Nhã Ca

SÁCH NHÃ CA 1
TÊN SÁCH.

************************************




Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN.Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời.Hôm nay nhờ ơn Chúa cho,chúng ta cùng học một sách mới, cũng là sách cuối trong Bộ Năm Sách Văn Thư của Kinh thánh, là sách Nhã Ca, một sách có nhiều đặc điểm:

  • Chủ đề của sách rất đặc biệt, ấy là chủ đề TÌNH YÊU, một chủ đề có người cho rằng xưa mà không cũ.
  • Sách được viết theo thể thơ trữ tình với những lời thơ nhẹ nhàng và đẹp, đầy bông hoa.

Trong giới Giải Nghĩa Kinh thánh, có lẽ vì phạm vi giáo lý hạn chế nên chưa có người nào giải thích sách Nhã Ca theo nghĩa đen, hầu như chỉ áp dụng thuộc linh. Thậm chí có người còn sai quấy khi viết sách về Tình Yêu lại cho rằng: Rất tiếc, chúng ta không tìm thấy định nghĩa Tình Yêu trong Kinh thánh. Một sai lầm đáng trách! Tôi đã viết thư cho người viết sách có nhận định sai quấy nầy rằng: Thế thì Bạn giải thích thế nào về Lời của Chúa trong thư I Giăng 4:8 và câu 16? Cả hai câu Kinh thánh đều có một định nghĩa Tình Yêu tuyệt vời mà không có một sách nào của thế gian có, Kinh thánh định nghĩa: “Đức Chúa Trời là sự yêu thương”, hay nói: Đức Chúa Trời là Tình Yêu. Hai lần Kinh thánh đã định nghĩa rõ ràng như vậy mà Bạn nói không tìm thấy định nghĩa Tình Yêu trong Kinh thánh. Nếu Bạn không tìm thấy thì Bạn giải thích nguồn gốc Tình Yêu trong con người từ đâu mà có, trong khi muôn vật chỉ có nhu cần truyền giống?
Một lần nữa, chúng ta cảm ơn Chúa đã ban cho chúng ta quyển Kinh thánh có những Thi thiên là những thơ bài ca đẹp; bây giờ chúng ta lại phải cảm tạ Chúa ban cho chúng ta sách Nhã Ca trong Kinh thánh là một bài thơ trữ tình đúng nghĩa, dĩ nhiên có mục đích cao quý là để mô tả Tình Yêu của Đức Chúa Trời đối với con người, tuyệt vời như lời Thánh ca:
Ôi, cao cao hơn Thiên đàng,
Rộng rộng vượt đại dương lai láng,
Sâu như vực không đáy, là Tình Yêu Cứu Chúa tôi nay.
Chúa vốn biết tôi lạc loài, mà còn nhận làm con thân ái.
Do lời Kinh thánh chỉ minh, tôi tường tình yêu Jêsus chẳng lợt phai!
Chúng ta bước vào sách Nhã Ca với việc tìm học về:
I/. TÊN SÁCH:

  • Trong nguyên văn Hi-bá-lai,

Trong nguyên văn Hi-bá-lai, sách có tên là: ‘Bài ca của những bài ca’(Shir Hashirim), như trong đoạn 1:1 đã ghi tên của sách được gọi là “Bài ca của những bài ca”, “Nhã ca trong các bài ca, mà Sa-lô-môn đã làm”.
Qua lối nói lặp lại hai lần của người Y-sơ-ra-ên, như:

  • Phục truyền 10:17-18, “vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần, và Chúa của các chúa, tức là Đức Chúa Trời rất lớn, có quyền năng và đáng sợ, không thiên vị ai, chẳng nhận của hối lộ, bào chữa công bình cho kẻ mồ côi và người góa bụa, thương người khách lạ, ban đồ ăn và áo xống cho người”.
  • I Vua 8:27, “Nhưng quả thậtrằng Đức Chúa Trời ngự trên đất nầy chăng? Kìa, trời, dầu đến đỗi trời của các từng trời chẳng có thể chứa Ngài được thay, phương chi cái đền nầy tôi đã cất”.
  • Truyền đạo 1:2, “Hư không của sự hư không”,

Cách dùng câu như vậy có mục đích là nhấn mạnh tuyệt đối. Như vậy, khi gọi tên sách Nhã ca là “Bài ca của những bài ca”, tỏ ra nhấn mạnh sách Nhã ca là một bài ca quý nhất trong tất cả các bài ca. Chắc chắn rồi, vì sách Nhã ca là Bài ca ca ngợi Tính Yêu nam nữ là cảm xúc quý nhất của con người có được, nói theo một lời tự an ủi: Tình Yêu nam nữ là cái gì còn sót lại sau khi tổ phụ loài người bị Đức Chúa Trời đuổi khỏi Vườn Ê-đen, và nhờ Tình Yêu mà A-đam và Ê-va sống được đến cuối đời. Chẳng những vậy sách Nhã ca lại ca ngợi Tình Yêu nam nữ của con người là cái gì còn sót lại trong con người dùng mô tả Tình Yêu của Đức Chúa Trời đối với con người, Tình Yêu của Chúa Jêsus Christ đối với Hội thánh.

  • Trong bản Hi Lạp hay Bản Bảy Mươi:

Bản Hi Lạp có tên là: Asma Asmaton, cũng như Bản La-tinh là Canticum Canticorum, có nghĩa là Bài ca của các bài ca, hoặc bài ca hay nhất trong các bài ca - Song of songs, or Best of songs.

  • Bản Việt ngữ:

Bản Việt ngữ dịch âm theo tiếng Hán là Nhã ca với hai từ ngữ:

  • Nhã là thanh tao, lễ độ, như 'Nhã nhạc' là loại nhạc dùng trong cung đình ngày xưa.
  • Vậy, Nhã ca là loại bài ca, loại âm nhạc sử dụng trong việc tế tự, sử dụng trong cung đình, với nghi lễ trang nghiêm.

Nói chung, tổng hợp hai cách gọi tên sách Nhã ca theo nguyên ngữ Hi-bá-lai hoặc Hi Lạp, La-tinh hoặc theo tiếng Việt, chúng ta có thể có một nghĩa chung về sách: Sách Nhã ca là sách cao quý trên những bài ca cao quý, vì ca tụng về Tình Yêu đúng nghĩa giống như Tình Yêu của chính Đức Chúa Trời mà Đức Chúa Trời ban cho con người khi Ngài dựng nên con người, đó là Tình Yêu thanh cao, trang trọng, của vị vua cao quý đối với người mà vua yêu thương.
II/. TÁC GIẢ SÁCH NHÃ CA:

  • Ý kiến cho Sách được viết thời Hậu Lưu đày:

Một vài ý kiến căn cứ vào 3:9, “Vua Sa-lô-môn làm cho mình một cái kiệu bằng gỗ Li-ban; và 4:13, Mình là mạch nước trong vườn, là giếng nước sống, là dòng nước chảy từ Li-ban”, dùng tiếng A-ram trong sách, nên họ cho rằng sách Nhã Ca đã được viết ra sau thời lưu đày, vì tiếng A-ram hay tiếng Sy-ri là ngôn ngữ thông dụng sau thời lưu đày.
Chúng ta hãy xem xét tiếng A-ram trong Kinh thánh:

  • Sáng thế ký 31:47, ghi lại lời hai cậu cháu cũng là cha vợ nói với con rể khi lập giao ước với nhau, La-ban nói tiếng A-ram, “La-ban đặt tên đống đá đó là Y-ê-ga Sa-ba-đu-ta”, theo tiếng A-ram nghĩa là lấy đống đá làm chứng;còn Gia-cốp dùng tiếng Hê-bơ-rơ: “Còn Gia-cốp kêu là: Ga-lét”, nghĩa là đống đá làm chứng. Đây là câu chuyện thời các Tổ phụ.
  • Tiếng A-ram là tiếng Sy-ri, người vùng Mê-sô-bô-ta-mi, vùng thượng lưu sông Ơ-phơ-rát. Như vậy tiếng A-ram là tiếng nói của tổ phụ dân Hê-bơ-rơ, vì Áp-ra-ham là dân U-rơ, vùng thượng lưu sông Ơ-phơ-rát.
  • Có người cho rằng tiếng A-ram là tiếng Canh-đê đã được các nhà thông thái Ba-by-lôn sử dụng như sách Đa-ni-ên 2:4, “Những người Canh-đê nói cùng vua bằng tiếng A-ram rằng: Tâu vua, chúc vua sống đời đời! Xin thuật chiêm bao cho những kẻ tôi tớ vua, và chúng tôi sẽ giải nghĩa”.
  • Tiếng A-ram cũnglà loại ngôn ngữ được dùng thông dụng thời đế quốc A-si-ri. Khi quân A-si-ri bao vây thành Giê-ru-sa-lem đời vua Ê-xê-chia, tướng của đạo quân A-si-ri dùng tiếng Giu-đa nói với ý định làm lung lạc lòng dân Giu-đa thành Giê-ru-sa-lem, nên đại diện vua Ê-xê-chia yêu cầu họ dùng tiếng Sy-ri hay tiếng A-ram tránh cho lòng người Giu-đa bị khủng hoảng, Kinh thánh ghi:“Ê-li-a-kim, con trai Hinh-kia, Sép-na, và Giô-a, bèn nói với Ráp-sa-kê rằng: Hãy nói với các tôi tớ ông bằng tiếng Sy-ri – nghĩa là bằng tiếng A-rem; vì chúng tôi hiểu thứ tiếng ấy. Chớ nói bằng tiếng Giu-đa vào tai dân sự ở trên vách thành”(II Vua 18:26; Ê-sai 36:11) cho đến khi đế quốc Hi Lạp nổi lên truyền bá văn hóa Hi-lạp.

Người Y-sơ-ra-ên đã quen dùng tiếng A-ram trong giao dịch khi bị lưu đày nơi Ba-by-lôn 70 năm, nên sau khi người Y-sơ-ra-ên bị lưu đày 70 năm trở về (586 - 536 TC), họ thường dùng tiếng A-ram trong khi giao tiếp với nhau cho đến thời Chúa Jêsus Christ trên đất, chính Chúa Jêsus khi đến thế gian cũng nói tiếng A-ram:

  • Mác 5:41, “Ngài nắm tay nó mà phán rằng: Ta-li-tha cu-mi;nghĩa là: Hỡi con gái nhỏ, ta truyền cho mầy, hãy chờ dậy”.
  • Mác 15:34, khitrên thập tự giá trong nỗi cô đơn chiến đấu với những đau đớn trong thân thể con người, giờ phút cùng cực đó, Đức Chúa Cha cũng không nhìn Con Ngài, Chúa Jêsus trong nhân tánh đã kêu lên: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni? Nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?”
  • Tuy nhiên đa số các học giả Kinh Thánh nhìn nhận vua Sa-lô-môn là tác giả của sách Nhã Ca với nhiều bằng cớ:
  • Bằng cớ thứ 1:

Đoạn 1:1 ghi rõ đây là bài ca doSa-lô-môn làm, “Nhã ca trong các bài ca, mà Sa-lô-môn đã làm”. Đồng thời,đoạn 8:11-12 cũng đã nhắc đến tên vua Sa-lô-môn, “Sa-lô-môn có một vườn nho tại Ba-anh-Ha-môn: người giao vườn ấy cho kẻ canh giữ, mỗi người ấy phải đem nộp một ngàn miếng bạc về hoa lợi nó. Vườn nho của tôi ở trước mặt tôi. Hỡi Sa-lô-môn, một ngàn miếng bạc sẽ về phần ông, còn hai trăm về những kẻ giữ hoa lợi nó”.

  • Bằng cớ thứ 2:

Nội dung sách Nhã Ca cho thấy tác giả là người hiểu biết rất nhiều về:

  • Thực vật học như: cây nho - 1:6; cây hương nam - 1:17a; cam tòng hương - 1:17b)
  • Động vật học như: chiên 1:7; ngựa - 1:9, đặc biệt ngựa là con vật thường chỉ có những người thuộc Hoàng gia mới sử dụng; con hoàng dương (2:7).
  • Các loài hoa như: hoa phụng tiên (1:14); hoa tường vi,  hoa huệ (2:1-2);
  • Cảnh trí được mô tả với sự giàu có thích hợp với đời vua Sa-lô-môn (1:5).

Việc dùng vài tiếng A-ram trong sách Nhã Ca không có gì lạ(1:5), vì thời của vua Salômôn việc giao thương rất rộng lớn, nên việc dùng tiếng A-ram cũng cần có vì cần giao dịch với dân các nước.
Văn chương và ý tưởng của sách Nhã Ca tỏ ra sách xuất hiện thời kỳ văn chương thịnh vượng của nước Y-sơ-ra-ên.Quan sát lịch sử của Y-sơ-ra-ên, thời vua Đa-vít bắt đầu thịnh vượng nhưng vẫn còn chiến tranh với các nước lân bang, đó là lý do Đức Chúa Trời chưa cho phép vua Đa-vít xây đền thờ. Chỉ có thời vua Sa-lô-môn về kinh tế thì cực thịnh, và chính trị thì thuận lợi không chiến tranh với các nước.Cho nên thời vua Sa-lô-môn đủ điều kiện thuận lợi phát triển phong phú về thơ ca. Vả lại, Đa-vít và Sa-lô-môn rất giỏi về thơ ca.
Có lẽ Nhã ca là một trong 1005 bài thơ ca mà vua Sa-lô-môn đã sáng tác (I Vua 5:32). Cũng có ý kiến cho rằng Sa-lô-môn viết Nhã Ca để nói lên tâm trạng của vua không tìm được một người vợ như lòng ông mong muốn được thể hiện qua sách Nhã ca, như ông đã bộc lộ trong Châm ngôn 18:22, “Ai tìm được một người vợ, tức tìm được một điều phước, và hưởng được ân điển của Đức Giê-hô-va”. Cuối cùng Sa-lô-môn không tìm được một ai (Truyền đạo 7:28).