-ba nghĩ. Từ địa vị một công nương được lên ngôi Quý phi, rồi bây giờ là Thái hậu, có lẽ bà đã nghĩ đếnviệc nắm trong tay uy quyền tột đỉnh. Thái hậu đã đến yêu cầu hay muốn ‘ra lịnh’ cho vua Sa-lô-môn ban A-bi-sác cho A-đô-ni-gia. Đối với bà, A-bi-sác là một người đáng ghét, vì tranh sắc đẹp của bà, đã làm cho bà phải lo lắng khi người con gái trẻ hiện diện bên cạnh vua Đa-vít ngày nào. Đưa ra yêu cầu nầy, Thái hậu Bát-sê-ba muốn vừa là thi ân vừa muốn chứng tỏ uy quyền của bà đối với Tân vương Sa-lô-môn, cũng vừa muốn diệt trừ một kẻ thù đáng ghét chập chờn trước mắt.
Bất ngờ, thật bất ngờ, vua Sa-lô-môn đã từ chối yêu cầu.Chắc chắn Thái hậu Bát-sê-ba đã biến sắc vì lần đầu tiên trong cuộc đời,lời yêu cầu của bà bị từ chối, ngay cả vua Đa-vít cũng không thể từ chối. Vua Sa-lô-môn từ chối yêu cầu của bà vì muốn chứng tỏ vua Sa-lô-môn là con của vua Đa-vít bởi vợ của U-ri, không phải là vợ của vua Đa-vít (Math. 1:5).Người ta không còn thấy bóng dáng của bà trong chính trường và lịch sử Y-sơ-ra-ên.Một ngàn năm sau người ta vẫn gọi bà là vợ của U-ri, người ta không muốn nhận bà là vợ của vua Đa-vít, kể cả con trai của bà.
Tôi mượn lời của Sa-lô-môn trong Nhã ca 8:6-7viết lời kết cho câu chuyện tình nầy,“Vì ái tình mạnh như sự chết, Lòng ghen hung dữ như Âm phủ. Sự nóng nó là sự nóng của lửa, Thật một ngọn lửa của Đức Giê-hô-va.Nước nhiều không tưới tắt được ái tình, Các sông không nhận chìm nó được; Nếu người nào đem hết tài sản nhà mình, đặng mua ái tình, Ắt người ta sẽ khinh dễ nó đến điều”.