Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam

LỊCH SỬ HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT-NAM
(1911-1965)
Mục sư Lê Hoàng Phu, Ph.D.

ooo000ooo

 

Chương Một: VẤN ÐỀ VÀ PHẠM VI CỦA NÓ trang 02 

Chương Hai: SỰ SẮP ÐẶT BỐI CẢNH LỊCH SỬ 

Chương Ba: BỐI CẢNH TÔN GIÁO CỦA DÂN TỘC VIỆT-NAM 

Chương Bốn: ÐỨC TIN TIN LÀNH DU NHẬP
 
Chương Năm: PHONG TRÀO HỘI THÁNH BẢN XỨ 

Chương Sáu: HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM TRONG KỲ 
ÐỆ NHỊ THẾ CHIẾN VÀ CHIẾN TRANH
GIÀNH ÐỘC LẬP

Chương Bảy: HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM
GIỮA HAI CUỘC CHIẾN ÐÔNG DƯƠNG 

Chương Tám: SƠ LƯỢC VÀ KẾT LUẬN


Chương Một


VẤN ÐỀ VÀ PHẠM VI CỦA NÓ
Hơn một thập niên trước đây, Giáo sư Claude A. Buss đã viết trong lời tựa cuốn sách của ông nhan đề “Ðông Nam Á và Thế giới ngày nay”: ‘Từ Canton đến Calcutta là khu phi chiến cho người Mỹ, mới lạ và chưa ai biết như Phi châu. Ðông Nam Á là phần thuộc thế giới chúng ta, chúng ta phải khám phá ra họ.’
Các học giả Mỹ hăng hái đáp lời kêu gọi nầy, đặc biệt là trường hợp Việt-nam, nơi có nhiều toán giám định đã hoàn thành những khảo cứu uyên bác về hầu hết mọi phương diện của đời sống văn hóa Việt-nam. Những tác phẩm xã hội vô giá về dân tộc Việt-nam đã được xuất bản, và đời sống tôn giáo cùng các hiệu lực của nó trên cuộc tranh đấu hiện tại đã trở thành đề tài phân tích say mê cho bao nhà xã hội học lừng danh.
Tuy nhiên, cho đến nay rất ít ai để tâm nghiên cứu một trong những phần quan trọng nhất của xã hội Việt-nam, ấy là đoàn thể Tin Lành quốc gia, mặc dù thành phần của nó tương đối còn trẻ và nhỏ, nhưng đã được nhất trí coi là một trong các Tôn giáo của xứ từ hồi Chủ Tịch Hồ Chí Minh công bố Tuyên Ngôn Ðộc Lập tháng tám năm 1945 [1] .
Một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng về những nội dung của Thư viện Khảo cứu Truyền giáo tại Nữu Ước, nơi sưu tập bao quát những tài liệu về công cuộc truyền giáo khắp thế giới của Giáo hội Cơ-Ðốc cho biết rằng dầu lịch sử đã ghi chép nhiều cơ sở truyền giáo ở khắp năm châu, nhưng chưa hề có sự nghiên cứu về Hội thánh Tin Lành Việt-nam theo chiều sâu. Ðứng trên lập trường Sử ký Giáo hội, việc lấp bằng khoảng trống nầy, ít nhất một cách khiêm nhượng cũng thật quan hệ. Trong những đoàn thể Truyền giáo Tin Lành, nhất là trong vòng một trăm năm qua phong trào nổi bật nhất đã lập thành mối quan tâm lớn lao hơn hết cho cả những Ủy Ban Truyền giáo lẫn các lãnh tụ giáo hội là “Phong Trào Bản Xứ”. Hội thánh Tin Lành Việt-nam đã được công nhận, ít nhất cũng trong đoàn thể truyền giáo tại Á châu, là một Hội thánh bản xứ vững mạnh ngay từ buổi ban đầu của tổ chức. Theo báo cáo, Hội thánh Trẻ ở Ðông Nam Á nầy không phải được “thổ dân hóa” như trường hợp nhiều Hội thánh Tin Lành ở Á châu và Phi châu. Các Hội thánh Á Phi nầy, sau khi đã được kiểm soát lâu đời bởi các Mẫu hội tương đối bị buộc phải tiếp thu cả phần quản trị hành chánh lẫn chu cấp tài chánh cho những tổ chức riêng họ, ngay sau sự phát khởi cuộc Ðệ Nhị Thế Chiến hoặc sự thay đổi chính sách đột ngột do Ủy Ban Truyền Giáo Quốc Ngoại định đoạt.
Hội thánh Tin Lành Việt-nam  (HTTLVN) đôi khi cũng tự định nghĩa trong ngôn từ đặc biệt là “vươn tới”, sánh mình với một Hội thánh thâm niên hơn trong tư tưởng thế giới Tây phương nghĩ về mình như một Giáo hội Truyền giáo, mặc dù trong trường hợp nầy các hoạt động bị hạn chế nhiều và chỉ quanh quẩn nội trong bờ cõi Bán đảo Ðông dương thôi. Thêm vào ý nghĩa của Hội về phương diện xã hội học và Sử Ký Giáo Hội, cuộc nghiên cứu về Hội thánh Tin Lành nầy cũng quan trọng vì cớ tin tức Hội thánh cung cấp về nước Việt-nam. Ngày nay Việt-nam là xứ bị chiến tranh tàn phá mà những biến cố chính trị và quân sự hầu như hằng được phổ biến ngay trên trang đầu của mọi tờ nhật báo ở khắp thế giới (Tác giả viết lời nầy vào năm Thập niên 70 thế kỷ 20).
Trong tiến trình phục hồi lại quyền độc lập, Việt-nam là nước phải trải qua “một trong những cuộc Chiến tranh dai dẳng, tàn ác nhất về phương diện chính trị, lại là trận chiến rắc rối khó hiểu nhất trong các cuộc chiến tranh thuộc địa và ý thức hệ”. Trong cuộc chiến đấu sinh tử nầy kéo dài ngót hơn ba chục năm trường, các tổ chức Tôn giáo đều phải chia xẻ phần trách nhiệm. Có mấy nhóm Tôn giáo thật đã dự phần trong cuộc chiến với nhiều tiểu đoàn và quân dân tự vệ riêng của họ trong khi các nhóm khác lại tập trung vào các công tác xã hội và y tế mà họ thấy có những chức việc thích hợp hơn để hoàn tất. Tuy nhiên, trong khi có những cuộc nghiên cứu rộng rãi được đảm trách về những vai trò của các đại giáo phái Việt-nam trong lịch sử hiện tại, ít ai bận tâm đến cuộc đấu tranh để sinh tồn và bành trướng của dân tộc trong những trận chiến tranh rất ác liệt, có lúc thật sôi động, lúc ngừng, và sự đóng góp của Hội ấy cho sự phúc lợi của dân tộc cũng chẳng được đánh giá chút nào.
Trong một phạm vi rộng hơn, cuộc sưu tra về HTTLVN sẽ rọi ánh sáng trên cuộc đấu tranh không ngớt giữa các Tôn giáo cổ truyền của Á châu và Cơ-Ðốc giáo cùng các tổ chức liên hệ đến giáo phái đó. Những tôn giáo cổ truyền, theo một ý thức, chưa bao giờ có quyền lực như ngày hôm nay tại Miền Nam và Ðông Nam Á. Cuộc chiến tranh giải phóng khỏi chủ nghĩa đế quốc và ách ngoại bang, cùng sự độc lập do cuộc đấu tranh đó giành được thường thêm sự thúc đẩy cho mấy tôn giáo Ðông phương hồi sinh. Cho đến khi kết liễu đệ nhi thế chiến, nhiều người Tây phương và một số không nhỏ người Ðông phương thường coi Phật giáo, Ấn độ giáo, Khổng giáo như là ‘thụ động’ và ‘lỗi thời’. Ngày nay, đa số dân chúng ở các xứ Ðông Nam Á, kể các giới trí thức, đang quay trở lại tôn giáo của tổ tiên họ, nhất là Phật giáo với một ý thức tự hào mới. Trái với trạng huống lịch sử của mình, Phật giáo đã trở nên một đức tin chiến đấu, và tại nhiều xứ thành quốc giáo.
Thomas Ohm trong cuốn sách của ông nhan đề “Á châu nhìn xem Cơ-Ðốc giáo Tây phương”, đã ghi nhận rằng “Người Âu châu đã đóng một vai trò đầy ý nghĩa trong khúc quanh lịch sử nầy … Nhiều người Âu châu đã qui y Phật giáo, Ấn độ giáo và Hồâi giáo. Ðiều nầy càng tăng thêm lòng tự tin của người Á châu, củng cố niềm tin của họ trong những tôn giáo riêng họ.”
Người ta không thể hoàn toàn đồng ý với cách suy luận nhân quả của tác giả nầy, nhưng bất cứ quan sát viên nào chăm chú theo dõi đều phải công nhận rằng, hầu hết góc biển chân trời Ðông Nam Á, sự đối kháng Cơ-Ðốc giáo đã trở nên cứng rắn thêm. Trong nhiều xứ và đặc biệt tại Việt-nam, có khuynh hướng đồng nhất sự gia nhập đạo cổ truyền với lòng ái quốc chân thành, nhất là trong thời gian đấu tranh giành độc lập. Ðã có một thời ‘nhiều người Á châu có cảm tưởng rằng Cơ-Ðốc giáo hơn hẳn các tôn giáo cổ truyền của họ, và đã chấp nhận đủ thứ nào là ý niệm, giá trị mẫu mực, phương pháp… Ngày nay, họ gắng sức tự giải thoát chính họ và văn hóa họ khỏi mọi ảnh hưởng ngấm ngầm của Cơ-Ðốc giáo và tất cả mọi điều ngoại lai.’
Tại Việt-nam, tình trạng tôn giáo càng phức tạp hơn bởi sự xuất hiện vào thập niên 1930 và 1940, hai tôn giáo mới là Cao Ðài và Hòa Hảo, mỗi phái đều nhận mình có hai triệu thuộc viên. Cả hai tôn giáo đều chiêu mộ bộ đội riêng vào giữa thập niên 1940, ngoại trừ Việt Minh, đã trở thành những lực lượng chính trị lớn nhất ở Nam Bộ Việt-nam. Quân đội Viễn Chinh Pháp và tất cả các chính phủ quốc gia đều coi những đoàn thể tôn giáo nầy là đáng kể, thậm chí cũng dành ghế trong nội các cho các lãnh tụï Cao Ðài và Hòa Hảo.
Thêm vào tình trạng hỗn tạp tôn giáo – quân sự – chính trị nầy, vai trò chính trị do một số lãnh tụ Công giáo Lamã đảm trách, kể cả người ngoại quốc lẫn người bản xứ, từ khi quân đội Pháp chiếm Việt-nam cho đến ngày lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, đã làm cái đích cho nhiều sự chỉ trích gắt gao của nhiều đoàn thể, đặc biệt là Phật giáo và Cộng sản [2] . Nhiều nhà ái quốc Việt-nam trước đây đã đồng nhất hóa Công giáo Lamã với chủ nghĩa thực dân Pháp, và một số không nhỏ lẫn lộn Tin Lành với Công giáo Lamã nữa. Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trong bài khái luận về tình trạng dân cày Việt-nam dưới chế độ thực dân Pháp năm 1924 đã ghi nhận xét cay đắng sau đây: “Nói chung, người An nam (Việt-nam) bị nghiền nát bởi những phước lành của sự bảo hộ Pháp. Ðặc biệt dân quê An nam càng bị chà đạp cách khả ố bởi sự bảo hộ nầy. Ấy là do thiệt sự họ bị bốc lột tư bề bằng đủ mọi cách bởi chính quyền thực dân, bởi phong kiến tiệm tiến, và bởi giáo hội (nhà thờ). Người ta có thể thấy đàng sau mặt nạ dân chủ, chủ nghĩa đế quốc Pháp đã bứng trồng tại Việt-nam toàn bộ chế độ đáng rủa thời Trung cổ, gồm thuế muối, và dân quê An nam bị đóng đinh trên lưỡi lê của nền văn minh tư bản và trên thập tự giá của Cơ-Ðốc giáo điếm đàng.” [3]
Chống lại bối cảnh hung dữ nầy HTTLVN đã phát triển đều mực và đã giữ vai trò quan trọng trong xứ, không phải trong đấu trường chính trị, nhưng trong các địa hạt luân lý, tôn giáo, xã hội và an sinh. Có điều thích thú mà nhận xét rằng mùa Xuân 1949, khi Cựu Hoàng Bảo Ðại trở về Việt-nam để lập chính phủ quốc gia, đài phát thanh Saigon nhiều lần loan báo ý định của vị quốc trưởng là lãnh đạo một chính phủ gồm có những đại diện các ‘gia đình tôn giáo lớn nhất’ trong xứ, tỷ như Phật giáo, Công giáo Lamã, Cao Ðài, Hòa Hảo, và Tin Lành. Cố nhiên, lời đề nghị nầy các nhà lãnh đạo HTTLVN đã khước từ để trung thành với tôn chỉ vạch sẵn là ‘không xen vào chính trị.’
Mấy năm trước đây, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, một học giả uyên bác Công giáo, đã viết về các đại giáo phái liên can đến nền chính trị Việt-nam vào giữa thập niên 1960 với những hệ lụy tai hại sau đó, nhận xét như sau: “Mọi người phải công nhận từ Tin Lành vẫn còn giữ nguyên vẹn ý nghĩa đơn thuần và an nhiên của nó.” [4]
Tập nghiên cứu nầy là cố gắng để tìm hiểu Hội thánh Tin Lành hầu quyết định ‘chân tánh bản xứ’, đời sống tôn giáo, mối quan tâm xã hội, tôn chỉ chung, và giải pháp Hội đã chấp nhận trước những khủng hoảng đang hăm dọa tình trạng ‘bản xứ’ của Hội, cùng cố gắng liên tục để bành trướng mặc dầu chiến tranh vẫn tiếp diễn. Những ý kiến tổng đoán của tập nghiên cứu nầy sẽ ích lợi cho các ủy ban truyền giáo, cho các nhà xã hội học khi họ phân tích tác dụng hỗ tương của những nhân tố xã hội và tôn giáo cùng cố gắng của họ để biến xã hội trong một xứ chậm tiến, nơi sự đương đầu văn hóa giữa Ðông và Tây phương đang hồi gay cấn, cay đắng nhất.


VẤN ÐỀ
TRÌNH BÀY VẤN ÐỀ.
Mục đích của tập khảo cứu nầy là xét đến lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt-nam, tức là sự khởi đầu của Hội qua cố gắng của Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp với sự thiết lập những Hội thánh địa phương đầu tiên (1911-1927), sự tổ chức chính thức “Hội thánh Bản Xứ” cho đến năm 1941, cuộc tranh đấu sinh tồn trong thời đệ nhị thế chiến (1941-1945), chiến tranh giành độc lập (1945-1954), sự tấn bộ trong sự hưu chiến ngắn ngủi (1955-1960), và những  năm đầu tiên của cuộc chiến Việt-nam (1960-1965).
CÁC VẤN ÐỀ PHỤ:
Bởi đó, những mối quan tâm chính của tập khảo cứu nầy là (1) kiểm điểm bối cảnh tôn giáo tại Việt-nam trước và đang khi Tin Lành được truyền bá trong xứ, (2) thiết lập những mục tiêu và chính sách của Cơ-Ðốc Phước Âm Liên Hiệp Hội trong việc vun trồng và trưởng dưỡng Hội thánh Tin Lành nầy ở giữa một xứ đối nghịch ít hay nhiều đối với Cơ-Ðốc giáo, (3) Xét đến sự phát triển phong trào ‘giáo hội bản xứ’ trong sự tổ chức và điều hành HTTLVN từ sự hấp thụ, cuộc đấu tranh để sinh tồn và sự bành trướng của Hội trong kỳ đệ nhi thế chiến, chiến tranh Ðông dương thứ nhất, năm năm hưu chiến và giai đoạn đầu của chiến tranh Ðông dương thứ hai, và (4) phân biệt các chiều hướng cố hữu trong vấn đề phụ.


ÐỊNH VẠCH GIỚI HẠN:
Tập khảo cứu nầy định gới hạn cho sự thiết lập các Hội thánh Tin Lành địa phương từ năm 1911-1927, phát triển các nhóm rải rác nầy thành một Hội thánh bản xứ toàn quốc được mệnh danh là HTTLVN. Từ năm 1927-1965, khi sự nội-bộ-hóa chiến tranh Việt-nam đã dẫn nhập một giai đoạn mới trong đời sống tôn giáo của xứ. Dầu sẽ bàn đến các phương diện khác của Hội thánh, nhưng mục đích chính của tập khảo cứu nầy là phong trào Hội thánh bản xứ, sự phát triển, những nan đề, và các đặc tính của Hội ấy.
Lịch sử các Hội thánh Tin Lành ở Miền Bắc Việt-nam  chỉ bao hàm cho đến năm 1955 khi đất nước phân chia tại vĩ tuyến 17 đã hoàn toàn niêm phong sự giao thông giữa các Hội thánh miền Nam và miền Bắc. Các tin tức nhận được sau niên hiệu nầy rất hiếm và không thể kiểm chứng được. Vì một số lớn tín hữu Tin Lành đã di chuyển vào Nam trong cuộc di cư to lớn năm 1954-1955, đoàn thể Tin Lành ở miền Bắc Việt-nam ngày nay chỉ vỏn vẹn còn chừng 2% tổng số thuộc viên HTTLVN.
Hội thánh Thượng, vì bối cảnh nhân chủng và ngôn ngữ phức tạp, được phát triển riêng rẽ khỏi HTTLVN ngay từ lúc đầu năm 1929, Hội ấy không gia nhập Hội thánh Tin Lành Việt-nam cho đến năm 1959. Bởi vậy, cần có một sự khảo cứu riêng biệt, nhưng trong tập khảo cứu nầy chỉ viện dẫn đến sự liên hệ của Hội thánh Thượng với HTTLVN, trước hết như là một khu vực truyền giáo và sau năm 1959 như là một trong các địa hạt của HTTLVN.
Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp là cơ sở truyền giáo Tin Lành chịu trách nhiệm về sự vun trồng HTTLVN, được nghiên cứu rộng rãi từ năm 1911, khi các vị đại diện đầu tiên đến Trung bộ Việt-nam, cho đến năm 1927 khi HTTLVN được chính thức tổ chức. Ðoàn truyền giáo nầy sẽ được nói đến trong thời kỳ sau về vai trò truyền giáo, trong các phương diện khác nhau sủa sự phát triển Hội thánh. Mục đích của nhà khảo cứu không phải là dò tìm cố gắng truyền giáo của các Hội Truyền giáo Tin Lành khác, mà hầu hết các Hội nầy mới đến Việt-nam và chỉ đại diện một bộ phận nhỏ của đoàn thể Tin Lành.


ÐỊNH NGHĨA TỪ NGỮ:
Ðể thấu hiểu tập khảo cứu nầy, chữ “Ðông dương” chỉ về khu vực miền Ðông bán đảo Ðông dương bao gồm Việt-nam, Lào, Kampuchia. Việt-nam được chia ra làm ba kỳ dưới thời Pháp thuộc, ấy là Bắc kỳ (Bắc), Trung kỳ (giữa) và Nam kỳ (nam), và phân thành hai nước Cộng hòa theo Hiệp định Geneve năm 1954: Việt-nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc) và Việt-nam Cộng Hòa (Nam).
HTTLVN là một Hội thánh quốc gia khởi sự từ năm 1911 bởi các giáo sĩ của Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp và được chính thức công nhận năm 1927. Hội viên tiêu biểu cho hầu hết toàn thể tín hữu Tin Lành tại Việt-nam, Hội thánh ngày nay được mệnh danh là HTTLVN hoặc tiếng Việt gọi đơn giản là Tin Lành, cũng đã từng được mệnh danh là Hội thánh Tin Lành Ðông dương, hoặc Hội Tin Lành Ðông Pháp ở dưới quyền đô hộ của người Pháp. Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp nói cho đúng không phải một giáo phái mà chỉ là một Hội truyền giáo gồm có 1.376 Hội thánh và 88.962 thuộc viên tại Mỹ và Gia-nã-đại [5]  và 221.619 thuộc viên ở trong 24 khu vực địa lý của công trình truyền giáo trong 35 nước [6] . Hội Truyền giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Ðông dương không những chỉ bao hàm 5 xứ Ðông dương thuộc Pháp mà còn gồm cả 5 tỉnh miền Ðông Thái lan (Hội Truyền giáo Liên Hiệp ở Thái lan được tổ chức như một đơn vị riêng biệt vào năm 1946). Ðến tháng 1 năm 1953, Hội Truyền giáo Ðông dương to lớn đã phân chia thành bốn địa hạt tự trị, ấy là Việt-nam, Kampuchia, Lào, các chi phái (bộ lạc) ở Việt-nam, mỗi địa hạt có “Ban Chấp Hành” riêng, được bầu hằng năm bởi Hội Ðồng khu vực truyền giáo.
HTTLVN là một hội độc lập được quản trị bởi Hội Ðồng chung hoặc Ban Trị Sự Tổng Liên Hội. Hội Ðồng toàn quốc được mệnh danh là Hội Ðồng Tổng Liên Hội là đoàn thể lập pháp của HTTLVN triêu tập hằng năm để sắp đặt công việc và quyết định chính sách chung của Hội thánh. Hội đồng gồm có những Mục sư, Truyền đạo và các đại biểu đại diện tất cả những Hội thánh địa phương. Hội đồng bầu Ban Trị Sự Tổng Liên Hội là ban đảm trách việc quản trị Hội thánh suốt năm trong khi Hội đồng lập pháp không họp. Ban Quản trị nầy gồm một Hội trưởng, một Phó Hội trưởng, một Tổng Thư ký, một Tư hóa, các Chủ nhiệm địa hạt và một số Nghị viên, mỗi địa hạt một vị. Ðể hiểu rõ tập khảo cứu nầy, chữ “địa hạt” chỉ về một khu vực lớn trong xứ tương đương với “vùng” của danht ừ chính trị ngày nay, và gồm những Hội thánh địa phương trong một số tỉnh. Hội đồng thương niên của các Mục sư và Truyền đạo các Hội thánh trong một địa hạt, cũng được gọi là Hội Ðồng Ðịa Hạt nhóm lại hằng năm để thương lượng công việc và quyết định những luật lệ trong vùng, cùng bầu cử một Ban Trị Sự Ðịa Hạt, đứng đầu là Chủ nhiệm để thực hiện chương trình của Hội Ðồng suốt năm. Ban Trị Sự Ðịa Hạt gồm có chủ nhiệm, một phó chủ nhiệm, một thư ký, một thủ quỹ và từ 1-3 nghị viên. Ban Trị Sự có đặc quyền giám thị sự điều hành đúng đắn của Hội thánh địa phương, sắp đặt dưới thẩm quyền của mình. Một chi hội Hội thánh Tin Lành là đơn vị nhỏ nhất trong Hội thánh toàn quốc gồm có một nhóm tín hữu có tổ chức, điều hành hợp thức trong cả địa phương đã định (thành thị, thị trấn, một hạt hoặc một làng).
Như một kết quả của những cố gắng của cả Hội Truyền giáo PÂLH lần HTTLVN, một Hội thánh Tin Lành được thiết lập giữa vòng các nhóm thiểu số tại Việt-nam thường được gọi là người Thượng. HTTL Thượng du nầy lúc đầu được tổ chức riêng biệt khỏi HTTLVN, nhưng cuối cùng đã gia nhập HTTLVN như là một địa hạt của đoàn thể quốc gia năm 1959.
Mọi vấn đề thuộc sự liên hệ giữa Hội thánh và Hội Truyền giáo được đặt dưới thẩm quyền của Ban Trị Sự chung, gồm có Ban Trị Sự Tổng Liên Hội của HTTLVN và Ban Chấp Hành của Hội Truyền giáo PÂLH. Cuối cùng, chữ “Hội thánh bản xứ” trong đoàn thể tôn giáo chỉ về Hội thánh tự trị, tự dưỡng và tự quảng bá.


VĂN CHƯƠNG LIÊN HỆ:
“Thần học của Hội Truyền giáo” (1928-1958) là một luận án tiến sĩ của Gerald Harry Anderson đệ trình lên Trường Ðại Học Boston vào năm 1960. Ðây là một tập nghiên cứu lịch sử sự khai triển thần học và những phương thức truyền giáo trong các Hội thánh Tin Lành khoảng từ năm 1928-1958. Khảo cập vấn đề theo liên đại học và mô tả, bản luận án khởi sự xem xét bối cảnh từ cuối thế kỷ 19 và phân tích các biến động lớn cùng các sách báo xuất bản góp phần vào sự phát triển thần đạo Tin Lành truyền giáo. Tập nghiên cứu nầy phần lớn tập trung vào các cuộc hội thảo toàn cầu của Hội nghị truyền giáo quốc tế và điểm chạm của chúng trên công cuộc truyền giáo Tin Lành trong thế kỷ 20: Edinburg (1910), Giê-ru-sa-lem (1928), Tambaram (1938), Whitby (1947), Ghana (1957-1958). Tuy nhiên, trọng điểm được đặt trên vai của một hội nghi về việc làm sáng tỏ những cớ tích, phương pháp, sứ điệp và mục đích của những Hội truyền giáo Cơ-Ðốc.
Giáo sư Kenneth S. Latourette đã xuất bản vào năm 1929 cuốn sách giá trị nhan đề “Lịch sử các Hội Truyền giáo Cơ-Ðốc tại Trung hoa”. Tác giả đã tường thuật đầy đủ những công trình truyền giáo của các giáo hội Nestorien, Công giáo Lamã và Tin Lành tại Trung hoa cho đến giữa thập niên 1920. Bắt đầu từ sự thành lập Hội thánh Nestorien tại Trung hoa dưới triều Mãn Thanh, tập khảo luận bao hàm sự phát triển, tranh đấu và tăng trưởng của đức tin Cơ-Ðốc giữa một quốc gia cừu địch do Khổng giáo và Phật giáo thống trị với một cảm xúc độc đáo của chủ nghĩa đế quốc chống Tây phương. Sách Sử ký của Latourette liên quan đến hai phương diện có ý nghĩa của các Hội truyền giáo hiện đại: sự trái ngược của Cơ-Ðốc giáo và các tôn giáo Ðông phương, và sự khác biệt giữa những mục tiêu và phương pháp của các Hội truyền giáo Tin Lành và Công giáo Lamã.
Martin Luther Dolbeer năm 1957 đã đệ trình lên hội nghị Hartford Seminary Foundation một luận án nhan đề “Lịch sử thuyết Luther tại Andhra Desa (lãnh thổ Telugu tại Ấn độ) từ năm 1842 đến 1920”. Ðây là một cố gắng mô tả những phong trào khác nhau nằm sau sự tăng trưởng của một trong các Hội thánh và những cố gắng Cơ-Ðốc đầu tiên tại Andhra Desa Delbeer xét đến sự phát triển của bốn Hội Truyền giáo Luther trong khu vực. Ðặc biệt chú ý đến sự liên hệ giữa các giáo sĩ và chính phủ, các lãnh tụ dân chính, các lãnh tụ tôn giáo và thường dân. Những chính sách truyền giáo, sự giáo dục tôn giáo, sự phát triển văn chương dân tộc, huấn luyện dẫn đạo chỉ huy quốc dân, đều được phân tích và đánh giá kỹ lưỡng. Giống HTTLVN, Hội thánh Telugu bị cản trở sự tăng trưởng bởi những năm chiến tranh và kinh tế khủng hoảng. Ðoạn chót, bao hàm những năm giữa khoảng 1914-1920, đã giám sát kỹ một thời kỳ bành trướng lớn lao cố nhiên là có những nan đề thông thường mà Hội thánh bản xứ non trẻ phải đương đầu.
Một cuộc nghiên cứu về sự tuyển mộ, huấn luyện cấp dưỡng thực hiện của các lãnh tụ giáo hội trong ba giáo phái Tin Lành tại Liên bang Giáo hội Cơ-Ðốc ở Phi-luật-tân là một luận án tiến sĩ của Henry Welton Rotz trình lên Hội đồng giáo sư tại trường Ðại học Cornell năm 1955. Ðây là một khảo luận do 651 lãnh tụ giáo hội đã lập thành 80% của tổng số các mục sư trong giáo hội Báp-tít, Methodist và Hội thánh Ðấng Christ thống nhất của xứ Phi-luật-tân. Cuộc sưu tra của Rotz có liên quan đến vài phương diện của tập nghiên cứu nầy bởi những nguyên tắc và phương tuyển mộ, huấn luyện và ủng hộ lãnh tụ Hội thánh với các sở trường và sở đoản thường thấy trong các xứ chậm tiến trên cả Á châu.
Trong bản luận án nhan đề “Những Hội thánh bản xứ của Hội Truyền giáo PÂLH đệ trình lên Hội đồng giáo sư của Ðại học Ðường Nữu Ước năm 1965, John F. Taylor xét đến phong trào Hội thánh bản xứ truy ngược lại thời kỳ các sứ đồ và phân tích những nguyên tắc thiết lập Hội thánh bản xứ như phát biểu bởi các lãnh tụ truyền giáo Tin Lành và các Hội nghị truyền giáo quan trọng trong thế kỷ thứ 19 và 20. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh chính là trên chính sách bản xứ của Hội truyền giáo PÂLH ở Ðông Nam Á, các hiệu quả trên các Hội thánh quốc gia trước và trong kỳ đệ nhị thế chiến. Các cố gắng mới để áp trên và trước chính sách nầy càng nghiêm nhặt hơn sau kỳ đệ nhị thế chiến và những kết quả đến sau trong 10 công trường truyền giáo Á châu cho đến năm 1962.


PHƯƠNG THỨC:
Những chức viên của HTGPÂLH rất thanh nhã trong việc mở các hồ sơ và hầm lưu trữ tài liệu cho nhà khảo cứu mà không dè dặt. Những thư ký văn phòng Hội Liên Hiệp tại Nữu Ước cũng tích cực giúp đỡ, vài nhân viên cũng còn khiến cho công việc của nhà khảo cứu thu thập tài liệu dễ dàng hơn, bằng cách chụp hình hằng trăm trang tài liệu liên hệ tới Hội Truyền giáo và Hội thánh Ðông dương từ hồ sơ Hải ngoại vụ. Mặc dầu có nhiều sổ sách từ các cơ sở gởi đến Hải ngoại vụ của HTGPÂLH trước năm 1947, đã bị hủy đi lầm lẫn hồi đầu năm 1950 may mắn cho nhà khảo cứu đã tìm được đủ tài liệu lịch sử về khu vực Ðông dương để trám bằng khoảng trống đó.
Sách của Giáo sĩ E. F. IRWIN nhan đề “Với Chúa Cơ-Ðốc tại Ðông dương” gồm có nhiều báo cáo chứng kiến tận mắt về HTGPÂLH và HTTLVN giữa 1911-1936. Giáo sĩ G. H. Smith viết cuốn “Người săn huyết” và “Truyền giáo và Nhân chủng học” cũng như cuốn “Tiếng cồng trong đêm khuya” và “Sự đắc thắng ở Việt-nam” của bà Smith đã chiếu ánh sáng trên những phương diện nhân chủng học của công cuộc truyền giáo giữa đồng bào thượng ở Trung bộ Việt-nam. Nhiều bài do các giáo sĩ phục vụ tại Việt-nam được đăng trên báo Alliance Weekly (Tuần san) hiện nay đổi thành Alliance Witness. Tiếng gọi Ðông dương, tiếng gọi Việt-nam, nhưng biên giới rừng rậm và các tập san luận giải các dữ kiện, những tài liệu trên được xem xét để quyết định những đặc tính của HTTLVN, những chính sách và phương pháp như so sánh với các văn bản của HTGPÂLH đều nhằm mục đích xây dựng Hội thánh bản xứ tại Việt-nam. Ðể đề phòng chống thành kiến cũng như sự quá đáng có thể xảy đến nên nhà khảo cứu đã xem xét những nguồn tin từ nhiều quan điểm khác nhau và đã so sánh các dữ kiện đắn đo các phong trào theo thời gian trôi qua.
Những nguồn tin chính lẫn phụ thuộc phải qua sự phê phán bên trong lẫn bên ngoài theo tiêu chuẩn do Giáo sĩ Louis Golfschalt ấn định trong sách: “Tìm hiểu lịch sử, sách vở lòng của phương pháo lịch sử” và bởi giáo sĩ Jacques Barzun và Henri F. Graft trong sách “Nhà khảo cứu hiện đại”.
1)    Phê bình ngoại tại, xem xét sự đích thực của các văn kiện, những chứng cớ của tác giả, thì giờ biên soạn, hình thức nguyên thủy của bản văn.
2)    Sự phê bình nội tại, xem xét ý nghĩa của bản văn, sự đáng tin cậy của nhân chứng, khả năng và sự đáng tin cậy cùng sự chứng thực độc lập.
Nhà khảo cứu đã đánh giá các tài liệu, thừa nhận là rất có giá trị, tránh những tai họa dưa trên lời chứng độc lập của hai hoặc nhiều người chứng đáng tin cậy. Vì tình hình chiến tranh hiện tại ở Việt-nam và nguồn tin không thể kiểm chứng như thế sẽ được nêu lên và sử dụng với một sự dè dặt tối đa lớn hơn để kết luận. Sau khi đã cẩn thận phân tích, kiểm chứng và đánh giá một cuộc tổng hợp các điều kiện được trình bày trong các trang kế tiếp theo một trật tự, theo tiền đề và niên đại học. Tuy nhiên, đôi khi rất cần nhấn mạnh những sự biến đổi tùy theo mẫu mực địa lý.
Tất cả những tài liệu (văn kiện) được trình bày theo tiêu chuẩn một luận án như đã phác họa bởi Kate L. Turnbian trong cuốn “Cẩm nang cho các soạn giả viết báo theo thời hạn, chủ đề luận án”.


[1]  Trong phiên họp khai mạc Quốc hội kỳ 1 của Việt-nam Dân Chủ Cộng Hòa triệu tập ngày 2.3.1946 tại Hà-nội, ba ghế danh dự được dành cho các quan sát viên đại diện ba đoàn thể Tôn giáo quốc gia: Phật giáo, Công giáo Lamã, và Hội thánh Tin Lành .
[2]  Thích Nhất Hạnh ‘Bông Sen trong Biển Lửa’ New York, Bill and Wang, 1968, trang 19-21. (Ðào Duy Anh ‘Việt-nam văn hóa sử cương’, Huế 1938, trang 16-160)
[3]  Hò Chí Minh, Tuyển tập 1 (Hà-nội 1960-62) trang 62 tt.
[4]  Linh mục Nguyễn Ngọc Lan ‘Chính  trị, tôn giáo hay xảo thuật’ (1965). Nguyễn Sinh trích dẫn Thánh Kinh Báo (9/1966) trang 5, so “Những trại thủy ngư lỗi ở đáy tách trà” Bách Khoa Thời Ðại (15.11.1969) trang 11-20.
[5]  Biên bản của Hội Ðồng chung, năm 1970 (New York, HTGPÂLH, 1970, trang 157, 209)
[6]  Chủ nhiệm Tuần san  Alliance Witness (ra ngày 26.5.1971, trang 24)