Tìm Hiểu Thi Thiên 119

ĐỂ THƯỞNG THỨC THI THIÊN 126
Đề mục: CHÚNG TÔI VUI MỪNG
Kinh thánh Thi thiên 126:1-6
Câu gốc: Thi thiên 126:3
*********************************


I/. LÝ DO CHÚNG TÔI VUI MỪNG: 126:1
Ngay câu 1, tác giả Thi thiên 126 đã nói lý do khiến tác giả vui mừng là:“Khi Đức Giê-hô-va dẫn các phu tù của Si-ôn về”.
Để hiểu được lý do vui mừng nầy, chúng ta phải trở lại với lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên. Qua hai sách Các Vua và Sử ký. Hai sách lịc sử nầy chúng ta thấy sau cái chết của vua Sa-lô-môn, nước Y-sơ-ra-ên bị phân chia thành hai vương quốc: Vương quốc Phía Bắc gọi là Y-sơ-ra-ên ; Vương quốc phía Nam là Giu-đa. Kể từ đó, Y-sơ-ra-ên lần lần suy sụp, nhất là Nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc, các vua đều là gian ác, không kính sợ Chúa, nên đến năm 721TC.họ bị quân A-si-ri bắt lưu đày và phân bổ khắp Đế quốc A-si-ri. Còn Vương quốc Giu-đa phía Nam, kéo dài đến năm 586TC.thì bị quân Ba-by-lôn bắt lưu đày qua Ba-by-lôn 70 năm với cảnh vong quốc, nô lệ, sỉ nhục, như các Thi thiên 42, 137 mô tả.
Sách Đa-ni-ên cho thấy dù ông là một quan cao cấp được tôn trọng trong triều đình Ba-by-lôn,nhưng chính Đa-ni-ên cũng như người Y-sơ-ra-ên vẫn bị ghen ghét.
Sách Ê-xơ-tê cho thấy âm mưu tiêu diệt hoàn toàn dân Do thái, dù không còn là dân bị lưu đày, nhưng tư tưởng kỳ thị chủng tộc ghét người Y-sơ-ra-ên vẫn còn trong lòng người Phe-rơ-sơ.
Đặc biệt trong Thi thiên 137:1-4 là tiếng rên siết của người Y-sơ-ra-ên trong cảnh lưu đày:
Chúng tôi đương ngồi trên mé Sông Ba-by-lôn,
Bèn nhớ lại Si-ôn, và khóc.
Chúng tôi treo chiếc đờn cầm chúng tôi
Trên cây dương liễu của sông ấy.
Vì ở đó những kẻ bắt chúng tôi làm phu tù,
Có biểu chúng tôi hát xướng;
Kẻ cướp giựt chúng tôi có đòi chúng tôi hát mừng, mà rằng:
Hãy hát cho chúng ta một bài ca của Si-ôn.
Trên đất ngoại bang,
Chúng tôi làm sao hát được bài ca của Đức Giê-hô-va?
Trong cảnh lưu đày vong quốc kéo dài 70 năm như vậy, giữa lúc lòng người mòn mỏi, Chúa cho dân Y-sơ-ra-ên được hồi hương, trở về quê cũ. Thật không có niềm vui nào lớn hơn.
Để chia sẻ niềm vui trở về nầy, anh chị em có thể nhìn vào những thước phim ghi lại ngày Đồng minh chiến thắng Phát-xít Đức, các dân tộc bị đô hộ phục hồi chủ quyền, nhìn cảnh cờ bay, nghe tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng khóc lẫn lộn, chúng ta mới cảm thông được phần nào niềm vui của tác giả Thi thiên 126. Chỉ với thời gian từ 1939-1945, mà niềm vui còn lớn lao thế, huống chi người Y-sơ-ra-ên chịu lưu đày 70 năm!
Tác giả Thithiên 126 mô tả niềm vui của những phu tù Si-ôn trở về giống như nằm chiêm bao, nghĩa là như trong mơ, không tin đó là sự thật.
Một phu tù đời nầy trở về vui mừng là như thế, anh chị em hãy nghe sự vui mừng khi một phu tù thuộc linh từ trong tội lỗi trở về với Chúa, được chính Chúa Jêsus Christ mô tả trong Luca đoạn 15:

  • Luca 15:7, khi người chăn chiên tìm được con chiên lạc trở về, Chúa Jêsus phán: “Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn”.…
  • Luca 15:10, khi người đàn bà tìm được đồng bạc bị mất, Chúa Jêsus phán: “Ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng rỡ cho một kẻ có tội ăn năn”.
  • Luca 15:23-24, khi đứa con hoang đàng trở về, Chúa Jêsus đã mượn sự vui mừng của người cha mô tả niềm vui của Cha chúng ta trên trời, Chúa Jêsus phán: “Người cha bảo đầy tớ rằng: Hãy mau mau lấy áo tốt nhứt mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chơn. Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được. Đoạn, họ khởi sự ăn mừng”.

Tôi xin Chúa cho anh chị em mỗi lần nghe biết có một người tin Chúa Jêsus Christ, mỗi lần nghe một tiếng khóc ăn năn của một người thưa với Chúa, anh chị em cũng có vui mừng như vậy. Tôi tin rằng anh chị em cũng vui mừng, vì chỉ có quỉ Sa-tan và những kẻ theo nó mới không vui khi thấy tội nhân quay về với Chúa. Riêng cá nhân tôi, tôi vui lắm, nhiều lần nước mắt tôi chảy vì Chúa thật yêu thương còn cho Hội thánh đem được người trở lại với Chúa.Thật sự đối với chức vụ của tôi khác gì chiêm bao. Tôi xin Chúa cho niềm vui vì có người tin Chúa Jêsus Christ, Hội thánh được gây dựng luôn tiếp diễn, tiếp diễn trong Hội thánh.
II/.  CÁCH VUI MỪNG: 126:2-4
Phân đoạn nầy tác giả Thi thiên thứ 126 diễn tả sự vui mừng của mình khi thấy Chúa cho các phu tù Si-ôn trở về. Sự vui mừng nầy được diễn tả như những nhịp sóng nầy lan đến nhịp sóng khác. Chúng ta có thể thấy ba nhịp sóng vui mừng ở đây, có lẽ đó cũng là lý do Thi thiên nầy được gọi là Thi thiên đi lên từng bực như chú thích nhỏ đầu Thi thiên:

  • Câu 2a, “Bấy giờ miệng chúng tôi đầy sự vui cười, lưỡi chúng tôi hát những bài mừng rỡ”.

Những từ ngữ: “miệng chúng tôi đầy sự vui cười”, không phải là VUI CƯỜI, nhưng là ĐẦY sự vui cười; “lưỡi chúng tôi hát những bài ca mừng”, không phải là những bài ai ca than thở trong cảnh lưu đày như Thi thiên 137 nữa, nhưng là những bài ca mừng, cũng không phải một vài bài mà là NHỮNG BÀI, NHIỀU BÀI ca vui mừng. Tôi cứ suy nghĩ đến họ cứ hát mãi, hát mãi. Nhịp sóngvui mừng thứ nhất khởi động từ chính những người phu tù trở về, là những người chịu tù đày 70 năm được tự do bộc lộ vui mừng.
Vào năm 1978, trong một bài giảng sáng Chúa nhật về Thi thiên 146, đến câu 7, tôi thật không biết phải diễn tả làm sao. Tôi hôm ấy Chúa cho tôi vào tù được nhìn thấy những người tù ngồi chờ năm tháng nầy qua năm tháng khác để mong được thoát khỏi cảnh bị hà hiếp; nhìn thấy cảnh những người tù tranh nhau từng miếng bánh, từng hạt bắp, từng củ khoai; rồi đến ngày khi một người được gọi tên lãnh giấy tha được tự do, tôi thấy người đó nhảy lên, hét lên, tay chân như quýnh quíu. Tôi hiểu được câu Đức Giê-hô-va giải phóngkẻ bị tù. Và bây giờ tôi nhìn thấy gương mặt, con mắt, cái miệng của tác giả Thi thiên 126 nầy, thật khéo léo khi nói:  MIỆNG ĐẦY, LƯỠI HÁT. 

  • Câu 2b, “Trong các dân ngoại, người ta nói rằng:Đức Giê-hô-va đã làm cho họ những việc lớn”, việc vĩ đại.

Đây là nhịp sóng vui mừng thứ hai được tạo ra từ nhịp sóng vui mừng thứ nhất. Sự vui mừng của những kẻ phu tù trở về đã lây lan đến dân ngoại, là những người chưa tin. Lời những dân ngoại nầy đề cập đến Danh của Chúa là Đức Giê-hô-va đã làm cho họ những việc lớn, chứng tỏ dân ngoại biết Chúa nhưng chưa chịu tin Chúa. Cảm ơn Chúa, khi những người chưa tin nầy nhìn thấy sự vui mừng tràn ngập đời sống người đã tin và được giải cứu, họ nhìn nhận Chúa, nghĩa là họ bằng lòng tin Chúa.
Thật không có bài làm chứng nào tốt hơn là đời sống của những người được Chúa cứu khỏi tội lỗi, khỏi sự tối tăm, sống vui mừng, bình an, thỏa lòng.
Sách Tin Lành Giăng 4:28-30, ghi lại người đàn bà Sa-ma-ri này có đời sống được biến đổi từ cách sống âm thầm lặng lẽ, hổ thẹn, mặc cảm, đã trở nên vui mừng, dạn dĩ khoe với mọi người niềm tin của bà. Chính sự vui mừng lạ lùng đó đã thu hút dân làng Si-kha đến với Chúa Jêsus.
Sách Công vụ 8:5-8, thành Sa-ma-ri được vui mừng khôn xiết, khi nhìn thấy đời sống kỳ diệu của Chấp sự Phi-líp và những người tin Chúa Jêsus Christ.

  • Câu 3-4, Nhịp sóng vui mừng đã vượt ra khỏi con người lan đến muôn vật chung quanh.

Câu 3 là lời lập lại tiếng reo vui của câu 2b, giống như tiếng băng reo.Chúng ta có thể nghe tiếng hát vui mừng dội (echo) đến cả núi rừng, dường như núi rừng cũng hòa chung.
Câu 4, các sông suối hình như cũng trổi tiếng ca hát chung vui. Các sông miền nam, tức là vùng sa mạc Negev, thường khô cạn trong mùa hè, phải đợi đến mùa Xuân mới có nước. Nhưng các sông suối ấy có thể hiểu theo hai ý:

  • Ý thứ 1: Được tác giả dùng như một hình ảnh so sánh. Suối miền nam khô cạn, thình lình lại có nước, thật là một sự vui mừng.
  • Hoặc tác giả mượn ý rằng các sông suối miền nam khô cạn cũng biết chung vui khi các phu tù trở về. Tiếng nước từ các sông suối chảy được tác giả tưởng tượng như tiếng nhạc reo vui.

Chúng ta phải trở lại với sự vui mừng mà Chúa Jêsus đã nói đến khi một tội nhân ăn năn quay về với Chúa trong Luca 15: cũng giống như vậy:

  • Luca 15:7, Chúa Jêsus phán: “TRÊN TRỜI cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn”.…
  • Luca 15:10, Chúa Jêsus phán: “THIÊN SỨ của Đức Chúa Trời … cũng mừng rỡ cho một kẻ có tội ăn năn”.
  • Luca 15:22-24, Chúa Jêsus phán: “NGƯỜI CHA vui mừng, CẢ NHÀ cùng vui”.

Anh chị em ơi, hãy làm cho Thiên đàng, thiên sứ và Cha chúng ta trên trời lúc nào cũng vui mừng bằng cách chúng ta đem những tội nhân trở lại với Chúa , tin Chúa, được cứu rỗi, Đó là lý do Thiên đàng lúc nào cũng đầy tiếng ngợi khen, vì dưới đất nầy có những con dân của Chúa lúc nào cũng nổ lực làm chứng đạo, lúc nào cũng nổ lực truyền giảng, gây dựng Hội thánh, mỗi ngày đều có thêm người vào Hội thánh (Công vụ 2:47).
III/. ĐIỀU KIỆN CÓ VUI MỪNG: 126:5-6
Có hai từ ngữ nổi bật trong hai câu nầy liên quan đến sự vui mừng là: GIEO GIỐNG (ĐEM GIỐNG RA RẢI) và GIỌT LỆ (KHÓC).Chúng ta có thể dùng ba chữ thứ tự như sau: GIEO - GIỌT - GẶT.
Nghĩa là để có được sự gặt hái vui mừng, chúng ta phải gieo - có gieo thì mới có gặt.Nhưng gieo cũng chưa đủ, còn phải đổ mồ hôi, đổ nước mắt, thì mới gặt hái vui mừng được.
Nếu anh chị em đọc các sách như E-xơ-ra, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê, Đa-ni-ên, Ê-xê-chi-ên, sẽ thấy các Thánh đồ, các tiên tri đã đổ nước mắt, đã cầu nguyện thiết tha, đã giảng dạy khuyên răn, khích lệ dân sự; chẳng những thế, họ còn sống gương mẫu để làm chứng cho các dân tộc mà họ đang bị bắt lưu đày, cảm hóa những kẻ thù đó. Suốt 70 năm họ đã gieo, đã giọt lệ, nên Chúa đã cho họ gặt hái cách vui mừng.‘
Có người nói: ‘Trong sự thành công không bao giờ thấy bóng dáng của người lười biếng’. Anh chị em hãy nhìn vào những kết quả của Hội thánh đầu tiên qua sách Công vụ các Sứ đồ. Sự thành công đó đến từ những sự thiết tha cầu nguyện, sự ăn năn xưng tội, từ sự đồng công hiệp một của toàn Hội thánh.
Lịch sử các Chiến dịch Truyền giảng Tin Lành như của Billy Graham, các cuộc phục hưng ở Hội thánh thế giới, không có một Chiến dịch Tin Lành nào, không có một cuộc Phục hưng nào, mà không có công khó của bao nhiêu người GIEO GIỐNG - GIỌT LỆ, nói cách khác, có rất nhiều người đã đem giống ra rải - giảng dạy; đã khóc - nghĩa là đã cầu nguyện với tất cả tấm lòng tan vỡ.
Đối diện với Lời Chúa hôm nay qua Thi thiên 126, chúng ta học được bài học gì?Tôi xin Chúa mở mắt, mở lòng mỗi chúng ta nhìn thấy, chúng ta đã gieo rất ít, đã giọt lệ rất ít, nhưng cảm ơn Chúa còn thương xót Hội thánh cho có vài nụ cười vui mừng.Tại sao chúng ta không gieo nhiều hơn, không giọt lệ nhiều hơn, để Chúa yêu thương là Đức Giê-hô-va dẫn vô số phu tù tội lỗi trở về, để chúng ta có thể hát Thi thiên 126 khác nào nằm chiêm bao?