Xuất Ê Díp Tô Ký

 


XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ (1)
****************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành, chúng ta đã cùng được học Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời. Hôm nay chúng ta sẽ cùng học sách thứ hai của Kinh thánh là sách Xuất Ê-díp-tô ký.
I/. TÊN SÁCH Xuất Ê-díp-tô ký:

  • Trong nguyên văn Hi-bá-lai thì sách không có tên, chỉ dùng những chữ đầu của sách làm tên cho sách: “Đây là danh sách” (Elleh Shemoth).
  • Trong Bản tiếng Hi Lạp hay còn gọi là Bản 70 (Bản Septuagint) thì gọi tên sách là ĐI RA, XUẤT HÀNH (Exodos Exit - departure).
  • Trong tiếng Việt, sách được đặt tên theo đoạn 19:1 là Xuất Ê-díp-tô ký: Xuất = ra khỏi; Ê-díp-tô = theo âm tiếng Pháp là xứ Ai Cập; Ký = Bảng ghi chép. Như vậy Xuất Ê-díp-tô ký là Bảng Ghi Chép Câu Chuyện Ra Khỏi Xứ Ai Cập, nói rõ hơn, sách ghi lại Chuyện Đức Chúa Trời giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh nô lệ tại Ai Cập.

Chủ đề được chọn cho sách Xuất Ê-díp-tô ký là:  XUẤT HÀNH và câu Kinh thánh chìa khóa sách là 19:1, “Tháng thứ ba, sau khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, trong ngày đó, dân Y-sơ-ra-ên đến nơi đồng vắng Si-na-i.
Từ Chủ đề nầy, chúng ta có được một bài học quý báu về phát triển của tuyển dân Y-sơ-ra-ên cũng là của Hội Thánh là tuyển dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh.
I/. LÝ DO XUẤT HÀNH (RA ĐI): Xuất 1:1-22

  • Vì nhu cần phát triển của tuyển dân – 1:1-7

Sách Xuất Ê-díp-tô ký bắt đầu với gia đình của Gia-cốp hiện diện tại Ai Cập tổng cộng 70 người (1:5). Đến câu 7, vừa qua một thế hệ, gia đình nầy trở nên:

  • thêm nhiều lạ lùng.
  • nẩy nở ra và trở nên cường thạnh
  • cả xứ đều đầy dẫy.

Sự phát triển dân số nầy so với Xuất. 12:37, trong 430 năm, dân Y-sơ-ra-ên đã từ 70 người lên đến con số 600 ngàn người đàn ông đi bộ. Như vậy, chúng ta có thể ước tính họ đã đạt con số tối thiểu là 2 triệu, trung bình cứ 25 năm, dân Y-sơ-ra-ên tăng gấp đôi một lần.
Thật ra con số 2 triệu người trong một xứ rộng lớn của Ai Cập, đối với chúng ta ngày nay thì không đáng kể. Nhưng đối với hơn 3.500 năm trước, thì con số 2 triệu nầy trong nước Ai Cập là quá lớn, kèm theo những nhu cần như: đồng cỏ và nước để nuôi gia súc chiên, bò, chắc chắn còn phát triển thêm nữa với tỉ lệ sinh sản 1+1. Thí dụ, 600 ngàn người đàn ông nầy một năm sau sinh thêm một đứa con, thì con số một năm đó sẽ tăng 4 triệu.
Với đồng bằng Gô-sen mà vua Ai Cập cấp phát cho gia đình Gia-cốp (Sáng. 47:5-6), bây giờ đã trở nên quá chật hẹp. Vì vậy, tuyển dân của Đức Chúa Trời bắt buộc phải ra đi, ra đi để phát triển.
Tôi rất thích hình ảnh ra đi của tuyển dân với lý do nầy, vì nó minh họa nhu cần phát triển của tuyển dân thuộc linh là Hội thánh của Chúa Jêsus Christ. Hội thánh phải có khuynh hướng ra đi để phát triển, nếu Hội thánh không chịu ra đi thì không phát triển được.
Lời Chúa thúc giục: Hãy mở rộng nơi trại ngươi, giương màn chỗ ngươi ở. Chớ để chật hẹp; hãy giăng dây cho dài, đóng nọc cho chắc! Vì ngươi sẽ lan rộng ra bên hữu và bên tả; dòng dõi ngươi sẽ được các nước làm cơ nghiệp, và sẽ làm cho các thành hoang vu đông dân cư (Ê-sai 54:2-3).
Trong Đại Mạng Lịnh, Chúa Jêsus Christ đã phán: “Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người… Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ ta… Khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, các ngươi sẽ làm chứng về ta… cho đến cùng trái đất” (Mác 16:15; Math. 28:19; Công vụ 1:8).
Tôi cũng rất thích cách Hội Thánh được gọi là Thân Thể Chúa Jêsus Christ, Kinh thánh không gọi Hội Thánh là một thi thể - một xác chết bất động. Thân thể thì phải phát triển.
Khi Hội Thánh Đầu tiên say mê kết quả từ 120 người lên đến độ 3.000 người, rồi 5.000 người, thì không chịu ra đi, thì Chúa đã dùng sự bắt bớ của Sau-lơ để mọi người tin Chúa Jêsus tại Giê-ru-sa-lem phải ra đi, “Sau-lơ vốn ưng thuận về sự Ê-tiên bị giết. Trong lúc đó, Hội Thánh ở thành Giê-ru-sa-lem gặp cơn bắt bớ dữ tợn, trừ ra các sứ đồ, còn hết thảy đều phải chạy tan lạc trong các miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri… Vậy những kẻ bị tan lạc đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin Lành” (Công vụ. 8:1-4).

  • Vì mưu diệt chủng của người Ai Cập: 1:8-22

Câu 8, sách Xuất Ê-díp-tô ký cho chúng ta biết rằng một vua mới của Ai Cập, chẳng quen biết Giô-sép, tức là không biết công trạng to lớn của Giô-sép trong việc cứu Ai Cập và thế giới thời đó khỏi nạn đói 7 năm.
Theo lịch sử thế giới thì dòng Hyksos từ Châu Á đến chiếm lấy Ai Cập và cai trị. Trong dòng vua nầy, có Pha-ra-ôn Apepi II trọng dụng Giô-sép. Đến năm 1580 TC. dòng họ Ahmose đuổi dòng Hyksos, rồi cai trị Ai Cập. Đây là dòng Pha-ra-ôn đàn áp dân Y-sơ-ra-ên.
Người Ai Cập ngờ dân Y-sơ-ra-ên có thể đánh lại người Ai Cập và ra khỏi xứ. Kết quả sự lo sợ đó đã đưa đến quyết định bắt dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ phục dịch cho các công trình của Ai Cập. Với những câu Kinh thánh trong sách Xuất Ê-díp-tô ký 1:11-14 đã cho chúng ta thấy cảnh nô lệ nhọc nhằn của người Ai Cập đối với người Y-sơ-ra-ên:
Chẳng những bắt dân Y-sơ-ra-ên làm khổ sai, vua Ai Cập còn toan diệt chủng Y-sơ-ra-ên bằng phương pháp giết con trai mới sanh của người Y-sơ-ra-ên. Một biện pháp thật tàn độc. Đó là lý do tuyển dân Y-sơ-ra-ên phải ra đi khỏi Ai Cập nếu muốn thoát khỏi cảnh nô lệ đến chết đối với người Ai Cập.
Trong Rôma 6:12-13, Phao-lô đã mượn ý đó để nói với tuyển dân thuộc linh của Đức Chúa Trời là những người tin Chúa Jêsus ngày nay hãy nhìn thấy kiếp nô lệ cho tội lỗi của chính con người mình, kiếp nô lệ chỉ đem đến sự hổ thẹn và cuối cùng là sự chết.
II/. CHUẨN BỊ XUẤT HÀNH (RA ĐI): 2: - 13:

  • Người lãnh đạo cuộc Ra Đi: 2: - 4:

Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của trật tự (I Cô. 14:23), Chúa làm việc gì cũng có kỳ định (Truyền. 3:1-8), và có kế hoạch rõ ràng, đối với Chúa không có việc gì ngẫu nhiên cả, mà luôn luôn có sự chuẩn bị thật trọn vẹn. Trong kế hoạch chuẩn bị cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên ra đi, điều đầu tiên là Đức Chúa Trời chuẩn bị một người để lãnh đạo tuyển dân: Đó là Môi-se.
Sách Xuất Ê-díp-tô ký đoạn 2 đến đoạn 4, Đức Chúa Trời đã dành một chương trình huấn luyện cho Môi-se trong 80 năm:
2:1-15, Đức Chúa Trời cho Môi-se có cơ hội từ con của nô lệ Y-sơ-ra-ên trở thành hoàng tử của Đế quốc Ai Cập. Nhờ cơ hội nầy, Môi-se đã học hết sự khôn ngoan của người Ai Cập trong 40 năm (Công vụ 7:22).
2:16-25, tiếp theo, Đức Chúa Trời đã đưa Môi-se vào đồng vắng Ma-đi-an ở trong nhà của thầy tế lễ Giê-trô, lập gia đình, có con và sống với nghề chăn chiên. Nhờ 40 năm nầy, Môi-se học được bài học nhịn nhục, học được cách sống và địa hình của đồng vắng.
3: - 4:, sau 80 năm sau những thăng trầm làm cho tánh khí của Môi-se xuống như người đời dạy: Tài đừng lộ, khí đừng hung hăng, Mặc dù Môi-se nhiều lần khước từ sự kêu gọi của Đức Chúa Trời lãnh đạo sự ra đi của tuyển dân, nhưng cuối cùng ông đã vâng lời.
Chúng ta phải ngạc nhiên cảm tạ Chúa về sự huấn luyện của Đức Chúa Trời cho người mà Chúa sẽ dùng để lãnh đạo tuyển dân ra đi khỏi nhà nô lệ Ai Cập: Chúa chuẩn bị cho người lãnh đạo một vốn học vấn, Chúa chuẩn bị cho người lãnh đạo tánh tình nhẫn nại, Chúa chuẩn bị cho người lãnh đạo một kinh nghiệm cá nhân với Chúa, biết Chúa rõ ràng từ Danh xưng, đến quyền năng thực tế.
Đặc biệt là Chúa dạy Môi-se 80 năm để sử dụng ông trong 40 năm sắp đến. Một bài học huấn luyện cho người muốn hầu việc Đức Chúa Trời từ trí óc đến tấm lòng, và kinh nghiệm thuộc linh cá nhân với Chúa không thể thiếu.

  • Thời điểm ra đi: 5: - 13:

Suốt 9 đoạn Kinh thánh trong sách Xuất Ê-díp-tô ký nầy, chúng ta chứng kiến một cuộc tranh đấu giữa quyền lực của thế gian mà đại diện là Vua Ai Cập muốn thách thức Đức Chúa Trời qua đại diện của Ngài là Môi-se.
Tại sao vua Ai Cập dám làm như vậy? Vì theo tín ngưỡng dân gian của người Ai Cập thời đó, vua là Thần Linh, đại diện của Thần RÂ - Thần Mặt Trời - trên đất, vì thế Pha-ra-ôn đã nói với Môi-se: Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi? (Xuất. 5:2)
Sự tranh đấu nầy được Kinh thánh dùng từ ngữ: Pha-ra-ôn cứng lòng, khiến Đức Chúa Trời phải dùng Môi-se thi hành 10 tai vạ hình phạt trên đất Ai Cập. 10 tai vạ nầy đụng đến nhu cần sự sống của người Ai Cập, đụng đến các thần của Ai Cập như thần ruồi, thần sông Nile; đụng đến nền kinh tế của Ai Cập như súc vật bị bịnh dịch, mưa đá, cào cào phá hoại mùa màng… Đặc biệt là các tai vạ nầy không ảnh hưởng trên tuyển dân Y-sơ-ra-ên của Chúa.
Cuối cùng là tai vạ thứ mười, Chúa đã sai thiên sứ hủy diệt giết hại con đầu lòng của nhà nào trên đất Ai Cập không bôi huyết chiên con trên mày cửa và hai cột cửa. Sách Xuất Ê-díp-tô ký 12:30-31, mô tả cảnh trạng đêm kinh khiếp của tai vạ thứ mười: “Đương lúc ban đêm, Pha-ra-ôn, quần thần cùng hết thảy người Ê-díp-tô đều chờ dậy; có tiếng kêu la inh ỏi trong xứ Ê-díp-tô, vì chẳng một nhà nào là không có người chết. Trong đêm đó, Pha-ra-ôn bèn đòi Môi-se và A-rôn mà phán rằng: Hai ngươi và dân Y-sơ-ra-ên hãy chờ dậy, ra khỏi vòng dân ta”.
Cuối cùng, vua của Ai Cập đầu phục Đức Chúa Trời của Môi-se, Đức Chúa Trời của tuyển dân Y-sơ-ra-ên, trong đêm kinh hoàng đó, dân Y-sơ-ra-ên ra đi với tất cả của cải mà họ muốn, bất cứ giá nào người Ai Cập cũng bằng lòng cho hết, miễn là dân Y-sơ-ra-ên mau mau ra khỏi Ai Cập.
Chúng ta phải nói điều nầy, với tai vạ thứ mười chỉ là sự hi sinh của một con chiên con mà dân Y-sơ-ra-ên được giải cứu khỏi cảnh con đầu lòng bị giết, được cứu khỏi nhà nô lệ Ai Cập, chỉ chừng ấy mà dân Y-sơ-ra-ên trải qua các thời đại ngay cả đến ngày nay cũng không dám quên ơn Chúa. Còn người tin Chúa Jêsus không phải được cứu bằng huyết của chiên đực, dê đực, mà bằng Huyết Chiên Con Đức Chúa Trời, là Chúa Jêsus Christ, há lại chẳng nhớ ơn Chúa để sống cho Chúa sao? Thật chúng ta phải hổ thẹn mà nói rằng chúng ta thường quên công ơn cứu chuộc của Chúa Jêsus Christ. Xin Chúa tha tội cho chúng ta và cáo trách chúng ta, khuyên giục chúng ta rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.