2 Sử Ký



SÁCH NÊ-HÊ-MI 1
NÊ-HÊ-MI – NGƯỜI YÊU THƯƠNG DÂN TỘC MÌNH

**************************************



Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng nhau học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Hôm nay, chúng ta học sách Nê-hê-mi, một trong 3 sách thuộc thời kỳ hậu lưu đày: E-xơ-ra, Nê-hê-mi, và Ê-xơ-tê. Chúa đã cho chúng ta được học sách E-xơ-ra, bây giờ, chúng ta được tiếp tục cùng học sách lịch sử thứ hai hậu lưu đày, đó là sách Nê-hê-mi, với chủ đề: Nê-hê-mi – Người yêu thương dân tộc mình.
Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh đều công nhận phần lớn sách Nê-hê-mi là do Nê-hê-mi viết từ đoạn 1 đến đoạn 7 và từ đoạn 12:27 đến đoạn 13:31 vì trong các đoạn nầy, tác giả dùng nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhất: TÔI; còn lại là từ đoạn 8 đến đoạn 12:26 có lẽ là do E-xơ-ra viết.
Nê-hê-mi 12:11, 22, có tên Gia-đua, sử sách chép Gia-đua là thầy tế lễ thượng phẩm vào lúc A-lịch-sơn Đại Đế của Hi Lạp đến thăm Giê-ru-sa-lem, trên đường đi đánh nước Ba-tư vào năm 332 TC. Cho nên bảng danh sách trong đoạn 12 được viết vào đời Nê-hê-mi, và về sau được viết thêm vào.
CON NGƯỜI NÊ-HÊ-MI:

  1. Nê-hê-mi - người yêu mến dân tộc mình: (1:1)

Với 2:3, nhóm từ “nơi có mồ mả của tổ phụ tôi”, cho thấy Nê-hê-mi là người Y-sơ-ra-ên, yêu mến quê hương, dù ông không được sanh ra trong nước Y-sơ-ra-ên.
1:1, vừa khi vào sách, Nê-hê-mi đã xác định ông là con của Ha-ca-lia. Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh đồng ý Nê-hê-mi thuộc chi phái Giu-đa, tức là thuộc Hoàng tộc. Ý kiến nầy thích hợp với:

  • Khi quân Ba-by-lôn bắt lưu đày dân Giu-đa, thì họ thường chọn những thanh niên con cái hoàng tộc, khỏe mạnh, khôn ngoan, để sử dụng trong triều đình Ba-by-lôn, như trường hợp Đa-ni-ên, và ở đây là Nê-hê-mi cũng thuộc hoàng tộc vua Đa-vít.
  • Tên của Nê-hê-mi có nghĩa là người được Đức Chúa Trời an ủi, có thể do cha mẹ của Nê-hê-mi thuộc hoàng tộc, khi bị lưu đày sang Ba-by-lôn, lòng họ nguyện cầu Đức Chúa Trời an ủi họ nơi đất khách quê người, nên đặt tên con mình là Nê-hê-mi.

Nê-hê-mi lớn lên trong thời lưu đày và được tuyển vào hoàng cung Ba-tư. Chức vụ của Nê-hê-mi là quan tửu chánh tại kinh đô Su-sơ, tức người dâng rượu cho vua. Chức vụ nầy là người được vua tin cậy, phải nếm thử rượu trước khi dâng cho vua uống, để tránh vua bị đầu độc.
Dù làm quan trong triều đình Ba-tư, nhưng lòng của Nê-hê-mi lúc nào cũng quan tâm đến quê hương Y-sơ-ra-ên của ông, bằng cớ:

  • 1:1-2, Nê-hê-mi quan tâm thăm hỏi quê hương, Kinh thánh ghi: “Năm thứ hai mươi, nhằm tháng Kít-lơ, xảy khi tôi đương ở tại kinh đô Su-sơ, có một người trong anh em tôi tên là Ha-na-ni với vài người Giu-đa đến tôi hỏi thăm chúng về dân Giu-đa đã được thoát khỏi, tức những kẻ đã bị bắt làm phu tù còn sót lại, và hỏi luôn về những việc ở Giê-ru-sa-lem”.
  • 1:3-4, Nê-hê-mi nghe tin dân Y-sơ-ra-ên của ông còn sót lại ở Giê-ru-sa-lem bị khổ nạn thì ông buồn rầu, cầu nguyện với Chúa. Kinh thánh ghi: “Các người ấy nói với tôi rằng: Những kẻ bị bắt làm phu tù còn sót ở lại trong tỉnh, bị tai nạn và sỉ nhục lắm; còn vách thành của Giê-ru-sa-lem thì hư nát và các cửa nó đã bị lửa cháy. Khi tôi nghe các lời ấy, bèn ngồi mà khóc, cư tang mấy ngày; tôi cữ ăn và cầu nguyện Đức Chúa của các từng trời…”.
  • 1:6-9, và Nê-hê-mi dâng những lời cầu nguyện lên Chúa: “Tôi xin mắt Chúa hãy đoái đến và lỗ tai Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của kẻ đầy tớ Chúa, mà tôi hiện lúc nầy hằng ngày và đêm cầu nguyện vì dân Y-sơ-ra-ên, là các tôi tớ Chúa, ở tại trước mặt Chúa và xưng những tội của dân Y-sơ-ra-ên mà chúng tôi đã phạm với Ngài. Và lại tôi và nhà của tổ phụ tôi cũng có phạm tội. Chúng tôi có làm rất ác tệ nghịch cùng Chúa, không vâng giữ điều răn giới mạng và luật lệ của Chúa đã phán dạy Môi-se, là kẻ tôi tớ Chúa. Xin Chúa hãy nhớ lại lời Chúa đã phán dạy Môi-se, kẻ tôi tớ Chúa rằng: Nếu các ngươi phạm tội, ta sẽ tan rải các ngươi giữa các dân tộc; còn nếu các ngươi trở lại cùng ta, gìn giữ làm theo các điều răn của ta, dầu khi kẻ bị tan lạc của các ngươi ở cuối tận trời, ta cũng sẽ từ đó chiêu tập chúng nó về, và dẫn chúng nó đến nơi ta đã chọn đặng cho danh ta ngự tại đó”. Một lời cầu nguyện cho dân tộc thật cảm động, ghép cả chính mình và gia đình mình vào với dân tộc.

Nói đến đây, tôi chạnh lòng nhớ đến những vần thơ của một người xa xứ, xa quê hương, xin chép lại đây để cảm cái cảnh sầu xa xứ của Nê-hê-mi:
Bỗng thấy đời mình như áng mây,
Vì sao trôi giạt đến nơi nầy.
Mây ơi, mây có sầu viễn xứ,
Chia sẻ giùm ta chút đắng cay.
Kinh thánh đã ghi lại những đời sống của các thánh đồ với tấm lòng cầu thay cho dân tộc mình, như:

  •  Trước hết, chúng ta phải nhắc đến người cầu thay Áp-ra-ham:

Sách Sáng-thế ký đoạn 18 ghi lại tường tận lời cầu thay của Áp-ra-ham dành cho hai thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ, dù hai thành phố đó không phải quê hương của Áp-ra-ham, nhưng trong đó gia đình cháu của ông là Lót, người cháu thiếu tôn trọng ông, nhưng lòng Áp-ra-ham vẫn yêu thương mà cầu nguyện thay. Áp-ra-ham thưa với Chúa: “Mặc dầu tôi đây vốn là tro bụi, song tôi cũng dám cả gan thưa lại cùng Chúa. Hoặc trong năm mươi người công bình rủi thiếu hết năm; vì cớ năm người thiếu Chúa sẽ diệt hết cả thành chăng?” (Sáng. 18:27).

  • Môi-se.

Sách Xuất. 32:30-35, Môi-se đã cầu thay cho dân tộc mình sau khi họ thờ tượng con bò con vàng, Kinh thánh ghi: “Ngày mai, Môi-se nói cùng dân sự rằng: Các ngươi đã phạm một tội rất trọng; song bây giờ ta lên đến Đức Giê-hô-va, có lẽ ta sẽ được chuộc tội các ngươi chăng. Vậy, Môi-se trở lên đến Đức Giê-hô-va mà thưa rằng: Ôi! dân sự nầy có phạm một tội trọng, làm cho mình các thần bằng vàng; nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ! Bằng không, hãy xóa tên tôi khỏi sách Ngài đã chép đi”. Cảm ơn Chúa, Ngài đã tha thứ cho dân tộc của Môi-se.

  • Ê-li.

Trên núi Cạt-mên, một mình tiên tri Ê-li chống lại 450 tiên tri Ba-anh chỉ với mục đích duy nhất: “Đức Giê-hô-va ôi! Xin nhậm lời tôi, xin đáp lời tôi, hầu cho dân sự nầy nhìn biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, và Ngài khiến cho lòng họ trở lại” (I Vua 18:37).
Tôi nhớ bài hát thời dạy thiếu nhi nói về Ê-li:
Thiết tha kêu xin thay cho dân tộc mình, tiên tri Ê-li quỳ tại núi kia,
Ác gian quăng xa, Giê-hô-va nhậm lời, từ trời Ngài trút một cơn mưa.

  • Tiên tri Giê-rê-mi.

Những người học Kinh thánh thường gọi tiên tri Giê-rê-mi là tiên tri của nước mắt. Thật vậy, lúc nào người đọc sách của Giê-rê-mi sẽ thấy sách đẫm nước mắt, không phải vì hoàn cảnh Giê-ru-sa-lem bị bao vây sắp sụp đổ, nhưng vì lòng yêu thương dân tộc mình. Hãy nghe Giê-rê-mi khóc: “Ước gì tôi được yên ủi, khỏi sự lo buồn! Lòng tôi mỏi mệt trong tôi! Nầy có tiếng kêu la của con gái dân ta, kêu từ đất xa lắm, rằng: Đức Giê-hô-va không còn ở trong Si-ôn sao? Vua của thành ấy không còn ở giữa thành sao?... Mùa gặt đã qua, mùa hạ đã hết, mà chúng ta chưa được cứu rỗi! Con gái dân ta bị thương, ta vì đó bị thương; ta đương sầu thảm; bị sự kinh hãi bắt lấy… Ôi! ước gì đầu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn lụy! hầu cho tôi vì những kẻ bị giết của con gái dân ta mà khóc suốt ngày đêm. Ôi! ước gì tôi có một cái quán khách bộ hành trong đồng vắng! để tôi được bỏ dân ta mà đi xa khỏi họ…” (Giê. 8:18 – 9:1-2)
Sách Ca-thương ghi lại tấm lòng của Giê-rê-mi như một bài ai ca cầu nguyện cho dân tộc của ông trong giờ phút sắp bị lưu đày: “Mắt tôi chảy dòng nước, vì gái dân tôi mắc diệt vong. Mắt tôi tuôn nước mắt không thôi cũng không ngớt, cho đến chừng nào Đức Giê-hô-va đoái xem, từ trên trời ngó xuống”.

  • Tiên tri A-mốt.

Nếu đọc sách A-mốt ngay từ đoạn 1, tiên tri A-mốt đã công kích tội lỗi của các dân, trong đó có dân Y-sơ-ra-ên của ông lớn đến gấp ba gấp bốn lần (2:5-8). Nhưng khi A-mốt thấy Đức Giê-hô-va giáng hình phạt xuống dân tộc của ông, A-mốt đã cầu xin Chúa tha thứ, không phải một lần mà hai lần. Sách A-mốt ghi lại tấm lòng của tiên tri A-mốt: “Nầy là điều mà Chúa Giê-hô-va khiến ta xem thấy: Nầy, Ngài làm nên những cào cào trong lúc cỏ bắt đầu mọc lại; ấy là cỏ mọc lại sau các kỳ cắt cỏ của vua. Khi cào cào đã cắn nuốt cỏ trong đất rồi, ta nói rằng: Hỡi Chúa Giê-hô-va, tôi cầu xin Ngài hãy tha thứ! Gia-cốp há có thể đứng được sao? Vì nó là nhỏ. Đức Giê-hô-va bèn ăn năn về việc nầy. Đức Giê-hô-va phán rằng: Điều đó sẽ không xảy ra đâu”.
“Chúa Giê-hô-va cho ta xem thấy như sau nầy: Nầy, Chúa Giê-hô-va khiến lấy lửa mà chống trả. Lửa ấy thiêu nuốt vực lớn, đoạn hầu ăn nuốt đất. Bấy giờ ta nói rằng: Hỡi Chúa Giê-hô-va, tôi cầu xin Ngài hãy thôi đi! Gia-cốp há có thể đứng được sao? Vì nó là nhỏ. Đức Giê-hô-va bèn ăn năn về việc nầy. Chúa Giê-hô-va phán rằng: Điều đó cũng sẽ không xảy đến”. (7:1-6).

  • Sứ đồ Phao-lô.

Chúng ta không thể quên tấm lòng của sứ đồ Phao-lô đối với dân Y-sơ-ra-ên của ông, thể hiện trong thư Rô-ma, hai lần Phao-lô nói đến lòng ông ước ao dân tộc ông được cứu rỗi. Phao-lô nói: “Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Đức Thánh Linh: tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác, tức là dân Y-sơ-ra-ên… ấy là cho họ được cứu” (Rô. 9:1-5; 10:1).

  • Chúa Jêsus Christ.

Trên hết những gương yêu thương dân tộc mình và muốn họ được cứu rỗi, ấy là chính Chúa Jêsus Christ của chúng ta. Chúa Jêsus Christ đã mượn dân Y-sơ-ra-ên vào thế gian nầy, dù dân mình từ chối Ngài (Giăng 1:11), nhưng Chúa Jêsus Christ đã đi khắp các thành, các làng, rao báo Tin Lành hầu cho dân tộc mình được cứu, với tấm lòng: “Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn” (Math. 9:35-36). Chúa Jêsus cũng dùng thí dụ Người Sa-ma-ri nhơn lành để trách những người không quan tâm cứu dân tộc mình qua hình ảnh Chúa Jêsus phán: “một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi” (Luca 10:30-32). Chúa Jêsus Christ thấy thì thương, còn những người làm tôn giáo như thầy tế lễ, người Lê-vi thấy thì đi qua khỏi.
Chúa đã có một người như Nê-hê-mi với tấm lòng yêu thương dân tộc mình, và Chúa đã dùng Nê-hê-mi trong công việc lớn và khó. Chúa đã mở một con đường cho Nê-hê-mi, và Nê-hê-mi đã xin phép vua cho mình được trở về quê hương, về với dân tộc mà xây sửa lại (2:5).