Thi Thiên


THI THIÊN 1
GIỚI THIỆU VÀ VÀO ĐỀ THI THIÊN
******************************************



Kính chào Quý vị, tôi là Ms SƠN.Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Hôm nay, chúng ta bắt đầu cùng học sách văn thơ thứ hai của Kinh thánh, đó là các Thi thiên. Tôi tin rằng Thi thiên là phần hấp dẫn rất nhiều đối với những người học Kinh thánh, vì với số lượng 150 thiên, chiếm trên 100 trang Kinh thánh, lại được đặt giữa Kinh thánh vừa dễ tìm, vừa mang ý nghĩa tương đối dễ hiểu cho người học, nên được ưa chuộng.
Riêng đối với Hội thánh của Chúa tại Việt Nam, Thi thiên 23 đã được nhiều người tin Chúa Jêsus trong Hội thánh yêu thích học thuộc lòng, nhất là đem phổ nhạc. Tôi nghĩ cần ghi lại để kỷ niệm lòng yêu thích của những người được Chúa cho có ân tứ âm nhạc dành cho Thi thiên thứ 23 nầy.
THÁNH CA số 52.
Tôi có một bà mẹ chân quê không biết chữ, nhưng sau khi được học Khóa Thánh Kinh Đoản kỳ từ ngày tôi chưa được sinh ra, do các Giáo sĩ dạy tại Cần-thơ, thế mà Mẹ tôi vẫn thuộc bài Thánh ca số 52 nầy thời Thánh ca chưa nhuận chánh.
Đây là bài Thánh ca do một người ngoại quốc viết theo ý của Thi thiên 23, được dịch ra tiếng Việt rất cảm động, cảm ơn Chúa cho những người dịch bài thánh ca nầy đã dịch với những từ ngữ thật đáng cảm phục, nhất là trong thời kỳ quốc ngữ còn chưa hoàn thiện.
Dòng bình tịnh kia dẫn đưa mình tận nơi hoài, chăn chiên hỡi Chúa tôi cậy Ngài.
Đồng cỏ rất xanh, kỳ lạ, ngon thay. Thật Ngài ban nhiều phước thay!
Quanh đêm luôn ngày, lạ thay Chúa dẫn dắt tôi!
Thật tôi tin Ngài, thật tôi nhận Ngài.
Nặng nề khi trước nay khỏi vai nhẹ nhàng, và cực khổ nay đã thôi.
Rồi khi bài thánh ca nầy được nhuận chánh lại,
Vì đường hẹp hòi cúi xin Ngài hộ tôi hoài, cho tôi đủ sức theo kịp Ngài;
Vì cớ thánh danh Ngài đưa tôi nay, tâm hồn ca tụng Chúa đây.
Dầu gặp chặng đường khó, đương đầu cùng tử thần, Ngài đưa tôi bước không ngại ngần.
Nhờ Chúa ủy lạo trọn đời hoan hân, gậy gìn roi dạy chí nhân.
Hãy hát thử một lần, nhất là lúc đang cần an ủi, Quý vị sẽ nhận ra sự ngọt ngào và linh nghiệm của bài thánh ca nầy.
THÁNH CA số 433.
Bài Thánh ca nầy do Giáo sĩ tên Paul E. Carlson người Mỹ soạn cho người Việt Nam, chính ông viết tiếng Việt cho người Việt Nam. Giáo sĩ Carlson là một trong các Giáo sĩ tiền phong đem Tin Lành cho người Việt Nam, ông có ân tứ âm nhạc, được Chúa dùng viết một số Thánh ca cho người Việt Nam, như Thánh ca số 432 với tựa đề: Xin Chúa mở mắt tôi, mượn lời của các Thi thiên 119:18, 89, 105.
Riêng Thánh ca số 433 được nhiều người tin Chúa Jêsus Việt Nam vào những thế hệ thời Ba Mẹ của chúng tôi thuộc lòng. Đôi khi trong giờ nhóm Gia Đình Lễ Bái, nhất là vào những lúc gia đình chúng tôi gặp cảnh thiếu thốn, Mẹ vợ của tôi thường đề nghị hát bài Vì Đức Giê-hô-va, chúng tôi biết bà đề nghị Thánh ca số 433. Âm điệu quen thuộc và lời của bài hát an ủi nâng đỡ chức vụ chúng tôi biết bao nhiêu, nhờ đó gia đình chúng tôi vượt qua được những chặng đường hoạn nạn, thiếu thốn, ngay lúc bây giờ.
Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.
Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.
Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ Danh Ngài, vì cớ Danh Ngài.
Trong cảnh thiếu thốn cái ăn, cái mặc, hát đến dòng nhạc: Chén tôi đầy tràn, thật chén tôi đầy tràn, chúng tôi phải kéo dài để thấm dần sự an ủi tiếp trợ của Chúa.
CA KHÚC “ĐẤNG CHĂN GIỮ TÔI” của Anh Trần Thanh Vân.
Tôi biết Anh Vân từ năm 1965, là khi tôi bắt đầu biết Chúa và nhóm lại với các bạn Thanh niên trong Hội thánh của Chúa tại Cần-thơ. Anh là Trưởng ty Ngân Khố tại Cần-thơ, rất yêu mến Chúa, có ân tứ âm nhạc, và đã sáng tác ca khúc: Đấng Chăn Giữ Tôi theo Thi thiên thứ 23, theo âm giai La thứ, nhưng bài hát không buồn, trái lại là giọng điệu tha thiết của người có Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ.
Đức Giê-hô-va… Đức Giê-hô-va… Đấng chăn giữ tôi.Đức Giê-hô-va Đấng chăn giữ tôi.
Tôi sẽ chẳng thiếu thốn chi, Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi.
Khi đến phần kết ca khúc, Anh Vân cho đổi tone trưởng với nhịp điệu nhanh dồn dập:
Và cây gậy, cây trượng của Chúa an ủi tôi không thôi,
Ngài dọn bàn cho tôi trước mặt kẻ thù nghịch tôi.
Ngài xức dầu cho tôi, Ngài ban chén tôi đầy tràn.
Thật chính trọn đời tôi, hạnh phước xót thương của Ngài sẽ theo tôi luôn.
Và tôi ở với Đức Giê-hô-va, tôi nguyền ở với Đức Giê-hô-va.
Sau nầy, Anh Chị Vân qua Mỹ nhận chức vụ mục sư hầu việc Chúa.Rất tiếc không biết có ai còn giữ được ca khúc nầy của Anh không (?).
GIÊ-HÔ-VA! GIÊ-HÔ-VA!
Tôi nói đến danh xưng nầy của Chúa là vì lần đầu tiên được nhìn thấy và được nghe một chị tráng niên thuộc Hội thánh của Chúa tại Vĩnh Phước, Nha-trang đã hát trong một buổi tối Truyền giảng Tin Lành. Kỷ niệm là trong buổi chiều Chúa nhật chuẩn bị cho tối truyền giảng, tôi đề nghị người hát trong buổi truyềng giảng cố gắng nhờ ơn Chúa thuộc bài hát, không dùng bục hướng dẫn, không cầm bài hát, để lòng tập trung vào bài hát.
Cảm ơn Chúa cho anh chị em trong Hội thánh tại Vĩnh Phước đã đồng ý không đứng nơi bục hướng dẫn hát, và tôi thật bị bất ngờ khi một chị tráng niên trong Hội thánh bước lên hát bài Giê-hô-va – Đấng chăn giữ tôi. Nhìn chị đứng hát, nghe giọng của chị hát khi chị vào dòng nhạc có danh xưng của Chúa vừa vút cao vừa mạnh mẽ:
Giê-hô-va! Giê-hô-va! Ngài là nơi an ủi thân tôi; Ngài là nơi hạnh phúc an vui…
Tôi chưa bao giờ được thấy được nghe người hát Thánh ca giống như chị.
Năm 1967, đang khi học tại Thánh Kinh Thần Học Viện ở Nha-trang, tôi được nghe và thấy trực tiếp một Ra-bi Do thái hát Thi thiên thứ 92 theo tiếng Do thái với âm điệu nhạc cổ Trung Đông. Nhìn Ra-bi nầy đứng cách trang nghiêm, tỏa đầy sức sống, giọng cao vút, mặt ngước lên, toàn bộ người tham dự đều im phăng phắc, dù không hiểu ngôn ngữ đang được hát, nhưng cảm nhận một sự hiện diện của Đức Chúa Trời Chí Thánh, mới chỉ một người hát Thi thiên, hãy tưởng tượng khi có một Ban hát như Kinh thánh mô tả, thì sức mạnh lớn biết dường nào.
Thánh Ambrose nói: ‘Mặc dù cả Kinh Thánh đều tỏa ra ân điển của Đức Chúa Trời, nhưng Thi thiên thì ngọt ngào hơn các sách khác’.

  • Luật pháp thì dạy dỗ, nên chất giọng nghiêm khắc có thưởng, có phạt, nhất là người đọc nắm bắt được những sự kiện từ lúc sáng thế, rồi thế nào một người được chọn bởi đức tin là Áp-ra-ham để làm tổ phụ của một dân tộc chọn làm tuyển dân của Đức Chúa Trời, chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế vào đời. Điều kỳ diệu nữa là tìm gặp một người được Đức Chúa Trời đào luyện trong một dân nô lệ trở thành một lãnh tụ giải cứu dân Chúa, làm tổ của ngôn ngữ Hi-bá-lai, và đưa một đám dân nô lệ sau 40 năm trở nên một dân tộc tự trị, tự lập, có luật pháp đối với Đức Chúa Trời, đối với con người, có những nguyên tắc sống từ cách ăn, ở, mặc, trong đời sống hằng ngày vẫn còn giá trị đến thế kỷ 21.
  • Các sách Lịch sử thì cho tài liệu người đọc biết lịch sử thế giới liên quan tuyển dân và chính lịch sử tuyển dân, nhất là người đọc thấu suốt chặng đường Đức Chúa Trời hoàn thành kế hoạch của Ngài yêu thương thế gian, đến nỗi ban Con Một của Ngài, như Đức Chúa Trời đã hứa ngay khi tổ phụ loài người chúng ta phạm tội.
  • Các sách Tiên tri thì công bố lời Đức Chúa Trời dạy tuyển dân thái độ phải có đối với Đức Chúa Trời để được hưng vượng đời nầy và không bị phạt qua những lời tuyên án có bằng cớ trong xã hội thời bấy giờ, được thưởng có, bị phạt cũng có.
  • Các sách Văn thơ (Gióp, Châm ngôn, Truyền đạo, Nhã Ca) là luân lý thuyết phục người ta tin phải áp dụng trong đời sống hằng ngày.
  • Còn Thi thiên là bông trái của tất cả những điều đó.

Cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban cho loài người quyển Kinh thánh, không phải những kinh kệ ê-a mang chất tôn giáo; Kinh thánh không phải những luật lệ mơ hồ hoặc nghiêm khắc, cũng không phải sách lịch sử để học biết hoặc nghiên cứu những cuộc chiến với thuật điều binh khiển tướng, v.v… Nhưng kỳ diệu thay, Kinh thánh được Đức Chúa Trời ban Kinh thánh cho loài người có các Thi thiên là những bài thơ, bản nhạc vừa ca tụng Đức Chúa Trời với những công việc lạ lùng của Ngài là Đấng Tạo hóa, Toàn năng, Toàn Tại, Toàn Tri.
Dĩ nhiên chúng ta không thể thưởng thức được những cái hay, những âm điệu trang trọng, tha thiết, của các Thi thiên, nhất là không thể nào hiểu hết được sức mạnh huyền nhiệm của các Thi thiên, như Kinh thánh đã ghi lại hiệu quả khi các Thi thiên được trổi lên, như:

  • I Sa-mu-ên 16:23, Kinh thánh ghi công hiệu kỳ diệu của Thi thiên khi được trổi lên: “Vậy, khi Đức Chúa Trời khiến ác thần nhập vào Sau-lơ, thì Đa-vít lấy đờn và gảy. Sau-lơ được an ủy, lành mạnh, và ác thần lìa khỏi người”, không thể nào chối cãi những bài đờn bài hát của Đa-vít lúc đó là những Thi thiên do Đa-vít sáng tác.
  • II Sử ký 20:21-22 ghi lại vua Giô-sa-phát dùng âm nhạc, chắc chắn phải là hát Thi thiên vì đó là âm nhạc thông dụng thời bấy giờ, để chiến đâu với quân địch: “Khi người đã bàn nghị với dân sự, bèn lập những người ca xướng cho Đức Giê-hô-va mặc áo lễthánh mà đi ra trước cơ binh ngợi khen Chúa rằng: Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì sự thương xót Ngài hằng có đời đời. Đương lúc chúng khởi ca hát và ngợi khen, thì Đức Giê-hô-va đặt phục binh xông vào dân Am-môn, dân Mô-áp và những kẻ núi Sê-i-rơ đã đến hãm đánh Giu-đa; và các dân ấy đều bị bại”.
  • Ê-sai 6:3-5 đã được chính tiên tri ghi lại sức mạnh huyền nhiệm của những bài ca thánh được hát lên: “Các Sê-ra-phin cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài! Nhơn tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng động, và đền đầy những khói. Bấy giờ tôi nói: Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân! Bài ca thánh làm rúng động khối vật chất là các nền ngạch cửa đền thờ, cũng làm rúng động lòng người như Ê-sai, một người Y-sơ-ra-ên nổi tiếng cứng lòng, lại là người nam, là một thầy tế lễ lại càng cứng lòng hơn.

Trước đây tôi có viết một tập tài liệu học Thi thiên, tôi đặt tựa cho tài liệu đó là Để Thưởng Thức Thi Thiên, vì tôi xin Chúa cho những học Thi thiên với tinh thần thưởng thức để thấy cái hay, cái đẹp trong Kinh thánh là Lời Chúa. Do vậy, tôi xin được gọi loạt bài cùng học Thi thiên nầy là mời Quý vị “Cùng Thưởng Thức Thi thiên”.