Kinh thánh: Sách Gióp 1:1-22 Câu gốc: Gióp 1:8 Mục đích: Học sách Gióp trong chương trình học toàn bộ Kinh thánh. Giúp con cái Chúa học gương của Gióp, vượt qua bao nhiêu thử thách, hoạn nạn, cuối cùng được Chúa xưng danh: GIÓP, KẺ TÔI TỚ TA (CHÚA).
*********************************
Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN.Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Hôm nay, chúng ta được Chúa cho tiếp tục học về Gióp, một người vượt qua bao thử thách, hoạn nạn, cuối cùng Chúa ban Gióp một danh hiệu: Gióp, kẻ Tôi Tớ Ta. Nhờ ơn Chúa, chúng ta học cách Gióp được thưởng danh hiệu: KẺ TÔI TỚ TA như vậy.
I/. GIA ĐÌNH CỦA GIÓP:Gióp 1:1-5
Trong phân đoạn Kinh thánh nầy chúng ta được giới thiệu ba điều về Gióp:
Về con người của Gióp – 1:1nêu ra một loạt đặc điểm về con người của Gióp:“Gióp là người trọn vẹn và ngay thẳng”, nghĩa là:
Về phương diện đối với con người, là người không tham lam, không bóc lột ai, là người đạo đức - nói theongười đời: Gióp là người 'ăn hiền ở lành'. Chữ ‘ngay thẳng’ cho thấy Gióp cũng không phải hạng người ‘Cuốn Theo Chiều Gió’, xu nịnh, cầu an, nhưng là một người can đảm không thiên vị.
Về phương diện thuộc linh, Gióp là người kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi mọi điều ác, nghĩa là Gióp yêu mến Chúa và sống theo Lời Chúa dạy, không bị lây nhiễm tội lỗi từ xã hội thời đó - một thời kỳ theo cách tính của các nhà giải nghĩa Kinh thánh là đồng thời Áp-ra-ham, mà Út-xơ chắc chắn cũng đầy dẫy hình tượng như U-rơ của Áp-ra-ham.
Về gia sản của Gióp –1:2-3,
Đọc qua 1:2-3, chúng ta thấy Gióp đặng hào con mà cũng đặng hào của. Có nhiều người thì đặng hào của, mất hào con, hoặc ngược lại được hào con mất hào của.Gióp có tất cả 7 con trai và 3 con gái, tổng cộng là 10 người con. Nhưng không phải vì nhiều con mà Gióp bị nghèo, trái lại, Gióp là một người giàu có, đặc biệt, Gióp cũng là người có địa vị cao trong xã hội thời đó
Về cách nuôi dạy con cái của Gióp – 1:4-5.
1:3 cho chúng ta một hình ảnh gia đình hạnh phúc của Gióp, bởi các con của ông biết yêu thương hòa thuận nhau. Thật sự đây là một việc hiếm có. Vì qua Kinh thánh từ sách Sáng thế ký, chúng ta thấy ngay buổi đầu của tình anh em, luôn luôn có sự tranh giành, bất hòa giữa anh chị em một nhà.
Cảm tạ Chúa, 10 đứa con của Gióp lại biết yêu thương hòa thuận, sống vui vẻ với nhau. Theo cách dùng từ trong 1:4 nầy, nhóm từ ‘đãi thay phiên nhau trong nhà mỗi người’, rõ ràng là họ đã có gia đình riêng, nhưng điều đáng học biết bao nơi gia đình con trai, con gái, dâu, rểcủa Gióp không hề ganh tị nhau.
Làm sao có được sự hòa thuận đó?1:5 là câu trả lời, hay nói cách khác, 1:5 là bí quyết để có được một gia đình hạnh phúc như thế. Ấy là Gióp dù giàu có, dù bận rộn, dù có địa vị cao, nhưng ông vẫn quan tâm đến sinh hoạt của các con trong gia đình - dù chúng đã lớn khôn đủ để tự lập - nhất là quan tâm đến đời sống thuộc linh của các con mình.
Chẳng những Gióp là người yêu mến kính sợ Chúa, lánh khỏi điều ác, nhưng ông cũng chia sẻ với con cái đời sống đức tin, lòng kính sợ Chúa, và giúp con lánh khỏi điều ác. Kinh thánh nói: Gióp thức dậy sớm dâng của lễ thiêu “Gióp hằng làm như vậy”, ít nhất là Gióp luôn cầu nguyện cho các con mình.
Tất cả người tin Chúa Jêsus chúng ta không mơ ước gì hơn được một gia đình như Gióp đã có. Vậy thì đâu là bí quyết? Chúng ta nhờ ơn Chúa nhắc lại bí quyết mà Kinh thánh đã dạy chúng ta qua đời sống của Gióp:
Chính chúng ta là cha mẹ sống đời sống gương mẫu đối với đời nầy và đời thuộc linh.
Quan tâm đến sinh hoạt của con cái với nhau và với Chúa, cầu nguyện cho các con và dạy con đối với Chúa.
II/. HOẠN NẠN CỦA GIÓP - 1:6-19
Tôi tin rằng khi đọc qua những câu Kinh thánh nầy, không ai trong chúng ta không chắc lưỡi hít hà trước hoạn nạn của Gióp: ‘trong một ngàyGióp mất sạch của cải, mất hết tôi tớ, mất hết con cái’.
Tại chúng ta đọc trên văn chương mô tả, nên ít cảm xúc được nỗi đau trước hoạn nạn của Gióp, hoặc vì chúng ta chưa từng chịu cảnh mất của cải, mất con cái nhiều như vậy, nên anh chị em khó cảm thông hoạn nạn với Gióp, mà giả định như có người trong chúng ta từng chịu cảnh hoạn nạn lớn như Gióp chịu - Thí dụ như:
Ông H. G. Spafford, tác giả bài Thánh ca: Tâm linh tôi, yên ninh thay (277).
Người ta thuật lại rằng Spafford có hai đứa con gái bị chết trong vụ chìm tàu tại Đại Tây Dương. Nghe tin đau đớn đó, ông Spafford lên đường từ Âu châu về Mỹ. Trên chuyến tàu trở về, đến một nơi giữa Đại Tây Dương, vị thuyền trưởng đã nói với Spafford: Chúng ta đang lướt trên nơi các con ông bị chết. Lòng của người cha Spaffrod xúc động khi nghe nhắc đến hoạn nạn mà ông đang chịu, ông Spafford đã lui vào ca-bin một mình với Chúa. Từ nỗi đau hoạn nạn mất hai đứa con, ông đã viết ra những lời thống thiết gởi tấm lòng đau đớn theo tiếng còi tàu, nhịp chạy của tàu giữa đại dương với đức tin nơi Chúa trọn vẹn.
Thảm họa 11-9-2001, chắc chắn đã làm tan nát nhiều gia đình, vì mất người thân không tìm được xác trong chuyến bay khủng bố, trong tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Quốc tế, chắc chắn có người còn mất cả tài sản. Nỗi đau hoạn nạn nầy đến nỗi cả nước Mỹ phải để tang, cả thế giới phải bàng hoàng.
Nhưng cũng chưa thấm so với Gióp, nếu chúng ta tính số tài sản Gióp mất, số con cái 10 đứa bị chết trong một ngày, rồi chính bản thân của Gióp thì mắc bịnh ung độc từ đầu đến chân đau đớn rất nhiều (2:7-8), thêm người vợ thân yêu cũng mất đức tin nói sảng như một người điên (2:9). Hoạn nạn mà Gióp chịu thì càng tăng thêm khi những người bạn thân nhất ngồi bên cạnh cứ suốt ngày chỉ trích, mắng mỏ về tội lỗi của Gióp - một thứ tội lỗi tưởng tượng đến trong suy nghĩ của họ, thay vì an ủi Gióp.
Một điều nữa, cũng chính phân đoạn Kinh thánh nầy đã giúp chúng ta hiểu được hoạn nạn từ đâu mà đến cách rõ ràng, để nhờ sự hiểu biết nầy, đức tin của chúng ta lại được củng cố mạnh mẽ hơn:
1:6-11, Lời Chúa làm chứng rằng: hoạn nạn của người tin Chúa Jêsus đến từ sự ganh tị của quỉ Satan (1:9-11).
1:12, Lời Chúa làm chứng hoạn nạn xảy đến cho người tin Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời CHO PHÉP và cho phép trong giới hạn chúng ta chịu được như Phao-lô đã xác nhận trong I Cô-rin-tô 10:13.
Có một lần trong hoạn nạn bị bắt giam vì công việc Chúa, một cán bộ điều tra chất vấn tôi: Mấy anh là người Tin Lành thì cái gì cũng cho là ý Chúa. Tôi không tin.Thí dụ như anh (anh ấy nói về tôi), một người phuc vụ Chúa như vậy, không lẽ ý Chúa lại để anh bị ở tù cực khổ?Tôi trả lời: Đối với người tin Chúa Jêsus như chúng tôi thì đúng như anh nói, tất cả mọi điều xảy đến cho chúng tôi đều là do ý Chúa. Và ý Chúa bao giờ cũng tốt lành cho chúng tôi.
Người cán bộ đó thách thức tôi chứng minh ý Chúa là tốt lành đối với người tin Chúa Jêsus qua hoạn nạn bị tù giam của tôi. Tôi nói: Khi một hoạn nạn xảy đến, người tin Chúa Jêsus như chúng tôi thường ngồi lại xem xét:
(1) Hoạn nạn nầy có phải là cái roi mà Chúa muốn sửa dạy chúng tôi, vì chúng tôi có lỗi lầm nào đó đối với Chúa.
(2) Hoặc hoạn nạn nầy là một sự luyện tập mà Chúa muốn chúng tôi chịu để ngày mai Chúa dùng chúng tôi trong môi trường mới lớn hơn, khó khăn hơn.
(3), Hoặc hoạn nạn nầy là tai nạn chung mà Đức Chúa Trời muốn hình phạt mọi người chung, tôi là người trong thời đại đó, thì đương nhiên tôi phải cùng chịu.
Tôi kết luận, tôi không biết tôi thuộc diện nào trong ba diện đó, nhưng tôi biết chắc một điều, ấy là các anh nghi ngờ Tin Lành hoài, nên Chúa cho tôi bị bắt giam vào đây giải thích cho mấy anh hiểu.
III/. ĐỨC TIN CỦA GIÓP – 1:20-22
Ba câu Kinh thánh nầy bày tỏ rõ ràng hai mặt đức tin của Gióp.
Đức tin biết thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh – 1:20-21
Nghe những lời của Gióp nói trong cơn hoạn nạn, ông thỏa lòng trong sự ban cho của Chúa và ông cũng thỏa lòng khi Chúa cất đi hết thảy những gì ông có: “Đức Giê-hô-va ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!”
Gióp không nói lời nầy cách miễn cưỡng, ông đã lặp lại lời nầy cách đầy đức tin trong 2:10, “Ủa sao! (Gióp hết sức ngạc nhiên trước sự nhận thức thiếu đức tin của vợ mình) Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?”
Rõ ràng đối với Gióp, ban cho hay mất đi; phước hay họa đều là từ Chúa, trong lòng ông không hề vướng bận gì để nghĩ đến nguyên nhân từ một người nào, kể cả từ ma quỉ. Gióp hoàn toàn chỉ biết có Chúa và lấy đức tin đầu phục Chúa.
Trong quyển 'Cuộc Phục Hưng tại Trung hoa' của Giáo sĩ Marie Monsen, giữa lúc hoàn cảnh chức vụ của bà đầy khó khăn, bà đã viết một câu dán lên trên tường trước bàn làm việc của bà: Bất cứ điều chi Cha tôi gởi đến, tôi sẽ vui mừng đưa hai tay nhận lãnh, vì biết điều đó đến từ Cha tôi.
Tôi mong ước học được kinh nghiệm thỏa lòng nầy, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay của tôi.
Đức tin không phạm tội cùng Chúa – 1:22,
Gióp không phạm tội với Chúa khi nào?Câu trả lời là: 'Trong mọi sự đó', nghĩa là trong mọi hoàn cảnh: hoàn cảnh thịnh vượng, lúc giàu có, quyền thế, con cái hạnh phúc; và trong hoàn cảnh hoạn nạn, phút chốc mất hết gia tài, mất hết con cái, mất cả sức khỏe của mình, mất cả lời an ủi chỉ có những lời gây sốc phạm tội của vợ, của bạn hữu.
Phải, trong hoàn cảnh thịnh vượng, tác giả sách Châm ngôn 30:9 nói: “E khi no đủ, tôi từ chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai”? Chúng ta phải nhìn nhận thực tế có rất nhiều người kể cả người tin Chúa Jêsus đã phạm tội quên ơn, phủi ơn của Chúa khi đã giàu có rồi. Trong hoạn nạn, nghèo khổ, cũng là một cám dỗ chúng ta dễ phạm tội. Châm ngôn 30:9 cũng nói: “Và lại, kẻo e tôi bị nghèo khổ, ăn trộm cắp, và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng”. Trong hoạn nạn, nghèo khổ, chúng ta dễ lằm bằm, oán người trách Chúa, dễ phạm tội nản lòng bỏ công việc Chúa.
Cảm ơn Chúa, Kinh thánh làm chứng rằng: Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình”(Gióp 1:22; 2:10).
Kinh thánh đã ghi lại lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời nói với Giô-suê về Môi-se: “Sau khi Môi-se, tôi tớ của Đức Giê-hô-va, qua đời, Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê, con trai của Nun, tôi tờ của Môi-se, mà rằng: Môi-se, tôi tớ ta…”. Bây giờ, chúng ta lại nghe Đức Chúa Trời gọi một người như Gióp, có đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời: KẺ TÔI TỚ TA, trước mặt quỉ Sa-tan, trước những người chỉ trích Gióp: “Ngươi có nhìn thấy Gióp, kẻ tôi tớ của ta chăng?” Hãnh diện biết bao!