THI THIÊN BÀI 11
THƯỞNG THỨC THI THIÊN THỨ 23
ĐẤNG CHĂN GIỮ TÔI
********************************************
Kính chào Quý vị, tôi là Mục sư SƠN.Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Hôm nay chúng ta nhờ ơn cùng thưởng thức Thi thiên thứ 23, một Thi thiên được rất nhiều người tin Chúa Jêsus Christ trên thế giớiyêu thích, trong đó có người Việt Nam tin Chúa Jêsus chúng ta.
Trong Thi thiên thứ 23 nầy, chúng ta chọn cách học theo cách dùng từ ngữ SẼ của tác giả Đa-vít. Xin Chúa là Đức Chúa Trời với Danh Ngài là Đức Giê-hô-va đã ban phước cho tác giả Đa-vít như được mô tả trong Thi thiên thứ 23 nầy, cũng ban phước trên chúng ta.
I/. TÔI SẼ CHẲNG THIẾU THỐN – Thi thiên 23:1-3
Trong câu 1, tác giả nói:“Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì?”Thật sự không ai trên thế giới nầy dám nói mình không thiếu thốn gì.
Người Việt Nam chúng ta có câu ‘Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho’. Truyện cổ tích về Thạch Sùng kể rằng có một người giàu lắm, trong nhà không thiếu thứ gì, nên thách người một người giàu lân cận thi đấu, nếu nhà người nầy có món gì mà người kia không có, thì tất cả tài sản người thua cuộc sẽ thuộc về người thắng cuộc. Trong cuộc thi đấu, hai bên hầu như ngang hàng của cái, cho đến một lúc, người giàu lân cận đem ra một cái ơ đất dùng kho cá bị mẻ miệng lâu ngày lắm rồi không còn dùng đến.Thạch Sùng lục soát khắp nhà không thấy cái ơ kho cá như vậy, thế là Thạnh Sùng thua cuộc, mất hết tài sản. Vì nỗi buồn mất của nên Thạch Súng chết đi biến thành còn ‘thạch sùng’ tức con ‘thằn lằn’ tiếc của chặc lưỡi hoài.
Truyện cổ tích được kể để lý giải cho câu nói: Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho, nghĩa là không người nào mà không thiếu thốn gì.
Kinh Thánh cũng chứng minh cho chúng ta, không ai không thiếu thốn cả:
Sáng. 2:20, A-đam có đủ mọi sự trong vườn Ê-đen, nhưng ông vẫn thiếu một người giúp đỡ giống như mình, “A-đam đặt tên các loài súc vật, các loài chim trời cùng các loài thú đồng; nhưng về phần A-đam, thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết”.
Sáng. 15:2, Áp-ra-ham có đủ mọi sự, kể cả một người vợ đẹp, nhưng Áp-ra-ham vẫn còn thiếu một đứa con, “Áp-ram thưa rằng: Lạy Chúa Giê-hô-va, Chúa sẽ cho tôi chi? Tôi sẽ chết không con…”.
Xuất. 18:13-24, Kinh Thánh làm chứng rằng Môi-se học hết sự khôn ngoan của thế gian (Công vụ 7:22), nhưng Môi-se vẫn còn thiếu hiểu biết cách lãnh đạo dân sự, nên phải học nơi Giê-trô là ông gia của mình, “Qua ngày sau, Môi-se ra ngồi xét đoán dân sự; dân sự đứng chực trước mặt người từ sớm mai đến chiều. Ông gia thấy mọi điều người làm cho dân sự, bèn hỏi rằng: Con làm chi cùng dân sự đó? Sao con chỉ ngồi một mình, còn cả dân sự đứng trước mặt từ sớm mai cho đến chiều như vậy?... Quả thật, con cùng dân sự ở với con sẽ bị đuối sức chẳng sai, vì việc nặng nề quá sức con, một mình gánh chẳng nổi. Bây giờ, hãy nghe cha khuyên con một lời, cầu xin Đức Giê-hô-va phù hộ con… Môi-se vâng lời ông gia mình, làm y như mọi điều người đã dạy”.
I Vua 3:7-9, Vua Sa-lô-môn thừa hưởng nơi vua cha là Đa-vít một ngôi báu, nhiều của cải, quyền thế, nhiều vợ, nhiều con, nhưng Sa-lô-môn vẫn biết mình còn thiếu sự khôn ngoan. Sa-lô-môn thưa với Chúa: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ôi! bây giờ Chúa đã khiến kẻ tôi tớ Chúa trị vì kế Đa-vít, là cha tôi; nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ chẳng biết phải ra vào làm sao. Kẻ tôi tớ Chúa ở giữa dân của Chúa chọn, là một dân đông vô số, không thể đếm được. Vậy, xin ban cho kẻ tôi tớ Chúa tấm lòng khôn sáng, để xét đoán dân sự Ngài và phân biệt điều lành điều dữ; vì ai có thể đoán xét dân rất lớn nầy của Chúa?”.
Thế tại sao tác giả Thi thiên 23 nói được rằng ông không thiếu thốn gì?Để nói được mệnh đề thứ hai nầy, Đa-vít đã có mệnh đề thứ nhất, vì ông có Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời, là Đấng chăn giữ ông.
Đa-vít muốn nói rằng cuộc đời ông có Chúa thì ông không còn ham muốn điều chi nữa. Tác giả nói kinh nghiệm của ông là:
Chúa dẫn ông như người chăn chiên dẫn một con chiên đến an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh, đó về vật chất;
Chúa còn bổ lại linh hồn ông,đó là về tâm linh.
Con người có thể cho chúng ta vật chất nhưng không cho tâm linh; ngược lại, cũng không có ai cho loài người một đời sống tâm linh thật, những lời hứa ban cho tâm linh con người chỉ là những sự ban cho tưởng tượng, không có thật. Điều quan trong là không ai có thể cho con ngườiđược cả hai trừ ra chính Đức Chúa Trời Tạo hóa khi chúng ta để Ngài làm Đấng Chăn chiên của chúng ta và chúng ta bằng lòng làm chiên của Ngài,như tác giả Thi thiên thứ 23 kinh nghiệm
II/. TÔI SẼ CHẲNG SỢ TAI HỌA NÀO – Thi thiên 23:4-5
Trong câu 4, tác giả nói: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào”.
Thật sự nếu có một người nào đó nói: ‘Tôi không sợ đói’ hay ‘tôi không sợ chết’, chúng ta vẫn có thể tin được. Nhưng ai đó nói: ‘Tôi không sợ tai họa nào’ thì chắc chắn không ai còn đủ trí khôn mà dám nói, hoặc dám tin.
Kinh thánh cho chúng ta biết từ ngày Tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va phạm tội với Đức Chúa Trời, thì tội lỗi khiến ngôn ngữ của loài người xuất hiện thêm một từ ngữ ‘SỢ’,sau khi A-đam và Ê-va ăn trái cấm, mắt hai người mở ra biết mình lỏa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân. Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu? A-đam thưa rằng: Tôi có tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ…”(Sáng 3:10).Kinh thánh phán: “Vì mọi người đều đã phạm tội” nên mọi người đều sợ, từ vị vua trong cung điện được bảo vệ nghiêm ngặt, đến người cùng khổ trong xã hội.
Dù người Âu Mỹ hay người Á châu, bất cứ dân tộc nào cũng có nỗi sợ như nhau: Sợ từ con vật lớn đến con thật nhỏ; sợ những chuyển dịch bất thường của thiên nhiên; nghèo sợ đói, giàu thì sợ bị thiệt; nhỏ tuổi sợ không có kinh nghiệm, lớn tuổi thì sợ già lú lẫn.
Riêng người Việt Nam chúng ta kinh nghiệm sợ rất nhiều, sợ từ những con số mùng 5, 14, 23; đến được tặng cái áo mới màu trắng hoặc bó hoa huệ ngày Tết cũng sợ; sanh con sợ đặt tên tốt quá khó nuôi... Khi tôi viết những dòng chữ nầy, cả thế giới, trong đó có người Việt Nam đang sợ dịch bệnh Conviq 19.
Chúng ta cũng không thể tin Đa-vít dám nói ‘tôi chẳng sợ tai họa nào’ dù ông là vua, nếu ông không nói mệnh đề thứ hai: “Vì Chúa ở cùng tôi!”Tại sao ‘Chúa ở cùng’ thì không sợ tai họa nào? Anh chị em để ý sau mệnh đề thừ hai nầy là dấu hai chấm (:), nghĩa là tiếp theo là những lời giải thích:
Câu 4b, người chăn chiên luôn có hai thứ khí giới: cây (1) Cây trượng một loại cây dài có móc ở đầu dùng để móc kéo con chiên lạc bầy về đàn;(2) và cây gậy là một khúc cây như cây côn làm vũ khíđánh thú dữ. Chữ an ủi là bảo vệ, che chở.
Câu 5, “Chúa lại dọn bàn cho tôi trước mặt kẻ thù nghịch tôi” - người chăn sẽ dắt chiên đi ăn, người chăn canh giữ cho chiên ăn uống, con chiên không cần sợ dù thú dữ rình mò chung quanh. Chẳng những canh giữ mà người chăn còn săn sóc xức dầu cho những con chiên bị bịnh.
Câu 5, “Chén tôi đầy tràn”– Ôi một cuộc sống thỏa lòng trọn vẹn.
Tôi nghĩ rằng trong các dân tộc sống trong sợ hãi, người Việt Nam chúng ta là một dân tộc chịu sợ hãi không nhất thì nhì, không thể thứ ba.Tại sao? Hãy nghe Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trả lời qua bài hát Gia Tài Của Mẹ: ‘Với 1.000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây’.
Tại chúng ta sống trong thời hậu bán thế kỷ 20 và thế kỷ 21, nên khó cảm thông hai chữ ‘đô hộ”để biết nó kinh khiếp dường nào.Rồi 20 nội chiến từng ngày, tiếp theo với những sợ hãi trong lao tù, trên biển cả lênh đênh
Từ sợ hãi đó, dân tộc Việt Nam chúng ta tìm cách thờ lạy biết bao nhiêu thần, nghe ở đâu có sự hiển linh nào thì chạy đến bất kể giả thiệt, từ cây đa, cục đá, đến bất cứ hình thức thần thánh nào, chỉ mong thoát khỏi sợ hãi.Đến nỗi khi Tin Lành của Chúa Jêsus Christ được giảng ra, người Việt Nam chúng ta bị ám ảnh lừa gạt đó nên cũng sợ, vì nghe sao có vẻ đơn sơ quá vậy: Tin thì được cứu?Tin rồi bỏ cha bỏ mẹ sao?Tin rồi đi nhà thờ mất việc làm sao?Sự sợ hãi đóđã khiến người Việt mình nghi sợ cả Chúa, không dám tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, cũng yêu thương chính mình.
Làm sao để người Việt mình hết sợ hãi?Chỉ khi người Việt mình được Chúa ở cùng nhưĐa-vít.
III/. TÔI SẼ Ở TRONG NHÀ CHÚA - Thi thiên 23:6
Trong câu 6 nầy có một từ ngữ có liên hệ rất gần với người Việt Namchúng ta, đó là chữ Phước. Tại sao tôi nói như vậy?Vì người Việt Nam chúng ta rất mong được Phước, bằng cớ: mua hình ông ‘Phước’để trong nhà, dùđó chỉ là hình tưởng tượng vẽra , tạc ra; mua chữ Phước dán trong nhà. Dường như trong tiềm thức người Việt Nam ý thức đời sống vô phước do tội lỗi.
Có thể nói người Việt Nam chúng ta khao khát Phước, tìm kiếm Phước, chạy theo chữ Phước, có những người bao nhiêu năm làm ác, đến cuối đời cũng ráng làm một cái gì đóđể mưu cầu có Phước.
Kỳ diệu thay, tác giả Thi thiên 23:6 nói ngược lại với lẽ thông thường, tác giả Đa-vít không nói: ‘Trọn đời tôi sẽ theo Phước’, nhưngĐa-vít nói: “Trọn đời tôi, phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi”.
Tại sao tác giả Thi thiên 23 nói được như vậy?Và ông trả lời: “Tôi sẽ trong nhà Đức Giê-hô-va - Đức Chúa Trời cho đến lâu dài”. Đa-vít không nói ông ở trong cung điện, một lâu đài giàu có, dù ông là vua, Đa-vít biết khi ông nương náu mình nơi Chúa, chính Chúa là Đấng duy nhất có thể ban phước trọn vẹn cho ông‘Phước đời nầy và Phước cả đời sau’, miễn là Đa-vít quyết định cứ ở trong Chúa, trong Nhà Chúa là Hội thánh của Chúa lâu dài, đời đời.
Nếu chúng ta thật sự muốn dân tộc Việt Nam chúng ta được Phước, thì hãy nhờ ơn Chúa giảng Tin lành cứu rỗi cho đồng bào Việt Nam, hãy khuyên đồng bào Việt Nam chúng ta thôi đừng chạy theo tìm kiếm Phước nữa, thay vào đó tìm kiếm Đức Chúa Trời và sự công bình của Chúa, được ở trong Chúa, ở trong Hội thánh là Nhà Chúa, để Phuớc của Chúa theo sau, như Chúa đã phán hứa trong Mathiơ 6:33, “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài cho thêm mọi điều ấy nữa”.