Con Đường Thập Tự

TINH THẦN DÂNG HIẾN


Ngày tôi về nhậm chức tại Túc Trưng, thấy quyển sổ tài chánh của Hội Thánh là một quyển sổ vuông rất lớn, mỗi cạnh là 4 tấc khi gấp lại, tôi cứ nghĩ sự dâng hiến lớn lắm. Khi mở sổ ra xem, thấy danh sách tín hữu dâng hiến mỗi tháng thật dài, nhưng khi cộng lại thì tổng số tiền dâng không nhiều, chủ yếu là tiền hộp hằng tuần. Ða số con cái Chúa quá nghèo, tiền bạc đối với họ là cái gì quá hiếm, nhưng tôi vẫn cứ khuyến khích con cái Chúa dâng một phần mười cho Chúa. Cảm ơn Chúa lần lần các con cái Chúa bắt đầu dâng một phần mười từ tiền bán gà, bán trái mít, bán rau, bán heo.
Tôi vẫn nhớ tấm lòng dâng hiến một phần mười của một tín đồ người Thượng nghèo. Ông tên là Ðiểu Gian, nhưng lòng ông thật không có chút chi gian ác, mà trái lại rất yêu mến Chúa. Khi những ngày của biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đến gần, một số con cái Chúa bỏ chạy lánh nạn. Khi cuộc chiến vừa tàn, ai nấy trở về với bao nhiêu mất mát, có người không còn gì để ăn, tôi phải tổ chức nấu cháo, nấu cơm, tạm cho họ đỡ lòng qua một bữa. Sáng Chúa nhật đầu tiên sau khi trở về, ông Ðiểu Gian đi nhà thờ và gặp ông Thủ Quỹ của Hội Thánh, ông Gian móc trong túi ra một gói nylon, trong đó có một số tiền. Ông Gian nói với chúng tôi rằng ngày ông chạy lánh nạn chiến tranh, ông có dắt theo hai con trâu, trên đường, vì không thể nuôi nữa, nên ông đã bán lấy tiền tiêu xài. Tuy nhiên ông vẫn để dành một phần mười tiền bán trâu đem về dâng cho Chúa. Còn nói được lời nào trước tấm lòng của ông Gian không?!
Tôi cũng vẫn nhớ một con cái Chúa được kêu theo tên chồng là Bà Bá. Năm 1980 bà từ Hội Thánh Phúc Âm ngoài Bình tuy vào Túc Trưng tìm cách di chuyển gia đình vào sinh sống. Bà tạm đi làm cỏ mướn, chắt chiu từng đồng, nhất là những năm đó là những năm thiếu ăn. Thế mà bà cứ trung tín để dành tiền một phần mười dâng cho Chúa. Một chiều thứ bảy, lúc bấy giờ sau những ngày ở tù hai năm về, tôi bịnh nhiều lắm, bị ho suốt. Trừ sáng Chúa nhật, còn suốt ngày tôi phải nằm trên chiếc võng cũ, nghĩ đến ngày mai là Chúa nhật, tôi thèm ăn một miếng gì đó ngoài món đọt đậu rồng chấm tương mà gia đình chúng tôi phải ăn cả tuần. Thèm ăn với ý nghĩ là hi vọng có một chút sức để có thể giảng dạy ngày mai. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ thôi, vì gia đình tôi không còn tiền suốt tuần rồi.
Ðộ hơn bốn giờ chiều, bà Bá đến thăm tôi trên đường đi làm cỏ mướn về. Bà nói tuần qua bà đi làm cỏ mướn được năm mươi lăm đồng, bà dâng một phần mười cho Chúa là năm đồng năm mươi xu. Bà vừa nói vừa móc trong túi áo rách vá chằng đụp mặc đi làm mướn còn ướt đẫm mồ hôi, một gói nylon nhỏ và đếm tiền đưa cho tôi. Tôi nói với bà: ‘Bà dâng tiền thì để sáng mai Chúa nhật đi nhà thờ, bà đưa cho Thủ Quỹ Hội Thánh’. Nhưng bà Bá nói: ‘Tôi biết. Nhưng Chúa thúc giục tôi đưa số tiền nầy cho ông Mục sư, còn tiền dâng ngày mai tôi có rồi’. Cảm ơn Chúa, thế là buổi chiều hôm đó, tôi có được một tô hủ-tíu hai đồng, còn lại ba đồng năm mươi lăm xu để mua cá khô cho cả nhà ăn qua ngày tiếp tục hầu việc Chúa.
Nói đến dâng một phần mười, tôi cũng phải nói đến sự trung tín dâng một phần mười lúa cho Chúa của các con cái Chúa tại Túc Trưng. Sau Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus giáng sanh đầu tiên của chức vụ chúng tôi tại Túc Trưng (năm 1972), một hôm có mấy người tín đồ gùi lúa tới, có người chở những bao lúa tới tư thất, hỏi tôi: ‘Thầy ơi, lúa nầy để đâu?’ Tôi ngạc nhiên hỏi: ‘Lúa gì vậy?’ Con cái Chúa trả lời: ‘Lúa dâng một phần mười cho Chúa’. Tôi không hiểu gì hết, nên bảo tạm thời để tập trung một chỗ, chờ tôi hỏi Ban Trị Sự Hội Thánh. Một sự ngạc nhiên rất thích thú cho tôi, khi biết rằng từ năm 1951, nghĩa là từ lúc Hội Thánh được thành lập tại Túc Trưng, Truyền giáo Nguyễn Hậu Lương đã dạy con cái Chúa người Thượng biết dâng một phần mười ngoài tiền bạc, họ cũng dâng lúa cho Chúa.
Tôi nói với Ban Trị Sự Hội Thánh tại sao dâng tiền thì cầu nguyện nghiêm trang, còn dâng lúa lại âm thầm đem vào kho. Tôi yêu cầu cho tổ chức một Lễ Dâng Hoa Màu Cho Chúa giữa nhà thờ, mục đích cho con cái Chúa làm chứng ơn Chúa trong vụ mùa vừa qua, vừa hiệp lại cầu nguyện cho vụ mùa năm tới. Cảm ơn Chúa cho các con cái Chúa rất cảm động, khiến những người chưa biết dâng cũng đã bắt đầu dâng. Số dâng có năm lên đến gần 300 giạ (một giạ = 40 lít). Ban Trị Sự Hội Thánh sắp xếp để một bồ lúa riêng dành cho chủ tọa Hội Thánh ăn suốt năm; số còn lại chia ra từng nhu cần cho năm mới: Ðể dành ngân quỹ Hội Thánh bao nhiêu, dành cho chi phí đi dự Hội Ðồng Ðịa Hạt, Hội Ðồng Tổng Liên Hội bao nhiêu; để dành cho những ngày Lễ lớn trong Hội Thánh như Lễ Phục Sinh, Lễ Giáng Sinh, Tết, những dịp Bồi linh, dịp Truyền giảng, cũng dành phần cứu đói cho tín đồ vào những tháng 7 và 8 hằng năm. Ðặc biệt cũng dành ra một số cho con cái Chúa trong Hội Thánh mượn ăn hoặc làm giống (số lúa mượn nầy khi trả thì có lời, mục đích để hạn chế và không ai phân bì).
Sau năm 1975, Chánh quyền mới ra lịnh cho dân chúng trong Xã phải đóng thuế Nông Nghiệp bằng lúa, lịnh nầy gặp phản ứng của dân các Ấp khiếu nại là mới hòa bình, mùa màng bị thất mùa, dân chúng đưa ra rất nhiều lý do để xin miễn thuế. Khi những Cán bộ thuế đến họp dân tại hai Ấp Ðồng Xoài và Ðức Thắng, hai Ấp đa số là người Tin Lành, họ cũng gặp phản ứng khiếu nại giống như 9 Ấp kia, mặc dù hai Ấp là của người Thượng. Họp xong, con cái Chúa ra về đến gặp tôi (tôi không đi họp những buổi như vậy, nhất là Ban Trị Sự Hội Thánh cũng không muốn tôi đi họp với lý do Mục sư đâu phải dân đâu mà đi họp, thường các con cái Chúa đi họp hoặc các con cái Chúa làm việc trong Ấp, về thuật lại cho tôi nghe) thuật lại lời những Cán bộ thuế nói: ‘Nhà Nước bảo bà con đóng thuế “Nghĩa Vụ Nông nghiệp” thì bà con nói mất mùa, mới hòa bình, đưa nhiều lý do để không đóng thuế; nếu ông Thầy ở  nhà thờ (họ ám chỉ tôi) bảo dâng cho Chúa, bà con dâng hết liền’. Rồi con cái Chúa hỏi tôi: ‘Năm nay Hội Thánh có tổ chức Dâng Lúa nữa không, Mục sư?’. Tôi trả lời bằng cách yêu cầu các con cái Chúa trả lời ba câu:
1.    Thứ nhất: Ai bảo anh chị em dâng hiến? Chúa bảo hay Mục sư bảo? Con cái Chúa trả lời: ‘Chúa bảo’. Tôi nói: ‘Thế thì chúng ta cứ vâng lời Chúa mà làm theo Chúa dạy”
2.    Thứ hai ‘Anh Chị em dâng cho AI? Cho Mục sư hay cho Chúa?’ Con cái Chúa trả lời: ‘Dâng cho Chúa.’ Tôi nói: ‘Dâng cho Chúa thì cứ dâng’
3.    Thứ ba: ‘Anh chị em dâng như vậy có phước hay vô phước? Con cái Chúa trả lời: ‘Có phước!’. Tôi nói: ‘Có phước thì cứ dâng’.
Và cảm ơn Chúa cho con cái Chúa tiếp tục trung tín dâng chẳng sợ hãi gì. Lạ lùng thay, Chánh quyền cũng không ai nói gì, dù Hội Thánh tổ chức dâng hiến công khai chất đầy lúa trong nhà thờ để cầu nguyện trước khi đem vào kho.
Ngoài sự dâng hiến tiền bạc, dâng lúa, các con cái Chúa cũng thường đem cho chúng tôi những thức ăn mà họ có được như: rau muống ruộng, đọt bí, bông bí, cải trời, bí đỏ, … Mỗi buổi chiều đi rẫy về, con cái Chúa ghé vào tư thất cho chúng tôi những bó rau thật to bằng cả người ôm. Ðến mùa bắp, cứ mỗi ngày có từ năm đến mười gia đình cho ít nhất mười trái bắp, thì chúng tôi đã có trên 100 trái bắp tươi, ngọt, ngon vì là bắp mới bẻ từ rẫy về, mà lại là loại bắp nếp nữa. Với số lượng bắp nhiều như vậy, chúng tôi không thể nấu hay nướng từng trái, mà phải xát ra rồi rế cơm để ăn. Mãi nhiều năm sau đã về Sàigòn, các con tôi vẫn còn nhớ đến những trái bắp tại Túc Trưng ngon ngọt, chê bắp Sàigòn cứng và khô.
Có khi con cái Chúa cho cá hoặc bán giá rẻ, vì những con cá to quá, ngoài chợ họ lại không chịu mua. Một lần khi con cái Chúa biết chúng tôi có thể ăn thịt lươn, những người có nghề xơm lươn lại đem cho chúng tôi những con lươn vàng thật to. “Xơm lươn” là người ta dùng một cái chỉa hai hoặc chỉa có ngạnh, họ tìm những vũng bùn sình rồi xơm xuống. Khi con lươn bị xơm trúng, nó sẽ vặn mình, nhưng nhờ cái ngạnh của chỉa, họ sẽ bắt được lươn, đôi khi họ bắt được rất nhiều. Cũng có thịt rừng nữa, những con cheo, nai, heo rừng, chim, khỉ, kỳ đà, gà rừng, mật ong rừng (không sợ bị giả). Ðặc biệt là thịt dê của tín đồ nuôi, nên chúng tôi cũng được thưởng thức món cà-ri-dê.

NHỮNG TÌNH HUỐNG ÐẶC BIỆT:
Tín Ðồ Giết Người!
Chiều Chúa nhật, tôi đang dạy Kinh Thánh cho các Thanh niên, ông Ba Lam đến báo tin cho tôi: ‘Thầy ơi, thằng Ðệ tôi (Ðệ là rể của ông) bắn chết người rồi!’ Vừa nghe, tôi bủn rủn cả người, nhưng cố giữ và nói: ‘Ông Ba về trước, tôi đến liền’. Lập tức tôi cho lớp học cầu nguyện kết thúc, rồi lấy xe Honda chạy ra tới cổng sau nhà thờ thì Trung Úy Trưởng Cuộc Cảnh Sát cũng vừa chạy vụt ngang qua hướng về nơi xảy ra vụ án. Ðến hiện trường thì Trung Úy Trưởng Cuộc bắt tay tôi, còn tôi chủ động nói trước: ‘Cái anh Thổ Ðệ nầy là một tín đồ tốt, không biết tại sao xảy ra vụ việc.’ Viên Trung Úy Trưởng Cuộc Cảnh Sát trấn an tôi: ‘Mục sư yên tâm, để tôi xem thế nào’. Tôi đi theo viên Trung Úy Cảnh sát đo đạc tầm bắn, nghe nhân chứng, kể cả vợ của nạn nhân. Gia đình nạn nhân và ông Ba Lam (cha vợ của Thổ Ðệ, người gây án) là bà con và ở kế bên nhà. Nạn nhân vốn có bịnh thần kinh lại say rượu, cầm cây xà-beng xông vào nhà của ông Ba Lam rượt các con của ông, trong đó có Thổ Ðệ là người lớn trong số đó. Anh Ðệ đã đứng ra cản bằng cách dụ cho nạn nhân rượt, Anh Ðệ chạy về nhà bên kia đường rồi đóng cửa trốn trong nhà. Nhưng nạn nhân dùng cây xà-beng cạy cửa. Lúc ấy vợ con của Thổ Ðệ ở trong nhà, quá sợ hãi, nên Anh Ðệ lấy cây súng Carbin được phát cho những Nhân Dân Tự Vệ để gác ban đêm, anh đi từ cửa sau ra trước chỉa súng vào nạn nhân đang phá cửa nhà của anh, anh quát bảo bỏ xà-beng xuống, nhưng nạn nhân xông tới và anh Ðệ đã nổ súng cách nhau một mét, đạn xuyên từ lồng ngực trước ra phía sau, nạn nhân ngã gục chết tại chỗ.
Thảo luận với viên Trung Úy Cảnh sát, tôi ký biên bản bảo lãnh Thổ Ðệ về nhà. Tôi cũng yêu cầu gia đình hai bên (đều là tín đồ) dàn xếp nhau để gia đình Thổ Ðệ lo mai táng nạn nhân, giúp đỡ những điều cần. Ðến ngày giải giao Thổ Ðệ xuống Tòa án tỉnh Biên hòa, tôi cùng đi và vào gặp vị Biện lý để giải thích thêm ngoài Biên Bản của Cảnh Sát Cuộc sở tại, đồng thời xin bảo lãnh cho Thổ Ðệ được tại ngoại hầu tra. Cảm ơn Chúa, ba tháng sau, Tòa tuyên án phạt Thổ Ðệ ba tháng tù treo. Gia đình hai bên cũng hòa thuận. Cảm ơn Chúa!
Ðối Diện Cơn Giận Dữ
Trong khi đi thăm viếng, tôi được biết một chị tín đồ làm vợ bé cho một tín đồ đang đi lính Biệt Ðộng Quân. Anh nầy đã có vợ và một con gái (cũng là tín đồ trong Hội Thánh). Tôi khuyên chị tín đồ làm vợ bé đó không được tiếp tục quan hệ với anh tín đồ kia.
Buổi tối hôm đó, tôi đang ngồi nói chuyện với hai tín đồ ngoài hành lang tư thất, lúc bấy giờ chỉ xài đèn dầu nhỏ, vì chưa có điện, chợt nghe tiếng của anh tín đồ đi lính Biệt Ðộng Quân từ phía sau nhà thờ, vừa đi vừa la lớn với giọng đang say rượu: ‘Ông Thầy đâu rồi? Tại sao ông không cho tôi lấy vợ bé?’ Tôi cũng nghe tiếng lên cò súng ‘rốp rốp’ của anh ấy. Hai người tín đồ đang ngồi nói chuyện với tôi lập tức đứng dậy định đi ra ngăn anh ấy, nhưng tôi bảo cả hai bình tỉnh ngồi xuống. Anh ấy đi vào từ cổng sau nhà thờ, từ từ hướng về chỗ tôi ngồi, vừa đi vừa la lớn, trên tay bồng khẩu súng. Tôi đợi anh ấy đến gần và lên tiếng: ‘Anh Tiên (tên của anh ấy) phải không?’ Ðột nhiên anh dừng lại và trả lời: ‘Dạ.’ Tôi nói tiếp: ‘Bây giờ anh đi về ngủ. Sáng mai 8 giờ ra gặp tôi. Thôi, về ngủ đi!’ Cảm ơn Chúa, anh ấy ngoan ngoản quay lại và đi về. 8 giờ sáng hôm sau, anh ấy đúng hẹn ra tư thất gặp tôi và khóc xin lỗi tôi. Sau khi nghe tôi giải thích, anh xin cầu nguyện ăn năn và hứa về với người vợ lớn và con của anh, không liên hệ với người vợ bé nữa. Thật, cơn giận loài người ngợi khen Chúa, còn sự giận dư lại Chúa sẽ ngăn trở (Thi thiên 76:10)